4. CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI
3.4.1. Giải pháp về tổ chức quản lý của chính quyền
- Nâng cao chất lượng qui hoạch KCN:
Trong qui hoạch phát triển KCN, tỉnh Vĩnh Phúc khi thẩm định dự án và trình lên Chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn nhất thiết phải tính đến việc bảo đảm tính đồng bộ của các yếu tố cơ sở hạ tầng về kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là cơ sở cho việc bảo đảm sự PTBV không chỉ nội tại KCN, những địa phương có KCN mà đảm bảo PTBV toàn tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu trên, sự phát triển các KCN phải được kết hợp chặt chẽ với các yếu tố cần thiết khác như: Hệ thống bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường cả trong và ngoài KCN; Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội: đường xá, điện, nước, nhà ở, mạng lưới thông tin viễn thông, y tế, giáo dục; Phát triển KCN đi đôi với quy hoạch đồng bộ mạng lưới thị tứ, khu vực thành thị với các điều kiện sinh hoạt hiện đại. Gắn qui hoạch phát triển của các KCN & KCX với chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc trong tương lai nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả lan toả của các KCN với sự phát triển kinh tế của tỉnh và đất nước.
Qui hoạch các KCN phải chấp hành nghiêm chỉnh qui định về tỷ lệ lấp đầy KCN hiện có khi mở rộng và bổ sung qui hoạch KCN mới của tỉnh Vĩnh Phúc theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đó có căn cứ và lộ trình điều chỉnh qui hoạch KCN cho phù hợp với yêu cầu phát triển của từng thời kỳ, đảm bảo yêu cầu tiết kiệm tài nguyên đất. Tránh tình trạng nhiều KCN không thể thu hút được đầu tư hoặc đạt tỷ lệ sử dụng đất KCN rất thấp để đất hoang hóa trong khi người dân không có đất sản xuất; hoặc thiếu đất công nghiệp cho thuê, lỡ mất cơ hội phát triển của Vĩnh Phúc.
Cần qui định về qui mô diện tích tối thiểu cho từng loại KCN. Thực tế qui mô các KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay cho thấy trong khi nhiều khu có diện tích chỉ từ 100-150 ha thì có nhiều KCN khác có qui mô lên đến 400 – 500 ha. Việc phát triển các KCN có qui mô quá lớn hoặc nhỏ sẽ khó đảm bảo tính chất bền vững của chính KCN. Với KCN có diện tích quá lớn sẽ khó lấp đầy, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất; còn KCN quá nhỏ thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý môi trường và các dịch vụ đi kèm sẽ gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm tính hệ thống trong quy hoạch KCN toàn Vùng. Quy hoạch các KCN phải phù hợp với quy hoạch phát triển KTXH, quy hoạch đất đai, quy hoạch điểm dân cư, thành phố, khu đô thị. Nội dung quy hoạch KCN không chỉ nói chung về bố trí địa điểm, vị trí đóng của khu mà còn phải tính tới cả hướng bố trí ngành công nghiệp, sản phẩm sẽ sản xuất, phù hợp với đặc điểm dân cư, khả năng đất đai, tài nguyên, giá cả lao động và yêu cầu về môi trường của từng khu vực.
- Thu hút vốn đầu tư:
Tiếp tục xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng của tỉnh (giao thông, năng lượng, thông tin liên lạc... ). Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cả trong và ngoài KCN, sử dụng nguồn lực của nhà nước để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở những địa phương chưa có
điều kiện, qua đó tạo thuận lợi cho việc triển khai hoạt động của các nhà đầu tư vào KCN.
Tạo điều kiện giảm thiểu chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư vào KCN thông qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp như: Đẩy nhanh việc thực hiện công tác cải cách hành chính; giảm chi phí sử dụng các dịch vụ công cộng và chi phí duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, thu chi phí theo mức độ hoạt động thực tế (tỷ lệ lấp đầy KCN, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu ) để tạo điều kiện cho những doanh nghiệp còn khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế (kể cả các nhà ĐTNN) tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng KCN theo qui hoạch của tỉnh. Việc này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh giữa các KCN và qua đó có thể giảm đáng kể chi phí sử dụng hạ tầng (giá thuê đất, phí môi trường, điện, nước, liên lạc,... ) cho các nhà đầu tư trong KCN.
Tỉnh cần hoàn thiện môi trường pháp lý và đơn giản hoá các thủ tục hành chính, thông qua việc nhanh chóng xây dựng và thông qua luật về KCN, hoàn thiện cơ chế “một cửa tại chỗ” và coi đây là công cụ quan trọng tạo lập môi trường hành chính thuận lợi trong KCN. Đồng thời, cần ổn định các chính sách và cơ chế để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào KCN có những tính toán chiến lược dài hạn và bền vững, đặc biệt là các qui định về thuế, xuất nhập khẩu, lao động là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng ngày của các doanh nghiệp nên cần có hướng dẫn chi tiết, bao quát và dễ hiểu.