8. Kết cấu của luận văn
1.4.1.3 Yêu cầu của phân tích chính sách
Nói một cách khái quát, nghiên cứu phân tích chính sách là hoạt động nghiên cứu khảo sát thực tiễn để định hướng chính sách. Thực tiễn mà chúng ta cần nghiên cứu, khảo sát gồm thực tiễn hình thành và phát triển các quan hệ xã hội (các vấn đề nảy sinh đòi hỏi nhà quản lý phải giải quyết) với biểu hiện nhiều mặt và mối quan hệ phổ biến của chúng. Việc nghiên cứu khảo sát trải qua các bước sau đây:
a. Phát hiện vấn đề của chính sách
“Vấn đề chính sách” xuất hiện khi những quan điểm chính sách truyền thống trở nên mâu thuẫn, thậm chí trở nên yếu tố cản trở tình hình phát triển thực tế của xã hội.
Khi một vấn đề xuất hiện trong thực tế, nó cần được nhận biết hoặc phản ảnh tới cơ quan làm chính sách, cơ quan lập pháp hoặc lập quy. Cơ quan này cần phân tích và nghiên cứu mức độ nghiêm trọng của vấn đề (có thể coi là tiền đề của sự kiện chính sách) và cần đặt ra những câu hỏi:
+ Vấn đề có nghiêm trọng tới mức phổ biến và cần được giải quyết bằng biện pháp quản lý hay không?
+ Nếu có, thì xác định đâu là những hạn chế về mặt chính sách hoặc pháp luật (liệt kê, tìm ra nguyên nhân của khiếu nại hoặc vấn đề được nêu). Tại bước này người phân tích chính sách không nên là người có cách nhìn thiên vị về pháp luật, mà nên là chuyên gia về lĩnh vực mà vấn đề xuất hiện (xã hội học, nhà chính trị học, khoa học chuyên ngành vv.), để tránh méo mó về nghề nghiệp. Tuy nhiên, lời khuyên này không đúng trong trường hợp một luật gia được trang bị phương pháp phân tích chính sách một cách khách quan hoặc kết hợp chuyên gia chuyên ngành với chuyên gia pháp lý.
b. Phân tích vấn đề của giải pháp chính sách để lựa chọn
Nếu đã xác định có những hạn chế, ách tắc cần tháo gỡ, thì câu hỏi tiếp theo là:
+ Có thể khắc phục những hạn chế này bằng các biện pháp nào? (biện pháp tự nguyện, cộng đồng, đạo đức, dân chủ cơ sở, qua các tổ chức xã hội, bằng biện pháp hành chính hoặc là những biện pháp khả dĩ khác không tốn kém). Giai đoạn nhận biết vấn đề nói trên là bước định tính các quan hệ xã hội.
Xem xét về tính chất, bản chất của các quan hệ xã hội để giải đáp được câu hỏi:
+ Nhà nước có cần thay đổi một chính sách hiện hữu, hoặc ban hành chính sách mới để điều chỉnh các vấn đề cần tháo gỡ hoặc các quan hệ xã hội mới phát sinh không? Nói một cách khái quát, các quan hệ xã hội cần phải có sự can thiệp bằng một văn bản chính sách mới của Nhà nước là các quan hệ xã hội cơ bản, có phạm vi tác động rộng ở địa bàn hành chính (từng địa phương, trong cả nước) hay đối với một nhóm các cơ quan, tổ chức, công dân.
Các quan hệ xã hội không cơ bản có thể điều chỉnh bằng các quan hệ phi Nhà nước (biện pháp xã hội, tự quản, hành chính nội bộ v.v...). Ví dụ: cũng là quan hệ xã hội trong lĩnh vực hôn nhân gia đình nhưng những quan hệ
như kết hôn, ly hôn, nghĩa vụ và quyền của vợ, chồng, của cha mẹ và con điều kiện nhận, nuôi con nuôi, chế độ đỡ đầu.v.v... cần phải dùng quy phạm pháp luật về hôn nhân gia đình để điều chỉnh. Còn các quan hệ không cơ bản như về thủ tục cưới xin cụ thể thì lại theo phong tục tập quán, Nhà nước chỉ dùng biện pháp giáo dục vận động thuyết phục để tác động vào những quan hệ đó. Hoặc có thể cũng cần thiết phải có sự tác động của Nhà nước nhưng lại bằng các biện pháp kinh tế (đòn bẩy, khuyến khích về kinh tế để định hướng các quan hệ đó theo mong muốn của Nhà nước) hoặc bằng biện pháp thông qua các quyết định hành chính cá biệt để giải quyết. Nếu không định tính độ quan hệ xã hội sẽ lẫn lộn và sai lầm trong việc xác định Nhà nước có cần phải can thiệp hay không? và can thiệp bằng biện pháp nào thì phù hợp với tính chất của các quan hệ xã hội đó? Nhà nước can thiệp quá nhiều cũng làm kém hiệu lực quản lý và dàn mỏng năng lực quản lý hoặc tăng bộ máy quản lý dẫn đến bế tắc về ngân sách.