Đó là một bí mật về bi kịch gia đình. Carl và Ann đang dạy cho con gái gần 5 tuổi của họ là Leslie chơi một trò game. Leslie bắt đầu chơi, nhưng bố mẹ nó sốt ruột, cố vẻ như làm mọi cái để ngăn nó. Những mệnh lệnh mâu thuẫn phát ra từ hai phía.
– Sang phải, sang phải – thế. Dừng lại, dừng lại! – Ann ra lệnh với giọng mỗi lúc một căng thẳng và lo âu.
Leslie cắn môi và mắt mở to nhìn chằm chằm vào màn hình, cố nghe theo các chỉ dẫn ấy.
– Này, coi chừng, con chưa đặt đúng… sang trái một chút! Sang trái – Carl ra lệnh thô bạo.
Trong khi đó, anh nhìn lên trời và kêu. – Dừng lại! Dừng lại!
Không thể làm vừa lòng cả bố lẫn mẹ, Leslie nhăn mặt và nhíu lông mày lại, nước mắt rưng rưng.
Bố mẹ nó bắt đầu cãi nhau, chẳng quan tâm gì tới sự thất vọng của nó.
– Dù sao thì nó cũng di chuyển cần điều khiển đúng rồi – Ann gắt lên bực tức. Nước mắt chảy xuống má đứa trẻ, nhưng cả bố lẫn mẹ nó dường như không để ý và không quan tâm tới nó. Nó đưa tay lên chùi mắt, nhưng Carl hét to, giọng đanh lại: – Đừng buông cần điều khiển ra. Con phải học điều khiển nó. Cầm nó lên!
Còn mẹ nó thì nói tướng lên:
– Đúng rồi, sang phải một chút nữa! Leslie khóc thút thít, nó cảm thấy lo sợ.
Trẻ con thường rút ra bài học quan trọng từ những câu chuyện nhỏ ấy. Từ sự trao đổi nặng nề này, Leslie đã có thể kết luận chắc chắn rằng cả bố lẫn mẹ đều không quan tâm tới những tình cảm của nó . Khi những chuyện thuộc loại đó lặp đi lặp lại trong thời thơ ấu, trẻ em học được những bài học đôi khi quyết định đến cả cuộc đời một người. Chính trong gia đình mình, chúng ta nhận được sự giáo dục xúc cảm đầu tiên: nó nằm trong sự thân thiết của “lò luyện” này. Chúng ta tạo ra quan điểm về bản thân mình và học được cách đoán biết những người khác sẽ phản ứng với trạng thái tình cảm của chúng ta như thế nào, đồng thời lựa chọn những phản ứng có thể lý giải và thể hiện hy vọng cũng như sự sợ hãi của mình. Sự giáo dục xúc cảm ấy không chỉ được thực hiện qua những gì bố mẹ nói và làm đối với con cái, mà còn được thể hiện qua sự trò chuyện, trao đổi với nhau giữa bố và mẹ.
Hàng trăm nghiên cứu cho thấy rằng cách đối xử của bố mẹ đối với con cái như nghiêm khắc hay thông cảm, dửng dưng hay thương yêu v.v… có những hậu quả sâu xa và lâu bền đối với đời sống xúc cảm của chúng. Cái cách bố và mẹ thể hiện tình cảm đối với nhau, cộng thêm những quan hệ trực tiếp của bố và mẹ đối với con cái, để lại dấu ấn sâu sắc ở con cái. Chúng là những học trò minh mẫn, nhạy cảm với những trao đổi tình cảm tinh tế nhất. Khi Carole Hooven và John Gottman đi sâu phân tích quan hệ giữa bố mẹ và hệ quả của những quan hệ ấy đối với con cái, họ nhận thấy rằng những cặp vợ chồng thông minh nhất về mặt xúc cảm cũng là những người giúp đỡ tốt nhất cho con cái mình vượt qua dao động về xúc cảm của chúng.
Những gia đình này được nghiên cứu lần đầu tiên khi đứa con của họ vừa được 5 tuổi, rồi lại được nghiên cứu lần thứ hai khi đứa trẻ lên 9 tuổi. Các nhà nghiên cứu quan sát
các ông bố, bà mẹ khi họ tranh cãi với nhau, cũng như khi họ muốn dạy cho con mình chơi một trò game mới – đó là sự tương tác thật thông thường nhưng lại nói lên rất nhiều về trao đổi xúc cảm giữa bố mẹ và con cái.
Một số ông bố và bà mẹ ứng xử giống như Ann và Carl: độc đoán, bực mình, cao giọng hoặc khinh thường, mất kiên nhẫn trước sự vụng về của con, thậm chí còn coi con như “đồ ngốc”, khiến cho quan hệ vợ chồng bị phá vỡ. Trái lại, một số ông bố, bà mẹ khác tỏ ra kiên nhẫn và giúp cho con hiểu được trò chơi theo cách của nó mà không tìm cách áp đặt ý muốn của mình. Một buổi chơi game có thể biểu hiện chính xác về phong cách xúc cảm của các ông bố và bà mẹ.
Ba phong cách không am tường về các xúc cảm thường thấy nhất là:
– Hoàn toàn không biết tới những xúc cảm của con. Những ông bố, bà mẹ trong trường hợp này coi sự thất vọng về xúc cảm của con là một điều vô nghĩa, hoặc gây khó chịu, cuối cùng khiến đứa con tự xoay sở lấy một mình. Họ không nắm lấy cơ hội này để gần gũi con và giúp nó làm chủ tốt hơn xúc cảm của nó.
– Để con tự làm lấy. Trong trường hợp này, họ biết rõ đứa con cảm thấy như thế nào, nhưng họ cho rằng phải để tự nó biểu hiện theo kiểu của nó, dù nó làm hỏng đi hỏng lại. Giống như những ông bố, bà mẹ ở trường hợp trên, hiếm khi họ can thiệp để chỉ cho nó thấy là có nhiều cách giải quyết khác nhau. Họ cố làm cho nó nguôi đi bằng cách hứa cho nó một phần thưởng… hay một sự trừng phạt chẳng hạn.
– Tỏ ra khinh thường và không tôn trọng những gì đứa con cảm nhận. Nói chung, những người bố mẹ này luôn luôn không vừa ý, phê phán và trừng phạt
nghiêm khắc sai lầm mà đứa con mắc phải. Chẳng hạn, họ có thể cấm con không được có một biểu hiện giận dữ nào và phạt nó khi nó có dấu hiệu khó chịu và bực mình dù nhỏ nhất.
Ngược lại, một số bố mẹ lợi dụng sự bực mình của con để dạy nó chế ngự các xúc cảm. Họ xem xét những tình cảm của nó khá nghiêm túc để cố tìm hiểu xem có điều gì không ổn (chẳng hạn như: “Con tức giận vì bị em con làm con phật ý phải
không?”) và giúp nó tìm cách giải quyết vấn đề theo lối tích cực (như kiểu: “Tại sao con không chơi đồ chơi của con mà lại đánh em? Khi nào thích thì con hãy chơi với nó”).
Để trở thành người hướng dẫn tốt, bản thân bố mẹ phải làm chủ thật tốt những điều sơ đẳng của trí tuệ xúc cảm. Chẳng hạn, một trong những điều đầu tiên phải dạy cho con là biết lựa chọn tình cảm của nó; một ông bố không biết rõ sự buồn rầu là gì, sẽ không thể giúp con mình phân biệt giữa nỗi buồn do sự mất mát đem lại với nỗi buồn do một
bộ phim buồn gây ra. Ẩn sâu dưới sự phân biệt ấy là trực giác tinh tế hơn, chẳng hạn như sự tức giận thường nổ ra khi người ta bị tổn thương.
Đứa trẻ càng lớn lên, bài học xúc cảm mà nó sẵn sàng tiếp nhận và cần phải tiếp nhận, lại càng thay đổi. Như đã thấy ở Chương 7, sự đồng cảm được học từ tuổi còn rất nhỏ, khi cha mẹ cùng có xúc cảm của đứa trẻ. Tuy rằng một số mặt của trí tuệ xúc cảm được trau rồi dần dần qua sự tiếp xúc với bạn bè, nhưng bố mẹ vẫn đóng vai trò chủ yếu trong việc hướng dẫn đứa con tập luyện những mặt khác nhau của đời sống xúc cảm và làm chủ các xúc cảm của mình, tỏ ra đồng cảm với người khác, điều khiển tình cảm biểu hiện ra ở những mối quan hệ với người khác.
Mặt giáo dục này của bố mẹ ảnh hưởng rất sâu sắc đối với con cái2. Các nhà nghiên cứu nói trên nhận thấy rằng khi bố mẹ có trí tuệ xúc cảm, con cái họ hòa hợp với họ hơn, yêu thương họ hơn và cảm thấy thoải mái hơn với sự có mặt của họ. Ngoài ra, những đứa trẻ này dễ làm chủ xúc cảm của mình hơn, tự trấn tĩnh được khi gặp điều gì làm chúng bị lay động và chúng ít bực mình hơn. Chúng dường như cũng thoải mái hơn về mặt sinh học: tỷ lệ hoóc-môn của stress và những chỉ số rối nhiễu xúc cảm của chúng thấp hơn (xu hướng này, nếu giữ được lâu bền qua thời gian, sẽ hứa hẹn một sức khoẻ tốt, như đã thấy ở Chương 11). Những lợi ích khác về mặt xã hội như: những đứa trẻ này được bạn bè quý trọng và yêu thương hơn, được các giáo viên coi là dễ gần hơn. Bố mẹ và các thầy giáo của chúng cho biết, chúng ít có những vấn đề về ứng xử hơn, ít tàn bạo và gây hấn hơn. Cuối cùng là những lợi thế về nhận thức: những đứa trẻ này là học sinh chăm chỉ và giỏi hơn. Với IQ bằng nhau, những đứa trẻ lên 5 có bố mẹ là người hướng dẫn giỏi đã đạt được nhiều điểm tốt về toán và môn tập đọc khi lên lớp tiểu học (một luận cứ có sức nặng để giáo dục trí tuệ xúc cảm cho con cái mình). Như vậy, những cái lợi đối với các trẻ em có bố mẹ am hiểu về xúc cảm không chỉ giới hạn vào tất cả các mặt của trí tuệ xúc cảm mà còn bao trùm lên tất cả lĩnh vực đời sống.
Sự khởi đầu: vấn đề của trái tim
Ảnh hưởng của bố mẹ đến sự am hiểu xúc cảm bắt đầu từ lúc trẻ nằm trong nôi. Nhà nghiên cứu nhi khoa xuất sắc T. Berry Brazelton đã dùng trắc nghiệm đơn giản để đánh giá thái độ chung của những đứa trẻ từ 8 tháng tuổi. Ông đưa cho đứa trẻ hai hình khối và bảo nó ghép lại với nhau.
… Đứa trẻ cầm lên một hình khối, đưa nó vào miệng, lấy tóc chùi và ném xuống đất để xem bạn có nhặt lên và đưa lại cho nó không. Nếu bạn làm vậy, nó sẽ làm điều bạn muốn nó làm – ghép hai hình khối với nhau. Rồi, mắt nó long lanh nhìn bạn, nghĩa là: “Đấy, bác xem cháu có giỏi không”.
Những đứa trẻ này đã từng được tán thưởng và khuyến khích nhiều, chúng cho rằng chúng có thể vượt qua khó khăn mà cuộc đời dành cho chúng. Trái lại, đứa trẻ được nuôi dạy trong những gia đình đầy không khí căng thẳng và hờ hững sẽ làm cho chúng dường như cảm nhận được thất bại luôn chờ đợi sẵn. Không phải chúng thất bại trong việc ghép các hình khối; chúng hiểu được yêu cầu ấy và có thể làm được.
Nhưng, ngay cả khi chúng làm được, như Brazelton nói, chúng cũng mang vẻ mặt ỉu xìu, thái độ có nghĩa là: “Cháu không thể làm được. Đấy, cháu không làm được mà”. Những đứa trẻ ấy dễ bước vào cuộc đời với thái độ thất bại; chúng không chờ đợi những khuyến khích hay tán thưởng của thầy giáo, cũng không thích thú với học tập và cuối cùng có thể bỏ học.
Sự khác nhau giữa hai thái độ – tự tin và lạc quan có ở những đứa trẻ này, và tâm lý thất bại chủ nghĩa ở những đứa trẻ kia, bắt đầu hình thành từ những năm đầu tiên. Brazelton khẳng định: “các bậc cha mẹ phải hiểu được rằng những hành động của mình có thể góp phần vào sự tự tin, sự hiếu kỳ và sự thích thú học tập, cũng như vào sự hiểu biết bị những giới hạn không thể vượt qua được của con trẻ”, tức là những nhân tố thành công của con cái đến mức nào. Lời khuyên này dựa trên nhiều kết quả và nó ngày càng cho thấy rõ thành công về học hành của con cái phụ thuộc chặt chẽ vào những nét tính cách đã hình thành trước tuổi đến trường. Chẳng hạn, như chúng ta đã thấy ở Chương 6, năng lực tự chủ của những đứa trẻ 4 tuổi khi người ta đưa kẹo cho chúng, cho phép đoán trước chúng sẽ đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi vào đại học, 14 năm sau đó.
Những năm đầu cuộc đời là thời điểm tốt nhất để giáo dục trẻ em những thành phần của trí tuệ xúc cảm, tuy thứ trí tuệ này vẫn tiếp tục hình thành trong những năm đến trường. Những năng lực xúc cảm mà trẻ em có được sau đó là sự phát triển từ năng lực được tạo ra lúc khởi đầu. Và sự thành đạt đầu tiên ấy là cơ sở của mọi sự tập luyện.
Một bản báo cáo của Trung tâm Quốc gia vì trẻ em chỉ ra rằng, năng lực học của một đứa trẻ phụ thuộc vào sự hiểu biết quan trọng nhất là: Học như thế nào? Bản báo cáo liệt kê 7 yếu tố căn bản của sự hiểu biết này – tất cả đều gắn liền với trí tuệ xúc cảm.
1. Tự tin: Ý thức làm chủ hoàn toàn thân thể, làm chủ ứng xử của mình và thế giới
bên ngoài, niềm tin chắc rằng mình có nhiều khả năng thành công hơn là thất bại trong những gì mình làm và người lớn sẽ giúp đỡ, khuyên bảo.
2. Hiếu kỳ: Hiểu rằng sự khám phá là điều tốt và đem lại sự thích thú.
3. Có chủ ý: Sự mong muốn và khả năng tạo ra được một kết quả và cố làm để đạt tới
4. Tự chủ: Năng lực thay đổi và làm chủ những hành động của mình một cách thích
hợp với lứa tuổi của mình; ý thức kiểm soát bên trong.
5. Năng lực duy trì các liên hệ: Năng lực liên hệ với người khác, dựa trên sự mong
đợi được người khác hiểu và hiểu được người khác.
6. Năng lực giao tiếp: Sự mong muốn và khả năng trao đổi các ý tưởng, các khái niệm
và chia sẻ tình cảm với người khác bằng lời lẽ. Điều này gắn với ý thức tin cậy ở người khác và sự thích thú được liên hệ với người khác, kể cả người lớn.
7. Hợp tác: Đó là năng lực tìm được sự cân bằng đúng đắn giữa những nhu cầu của
mình và nhu cầu của người khác trong hoạt động nhóm.
Việc đứa trẻ đến mẫu giáo với những năng lực ấy phụ thuộc phần lớn vào sự quan tâm đầy đủ của bố mẹ nó và những người xung quanh nó trong thời kỳ trước khi đến trường. Để nó có được sự khởi đầu tốt trong cuộc đời, cần phải làm cho nó nhận được những dấu hiệu yêu thương thích hợp.
Cần nắm được những cơ sở của trí tuệ xúc cảm
Hãy giả định một đứa trẻ 2 tháng hay thức dậy vào 3 giờ sáng và khóc ré lên. Mẹ nó bế nó và cho nó bú trong 30 phút, vừa âu yếm nhìn nó vừa nói với nó mình rất thích được nhìn thấy nó, dù là vào lúc nửa đêm. Đứa bé sung sướng với tình yêu của mẹ, ngủ lại yên lành.
Bây giờ hãy giả định mẹ nó khó ngủ sau khi cãi nhau với chồng và đang căng thẳng, bực bội. Đứa bé co rúm người lại khi mẹ bế lên bằng cử chỉ thô bạo và bắt nó im đi. Trong khi nó bú bình sữa, mẹ nó nhìn ra phía trước với con mắt lạnh lùng, nhớ lại cuộc cãi nhau với chồng xảy ra hồi sáng. Càng nhớ lại câu chuyện này, bà càng bực tức. Đứa bé như cảm nhận được sự căng thẳng ấy nó ngọ nguậy, ưỡn cứng người lại và không bú nữa. “Không bú nữa?” – Bà mẹ nói – Chắc là chưa đói”. Không gượng nhẹ, mẹ nó đặt nó lên nôi và rời khỏi buồng, vẻ giận dữ, và cứ để nó khóc cho tới khi nó ngủ lại vì mệt.
Theo Trung tâm Quốc gia vì trẻ em, hai kịch bản này là điển hình của những thái độ làm nảy sinh ở trẻ em tình cảm khác nhau đối với bản thân nó và những người thân của nó, nếu cứ để thành thói quen. Đứa trẻ thứ nhất học được rằng nó có thể trông cậy ở người khác để hiểu những nhu cầu của nó và để thoả mãn chúng, cũng như để hiểu rằng nó có thể được giúp đỡ. Còn đối với đứa trẻ thứ hai thì nó phát hiện ra rằng chẳng ai quan tâm đến nó, rằng nó không trông cậy được vào ai hết và cố gắng của nó