Lập kế hoạch kiểm toán là một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc kiểm toán, giúp cho nhóm kiểm toán có định hướng tốt về công việc, thực hiện công việc một cách hiệu quả nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí. Do vậy, dù trong mùa kiểm toán bận rộn, các nhóm kiểm toán vẫn nên đầu tư thời gian thích đáng cho giai đoạn
này, để có được một kế hoạch cụ thể, phù hợp nhất với từng khách hàng, giúp công tác kiểm toán sau đó diễn ra thuận lợi hơn.
Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, việc tìm hiểu và mô tả về hệ thống KSNB của khách hàng không nên chỉ giới hạn ở hình thức bảng câu hỏi, mà trong từng trường hợp cụ thể, KTV có thể sử dụng thêm hình thức bảng tường thuật hay lưu đồ để mô tả nếu nhận thấy hình thức đó phù hợp hơn cho công việc.
Bảng câu hỏi đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ lập sẵn của Công ty được thiết kế chung cho tất cả khách hàng. Việc sử dụng bảng câu hỏi này rất nhanh chóng, thuận tiện nhưng nó có thể không phù hợp với mọi loại hình doanh nghiệp. Vì vậy, khi tìm hiểu về hệ thống KSNB của khách hàng, bên cạnh việc sử dụng bảng câu hỏi lập sẵn, KTV cần quan tâm đến những đặc điểm riêng của doanh nghiệp để có thể thiết kế thêm các câu hỏi cho đầy đủ, phù hợp.
Trong việc sử dụng kỹ thuật phân tích để thu thập bằng chứng kiểm toán, bên cạnh việc chủ yếu sử dụng phân tích xu hướng như hiện nay, các KTV nên kết hợp sử dụng cả phân tích tỉ suất để có thể phát huy tốt hơn hiệu quả của kỹ thuật phân tích. Hơn nữa, một ưu điểm trong việc phân tích tình hình tài chính thông qua các tỷ suất tài chính là tính ổn định tương đối qua các kỳ; tức là bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách quản lý, chính sách kế toán cũng như trong hoạt động kinh doanh của khách hàng cũng có thể nhận ra nhờ sự phân tích các tỷ suất tài chính.
3.2.2.Về quy trình kiểm toán thuế GTGT trong BCTC
Để hoàn thiện quy trình kiểm toán thuế GTGT là quá trình phức tạp rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía nhà nước, quốc hội, bộ tài chính, cơ quan thuế và các công ty kiểm toán…Sau đây em xin đưa ra một số kiến ghị nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán khoản mục thuế GTGT.
Thứ nhất, về phương pháp tìm hiểu hệ thống KSNB của khách hàng.
Theo chuẩn mực kiểm toán số 400 ”Đánh giá rủi ro và kiểm soát nội bộ” , kiểm toán viên được quyền lựa chọn kỹ thuật khác nhau để lưu trữ thông tin liên quan đến hệ thống kế toán và hệ thống KSNB. Hình thức và phạm vi lưu trữ tài liệu về đánh giá rủi ro kiểm soát tùy thuộc vào quy mô và tính chất phức tạp của hệ thống kế toán và hệ thống KSNB của đơn vị. Vì thế nên khi tìm hiểu về hệ thống KSNB của khách hàng, KTV cần mô tả lại hệ thống KSNB của khách hàng trên giấy tờ làm việc. Có nhiều hình thức để mô tả lại hệ thống KSNB, đó là ; bảng câu hỏi, bảng tường thuật hay lưu đồ. KTV có thể kết hợp các phương pháp trên để đạt
hỏi, UHY LTD nên thiết kế thêm lưu đồ để mô tả lại môi trường kiểm soát, các chính sách thuế GTGT và thủ tục kiểm soát thuế GTGT của từng loại doanh nghiệp.
Bảng 3.1 : Một số ký hiệu vẽ lưu đồ
Ký hiệu Diễn giải
Mô tả một quá trình hay một chức năng gây ra biến động về mặt giá trị, hình thức hoặc vị trí thông tin. VD : thủ kho lập phiếu xuất kho…
Chứng từ - tài liệu và báo cáo các loại bằng giấy. VD : Vận đơn, hóa đơn vận chuyển…
Đường vận động định hướng, miêu tả hướng vận động của quá trình hoặc số liệu
Lối ra hoặc lối vào từ một phần khác của sơ đồ, được đánh dấu bằng các con số.
VD : Một chứng từ được luân chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác…
Lời bình, chú giải
Lưu trữ độc lập. VD : bản sao kê hóa đơn…
Kí hiệu đầu ra, đầu vào - miêu tả thông tin nhập xuất khỏi hệ thống. VD : sự nhận đơn đặt hàng của khách hàng…
Trích : Tài liệu hướng dẫn của Viện chuẩn mực kiểm toán Hoa Kì
Trong khi vẽ lưu đồ mô tả hệ thống kế toán và hệ thống KSNB , kiểm toán viên nên kết hợp cả lưu đồ ngang và lưu đồ dọc để mô tả chi tiết và rõ ràng toàn bộ quá
trình kiểm soát khoản mục thuế GTGT cùng quá trình vận động và lưu chuyển của chúng bằng các kí hiệu và biểu đồ.
Thứ hai, về phân bổ mức trọng yếu kế hoạch cho từng khoản mục
Mức trọng yếu kế hoạch của công ty được thực hiện xác định trên toàn bộ BCTC, Công ty cần phân bổ mức trọng yếu đó cho các khoản mục .Việc phân bổ mức trọng yếu kế hoạch cho từng khoản mục kiểm toán có thể được thực hiện theo hai cách như sau:
Cách 1 : Phân bổ dựa trên tính chất khoản mục
Phân bổ mức trọng yếu cho khoản mục
thuế GTGT =
A
∑ BiCi X B1C1
Trong đó :
A : Mức trọng yếu kế hoạch cho cả BCTC B1 : Giá trị của chỉ tiêu thuế trên BCTC C1 : Hệ số phân bổ cho chỉ tiêu thuế GTGT Bi : Giá trị của từng chỉ tiêu trên BCTC Ci : Hệ số phân bổ cho các chỉ tiêu đó
Cách 2 : Áp dụng mức trọng yếu phân bổ chung cho tất cá các khoản mục
Kiểm toán viên thực hiện phân bổ đều cho các khoản mục nhằm tạo ra ngưỡng nhằm lượng hóa và đánh giá các sai phạm.
Ví dụ : Kiểm toán viên xác định mức trọng yếu phân bổ chung cho tất cả khoản mục của BCTC dựa trên công thức :
Kiểm toán viên sẽ quyết định phần trăm mức kế hoạch dựa trên đánh giá của KTV về những thông tin thu thập được về khách hàng như loại hình hoạt động, rủi ro trong quá trình kinh doanh của khách hàng.
Thứ ba, Theo chuẩn mực kiểm toán số 530: "Lấy mẫu kiểm toán là áp dụng các thủ tục kiểm toán trên số phần tử ít hơn 100% tổng số phần tử của một số dư tài khoản hay một loại nghiệp vụ, sao cho mọi phần tử đều có cơ hội để được chọn. Lấy mẫu sẽ giúp KTV thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán về đặc trưng của các phần tử được chọn, nhằm hình thành hay củng cố kết luận về tổng thể" (Điểm 04), và "Căn cứ vào chuẩn mực này, công ty kiểm toán có trách nhiệm qui định cụ thể về chính sách và qui trình lấy mẫu kiểm toán và các thủ tục lựa chọn khác để thực hiện tại đơn vị mình" (Điểm 03).
Trên thực tế, khi thực hiện kiểm toán do số lượng các nghiệp vụ xảy ra tại các khách hàng là rất lớn nên khi thực hiện các thử nghiệm kiểm toán, KTV thường sử dụng phương pháp chọn mẫu. Điều này giúp giảm thời gian và công sức và nâng cao hiệu quả kiểm toán. Tuy nhiên, chọn mẫu thế nào cho hiệu quả vẫn là vấn đề còn phải đề cập cho các công ty kiểm toán Việt Nam trong đó có cả UHY LTD.
Khi thực hiện kiểm toán, KTV thường sử dụng phương pháp chọn mẫu phi xác suất bao gồm chọn mẫu theo lô và chọn mẫu theo nhận định nhà nghề. Các mẫu được chọn thường là các nghiệp vụ trong một tháng nào đó hoặc những nghiệp vụ có quy mô lớn, hoặc theo KTV là có khả năng xảy ra gian lận sai sót. Phương pháp này cũng có một số ưu điểm là tiết kiệm được thời gian, tập trung được vào các phần trọng yếu. Tuy nhiên, việc chọn mẫu phi xác suất phụ thuộc nhiều vào xét đoán nghề nghiệp, trình độ của KTV nên chứa đựng rất nhiều rủi ro và có thể không chính xác. Việc kiểm tra các nghiệp vụ có quy mô lớn là hoàn toàn cần thiết vì trong các nghiệp vụ này dễ xảy ra các sai phạm trọng yếu nhưng thực tế thì các nghiệp vụ này lại được các doanh nghiệp hạch toán, kiểm soát rất kỹ. Còn với các sai sót nhỏ rất khó phát hiện nhưng nếu là sai sót mang tính hệ thống thì tổng hợp lại sẽ là sai sót trọng yếu. Ngoài ra, với các KTV mới vào nghề còn thiếu kinh nghiệm việc lựa chọn các nghiệp vụ dễ xảy ra sai sót, gian lận để kiểm tra mẫu rất khó chính xác.
Để khắc phục tình trạng này, UHY LTD nên kết hợp nhiều phương pháp chọn mẫu khác nhau trong cuộc kiểm toán để làm giảm rủi ro khi thực hiện phương pháp
chọn mẫu thường dùng. Cụ thể, có thể sử dụng thêm các phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo bảng số ngẫu nhiên, chọn mẫu hệ thống... hoặc chọn mẫu thuộc tính đặc biệt là phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên theo chương trình máy vi tính. Các chương trình, phần mềm chọn mẫu ngẫu nhiên hiện này được rất nhiều các hãng kiểm toán thuế thiết kế và mang lại hiệu quả cao do giảm được thời gian và giảm sai sót trong mẫu.
Các chương trình, phần mềm chon mẫu ngẫu nhiên hiện nay được thiết kế theo quy trình sau:
Bước 1: Định lượng đối tượng kiểm toán bằng hệ thống con số duy nhất.
Mục tiêu của bước này là gắn cho mỗi phần tử của tổng thể với con số duy nhất. Chẳng hạn với đối tượng là chọn mẫu thuế GTGT thì thông thường thuế GTGT đầu vào và đầu ra được liệt kê trên Bảng kê hàng hoá, dịch vụ mua vào bán ra. Mỗi hoá đơn hàng hoá, dịch vụ đi kèm với khoản thuế GTGT sẽ được mã hoá bằng một con số duy nhất.
Bước 2: Thiết lập mối quan hệ giữa đối tượng kiểm toán đã được định lượng với Bảng số ngẫu nhiên.
Các đối tượng sau khi được định lượng bằng một số cụ thể sẽ phải thiết lập mối quan hệ với các số ngẫu nhiên do máy tạo ra. Ví dụ, các số ngẫu nhiên do máy tạo ra có 5 chữ số thì có 3 trường hợp xảy ra:
Các số định lượng có 5 chữ số: thì khi đó có sự tương quan 1-1 giữa số ngẫu nhiên và số định lượng.
Các số định lượng có ít hơn 5 chữ số: chẳng hạn số định lượng có 4 chữ số thì có thể xây dựng mối quan hệ với số ngẫu nhiên bằng cách chọn 4 chữ số đầu, cuối hoặc giữa của số ngẫu nhiên.
Các số định lượng có nhiều hơn 5 chữ số: chẳng hạn số định lượng có 7 chữ số có thể xây dựng mối quan hệ với số ngấu nhiên bằng cách lấy cả 5 chữ số của số ngẫu nhiên và lấy thêm 2 chữ số ở cột phụ của bảng.
Bước 3: Nhập số liệu đầu vào phần mềm bằng cách nhập số nhỏ nhất và số lớn nhất của dãy số thứ tự định lượng, quy mô mẫu cần chọn và chọn một số ngẫu nhiên làm điểm xuất phát.
Đầu ra của phần mềm là một Bảng số ngẫu nhiên được lựa chọn để kiểm tra đối tượng kiểm toán (chẳng hạn thuế GTGT) theo trật tự lựa chọn hoặc theo dãy số tăng dần.
Ưu điểm của phần mềm chọn mẫu ngẫu nhiên là chọn được những phần tử thích hợp, mang tính chất đại diện cao, loại bỏ những số trùng lắp, tự động lựa chọn và phản ánh kết quả vào giấy tờ làm việc.
Điều kiện thực hiện: Do hiện nay các phần mềm chọn mẫu ngẫu nhiên được các công ty tin học thiết kế rất nhiều và rất sẵn trên thị trường. Hơn nữa, do UHY LTD luôn quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả kiểm toán và áp dụng các phương pháp kiểm toán tiên tiến. Ngoài ra việc sử dụng phần mềm chọn mẫu ngẫu nhiên cũng phù hợp với xu hướng đồng bộ công nghệ thông tin trong công tác kiểm toán. Vì vậy có thể tin tưởng rằng phần mềm chọn mẫu ngẫu nhiên sẽ sớm được áp dụng trong các cuộc kiểm toán của UHY LTD.
Thứ tư, Công ty UHY nên đưa ra kết luận về khoản mục thuế GTGT được kiểm toán trong mối liên hệ với các khoản mục liên quan (doanh thu, doanh số hàng hóa mua vào,…). Quá trình đưa ra kết luận này nhằm đảm bảo khoản mục được kiểm toán mang tính hợp lý chung trong toàn bộ kết luận kiểm toán. Quá trình soát xét các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ của UHY LTD cần được đánh giá và tổng kết chặt chẽ nhằm đảm bảo mọi sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ kế toán có ảnh hưởng đến khoản mục thuế GTGT đều được nhận thức đầy đủ. Đối với hồ sơ kiểm toán, nhằm đảm bảo cho hồ sơ kiểm toán được lập đầy đủ, đúng quy trình của khách hàng và đem lại hiệu quả cao cho KTV khi xem xét lại hồ sơ kiểm toán của khách hàng cũ, UHY LTD cần giao việc lập hồ sơ thường trực cho KTV chính, là người có kinh nghiệm, am hiểu về khách hàng, có khả năng tổng hợp cao để hồ sơ kiểm toán được lập một cách logic và hợp lý.
Kết luận
Ngày nay, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO, nền kinh tế của nước ta đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu về kiểm toán BCTC nói chung và kiểm toán khoản mục thuế GTGT đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Khoản mục thuế GTGT là một khoản mục phức tạp, vì thế, công ty TNHH Tư vấn Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã, đang và sẽ không ngừng hoàn thiện quy trình kiểm toán khoản mục này.
Thông qua khóa luận, tôi đã nêu lên khái quát thực trạng áp dụng quy trình kiểm toán khoản mục thuế GTGT tại công ty kiểm toán UHY, đồng thời, đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn quy trình kiểm toán khoản mục thuế GTGT nói riêng và quy trình kiểm toán BCTC nói chung tại công ty.
Mặt bằng chung về kiểm toán ở Việt Nam đang ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng lớn mạnh và cũng không kém phần phức tạp. Trong hoàn cảnh đó, Công ty TNHH Tư vấn Kế toán và Kiểm toán Việt Nam luôn nỗ lực hết mình nhằm tạo dựng thương hiệu trên thị trường. Với một ban lãnh đạo có kinh nghiệm và tầm nhìn sáng suốt kết hợp với một đội ngũ nhân viên được đào tạo có bài bản và có khát vọng vươn lên không ngừng, UHY chắc chắn sẽ thành công trên con đường phát triển của mình.
Do thời gian có hạn và hiều biết còn hạn chế nên mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng bài viết của em không tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được sự góp ý của thầy giáo TS. Tô Văn Nhật cùng các thầy cô trong Khoa để báo cáo của em có thể hoàn thiện hơn.
Một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn thầy giáo TS. Tô Văn Nhật, các anh chị và các bạn đã tạo điều kiện và hướng dẫn để em hoàn thành bài viết của mình.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. GS.TS.Nguyễn Quang Quynh; TS.Nguyễn Thị Phương Hoa, Đại học Kinh tế Quốc dân (Chủ biên, 2008)- Lý thuyết kiểm toán – NXB Tài chính
2. GS.TS.Nguyễn Quang Quynh-PGS.TS Ngô Trí Tuệ, Đại học Kinh tế Quốc dân (Chủ biên, 2006) - Giáo trình Kiểm toán Tài chính –- NXB Đại học Kinh tế Quốc dân
3. Alvin A.arens, Jame. Loebbecke – Auditing : An Intergrated Approach - Hence Hall 1984
4. Chế độ kế toán Việt Nam (Ban hành theo quyết định 15/QĐ – BTC, thông tư 20/TT- BTC, thông tư 21/TT- BTC ngày 20/03/2006 của Bộ Tài chính) –2007 NXB Lao động Xã hội
5. Tài liệu, hồ sơ kiểm toán do UHY cung cấp 6. Luận văn tốt nghiệp khóa 48,49,50