Nghệ thuật hòa hợp với người khác

Một phần của tài liệu Trí tuệ xúc cảm (Trang 71)

Len, 5 tuổi đã tức điên lên với Jay, đứa em trai hai tuổi rưỡi vì phá những hình lắp ghép của nó. Tức giận, nó cắn Jay khiến thằng em khóc thét. Mẹ chúng mắng Len, bắt nó cất đồ chơi đi. Như phải chịu sự bất công ghê gớm, Len oà khóc nức nở. Mẹ nó vẫn còn bực mình, không dỗ nó.

Jay băn khoăn với những tiếng khóc của anh trai, nó quay sang an ủi anh mình: – Đừng khóc, Len – Jay van xin. Đừng khóc nữa...

Nhưng Len vẫn khóc. Can thiệp không xong, Jay cầu cứu mẹ: – Mẹ! Xem Len vẫn khóc kìa. Len vẫn khóc kìa!

Rồi quay sang anh, nó học kiểu mẹ vỗ vỗ anh mình và nói với giọng dịu dàng: – Thôi, đừng khóc nữa!

Nhưng Len vẫn nức nở. Jay thử dùng thủ thuật khác, nó giúp anh xếp lại các hình lắp ghép.

Chẳng ăn thua gì. Jay chưa chịu thua và thay đổi phương pháp. Nó đưa cho anh trai chiếc ô tô nhỏ xíu và cố làm cho anh quên đi tấn kịch vừa rồi:

– Xem này, có một hình người ngồi trong xe này. Đó là cái gì thế, Len? Cái gì thế? Vẫn chưa nguôi, nước mắt Len vẫn trào ra. Mẹ nó lại giở trò đe doạ cổ điển:

– Mày muốn ăn roi hả? Len lắc đầu.

– Vậy thì nín ngay – Mẹ nó chưa hết bực mình, nói với giọng kiên quyết.

Qua tiếng khóc nức nở, Len lẩm bẩm: “Con sẽ thôi”, giọng thê thảm và hổn hển. Điều đó khiến cho Jay thử dùng một thuật cuối cùng nữa: bắt chước giọng ra oai của mẹ, nó doạ:

– Đừng khóc nữa, Len. Nếu không sẽ ăn đòn đấy!

Câu chuyện trên cho thấy sự tinh tế tâm lý đáng chú ý mà đứa trẻ 30 tháng có thể có khi muốn tác động tới xúc cảm của người khác. Trong những ý định làm dịu cơn buồn bực của anh mình, Jay áp dụng cả một loạt chiến lược, từ van nài đến hăm dọa, qua tìm kiếm đồng minh (mẹ nó) an ủi, giải khuây và giúp đỡ. Có lẽ, Jay đã nhớ lại tất cả những trò người ta đã làm với nó khi nó buồn bực. Điều đó không quan trọng, cái chủ yếu là nó đã thực hiện những chiến lược này khi cần thiết, dù nó còn rất nhỏ.

Cũng có đứa trẻ khác ở lứa tuổi này coi sự buồn bực của anh mình như cơ hội để trả thù và làm mọi cái để sự buồn bực ấy tăng thêm. Nhưng sự ác ý ấy lại cho thấy sự xuất hiện của năng lực nhận biết những tình cảm của người khác và ứng xử theo lối gây ảnh hưởng tới tình cảm ấy. Nghệ thuật quan hệ giữa các cá nhân là dựa vào năng lực này.

Trước khi thực hiện được khả năng này, trẻ em phải đạt tới khả năng tự chế ngự bản thân nhất định, bắt đầu có thể làm dịu sự giận dữ, sự buồn bực hay sự hưng phấn của chúng và khống chế được xung lực của chúng ngay cả khi năng lực này vẫn còn phôi thai. Những dấu hiệu của năng lực tự chế ngự này xuất hiện gần như đồng thời; để đạt tới mục đích, đứa trẻ phải tỏ ra có thể chờ đợi mà không khóc, có thể cãi nhau và lấy lòng, thay vì dùng tới sức mạnh thô bạo, dù không phải bao giờ nó cũng sử dụng những năng lực ấy. Sự kiên nhẫn trở thành cái thay thế cho những cơn giận dữ, ít ra là thỉnh thoảng như thế. Những dấu hiệu đầu tiên của sự đồng cảm – mầm mống của lòng trắc ẩn – bộc lộ lúc 2 tuổi; chính vì thế mà Jay đã cố an ủi anh mình kiên trì như vậy. Để điều khiển các xúc cảm của người khác, cần hai năng lực tâm lý khác nữa: sự tự chủ và sự đồng cảm.

Những “tài năng quan hệ của cá nhân” trưởng thành từ nền tảng ấy. Đó là năng lực xã hội cho phép đưa tới hiệu quả nhất định trong mối quan hệ với người khác. Thiếu những năng lực này có thể đưa người xuất sắc nhất tới chỗ thất bại trong các quan hệ xã hội và bị coi là kiêu ngạo, khó chịu hoặc vô cảm. Những năng lực xã hội này bảo đảm thành công trong các cuộc tiếp xúc và trong quan hệ tình cảm, chúng cổ vũ, thuyết phục, gây ảnh hưởng đối với người khác và làm cho họ dễ chịu.

Đừng trơ như đá

Một năng lực xã hội căn bản là sự thể hiện xúc cảm tương đối thoải mái. Paul Elkmen gọi sự đồng thuận xã hội về xúc cảm khiến nó thể hiện vào bất cứ lúc nào những “quy tắc trình diễn”. Về mặt này, có sự khác nhau giữa các nền văn hóa. Elkman và đồng nghiệp đã nghiên cứu phản ứng trên mặt của các sinh viên Nhật Bản khi cho họ xem bộ phim về nghi thức cắt bao quy đầu của những thổ dân trẻ. Khi trong phòng có mặt giảng viên, họ tỏ ra gần như thản nhiên. Nhưng khi họ chỉ có một mình (khi đó có máy camera giấu kín quay phim) thì mặt của họ biểu hiện một thái độ lo sợ, khiếp hãi và ghê tởm.

Những quy tắc này mang nhiều hình thức cơ sở . Một trong những hình thức ấy là giảm nhẹ biểu hiện xúc cảm, như trong ví dụ trên. Một hình thức khác là cường điệu biểu hiện xúc cảm, như một đứa trẻ lên 6 mím môi nhăn mặt chạy tới mách mẹ là bị anh nó trêu chọc. Hình thức thứ ba là thay thế xúc cảm này bằng một xúc cảm khác; hình thức này được dùng ở một số nước châu Á, ở đó người ta coi việc nói: “Không” là chướng tai, nên thích: “Đồng ý” hơn (tuy trong lòng nghĩ ngược lại). Việc sử dụng những chiến lược này khôn khéo và đúng lúc là một yếu tố của trí tuệ xúc cảm.

Người ta sớm học được những quy tắc này, một phần vì được giáo dục như khi bố mẹ yêu cầu con cái đừng lộ vẻ thất vọng mà phải mỉm cười và cảm ơn khi nhận được một món quà sinh nhật mà chúng không thích từ người ông của mình. Nhưng, việc tập luyện này thường được thực hiện bằng lối bắt chước. Chẳng hạn, nếu bố (hay mẹ) dặn đứa con phải “mỉm cười và cảm ơn” nhưng lại tỏ ra nghiêm nghị và lạnh lùng – diễn đạt thông điệp ấy bằng giọng thật to mà không phải là trìu mến – thì đứa con dễ rút ra bài học hoàn toàn khác và sẽ trình vẻ mặt nhăn nhó với người ông, cũng như sẽ nói tiếng “Cảm ơn” khô khan. Hiệu quả đối với người ông sẽ rất khác nhau: trong trường hợp thứ nhất, người ông sẽ bằng lòng (dù bị lừa); trong trường hợp thứ hai, người ông sẽ bị tổn thương vì chúng đón nhận món quà của mình rõ ràng là khiên cưỡng.

Quy tắc mà đứa trẻ học được đại thể là thế này: “Hãy che giấu những xúc cảm thật của con nếu điều đó làm tổn thương người con yêu mến và thay vào đó bằng những xúc cảm giả vờ khác nhưng ít tai hại hơn”. Những quy tắc biểu hiện ấy không chỉ là một phần hợp thành của bộ luật giao tiếp xã hội, mà còn quyết định hiệu quả xúc cảm

của chúng ta đối với người khác. Tôn trọng những quy tắc này sẽ tạo ra hiệu quả tối ưu; còn vi phạm chúng sẽ gây tác hại về xúc cảm.

Tính biểu cảm và sự lây lan của các xúc cảm

David Busch – một người lính Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam đã kể lại rằng: Trong một lần đụng độ với bộ đội Việt Nam, khi nhóm của anh ta đang ẩn mình trong bụi cây, bỗng có sáu nhà sư xuất hiện nối đuôi nhau đi trên bờ ruộng, họ tiến thẳng tới tuyến lửa một cách đầy tự tin và bình tĩnh. Không nhìn trái hay phải, họ đi thẳng về phía trước. Và thật lạ, không có ai bắn họ cả. David Busch nói: “Khi họ đi hết bờ ruộng, tôi bỗng cảm thấy như mình bị tách khỏi cuộc chiến đấu. Tôi hoàn toàn mất hết ý chí chiến đấu, ít ra là trong thời gian còn lại của ngày hôm ấy. Và chắc chắn không chỉ có tôi, vì mọi người cũng đều dừng lại. Chúng tôi đã dừng chiến đấu” .

Sự dũng cảm và bình tĩnh của sáu thầy tu có hiệu quả làm cho những người lính phải nằm yên ấy đã minh họa cho nguyên tắc căn bản của đời sống xã hội: các xúc cảm có khả năng lây lan. Câu chuyện vừa kể là trường hợp đặc biệt. Còn trong phần lớn những trường hợp khác, sự lây lan thường tinh vi hơn nhiều, được thực hiện ở mức độ tinh tế, gần như không cảm nhận được.

Trong mọi cuộc gặp gỡ, chúng ta phát đi những tín hiệu tâm lý tác động tới người khác. Càng khôn khéo điều tiết quan hệ của mình với người khác bao nhiêu, thì chúng ta càng kiểm soát được tín hiệu do mình phát đi bấy nhiêu. Năng lực điều tiết kiểu trao đổi này là một phần trí tuệ xúc cảm. “Dễ có thiện cảm”, “thú vị” là những từ chúng ta thường dùng để nói tới người có khả năng khiến cho sự gần gũi trở nên dễ chịu. Những người có khả năng giúp đỡ người khác và làm dịu bớt lo lắng của họ là người nắm được một thứ hàng hóa xã hội rất được ưa chuộng; mọi người thường tìm đến họ vào lúc khó khăn.

Đây là minh chứng đáng ngạc nhiên về sự tinh tế của xúc cảm được truyền đi từ người này sang người khác. Trong một thí nghiệm đơn giản, hai người tình nguyện trả lời cho phiếu hỏi về tâm trạng hiện thời của mình, rồi họ ngồi yên, mặt đối mặt, trong khi chờ người thí nghiệm trở lại. Hai phút sau, người thí nghiệm trở lại và yêu cầu họ lại trả lời theo cùng phiếu hỏi ấy. Trong hai người, một người vốn hướng ngoại, còn người kia thì lạnh như đá. Nhưng cả hai lần, sự chuyển dịch xúc cảm được truyền từ người thứ nhất sang người thứ hai .

Cơ chế của sự truyền cảm là chúng ta bắt chước không có ý thức những xúc cảm do người nào đó biểu hiện, bằng cách bắt chước biểu hiện trên mặt, cử chỉ, giọng nói và những dấu hiệu không lời khác của người đó mà ta không biết. Bằng sự bắt chước này, người ta lại tạo ra tâm trạng của người khác cho mình.

Khi có sự tác động qua lại giữa hai người, thì chuyển dịch tâm trạng đi từ người có khả năng diễn cảm nhất sang người thụ động nhất. Nhưng một số người đặc biệt có thiên hướng lây truyền xúc cảm; do tính nhạy cảm bẩm sinh, hệ thần kinh độc lập của họ (một máy ghi hoạt động xúc cảm) dễ được kích thích hơn. Tính dễ xúc cảm ấy dường như làm cho họ mẫn cảm hơn; các bộ phim tình cảm làm cho họ khóc, vài lời trao đổi với người mang tâm trạng vui vẻ là đủ để lại nâng tinh thần lên và điều đó cũng làm cho họ đồng cảm hơn, vì họ dễ xúc động trước tình cảm của người khác). Nhà tâm lý học John Cacioppo khi nghiên cứu những trao đổi xúc cảm ấy, khẳng định: “Chỉ một việc nhìn thấy ai đó biểu hiện xúc cảm là đủ để cho người đó bắt chước biểu hiện theo, dù có ý thức hay không. Điều đó luôn luôn xảy ra, đó là kiểu biên đạo múa, một tính đồng thời, truyền lan của xúc cảm. Tính đồng thời về tâm trạng ấy làm cho người ta cảm thấy có tương tác hay không”.

Mức độ phối hợp xúc cảm được cảm nhận khi có tương tác được phản ánh ở cách phối hợp cử chỉ của một số người trong khi họ nói và dấu hiệu về sự gần gũi nhau ấy nói chung vượt ra khỏi ý thức. Một cái gật đầu đúng vào lúc người kia đưa ra nhận xét, hay cả hai đều đổi tư thế ngồi trên ghế cùng lúc, một người thì hướng tới phía trước trong khi người kia lại dựa vào lưng ghế.

Tính đồng thời này dường như làm cho sự trao đổi tâm trạng dễ dàng hơn, ngay cả khi đó là tâm trạng “tiêu cực”. Chẳng hạn, trong nghiên cứu về tính đồng bộ thể chất, những phụ nữ bị suy sút tinh thần dễ cãi nhau với chồng mình về vấn đề quan hệ của họ. Tính đồng thời không bằng lời càng lớn, thì người ta càng cảm thấy nặng nề sau khi tranh cãi vì cảm thấy mình mang đầy tâm trạng tiêu cực từ người kia truyền sang . Tóm lại, dù cảm thấy lạc quan hay chán chường, sự tương tác của họ càng mang tính đồng thời về thể chất thì tâm trạng của họ càng giống nhau.

Tính đồng thời giữa giáo viên và học sinh là dấu hiệu về sự gần gũi nhau giữa họ. Nhiều nghiên cứu được thực hiện trong các nhà trường cho thấy các cử chỉ càng phối hợp chặt chẽ giữa thầy và trò, thì họ càng cảm thấy thân thiết, sung sướng, hứng khởi và thoải mái trong mối quan hệ của họ. Nói chung, mức độ cao của tính đồng thời có nghĩa là người ta quý trọng nhau.

Theo Cacioppo, hiệu quả của các quan hệ cá nhân một phần tùy thuộc vào sự đón nhận của người ta để thiết lập tính đồng thời về xúc cảm ấy. Nếu dễ cảm nhận tâm trạng của người khác hoặc nếu dễ làm cho người khác chịu tác động tâm trạng của mình, thì mối quan hệ sẽ thoải mái hơn về mặt xúc cảm. Dấu ấn của một thủ lĩnh thật sự hay của diễn viên có biệt tài làm xúc động cử toạ đông hàng nghìn người theo lối đó. Cũng vậy, Cacioppo nhận xét, những người không nắm bắt được hay không truyền được các xúc cảm thường gặp vấn đề xúc cảm vì họ luôn làm cho người khác khó chịu mà không biết thật chính xác là tại sao?

Đem lại tính xúc cảm cho sự tương tác, theo nghĩa nào đó, là dấu hiệu chi phối ở mức độ sâu xa, thầm kín; đó có thể là điều khiển trạng thái xúc cảm của người khác. Trong một tương tác, người biểu cảm nhất hay người có nhân cách mạnh nhất là người có thể định hướng xúc cảm của người khác. Người chi phối thường nói nhiều hơn, còn người bị chi phối thường có xu hướng nhìn mặt người kia. Sự chi phối xúc cảm là cái quan trọng nhất của ảnh hưởng.

Những kiến thức sơ đẳng về trí tuệ xã hội

Vào giờ nghỉ giải lao của trường mẫu giáo, mấy đứa trẻ chạy trên bãi cỏ; Reggie vấp ngã, đầu gối bị đau và oà lên khóc, những đứa khác vẫn tiếp tục chạy nhưng Roger thì dừng lại. Khi Reggie dần dần nín khóc, Roger xoa đầu gối cho nó và nói: “Tớ cũng thế, tớ cũng đau đầu gối”.

Theo Thomas Hatch, một đồng nghiệp của Howard Gardner ở trường Spectrum thì Roger có một trí tuệ liên hệ cá nhân nổi bật6. Nó đặc biệt thành thạo trong việc nhận ra xúc cảm của các bạn và tự đặt mình vào trạng thái xúc cảm đó một cách nhanh chóng và khéo léo. Chỉ có nó chú ý tới Reggie bị ngã và bị đau, cố an ủi bạn, dù đó chỉ là xoa xoa đầu gối. Cử chỉ bình thường này bộc lộ năng lực tâm lý căn bản nhằm giữ những quan hệ chặt chẽ, dù đó là trong hôn nhân, bạn bè hay kinh doanh. Ở trẻ em, những năng lực thuộc loại này là mầm mống của tài năng sẽ nảy nở trong tương lai.

Cái tài của Roger là một trong bốn năng lực được Hatch và Gardner coi là những thành tố của trí tuệ quan hệ cá nhân:

– Năng lực tổ chức các nhóm: đó là năng lực đầu tiên của một thủ lĩnh, biết khởi đầu và phối hợp nỗ lực trong một nhóm người. Đó là tài năng của các đạo diễn, các viên chỉ huy quân sự, người lãnh đạo doanh nghiệp.

– Năng lực thương lượng về các giải pháp: đó là tài năng của người làm trung gian, cho phép ngăn ngừa xung đột và giải quyết chúng. Những người này có năng lực tuyệt vời về sự dàn xếp, làm trọng tài cho bất đồng. Người ta thường thấy họ trong ngành ngoại giao hay tư pháp.

– Năng lực thiết lập quan hệ cá nhân: đó là tài năng có ở Roger, năng lực đồng cảm và giao tiếp. Nó làm sự tiếp xúc trở nên dễ dàng và cho phép nhận biết tình cảm và lo

Một phần của tài liệu Trí tuệ xúc cảm (Trang 71)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(193 trang)
w