Nhân vật chống phá cách mạng vô thức

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong Ngân thành cố sự của Lý Nhuệ (Trang 58)

7. Đóng góp mới của luận văn

2.3.2. Nhân vật chống phá cách mạng vô thức

Nếu Âu Dương Lang Vân, Lưu Lan Đình, Lưu Chấn Võ muốn đem cách mạng về quê hương, viết lại lịch sử Ngân Thành; thì Nhiếp Cần Hiên và Lưu Tam Công dù không tự giác nhưng đã có những hành động chống phá cách mạng. Cơn tao loạn của lịch sử khiến họ cũng không thoát khỏi một kết cục bi kịch. Tuy họ giữ được mạng sống nhưng cuộc sống đó có ý nghĩa gì khi tất cả đã đổ nát.

Nhân vật Nhiếp Cần Hiên được tác giả miêu tả sinh động, hấp dẫn với những ưu tư, chiêm nghiệm cá nhân trong buổi thời tàn mạt vận. Xuất thân từ một anh lính bộ binh, làm quan đến chức lục phẩm cũng đã coi như cố gắng hết sức rồi; nếu có cáo lão hoàn hương thì cũng được. Vào thời buổi loạn lạc đầu rơi máu chảy, Nhiếp Cần Hiên có lẽ là người hiểu thấu lịch sử và con người Ngân Thành. Nhiếp Cần Hiên đã bức được Âu Dương Lang Vân ra tự thú, đâm chết anh ta; gài Lưu Tam Công dự tiệc để vô hiệu hoá mọi tính toán của Lưu Chấn Võ. Nhưng vị thống lĩnh quân tuần tra này cũng có nhiều tâm

57

tư. Hành động dẹp bọn phản loạn Đồng Minh hội không phải là hành động tự giác. Ông làm điều đó chỉ vì sự tận trung với triều đại Mãn Thanh. Một sự tận trung dẫu biết rằng ngu ngốc, mù quáng: "Ngày nào còn là thần dân của vương triều này tôi phải hết lòng vì bổn phận" [29, 233]. Cho nên, giết xong Âu Dương Lang Vân, Nhiếp Cần Hiên - người lính già thân chinh bách chiến đã từng giết rất nhiều người, giờ khóc như mưa như gió. Ông gọi chàng trai chỉ đáng tuổi con mình là "tiên sinh":

"Tiên sinh đã cứu Ngân Thành thoát khỏi ngọn lửa chiến tranh, cứu vớt bao nhiêu sinh linh vô tội. Công đức của tiên sinh cao như núi. Tôi chặt đầu tiên sinh nhưng đảm bảo sẽ vẹn toàn cơ thể, hành hình xong sẽ mua quan tài hậu táng cho tiên sinh. Chúng ta sẽ gặp lại dưới suối vàng" [29, 236].

Không còn trật tự ngôi thứ thông thường, giữa quan và dân, giữa người cầm quyền và kẻ vi phạm pháp luật. Nhiếp Cần Hiên đã bị khuất phục trước uy quyền của Âu Dương Lang Vân? Không! Nhiếp Cần Hiên cảm phục chàng trai trẻ thì đúng hơn. Ông giết Âu Dương Lang Vân không phải để phục vụ cho mục đích, lí tưởng gì cao cả. Ông biết: "Nhà Đại Thanh chắc chẳng còn mấy bữa nữa. Tôi là một lính già đã về vườn, không mong phải đánh nhau với các anh" [29, 233]. Hành động của Nhiếp Cần Hiên giờ đây hoàn toàn theo quán tính như một cái đồng hồ chạy khi đã lên dây cót. Không một vị thống lĩnh quân tuần tra nào vào trận chiến lại nhụt ý chí như Nhiếp Cần Hiên: "Nghe xong ba quân lệnh giật gấu vá vai này, Nhiếp Cần Hiên không nói được lời nào, chỉ biết nở nụ cười chua xót. Viên đại nhân nói đúng, đây là thời cùng thế tận, đánh trận này chỉ là không thể đánh, tới trận sau cũng vậy mà thôi. Mắt thấy vận mệnh của Đại Thanh đã hết, đánh hay không đánh chung quy cũng chẳng còn đủ sức về chầu trời" [29, 22]. Ông đã chua chát nhận ra số phận của kẻ sinh bất phùng thời như mình. Đa mưu, quả cảm cũng không ngăn cản một kết thúc bi thảm rồi sẽ đến với ông. Ông khóc cho Âu Dương Lang Vân cũng là khóc cho sự ra đi mãi mãi của đời người lính già.

58

Cảm giác chênh vênh, sầu muộn luôn xuất hiện, ám ảnh con người tội nghiệp này. Bóng đêm trước mắt còn lâu mới sánh được sự tăm tối trong tâm tưởng của ông. Cái kết thúc tưởng tượng như một định mệnh chờ sẵn ông ở phía cuối con đường. Ông - con ngựa vừa gầy vừa già của triều Đại Thanh sớm muộn rồi cũng sẽ gục ngã giữa đường, bị lũ kiến cỏ gặm nhấm. Rồi khi đã nạo hết xương tuỷ sạch sẽ, đám kiến cỏ sẽ giải tán sạch trơn và không ai biết chúng từ đâu đến, tên họ chúng là gì. Một sự hi sinh vô nghĩa lí! Trong tột cùng của sự hoang mang, bế tắc ông thấy nhớ quê hương da diết, tìm về với quê hương như một giải pháp an thần. Cả cuộc đời của ông tận trung phục vụ cho triều đại nhưng thời thế thay đổi, khiến ông cũng bị "quăng" ra ngoài lề lịch sử, trở thành công cụ của lịch sử. Người lính già Nhiếp Cần Hiên cũng giống như thầy giáo làng Trương Trọng Ngân trong tác phẩm "Ngàn dặm không mây" của Lý Nhuệ. Cả hai đều bị khủng hoảng tinh thần. Họ hiến thân cho những việc biết là không làm được mà vẫn cứ lao vào là "những khách vãng lai của những bi kịch không bao giờ chấm dứt" (Lý Nhuệ - Bài trả lời phỏng vấn của Chung Hồng Minh).

Không giống như Nhiếp Cần Hiên một lòng phụng sự triều đình, Lưu Tam Công - ông chủ của gia tộc Đôn Mục Đường chỉ chăm lo đến việc kinh doanh. Nhưng cơn lốc của lịch sử, dòng thác cách mạng rồi sẽ cuốn con người này đến đâu? Là người kinh doanh, Lưu Tam Công hiểu rõ sức mạnh của đồng tiền.Với đồng tiền, Lưu Tam Công nghĩ có thể xoay chuyển càn khôn. Thuở Nhiếp Cần Hiên mới nhận chức, ông đã mất cho Nhiếp Cần Hiên năm nghìn lượng. Và do cuộc tạo phản bất thành của con trai, ông mất tiếp ba vạn lượng. Đúng là: "việc đời bất luận to nhỏ, từ quốc gia xã tắc đến tương cà mắm muối chẳng qua là tính toán" [29, 248]. Nhiếp Cần Hiên đã làm mọi điều theo ý của Lưu Tam Công, nhưng chính Lưu Tam Công lại không thể ngờ nổi sự nghiệt ngã của số mệnh. Tiểu thuyết kết thúc với cảnh Lưu Tam Công đầu bạc trắng phủ phục quỳ lạy Ngưu Vương, con trâu biểu tượng cho

59

sự thịnh vượng của Ngân Thành. Nhưng con ruột tự sát, con nuôi bị giết, cuộc sống của người cha giàu sang tột đỉnh này liệu có ý nghĩa gì? Kết cục cuộc đời của Lưu Tam Công giúp ta hiểu: tạo hoá đã trêu ghẹo số phận của con người khiến con người không thể sống nổi: "Nợ tiền, nợ bạc ai cũng tính được, nhưng số trời thì bao nhiêu cho vừa? Làm sao mà tôi biết được bao nhiêu tiền thì mua được số trời?" [29, 250].

Lưu Tam Công cũng giống như Nhiếp Cần Hiên cả hai đều không theo cách mạng. Họ khác nhau ở chỗ: Nhiếp Cần Hiên phải thực hiện nhiệm vụ đàn áp cách mạng của nhà cầm quyền. Còn Lưu Tam Công không quan tâm đến cách mạng. Ông không chống phá cách mạng nếu nó không liên quan gì đến việc kinh doanh của nhà họ Lưu. Lưu Tam Công thực sự không hiểu nổi tại sao cậu con trai của mình lại làm cách mạng:

"Ngân Thành là Ngân Thành của Đôn Mục Đường chúng ta! Sao anh lại trở về Ngân Thành để phá phách hả? Anh có biết, anh phá huỷ Ngân Thành tức là đập vỡ bát cơm của họ Lưu ta? Anh phá huỷ Ngân Thành thì ta đào giếng muối ở đâu bây giờ. Người Ngân Thành đời nọ tiếp đời kia đào muối, chứ không phải do tạo phản mà có ngày hôm nay... Kẻ nào ngồi lên đầu thiên hạ thì kẻ đó vẫn phải ăn muối. Chúng ta chỉ kinh doanh muối của nhà, quản sao nổi ai cầm đầu thiên hạ, mà quản để làm gì?" [29, 241].

Suy nghĩ của Lưu Tam Công rất đơn giản. Đối với ông ai quản thiên hạ cũng thế thôi. Vì vậy, người chiến sĩ cách mạng Lưu Lan Đình không phải bị quan quân bắt mà bị chính cha đẻ tóm và nhốt chung cùng với những hũ bạc trong căn hầm tối.

Nhân vật Lưu Tam Công giống như người mẹ của chiến sĩ cách mạng Hạ Du trong truyện ngắn "Thuốc" của Lỗ Tấn. Bà không hiểu nổi hành động chính nghĩa của con trai mình, gặp ai bà cũng thấy "xấu hổ đỏ mặt lên". Ngay cả ông ba Hạ, chú ruột của Hạ Du vì "sợ cả nhà mất đầu và ham hai mươi lăm lạng bạc trắng xoá" đã bán rẻ cháu mình. Khi đi viếng mộ con thấy trên mộ đặt một

60

vòng hoa hồng xen trắng, mẹ Hạ Du không hiểu nổi thế này là thế nào? Theo Vương Nguyên Hoá và Từ Khai Chất (các nhà nghiên cứu Trung Quốc): "Bà mẹ Hạ trước sau vẫn không hiểu cái chết của con trai mình. Bà tin rằng người chết rồi nhưng linh hồn còn sống và bà tin rằng: vòng hoa bỗng dưng thêm vào là sự hiển linh của âm hồn Hạ Du. Bà cầu nguyện con quạ đậu xuống nấm mồ cho mẹ xem để chứng thực cho đức tin của mình là đúng" [40, 231].

Lưu Tam Công cũng là người đã đi thương thuyết với Nhiếp Cần Hiên, khiến Lưu Chấn Võ rơi vào thế lưỡng nan. Toàn bộ kế hoạch giải cứu cho Ngân Thành, trả thù cho anh của Lưu Chấn Võ bị bóp chết ngay trên bàn tiệc giả dối.

Dù không cố ý nhưng những hành động của Lưu Tam Công xét theo tiêu chí cách mạng là phản động, cản trở bước tiến của cách mạng. Đó chính là thực tế lịch sử. Nhiều người dân Trung Quốc đâu có hiểu cách mạng là gì?

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong Ngân thành cố sự của Lý Nhuệ (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)