Mặc dù trong thời gian qua ngân hàng đã nỗ lực tăng cường hoạt động phòng ngừa hạn chế rủi ro tín dụng, tuy nhiên ngân hàng vẫn tồn tại một số hạn chế sau:
Thứ nhất: Danh mục tín dụng của ngân hàng tiềm ẩn rủi ro cao
Tỷ trọng cho vay trung dài hạn trong 3 năm trở lại đây thậm chí có xu hướng tăng (từ 60,7% lên 70,4%). Mức tăng này ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực chuyển dịch cơ cấu cho vay của ngân hàng và làm tăng rủi ro tín dụng mà chi nhánh có thể gặp phải
Thứ hai: Việc phòng ngừa hạn chế rủi ro tín dụng dụng của từng khoản vay riêng lẻ chưa thực sự chặt chẽ
Mặc dù chi nhánh rất quan tâm đến chất lượng tín dụng của từng khoản vay, tuy nhiên sự tuân thủ quy trình tín dụng của cán bộ tín dụng chi nhánh đôi lúc còn thiếu nghiêm chỉnh và thiếu thận trọng. Nhiều khoản tín dụng bị phê duyệt một cách vội vàng, cảm tính, chạy theo yêu cầu của khách hàng. Quá trình giám sát sau giải ngân đôi khi được thực hiện qua loa.
Bên cạnh đó ngân hàng chưa đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của tài sản đảm bảo trong phòng ngừa hạn chế RRTD. Tài sản đảm bảo vừa là nguồn thu nợ thứ hai khi khách hàng không có khả năng trả nợ, vừa là điều kiện ràng buộc trách nhiệm người vay. Ngoài ra, việc xử lý tài sản cũng gặp nhiều khó khăn
khi tài sản khó phát mại chiếm tỷ trọng lớn, tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay còn nhiều. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp khách hàng không có thiện chí giao tài sản. Chi nhánh không có những quy định chính thức, cụ thể về việc xử lý tài sản đảm bảo.
Thứ ba: Mô hình tổ chức của việc cấp tín dụng và phòng ngừa hạn chế RRTD chưa phát huy hiệu quả do sự phối hợp giữa các phòng trong bộ phận tín dụng còn nhiều bất cập
Trong quy trình tín dụng, việc phối hợp giữa các phòng còn có khá nhiều điểm trùng lặp về trách nhiệm và quyền hạn, có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, cứng nhắc. Bên cạnh đó, đôi khi các phòng lại không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình. Theo nguyên tắc, các khoản vay sẽ được tiến hành phân tích song song giữa hai bộ phận kinh doanh và bộ phận quản lý rủi ro. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đặc biệt là những khoản vay nhỏ chỉ được phân tích bởi bộ phận quan hệ tín dụng. Bộ phận này sẽ vừa làm công tác tìm kiếm, tiếp xúc khách hàng vừa phải phân tích khách hàng. Do đó thực trạng này tiềm ẩn rủi ro tín dụng cho ngân hàng. Trong khi đó cán bộ đội ngũ của các phòng đôi khi làm việc thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện đầy đủ các quy trình nghiệp vụ tín dụng. Công tác quản lý điều hành của ban lãnh đạo vẫn chưa đều tay, việc giám sát hoạt động của các phòng thiếu quyết liệt và thiếu tính hiệu quả.
Thứ tư: Chi nhánh chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của rủi ro danh mục
Mặc dù đã có một số biện pháp nhằm đa dạng hóa danh mục cho vay, nhưng rõ ràng ngân hàng không có một chính sách cụ thể để phòng ngừa rủi ro danh mục. Hiện tại ngân hàng chưa thiết lập giới hạn tín dụng cụ thể để đảm bảo đa dạng hóa danh mục tín dụng, đồng thời chưa có biện pháp đo lường rủi ro danh mục và cũng không có những chỉ đạo từ Ngân Hàng Công Thương Việt Nam tới chi nhánh về biện pháp hạn chế rủi ro danh mục.