Theo kết quả khảo sát Phú Yên có 3 huyện/thị xã trọng điểm nuôi tôm hùm lồng là thị xã Sông Cầu, huyện Đông Hòa và huyện Tuy An. Trong đó huyện Đông Hòa và huyện Tuy An có số lượng lồng nuôi ít. Ở huyện Tuy An chủ yếu là ương tôm con, tại huyện Đông Hòa từ tháng 6/2012, UBND tỉnh Phú Yên có thông báo vịnh Vũng Rô đã được quy hoạch xây dựng cảng biển các hộ dân nuôi thủy sản trong vịnh phải dừng việc đầu tư mới và tự tháo dỡ di dời lồng, bè, trả lại mặt nước trước 31/12/2014. Do vậy, hiện nay nghề nuôi tôm hùm lồng ở Phú Yên tập trung chủ yếu ở thị xã Sông Cầu.
Trình độ văn hóa của người dân có ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận thông tin ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào nuôi tôm hùm lồng cũng như việc phòng trị bệnh trên tôm hùm. Kết quả điều tra cho thấy trình độ học vấn của người dân nuôi tôm hùm tại Phú Yên tương đối thấp (Bảng 3.1)
Bảng 3.1: Trình độ học vấn của chủ hộ nuôi tôm hùm lồng đầu năm 2014 (n=221)
Trình độ văn hóa Tần số (hộ) Tần suất (%)
Không đi học 5 2,3
Cấp 1 107 48,4
Cấp 2 92 41,6
Cấp3 17 7,7
n: Số hộ điều tra
Kết quả bảng 3.1 cho thấy, người dân chủ yếu là học hết cấp 1 (48,4%), và có 41,6% người dân học hết cấp II, lượng người dân học tới cấp III ít (7,7%) thậm chí có 2,3% người dân không biết chữ. Trình độ học vấn thấp của người dân nuôi tôm gây ra sự khó khăn trong quá trình truyền tải thông tin và tiếp cận khoa học công nghệ, hơn thế nữa những vùng nuôi là những vùng có điều kiện khó khăn về kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào nghề biển, với trình độ học vấn thấp như vậy việc lựa chọn ngành nghề khác để tạo thêm thu nhập là điều rất khó.