Chẳng có cuộc hành trình nào bắt đầu mà lại không có kế hoạch. Khởi sự doanh nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cho dù bạn muốn đến bất kỳ nơi nào, bạn cũng cần có một bản lộ trình. Thiếu nó, mọi công sức lao động của bạn sẽ không có định hướng và kết quả có thể sẽ khiến bạn thất vọng dù bạn cố gắng rất nhiều. Một kế hoạch kinh doanh thường rất dài. Đó là sản phẩm của rất nhiều nỗ lực và nghiên cứu. Tuy nhiên, tới đây bạn chưa cần một bản kế hoạch kinh doanh đồ sộ như vậy. Bạn chỉ
cần một bản kế hoạch kinh doanh sơ lược, giống như một bản tóm tắt kế hoạch kinh doanh để có thể bắt đầu. Chương này cung cấp cho bạn ba nhân tố cần thiết để xây dựng một bản tóm tắt kế hoạch kinh doanh:
1. Những nét sơ lược về một bản tóm tắt kế hoạch kinh doanh. 2. Một bản tóm tắt kế hoạch kinh doanh mẫu.
3. Mười điểm tự đánh giá.
Công thức đã có sẵn. Những gì bạn cần bây giờ là những thành phần nguyên liệu và một bản phác thảo.
Theo như định nghĩa, một kế hoạch kinh doanh, đúng như cái tên của nó là một kế hoạch hoàn chỉnh, một lộ trình, một kế hoạch chi tiết để khởi sự và phát triển doanh nghiệp của bạn. Nó có thể dài từ 30 đến 50 trang và đòi hỏi nỗ lực và nghiên cứu rất lớn để phát triển và hoàn thiện. Phần chính của bản kế hoạch (khoảng 25 trang) đề cập đến những vấn đề sau:
• Mô tả về công ty: sản phẩm và dịch vụ • Động lực ngành
• Phân tích khách hàng
• Phân tích đối thủ cạnh tranh
• Chiến lược giành lợi thế cạnh tranh • Kế hoạch marketing và bán hàng • Sản xuất và vận hành
• Phát triển sản phẩm • Ban quản lý
• Mô hình kinh doanh
• Kế hoạch tài chính trong năm năm đầu (với những dự trù) • Nhu cầu vốn
• Sử dụng nguồn vốn
• Chìa khoá dẫn tới thành công và những rủi ro cơ bản • Những cột mốc và lịch trình hoàn thành
• Phụ lục từ 10 đến 20 trang tài liệu bổ trợ
Tuy nhiên, bản tóm tắt kế hoạch kinh doanh phải trình bày ngắn gọn, súc tích những điểm cốt lõi về doanh nghiệp của bạn trong khoảng bốn trang. Có rất nhiều lý do bạn phải xây dựng một bản kế hoạch kinh doanh tóm tắt:
• Nó cho bạn thấy được những khía cạnh quan trọng của doanh nghiệp mà bạn sắp tạo dựng. Nó buộc bạn phải đối diện với chính mình, với những gì mình có, không được cường điệu sự thật, và giúp bạn đưa ra quyết định cuối cùng về việc nên hay không nên tiếp tục tiến hành công việc.
• Nó gia tăng khả năng thành công của bạn bằng cách buộc bạn phải có tầm nhìn vượt ra khỏi những ý tưởng/cơ hội ban đầu để tìm hiểu về những nguồn lực cần thiết, đánh giá tính cạnh tranh, áp lực thị trường, mô hình doanh thu, những dự trù về tài chính và bắt tay vào thực hiện.
• Nó là tiền đề để xây dựng những mối quan hệ trọng yếu ban đầu giữa bạn với chủ ngân hàng và những nhà đầu tư tiềm năng. Cho dù bạn không cần kêu gọi những nhà đầu tư bên ngoài, thì chính bạn sẽ là nhà đầu tư chủ yếu cả về thời gian, tiền bạc và năng lượng. (Và dù thế nào thì bạn cũng sẽ cần vốn).
• Nó là phương tiện để bạn truyền tải ý tưởng và tầm nhìn tới các đối tác của bạn, tới nhà tài trợ và các bên liên quan.
• Nó cho phép bạn suy nghĩ và nhận được phản hồi về việc liệu tầm nhìn của bạn có phù hợp với thời điểm hiện tại hay không, hay nó quá vụn vặt hoặc quá lớn lao. Ví dụ như bạn lập kế hoạch doanh thu cần đạt 100.000 đô la vào thời điểm sau năm năm, hay 50 triệu đô la là phù hợp? Liệu những dự trù của bạn có phù hợp với kế hoạch đặt ra hay không?
• Nó là một bản tài liệu sống mà bạn có thể phát triển thêm khi bạn khẳng định được tính khả thi của những dự trù bạn đặt ra.
Khi nào nên tiến hành viết bản tóm tắt kế hoạch kinh doanh? Ngay bây giờ! Ngay khi ý tưởng của bạn đi qua phễu lọc ý tưởng (Hình 6.2), bạn hãy bắt đầu phác thảo bản kế hoạch kinh doanh. Bạn nên thực hiện càng sớm càng tốt vì nó sẽ giúp bạn nhanh chóng có được cái nhìn toàn cảnh về doanh nghiệp tương lai của bạn.
Những phần phác thảo sau đây sẽ giúp bạn tổ chức và sắp xếp được ý tưởng trong đầu mình khi xây dựng một bản tóm tắt kế hoạch kinh doanh. Trong khi làm việc này, bạn hãy đặt mình vào địa vị của những nhà đầu tư tiềm năng. Những nhà đầu tư thường rất sáng suốt và biết cách thức nghiên cứu và đánh giá một kế hoạch kinh doanh dựa trên nội dung của nó. Vì thế, bạn hãy khách quan và đừng lan man, cường điệu sự thật. Công việc của bạn là cung cấp cho họ những thông tin mà họ cần để quyết định (tất nhiên là quyết định ủng hộ doanh nghiệp của bạn).
Nhìn chung, một nhà đầu tư sẽ nhìn vào chín điểm cốt yếu trong một bản kế hoạch hoạt động:
1. Tính độc đáo trong cơ hội kinh doanh này. 2. Giá trị mà bạn tạo ra cho khách hàng.
4. Thời gian hoàn vốn.
5. Năng lực, mức độ tín nhiệm của người khởi sự doanh nghiệp và đội ngũ xung quanh anh ta.
6. Lợi thế cạnh tranh bền vững.
7. Động lực thị trường (market dynamics), tình hình cạnh tranh và khả năng thâm nhập thị trường.
8. Dự trù hợp lý và kế hoạch tài chính.
9. Chìa khoá dẫn tới thành công và rủi ro trọng yếu.
Những thông tin mà bạn trình bày sẽ cho họ một hình dung về lợi nhuận đầu tư tiềm năng cũng như những rủi ro tiềm năng. Tất cả số liệu và dự trù tài chính cần phải cụ thể, xác thực và đáng tin cậy bởi vì một khi những nhà đầu tư đã bắt tay vào nghiên cứu cần mẫn và hợp lý thì tất cả đều sẽ sáng tỏ. Nghiên cứu cần mẫn và hợp lý là quá trình điều tra mà nhà đầu tư tiềm năng sẽ thực hiện để hiểu hết được doanh nghiệp của bạn. Họ sẽ xem xét từng chi tiết trong bản kế hoạch kinh doanh của bạn dưới thấu kính hiển vi cực mạnh. Vì thế, đừng đưa vào đó bất kỳ chi tiết nào mà bạn chưa xem xét cẩn thận.
Trong khi xây dựng bản tóm tắt kế hoạch kinh doanh, bạn chỉ nên đưa vào đó những nội dung cần thiết. Nếu như doanh nghiệp của bạn không thiên về công nghệ hoặc không đi sâu vào quá trình sản xuất thì bạn không nên đề cập đến những phần đó trong bản kế hoạch. Tuy nhiên, bạn cần đi sâu vào điểm nổi trội của doanh nghiệp. Điểm cần lưu ý nữa là đối thủ cạnh tranh trong khu vực của bạn, và phần dự trù tài chính. Hãy chứng minh tại sao doanh nghiệp của bạn sẽ thành công.
Cuối cùng, Bản kế hoạch cần phản ánh được mức độ chuyên nghiệp của bạn, bạn cần chú ý tới lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp và từng chi tiết nhỏ. Bản kế hoạch đó phải rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu. Trên hết, nó phải mang tính thuyết phục! Những nhà đầu tư luôn phải xem xét rất nhiều bản kế hoạch và đề án kinh doanh trong khoảng thời gian ngắn. Vì thế, bản kế hoạch của bạn cần phải nổi trội trong đám đông.
Với việc viết một bản kế hoạch kinh doanh tóm tắt cho nhà đầu tư tiềm năng,
bạn đang tiến hành đánh giá và tự thuyết phục chính bản thân mình
ĐỀ CƯƠNG KẾ HOẠCH KINH DOANH VÀ NHỮNG MỤC TIÊU Công ty và ý tưởng kinh doanh
Bạn sẽ bắt đầu giới thiệu ý tưởng của mình từ đây. Hãy giới thiệu ngắn gọn, súc tích và gây được sự chú ý.
• Mô tả sơ lược và rõ ràng về doanh nghiệp mà bạn định thành lập. Sử dụng sơ đồ để làm rõ ý tưởng của bạn nếu cần thiết.
• Truyền đạt được nhiệt huyết và tính cấp thiết của kế hoạch kinh doanh của bạn, tuy nhiên bạn đừng cường điệu.
• Mô tả những đặc trưng trong sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Sứ mệnh doanh nghiệp
Định vị doanh nghiệp của bạn trên thị trường và phạm vi hoạt động của nó trong một hoặc hai dòng. Hãy viết thật ngắn gọn và thuyết phục.
Ví dụ: “Trở thành nhà cung cấp chính dịch vụ mạng nội bộ không dây bằng cách thương mại hoá công nghệ đột phá mà chúng tôi đã phát triển, hướng tới những công ty vừa và nhỏ trên toàn thế giới”.
Cơ hội
Phần mô tả cơ hội kinh doanh là phần rất quan trọng (xem lại Chương 6). Bạn phải giải thích được lý do đây một cơ hội đặc biệt cho khách hàng, vì vậy cũng là lý do hấp dẫn nhà đầu tư. Một cơ hội kinh doanh muốn hấp dẫn các nhà đầu tư phải có đủ những điểm sau:
• Tạo ra giá trị đặc biệt cho khách hàng.
• Sản phẩm hay dịch vụ có ích và mang tính thực tiễn cao (có thể sản xuất được). • Cơ hội chỉ tồn tại trong một giai đoạn nhất định và đây là giai đoạn phù hợp nhất. • Có một vài lợi thế cạnh tranh.
• Có một bộ phận khách hàng tiềm năng chưa được thoả mãn nhu cầu. • Có tiềm năng sinh lợi lớn.
• Ý tưởng phải đem lại lợi nhuận bền vững và trong một thời gian dài chứ không mang tính nhất thời.
• Cơ hội nảy sinh từ những hoàn cảnh thay đổi, công nghệ mới, vấn đề khó khăn, hoặc là tại giao điểm của hai hoặc ba tình huống phát sinh.
• Các đối thủ khó bề bắt chước được ý tưởng này.
• Ngành kinh doanh phải hấp dẫn, thể hiện ở nhịp độ tăng trưởng, quy mô cũng như khả năng giành được thị phần của công ty bạn.
Công nghệ
• Nếu công ty của bạn có hàm lượng công nghệ cao, bạn sẽ phải trình bày phần này chi tiết như sau:
• Mô tả công nghệ với mức độ chi tiết hợp lý. Đừng để lộ công nghệ độc quyền và những thông tin quan trọng của bạn.
• Chỉ rõ tính bền vững của công nghệ và rào cản đối với những đối thủ cạnh tranh tiềm năng: những quy định về bảo vệ quyền sáng chế phát minh và độc quyền bí quyết công nghệ.
• Nếu công nghệ đã được cấp giấy phép, hãy nói rõ tính độc quyền của loại giấy phép đó.
• Mô tả những đóng góp của bạn đối với việc phát triển công nghệ này. Hãy kể ra bất kỳ năng lực nghiên cứu và phát triển đặc biệt nào mà bạn sở hữu.
Cạnh tranh
Một yêu cầu quan trọng là bạn phải cho nhà đầu tư tiềm năng thấy được rằng bạn đã phân tích thị trường cạnh tranh và đề ra chiến lược giành lợi thế cạnh tranh (Chương 8 và Chương 12).
• Phân tích động lực ngành: khách hàng, nhà cung cấp, sản phẩm thay thế, những đối thủ tiềm năng, mức độ cạnh tranh của ngành.
• Mô tả và so sánh với tất cả những đối thủ cạnh tranh. Thông thường một doanh nhân cho rằng họ không có đối thủ cạnh tranh. Điều đó cũng hàm ý rằng không tồn tại một thị trường, cũng không có người mua, không có đối thủ cạnh tranh trong tương lai và cũng không có hàng hoá thay thế.
• Trình bày chi tiết về lợi thế cạnh tranh.
• Dự đoán những phản ứng của đối thủ cạnh tranh khi bạn gia nhập ngành. Đừng bao giờ đánh giá thấp những phản ứng của họ.
Chiến lược thâm nhập thị trường
Những nhà đầu tư tiềm năng sẽ dò xét kỹ xem liệu bạn có thực sự hiểu được thị trường mà bạn chuẩn bị thâm nhập hay không và làm cách nào để bạn giành được thị phần (xem lại Chương 12).
• Xác định khách hàng tiềm năng và cách thức tiếp cận.
• Định lượng quy mô, tốc độ phát triển và các đặc trưng của ngành.
• Giải thích rõ chiến lược thâm nhập ngành của bạn: liên minh liên kết, thông qua nhà phân phối, người bán hàng trực tiếp, đặt hàng qua thư, nhượng quyền thương mại, marketing đa cấp, Internet, đại diện thương mại, hay những nhà buôn giúp xúc tiến bán sản phẩm.
Nhân sự
Bản kế hoạch là nơi để bạn thể hiện mình đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, bạn cũng còn phải trình bày về đội ngũ nhân sự của công ty, những người sẽ góp phần biến giấc mộng đầu tư của nhà đầu tư (của bạn nữa) thành hiện thực.
• Kể ra những kỹ năng cụ thể, đặc biệt và thích hợp, những thành tựu đã đạt được trong kinh doanh và những thành tích trong ngành sẽ giúp cho công ty bạn thành công trong tương lai.
• Trình bày kế hoạch xây dựng cơ cấu tổ chức ổn định từ bên trong. Vị trí hiện tại
Đây là phần để bạn làm nổi bật những thành tích mà mình đã đạt được: • Mô tả lịch sử công ty cho đến hiện tại.
• Kể ra những thành tích nổi bật và những dấu mốc quan trọng đã đạt được. • Trình bày ngắn gọn công ty của bạn trong thời điểm hiện tại.
Vận hành
Nếu một nhà đầu tư đòi hỏi bạn đưa ra chi tiết về cách thức vận hành doanh nghiệp, hãy trình bày trong phần này:
• Giải thích phương thức công ty bạn cung ứng sản phẩm và dịch vụ ra thị trường. • Mô tả bất kỳ một năng lực sản xuất hay cung cấp đặc biệt của công ty bạn. • Mô tả diện tích kinh doanh hiện tại, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng.
Mô hình kinh doanh
Mô hình kinh doanh đề cập đến cách thức bạn biến cơ hội kinh doanh thành tiền và thoả mãn khách hàng. Phần này gắn với nội dung vận hành công ty, dòng doanh thu, và chiến lược (Xem lại Chương 9).
• Phác hoạ sơ qua về khách hàng của bạn: người tiêu dùng, doanh nghiệp, trung gian bán hàng, nhà phân phối, các đại lý bán buôn hay bất kỳ bên thứ ba nào khác.
• Định lượng số tiền bạn kiếm được qua mỗi giao dịch.
• Trình bày cụ thể chiến lược định giá và chiết khấu trên số lượng, việc định giá của người phân phối, chi phí cho người môi giới.
• Giải thích rõ phương thức khác biệt mà bạn sử dụng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng.
Dự trù tài chính
Một yêu cầu quan trọng là bạn phải lượng hoá được khi nào thì kế hoạch kinh doanh này bắt đầu sinh lời cho nhà đầu tư của bạn (xem lại Chương 13):
• Xây dựng những dự trù cơ bản để dựa trên đó đưa ra bảng dự trù tài chính • Cụ thể hoá dự trù thu nhập trong vòng năm năm
Tăng trưởng và phát triển trong tương lai
Cuối cùng, hãy trình bày triển vọng phát triển của công ty bạn trong tương lai và cách thức bạn đưa công ty đến mục tiêu đó:
• Mô tả chiến lược cho sự tăng trưởng.
• Nói qua về chiến lược tung ra các sản phẩm mới tại từng thời điểm.
• Trình bày kế hoạch phát triển trong nội bộ doanh nghiệp: marketing, phát triển sản phẩm, cấp giấy phép, nhượng quyền thương mại, và mở rộng hệ thống cửa hàng trực thuộc công ty, các cơ hội mở rộng kênh phân phối ra thị trường quốc tế.
• Trình bày kế hoạch phát triển bên ngoài doanh nghiệp: liên minh liên kết chiến lược, mua lại và sáp nhập.
• Đề cập đến kế hoạch liên minh liên kết theo chiều dọc.
• Trình bày kế hoạch đa dạng hoá để thực hiện những thương vụ mới.
Lời khuyên: Một bản tóm tắt kế hoạch kinh doanh hợp lý nhất sẽ dài bốn trang
(không hơn), định dạng kiểu chữ Times New Roman, cỡ chữ 11, canh lề 2,54 cm, cách dòng đơn.
Gợi ý: Bạn hãy dừng lại ở đây, đánh dấu trang này và xem lại những phần bắt buộc
phải có trong bản tóm tắt kế hoạch kinh doanh trước khi bạn xem tiếp ví dụ. Vì không thể đưa vào tất cả các phần nên bạn cần chọn lọc những gì phù hợp. Những nhà đầu tư