hùm lồng ở Việt Nam
Ở Việt Nam, việc sử dụng thuốc và hóa chất trong nghề nuôi tôm biển ngày càng gia tăng nhất là việc sử dụng kháng sinh do sự chuyển đổi nhanh chóng từ nuôi quảng canh sang thâm canh. Có ít nhất 373 loại thuốc và hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản trong đó có 138 loại kháng sinh [15, 22].
Nghiên cứu phòng trị bệnh cho tôm hùm ở Việt Nam khởi đầu bằng việc đề xuất sử dụng Fomaline của Nguyễn Thị Bích Thúy và Võ Văn Nha (2003) [12]. Năm 2003, các vùng nuôi tôm hùm ở Phú Yên , Khánh Hòa kháng sinh ít được sử dụng (Phú Yên 7,1%, Khánh Hòa 5,8%) bởi lẽ thuốc kháng sinh dùng cho tôm hùm là thuốc phòng trị bệnh tôm sú, do vậy hầu như không có hiệu quả [8]. Năm 2005-2006 đã có những thử nghiệm điều trị bệnh tôm hùm đỏ thân bằng cách dùng thuốc kháng sinh: trộn vào thức ăn doxycyline hay cotrimoxazol (5g/kg thức ăn) cùng kết hợp với vitamin C (10g/kg thức ăn) vào thời điểm tôm thường mắc bệnh sẽ hạn chế xuất hiện bệnh đỏ thân ở tôm hùm bông P. ornatus [11]. Đến năm 2007 phác đồ điều trị bằng kháng sinh Oxytetracyline theo đường tiêm và đường tiêu hóa đã được đề xuất để điều trị bệnh sữa tôm hùm ở nhiều vùng nuôi [2]. Kể từ đó kháng sinh đã được sử dụng nhiều trong phòng trị bệnh sữa, bệnh đỏ thân ở tôm hùm.
Bên cạnh sử dụng thuốc kháng sinh người nuôi đã sử dụng các loại thảo mộc để phòng trị bệnh cho tôm theo kinh nghiệm dân gian như khả năng kháng khuẩn của allixin chiết xuất từ tỏi và flavonoid chiết xuất từ cây chó đẻ răng cưa với liều lượng 12,5 ppm có thể ức chế tối thiểu sự phát triển của vi khuẩn Vibrio alginolyticus gây bệnh đỏ thân trên tôm hùm [6]. Đây là một hướng phát triển ứng dụng phương thuốc thảo mộc thay thế cho việc sử dụng kháng sinh trong trị bệnh nhiễm khuẩn ở tôm hùm nuôi thương phẩm.
Năm 2008, khi đánh giá về hiện trạng sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh ở tôm hùm, Võ Văn Nha cho rằng, việc sử dụng thuốc kháng sinh trong phòng trị bệnh sữa ở tôm hùm đã trở thành phổ biến ở hầu hết các hộ nuôi tôm hùm lồng tại Vạn Ninh và Sông Cầu ( chiếm hơn 85% trong số 150 hộ điều tra), 4 nhóm kháng sinh được dùng phổ biến đó là: nhóm fluoroquinolone; tetracycline; sulfamide và nhóm aminosida [9].
Việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh ở tôm hùm đã kéo dài trong một thời gian khá lâu cùng với việc sử dụng nhiều lần trong suốt quá trình nuôi sẽ có ảnh hưởng đến việc kháng thuốc của các chủng gây bệnh, hay vấn đề tuân thủ quy định không sử dụng kháng sinh nằm trong danh sách cấm hoặc dư lượng kháng sinh cho phép trong cơ thể tôm vẫn chưa được đánh giá cụ thể. Vì vậy việc nghiên cứu mức độ kháng kháng sinh là một vấn đề cấp thiết hiện nay.
1.3.3. Những nghiên cứu về khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn Vibrio
alginolyticus phân lập trên tôm hùm nuôi lồng ở Việt Nam
Nghiên cứu về sự kháng thuốc của vi khuẩn trong mô hình nuôi tôm ở Việt Nam, Lê Xuân Tuấn (2005) cho thấy tác hại việc sử dụng thuốc kháng sinh phổ biến trong nuôi trồng thủy sản làm cho tồn lưu kháng sinh trong nước, trong bùn và tạo sự kháng thuốc của vi khuẩn trong môi trường. Kiểm tra sự kháng thuốc của hai loại vi khuẩn Bacillus và Vibrio được phân lập trong mẫu bùn với các kháng sinh norfloxacin, oxolinic acid, trimethoprim và sulfamethoxazole đã chỉ ra có hiện tượng kháng kháng sinh với trimethoprim và sulfamethoxazole [43] . Ở đồng bằng sông Cửu Long đã phân lập được 169 dòng vi khuẩn từ các ao nuôi thủy sản và thử với 6 loại kháng sinh kết quả cho thấy 2% kháng với chloramphenicol, có 34% kháng nhiều loại kháng sinh như chloramphenicol, ampicilline, tetracycline, trimethoprim, sulfamchoxazole, nitrofurantion [52]
Theo Bùi Quang Tề (2006) hai loại kháng sinh clortetracyclin, doxycyclin vẫn còn nhạy với nhóm vi khuẩn Vibrio spp. Vì vậy hai loại kháng sinh này được dùng để điều trị bệnh phát sáng trên tôm sú và dùng để thay thế các thuốc bị cấm như chloramphenicol, nitrofuran [16].
Võ Văn Nha (2005) đã nghiên cứu khả năng kháng sinh ở vi khuẩn Vibrio alginolyticus phân lập từ tôm hùm bông nuôi lồng bị bệnh đỏ thân. Kết quả thử độ nhạy của 18 loại kháng sinh trên vi khuẩn Vibrio alginolyticus cho thấy, chỉ có 3 loại
kháng sinh có độ nhạy cao với vi khuẩn gây bệnh trong điều kiện thí nghiệm (gentamicine, acide nalidixic, doxycycline). Phần lớn các loại kháng sinh còn lại như cefoperazone, cefalexine, oxacilline, ofloxacine, colistine, norfloxacine, amoxicillin, penicillin, ampicillin, kanamycine, vancomycine ít nhạy với vi khuẩn gây bệnh ở tôm hùm [9].
Vi khuẩn Vibrio alginolyticus là tác nhân gây ra nhiều vấn đề trong nuôi trồng
thủy sản. Theo một số báo cáo trên thế giới loại v khuẩn này có liên quan đến dịch bệnh ở cá nuôi và tự nhiên, cũng như dịch bệnh ở ấu trùng và con giống của nhuyễn thể và giáp xác. Tại Việt Nam, có rất ít báo cáo về vi khuẩn này, đặc biệt là vấn đề kháng kháng sinh. Trên đối tượng tôm hùm, Võ Văn Nha (2005) đã có nghiên cứu sử dụng một số loại kháng sinh có hiệu quả để điều trị bệnh do Vibrio alginolyticus gây ra trên tôm hùm, nhưng nghiên cứu vẫn chưa đi sâu vào hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn. Như đã trình bày ở trên, việc sử dụng kháng sinh không đúng cách trong thời gian dài sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất là khi vi khuẩn đã kháng với kháng sinh… Chính vì vậy, đề tài là hướng đi mới và cấp bách trong tình hình hiện nay, khi tôm hùm đang là đối tượng có giá trị kinh tế và được ưa chuộng nhất. Kết quả của đề tài sẽ làm cơ sở góp phần hạn chế việc lạm dụng kháng sinh nhằm mục đích hướng tới “phát triển bền vững” trong nuôi trồng thủy sản.