Chấn thương tinh thần và sự tập luyện xúc cảm

Một phần của tài liệu Trí tuệ xúc cảm (Trang 127)

“tiêu thụ” trong thời kỳ rất dài sẽ chiếm ưu thế, hoặc rất tốt hoặc rất xấu.

Khi người ta xem xét chính bộ não bị tính tàn bạo – hay tình yêu mà trẻ em là đối tượng – làm thay đổi đến mức nào, thì biết rằng những năm đầu tiên của cuộc đời là khoảng thời gian duy nhất để tập luyện trí tuệ xúc cảm. Những đứa trẻ bị đánh đập đã bị đặt vào một chế độ gây chấn thương tinh thần hằng ngày. Để hiểu sự tập luyện đời sống xúc cảm mà những đứa trẻ bị hành hạ đã trải qua, thì cách hay nhất có lẽ là xem xét chấn thương tinh thần đã để lại dấu ấn lâu dài trên bộ não như thế nào và những vết sẹo ấy có thể được xoá đi ra sao?

13. Chấn thương tinh thần và sự tập luyện xúc cảm xúc cảm

Som Chit, người phụ nữ tị nạn gốc Campuchia đang nhăn nhó vì ba đứa con chị – lên sáu, chín và mười một tuổi – đòi chị mua những khẩu súng AK47 bằng nhựa để chơi trò “Purdy”, một trò chơi mà nhân vật Purdy – một kẻ hung ác – dùng vũ khí tàn sát một nhóm trẻ con trước khi tự sát. Đôi khi, trò chơi có kết cục khác đi: chính những đứa trẻ con “giết chết” Purdy.

Trò chơi này được bắt đầu từ sự việc một số người sống sót diễn lại thảm kịch chết chóc rùng rợn xảy ra ngày 17/02/1989 tại trường tiểu học Cleveland Stockton tại California. Trong giờ ra chơi buổi sáng, Patrick Purdy từng học tại trường này khoảng 20 năm về trước, đi vào sân trường và nổ súng vào hàng trăm trẻ em đang chơi đùa. Hắn ta đã bắn khắp mọi hướng trong bảy phút, rồi chĩa súng vào đầu mình tự sát. Khi cảnh sát đến nơi, họ tìm thấy 34 đứa trẻ bị thương.

Những tháng sau đó, học sinh nhà trường bắt đầu rủ nhau chơi trò “Purdy”. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy cuộc tàn sát đã để lại ấn tượng rất xấu trong ký ức của chúng. Một giáo viên nói với tôi rằng, làn sóng chơi trò Purdy khủng khiếp đã lan khắp trường khi đến gần ngày lễ Thánh Patrick, vì nhiều trẻ em tin chắc rằng ngày lễ ấy dành để tôn vinh kẻ giết người – Patrick Purdy.

“Mỗi lần chúng tôi nghe thấy tiếng một chiếc xe cấp cứu chạy tới ngôi nhà nghỉ ở đầu phố là tất cả mọi họat động đều ngừng lại, – một giáo viên khác giải thích. Trẻ em nghe để biết xem nó dừng ở lại đây hay chạy tiếp”. Ít lâu sau tấn thảm kịch, một em gái khiếp hoảng chạy nhanh tới phòng Hiệu trưởng, hét lên rằng em đã nghe thấy tiếng súng. Đó thật ra là tiếng động của chuỗi kim loại vang lên vì gió.

Nhiều trẻ em luôn luôn canh chừng, như thể chúng sợ tấn thảm kịch lại tái diễn; vào giờ chơi, một số em cứ nán lại ở gần cửa lớp học và không chịu chạy ra sân, nơi đã xảy ra việc bắn súng. Những đứa khác chỉ chơi thành nhóm nhỏ trong khi có một đứa đứng gác. Nhiều tháng liền, các em tránh những nơi các bạn chúng đã bị bắn chết. Những ký ức dai dẳng luôn rình rập, chúng như cơn ác mộng hiện lên trong giấc ngủ của các em. Ngoài cơn ác mộng về cuộc bắn súng ấy, các em còn có những giấc mơ đầy lo âu, khiến chúng có cảm giác sắp chết đến nơi. Một số cố ngủ mở mắt để không bị nằm mê.

Tất cả phản ứng này đã được các nhà tâm thần học nghiên cứu từ lâu, vì đó là triệu chứng đặc trưng của hội chứng stress sau chấn thương tinh thần (PTSD). Theo

Spencer Eth, nhà tâm thần học chuyên chữa trị hội chứng ấy ở trẻ em, cốt lõi của chấn thương này là “ký ức ám ảnh về hành vi bạo lực: cú đấm cuối cùng, lưỡi dao đâm vào thân thể, tiếng súng bộc phát. Ký ức là kinh nghiệm tri giác mạnh mẽ – một cảnh tượng, một tiếng động, mùi thuốc súng, những tiếng kêu hay sự lặng thinh đột ngột của nạn nhân, máu trào phun, những tiếng còi của cảnh sát”.

Những ấn tượng khủng khiếp ấy trở thành ký ức khắc sâu vào các vòng mạch chỉ huy các xúc cảm. Thật vậy, những triệu chứng ấy chỉ ra rằng hạnh nhân bị hoạt động quá mức và áp đặt sự kiện gây chấn thương lên ý thức. Những ký ức gây chấn thương trở thành ngòi nổ cực kỳ nhạy cảm sẵn sàng phát ra khi có bất kỳ tín hiệu nhỏ nhất nào cho phép nghĩ rằng sự kiện đáng ngại ấy sắp sửa tái diễn. Hiện tượng siêu nhạy cảm ấy là dấu hiệu khác biệt với tất cả những hình thức chấn thương tâm lý, đã từng bị ám ảnh trong thời thơ ấu gây nên.

Những hành vi bạo lực còn nguy hại hơn tai họa thiên nhiên. Nạn nhân của bạo lực có cảm giác như mình bị lựa chọn làm mục tiêu một cách cố ý. Cảm giác đó làm mất đi sự tin cậy của họ ở người khác. Bỗng nhiên, bầu trời xã hội trở thành nơi nguy hiểm, ở đó mỗi người là mối đe doạ tiềm tàng.

Những hành vi tàn bạo in lên tinh thần các nạn nhân một sơ đồ khiến cho họ e ngại tất cả những gì giống với sự xâm hại dù chỉ là một chút nhỏ. Một người đàn ông bị đánh trộm đằng sau cảm thấy lo sợ cả khi chỉ có một bà già đi sau lưng mình1.

Dấu ấn do sự khiếp sợ để lại trong ký ức và theo đó là trạng thái nhạy cảm quá mức có thể kéo dài suốt đời, như nghiên cứu về những người sống sót sau khi rời khỏi các trại tập trung Quốc xã cho thấy. Năm mươi năm sau khi trải qua tất cả những thiếu thốn, chứng kiến sự sát hại những người thân và sống trong sự khủng khiếp triền miên, những người thoát nạn vẫn luôn bị ký ức ấy ám ảnh. Một phần ba số người đó tuyên bố vẫn còn sống trong nỗi sợ hãi gần như thường xuyên. Gần ba phần tư nói rằng tất cả những gì nhắc lại xa hay gần liên quan đến sự ngược đãi của bọn Quốc xã như một

bộ đồng phục, cú đấm cửa, tiếng chó sủa hay làn khói toả lên từ lò sưởi đều làm cho họ cảm thấy rất lo sợ. Khoảng 60% nghĩ tới lò thiêu người gần như hằng ngày, dù đã nửa thế kỷ trôi qua. Ở những người vẫn còn những triệu chứng ấy thì cứ mười người thì có đến tám người thấy cơn ác mộng diễn đi diễn lại.

Sự khủng khiếp đọng lại trong ký ức

Đây là chuyện kể của một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam, 24 năm sau khi trải qua một cảnh đầy kinh hoàng nơi xứ sở xa xôi ấy:

Tôi không làm thế nào để xua tan được ký ức này: Những hình ảnh cứ trở lại quấy rối tôi, những chuyện hết sức tầm thường đánh thức tôi như cánh cửa đóng sập, một người phụ nữ châu Á, sự tiếp xúc với tấm màn tre, hay mùi một con lợn nhảy xổ ra. Đêm hôm qua, tôi ngủ ngon. Nhưng sáng sớm, trời đầy giông bão, một tia chớp và tiếng sét nổ vang. Tôi giật mình thức dậy, run người vì sợ. Tôi bỗng nhiên lại thấy mình ở Việt Nam, trong trạm gác của tôi giữa những cơn gió mùa. Tôi chắc rằng mình lại đẫm mồ hôi. Tôi cảm thấy tóc dựng đứng lên. Tôi không thở được và tim đập loạn xạ. Tôi cảm thấy mùi diêm ẩm. Bỗng tôi nhìn thấy mảnh xác của thằng bạn Troy… được đặt lên cái cáng tre mang về trại… Tiếng sét nổ tiếp theo khiến tôi nảy lên, rơi ra khỏi giường.

Ký ức khủng khiếp ấy vẫn sống động và cụ thể khi sự việc xảy ra đã 20 năm. PTSD (Hội chứng stress sau chấn thương) kéo theo mức thấp của ngưỡng nơ-ron phát tín hiệu báo động, khiến cho người ta phản ứng trong những hoàn cảnh thông thường giống như trong hoàn cảnh gay go. Sự vận động của vòng mạch ở vỏ não, được nhắc tới ở Chương 2, dường như đóng vai trò quyết định trong việc lưu giữ ký ức chấn thương: những sự kiện gây ra sự xáo trộn của hạnh nhân càng mạnh mẽ và khủng khiếp bao nhiêu, thì ký ức càng khó xoá sạch bấy nhiêu. Chất nền nơ-ron của những ký ức này dường như làm thay đổi sâu sắc hóa chất của bộ não do một cơn khủng khiếp gây ra.

“Những nạn nhân của một chấn thương khủng khiếp sẽ mãi mãi không còn bình thường về mặt sinh học nữa”, nhà tâm thần học Dennis Charney, Giám đốc Trung tâm quốc gia nói với tôi như vậy. Không quan trọng đây có thể là nỗi kinh hoàng do chiến tranh, tra tấn, những bạo lực lặp đi lặp lại trong thời thơ ấu, hay kinh nghiệm khủng khiếp duy nhất trong đời như một lần bị bão cuốn đi hay chết hụt trong tai nạn đi đường gây ra. Bất cứ stress nào không thể kiểm soát được cũng có tác động sinh học giống nhau”.

Từ then chốt ở đây là không thể kiểm soát. Nếu một người có cảm giác mình có thể làm điều gì đó trong một tình huống kinh hoàng, thì người đó thoát khỏi hoàn cảnh ấy tốt hơn về mặt tâm lý, so với người cảm thấy mình hoàn toàn bất lực. Cảm giác bất

lực về mặt chủ quan là sự kiện đè bẹp mình xuống. Bác sĩ John Grystal, người lãnh đạo phòng thí nghiệm về tân dược lâm sàng ở Trung tâm đã giải thích cho tôi như sau: “Hãy giả định một người biết tự vệ và phản ứng khi họ bị tấn công bằng dao, trong khi cũng ở hoàn cảnh này, một người khác lại nghĩ rằng: “Ta đành chịu chết thôi””. Người thứ hai là người dễ bị hội chứng stress sau chấn thương hơn. Chính lúc người ta có cảm giác sự sống của mình bị đe doạ và không thể làm gì để thoát khỏi nó thì sự thay đổi của bộ não bắt đầu”.

Cảm giác bất lực ấy làm phát ra PTSD gần như có hệ thống đã được khám phá thông qua nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm của các cặp chuột nhốt trong các lồng xa nhau, chịu sự phóng điện ở cường độ thấp nhưng lại gây stress rất mạnh đối với một con chuột. Người ta đặt một tay gạt trong một cái lồng, nhưng nó cho phép ngắt dòng điện trong cả hai lồng. Qua nhiều ngày và nhiều tuần, hai con chuột nhận được sự phóng điện giống nhau. Cuối cùng, con chuột có khả năng làm ngừng dòng điện không có dấu hiệu stress dai dẳng, còn ở con chuột bất lực thì thấy có những thay đổi ở não do stress gây ra. Đối với đứa trẻ đã chịu những phát đạn ở sân trường, đã nhìn thấy các bạn mình chết trong vũng máu, hay đối với một giáo viên không thể làm dừng lại cuộc bắn giết ấy, thì sự bất lực này hẳn phải là cái gì đó rất xác thực.

PTSD – sự rối loạn ở vùng cảm xúc

Những triệu chứng chủ yếu của PTSD có thể được giải thích bằng những thay đổi của các vùng cảm xúc, đặc biệt của hạnh nhân.

Một số thay đổi chủ yếu diễn ra trong locus ceruleus − cấu trúc điều khiển sự tiết ra hai chất gọi là catecholamine: adrenaline và noradrenaline; những chất này đánh thức mạnh mẽ những ký ức khắc vào trí nhớ. Trong trường hợp PTSD, hệ thống này hoạt động quá mức và tiết ra lượng lớn các chất ấy để phản ứng với hoàn cảnh bình thường, hay gần như chẳng có gì đe dọa, mà chỉ gợi lên chấn thương ban đầu bằng cách này hay cách khác giống như trong trường hợp những trẻ em ở Stockton, khi chỉ nghe tiếng còi xe của xe cấp cứu cũng đủ làm chúng hoảng sợ.

Locus ceruleus và hạnh nhân nối liền chặt chẽ với nhau và cũng nối liền chặt chẽ với cấu trúc vùng cảm xúc khác như khu vực hình cá ngựa (hippocampus – bộ phận phụ trách sự tạo thành của trí nhớ lâu dài/ấn tượng sâu đậm) và dưới đồi (hypothalamus); các mạch chỉ huy sự tiết ra các chất catecholamine lan tới tận vỏ não. Người ta cho rằng các vòng mạch ấy là nguồn gốc của triệu chứng PTSD nhất là lo ngại, sợ hãi, cảnh giác quá mức, dễ phật ý hay dễ bị kích thích, chực đánh lại hay chạy trốn và những ký ức không thể xoá được chứa đầy cảm xúc mạnh mẽ3. Một số nghiên cứu cho thấy, cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam mắc PTSD có bộ tiếp nhận ức chế tiết ra các chất catecholamine ít hơn 40% so với những đồng đội không bị các rối

loạn ấy; điều đó cho phép kết luận rằng bộ não của họ đã chịu thay đổi lâu bền làm giảm bớt việc kiểm soát sự tiết ra các chất này.

Những thay đổi khác cũng đụng tới vòng mạch nối liền hệ vùng cảm xúc và tuyến yên là cái chi phối sự phát ra CRF – chất hoóc-môn stress chủ yếu mà cơ thể tiết ra để gây phản ứng đánh lại hay chạy trốn”. Những thay đổi này làm tiết ra quá mức chất hoóc- môn ấy, đặc biệt trong hạnh nhân, phần tạo thành dấu ấn ghi nhớ và locus cereleus khiến cho thân thể được đặt vào trạng thái tác động trong hoàn cảnh không hề có một nguy cơ nào.

Là tập hợp thứ ba của những thay đổi, hệ thống não – nơi tiết ra các endorphins để làm dịu cảm giác đau đớn – cũng trở nên hoạt động quá mức. Khi tỷ lệ endorphins (“morphine của não”) cao lên, người ta dễ chịu đựng đau đớn – hiệu ứng đã được quan sát bởi các nhà phẫu thuật quân sự khi họ nhận thấy những người lính bị thương cần tới chất giảm đau ít hơn người dân thường bị thương, dù vết thương nghiêm trọng hơn nhiều.

Một hiện tượng tương tự dường như cũng xảy ra trong trường hợp PTSD. Những thay đổi do endorphins đưa tới bổ sung thêm một chiều kích thích mới cho quá trình nơ- ron phức hợp khi bị chấn thương một lần nữa. Chúng làm mất đi cảm giác như mất khoái cảm, và tê liệt xúc cảm nói chung, có cảm giác như bị cắt đứt với cuộc sống và không quan tâm tới tình cảm của người khác. Những người chung quanh họ có thể thấy sự dửng dưng ấy như là thiếu đồng cảm với người khác, hậu quả là sự tách biệt khỏi cộng đồng.

Những thay đổi nơ-ron gắn liền với PTSD dường như cũng làm cho người ta nhạy cảm hơn với chấn thương tinh thần mới. Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu để động vật chịu tác động của stress nhẹ khi còn nhỏ, thì sau đó chúng nhạy cảm hơn nhiều so với những con vật không bị tác động với chấn thương ở não bộ sau này (điều này xác nhận nhu cầu cấp bách phải chữa trị cho trẻ em mắc PTSD).

Tất cả thay đổi nơ-ron ấy là sự đáp ứng ngắn hạn cho phép đương đầu với những hoàn cảnh gây ra thay đổi ấy. Khi người ta lâm nguy, thì tốt nhất là phải hết sức cảnh giác, phải sẵn sàng về mặt thể chất để đáp ứng yêu cầu trước mắt, dày dạn chống lại sự đau đớn, và ngay lúc đó, tỏ ra dửng dưng với những gì có thể trở thành sự kiện gây rối nhiễu mạnh mẽ. Nhưng cái lợi trước mắt ấy lại trở thành bất lợi lâu dài. Khi sự chấn thương tinh thần mạnh mẽ xảy ra làm hạ thấp ngưỡng phản ứng của hạnh nhân và vùng não khác nối liền với nó, thì sự nhạy cảm hơn của các vòng mạch nơ-ron ấy có thể biến cả cuộc đời thành chuỗi các tình trạng khẩn cấp và sự kiện vô hại nhất cũng đưa lại nỗi lo sợ không thể kiểm soát được.

Những ký ức về chấn thương tinh thần ấy dường như trở thành bộ phận khăng khít của chức năng não, theo nghĩa là chúng xen vào sự tập luyện sau đó. Khi đã có sự lo sợ, chính hạnh nhân đóng vai trò then chốt. Nhưng để khắc phục sự lo sợ, thì vỏ não mới đóng vai trò quyết định.

Các nhà tâm lý học gọi “quá trình làm cho con người lo ngại” bằng cách liên kết vài điều với một cái gì kinh khủng là trạng thái bị sự lo sợ điều khiển.

Một phần của tài liệu Trí tuệ xúc cảm (Trang 127)