Hải quan các nước trên thế giới đều hoạt động trên cơ sở hệ thống pháp lý và cơ sở hạ tầng riêng. Do đó, các chính phủ các nước cần kết hợp nghiên cứu các chuẩn mực với khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng các nguồn lực hiện tại (CNTT, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, tài chính…), chính sách phát triển và hệ thống pháp luật liên quan để phân tích, đánh giá, đề xuất nội dung pháp luật cần phải điều chỉnh và lộ trình xây dựng để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, năng lực của cơ quan hải quan.
2.4. Kinh nghiệm của hải quan một số nước về việc áp dụng CMQT trong thủ tục hải quan điện tử hải quan điện tử
Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã cử nhiều đoàn công tác đi nghiên cứu, khảo sát thủ tục hải quan điện tử ở các nước để học tập kinh nghiệm áp dụng các CMQT, triển khai thành công hệ thống thủ tục hải quan điện tử phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Đề án giới thiệu kinh nghiệm của Singapore, Hàn Quốc, Malaysia trong áp dụng các CMQT trong thủ tục hải quan điện tử.
2.4.1. Áp dụng CMQT để xây dựng hệ thống tự động hóa
Hệ thống tự động hóa
Với việc áp dụng các CMQT, hải quan 03 nước từng bước xây dựng thủ tục hải quan điện tử dựa trên quy trình tự động hóa. Hệ thống tự động hóa này được xây dựng trong tổng thể phát triển Chính phủ điện tử, thiết lập mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước thông qua một VAN - mạng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, hỗ trợ các bên trao đổi thông tin theo các chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử EDI (Electrolic Data Interchange) và là công cụ phổ biến trong ứng dụng thương mại điện tử tại các
nước phát triển. Ba mạng VAN có uy tín TradeNet (Singapore), KTNet(Hàn Quốc), DagangNet(Malaysia) đều là thành viên của Liên minh Châu Á về thương mại điện tử (PAA).
Hệ thống tự động hóa của Singapore được xây dựng và vận hành theo mô hình xử lý tập trung gồm 2 hệ thống chính là hệ thống front-end và hệ thống back- end. Hệ thống front-end sử dụng mạng TradeNet, thông qua TradeNet doanh nghiệp tiến hành các thủ tục Hải quan điện tử theo phương thức một cửa với cơ quan Hải quan. Hệ thống back- end phục vụ cho công tác quản lý, xử lý nghiệp vụ Hải quan xây dựng từ năm 1980. TradeNet được kết nối với các cơ quan của Chính phủ, hệ thống Ngân hàng, cơ quan khai thác cảng, các công ty vận tải, giao nhận, khai thuê…
Hệ thống của Hàn Quốc được tự động vận hành tập trung tại một trung tâm xử lý địa điểm làm thủ tục hải quan (Customs House) để kết nối với hệ thống thông qua mạng diện rộng và chạy chương trình tại trung tâm xử lý để thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Hệ thống được thiết kế dựa trên công nghệ trao đổi dữ liệu điện tử EDI (ứng dụng chuẩn UN/EDIFACT nhưng có sửa đổi lại cho phù hợp với yêu cầu đặc thù của hải quan Hàn Quốc) và được kết nối với KTNet để trao đổi chứng từ điện tử với các bên liên quan như người vận tải, giao nhận, ngân hàng, chủ hàng, kho ngoại quan, cơ quan quản lý nhà nước quản lý chuyên ngành để cấp giấy phép, cảnh sát, hải quan các nước... Ngoài ra để đảm bảo sự vận hành thông suốt trong trường hợp có thảm họa (động đất, khủng bố…); Hải quan Hàn Quốc xây dựng thêm một trung tâm dự phòng, phục hồi hệ thống được trang bị đầy đủ thiết bị như trung tâm chính tại Deajeon và vận hành song song với hệ thống chính. Hiện tại Hải quan Hàn Quốc sử dụng 2 hệ thống: KT-Net và Internet. Hệ thống thông quan qua mạng Internet được Hải quan Hàn Quốc thực hiện từ ngày 18/10/2005.
Thủ tục Hải quan điện tử ở Malaysia dù không phát triển và hoàn thiện như Singapore và Hàn Quốc nhưng cũng đã có những bước tiến lớn. Malaysia xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT thống nhất và chuẩn hoá các vấn đề liên quan đến trao đổi dữ liệu điện tử trong toàn quốc gia phục vụ cho việc thực hiện chiến lược chính phủ điện tử mà trong đó hải quan điện tử là một thành phần quan trọng. Năm 1995
Chính phủ Malaysia xây dựng hạ tầng mạng DagangNet. Các cơ quan đều phải tham gia (40 cơ quan) và chia sẻ thông tin theo quy định, hải quan là một thành phần tham gia trong hệ thống mạng Chính phủ điện tử. Để đảm bảo xử lý thống nhất, hệ thống hệ thống thông tin hải quan đều được thiết kế phù hợp với hệ thống của Chính phủ. Hệ thống thông tin hải quan bao gồm 2 thành phần: (1) Hệ thống trao đổi thông tin EDI: Dùng để phục vụ cho việc trao đổi dữ liệu điện tử với các bên liên quan thông qua trung gian là DagangNet ; (2) Hệ thống tác nghiệp hải quan: Phục vụ cho các công tác nghiệp vụ của hải quan, như tiếp nhận và đăng ký tờ khai, thông quan điện tử, khai thác thông tin, trả lời các yêu cầu truy vấn thông tin...Các bên khi tham gia đều được kết nối trực tuyến với hệ thống của hải quan, hạ tầng mạng được kết nối thông suốt từ Trung tâm dữ liệu của Tổng cục đến các Trung tâm dữ liệu khu vực và các điểm thông quan.
Các giai đoạn của quá trình tự động hóa
Nhận thức rõ việc xây dựng một chương trình tổng thể về CNTT để tự động hóa hoàn toàn các quy trình thủ tục hải quan là không khả thi, 03 quốc gia này phân chia quá trình tự động hóa thành các giai đoạn để thực hiện. Trên cơ sở từng bước thực hiện và liên kết các chương trình nghiệp vụ nhỏ đảm nhận thực hiện từng mảng chức năng để tự động hóa công tác của ngành hải quan đến mức cao hơn.
Hải quan Singapore thực hiện tự động hóa qua 05 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1 (1980-1988): Tin học hóa Hải quan - Tự động hóa Hải quan. Kinh phí đầu tư cho giai đoạn này là 3,2 triệu Đô la Singapore. Hải quan Singapore bắt đầu dụng tin học từ năm 1980 theo chương trình tin học hóa dịch vụ công của quốc gia. Giai đoạn này có 8 nghiệp vụ chính của Hải quan được tin học hóa. Cũng trong thời kỳ này, Chính phủ Singapore bắt đầu xây dựng mạng TradeNet làm nền tảng triển khai chính phủ điện tử và thương mại điện tử tại Singapore.
Giai đoạn 2 (1988-1996): Tin học hóa - Lập mạng thương mại thống nhất (Trade Net). Kinh phí đầu tư cho giai đoạn này là 2,05 triệu đô la Singapore. Dựa trên thành công của giai đoạn 1, Hải quan triển khai tiếp giai đoạn 2 bằng việc tích hợp hệ thống đã triển khai trong giai đoạn 1 với hệ thống TradeNet và bổ sung thêm
những tính năng mới cho hệ thống. Một số chức năng chính như sau: (1) Xử lý cấp phép. (2) Thu thuế (bao gồm thuế GST và thuế Hải quan) thông qua hệ thống thanh toán điện tử kết nối trực tiếp với ngân hàng. (3) Thông quan hàng hóa: bằng việc sử dụng hệ thống QLRR và xác định mục tiêu (risk profiling & targeting) để phân luồng dựa trên các tiêu chí đã xây dựng sẵn và các thông tin về doanh nghiệp, lô hàng. (4) Quản lý kho hàng: cho phép Hải quan giám sát việc chuyển hàng hóa trong các kho hàng.
Giai đoạn 3 (2000-2003): Tin học hóa - Thông tin tình báo thương mại. Kinh phí cho giai đoạn này là 5,9 triệu Đô la Singapore. Giai đoạn này Hải quan Singapore tiến hành xây dựng hệ thống DataWarehouse và công cụ tra cứu thông tin nhanh từ các cơ sở dữ liệu và khuôn dạng dữ liệu khác nhau phục vụ yêu cầu quản lý của Hải quan.
Giai đoạn 4 (2003-2005): Tin học hóa - Hải quan điện tử. Triển khai Hải quan điện tử theo chương trình hành động Chính phủ điện tử để xây dựng hệ thống tích hợp toàn diện, sẵn sàng, minh bạch dựa trên tái thiết kế và xây dựng hệ thống mở, đảm bảo nguồn lực để thực hiện hải quan điện tử.
Giai đoạn 5 (2005-2007): TRADE- X- change. Triển khai hệ thống TRADE- X-change là một sáng kiến chiến lược cấp quốc gia sẽ hợp nhất mọi hệ thống IT về thương mại và giao nhận hàng hóa, xử lý và cung cấp đầy đủ mọi thông tin đường biển, đường hàng không, đường bộ và thông tin có liên quan đến Chính phủ; Hệ thống TRADE-X-change sẽ tạo lập nền tảng CNTT thống nhất đối với lĩnh vực thương mại và giao nhận vận tải hàng hóa giúp cho việc quản lý các luồng hoạt động thương mại và thông tin cần điều chỉnh của người xuất nhập khẩu, người giao nhận vận chuyển, Hãng vận tải và cơ quan tài chính nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại bên trong cũng như bên ngoài Singapore. Với chiến lược quốc gia như trên, TRADE-X-change sẽ phục vụ với vai trò là cổng thông tin duy nhất cung cấp tất cả các giấy phép cho mọi hoạt động thương mại.
Hải quan Hàn Quốc cũng đưa ra chiến lược hiện đại hóa theo 5 giai đoạn:
Giai đoạn 2 (1990): Hệ thống điện tử quản lý hàng hóa qua đường hàng không
Giai đoạn 3 (1990-1998): Hệ thống thông quan hàng hóa điện tử
Giai đoạn 4 (1999-2002): Xây dựng hệ thống quản lý trí tuệ
Giai đoạn 5 (2002 đến nay): Xây dựng hệ thống trên cơ sở ứng dụng Internet. Từ đầu năm 1970, Hàn Quốc đã có một hệ thống xử lý theo khối đơn giản để đưa ra con số thống kê về thương mại quốc gia, và trong suốt những năm 80, hệ thống thông quan Hải quan (CCS) đã được thiết lập kết nối với đại lý hải quan, kho hải quan. Hải Quan Hàn Quốc đã thiết lập chương trình thông quan tự động EDI và phát triển 5 hệ thống vào năm 1998: hệ thống thông quan xuất khẩu vào năm 1994, hệ thống thông quan nhập khẩu vào năm 1996, hệ thống hàng hóa xuất nhập khẩu và hệ thống khấu trừ thuế hải quan vào năm 1997. Từ năm 2000, Hàn Quốc bắt đầu xây dựng các hệ thống: thông tin điều tra, thông tin khách du lịch, hệ thống quản lý kiến thức và hệ thống thông tin hợp nhất. Dữ liệu kho hải quan là hệ thống quan trọng trong việc QLRR. Với sự phát triển của việc sử dụng Internet, Hải quan Hàn Quốc đã thiết lập được những hệ thống Internet như là hệ thống một cửa.
Quá trình phát triển hệ thống tự động hóa hải quan Malaysia với các giai đoạn:
Giai đoạn 1(1992-1998): Triển khai CIS tại Klang Valley. Năm 1992 xây dựng hệ thống trao đổi thông tin dựa trên chuẩn DTI (Direct Trader Input). Năm 1995 xây dựng hạ tầng trao đổi thông tin Dagang*Net sử dụng chuẩn UN/EDIFACT. Các thành phần của hệ thống trong giai đoạn này: Thủ tục xuất khẩu - Cảng biển; Thủ tục xuất/ nhập khẩu- Hàng không. Hệ thống kết nối thông tin với ngân hàng (EFT- Electronic Fund Transfer)- Cảng biển và cảng hàng không.
Giai đoạn 2 (giữa 1998- 10/2001): Nâng cấp các “modules” của giai đoạn trước và xây dựng thêm các “modules” mới phục vụ cho hệ thống khai điện tử, loại bỏ giấy tờ trên mô hình web-base để tạo thuận tiện cho việc thực hiện tác nghiệp của các cán bộ hải quan. Xây dựng và triển khai hệ thống GCS (Gate control system) giám sát cổng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay.
Giai đoạn 3 (10/2001- đến 2005): Triển khai Dang*Net trên toàn quốc, hoàn thiện hệ thống hỗ trợ ra quyết định và kho dữ liệu (phân tích, thống kê thương mại,
báo cáo), ngân hàng dữ liệu giá (triển khai năm 2002) hỗ trợ kiểm tra sau thông quan, hỗ trợ chống buôn lậu. Xây dựng và triển khai hệ thống GCS (Gate control system) giám sát cổng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay.
2.4.2. Áp dụng hệ thống các CMQT để chuẩn hóa các quy định về thủ tục
Công nhận tính pháp lý của thông tin chứa đựng trong thông điệp dữ liệu điện tử trong lĩnh vực hải quan
Luật GDĐT, Luật Thương mại của các nước đều được xây dựng trên cơ sở các Luật mẫu, Công ước của Liên hợp quốc về GDĐT, hợp đồng thương mại điện tử. Đặc biệt, việc ghi nhận giá trị pháp lý của các dữ liệu điện tử và việc truyền nhận các dữ liệu này trong Luật Hải quan là cơ sở quan trọng để thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
Luật Hải quan Singapore trao quyền cho Tổng cục trưởng thiết lập và vận hành hệ thống dịch vụ máy tính và đưa ra các quy định đối với tờ khai và các chứng từ được giao nộp bằng phương thức điện tử. Luật cũng quy định người sử dụng phải tiến hành đăng ký và được ấn định mã số chứng thực để truy cập và sử dụng các dịch vụ trong hệ thống của Hải quan.
Luật Hải quan Hàn Quốc quy định người khai hải quan được phép khai báo, nộp tờ khai, các chứng từ bằng phương tiện điện tử; cơ quan hải quan tiếp nhận, xử lý tờ khai điện tử, các chứng điện tử và hướng dẫn các nội dung của Luật GDĐT, Luật CNTT trong lĩnh vực hải quan.
Xây dựng các chế định hỗ trợ cho thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên cơ sở nội luật hóa các CMQT về thủ tục hải quan
Bên cạnh việc công nhận giá trị pháp lý của GDĐT, chữ ký điện tử; Luật Hải quan các nước đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng các chế định hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Trên cơ sở đó, Luật Hải quan các nước được sửa đổi một cách toàn diện, áp dụng triệt để các chuẩn mực tại chương 3 và chương 7 Phụ lục tổng quát Công ước Kyoto sửa đổi để tái thiết kế, hài hòa, đơn giản hóa thủ tục hải quan; vận hành, khai thác tối đa hệ thống thủ tục hải quan điện tử. Luật Hải quan sửa đổi của Hàn Quốc 2008 là điển hình trong việc nội luật hóa nhiều chế định quan
trọng hỗ trợ phát triển hải quan điện tử. Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều chế định quan trọng như: quy định về xây dựng và phát triển cơ chế một cửa; sử dụng các phương tiện kỹ thuật, chuẩn mực hiện đại (UCR, các thiết bị theo dõi, giám sát...), hài hòa quy trình tính thuế nhập khẩu (giữa hệ thống thuế nội địa và thuế hải quan), doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt, thỏa thuận về xác định trước trị giá giữa người nhập khẩu và cơ quan hải quan (ACVA),...
Chuẩn hóa các quy định về thủ tục hải quan
Singapore: Singapore là một nước triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử
từ rất sớm, khá thành công và bài bản, có hệ thống thông quan điện tử tương đối hoàn chỉnh. Các CMQT được từng bước áp dụng để xây dựng hệ thống thủ tục hải quan điện tử. Theo đó, các quy định về thủ tục hải quan được chuẩn hóa lại toàn bộ trên cơ sở áp dụng các chuẩn mực quốc tế để tái thiết kế và tự động hóa tất cả các quy trình nghiệp vụ từ khâu khai báo, phân luồng hàng hóa tới thông quan hàng hóa.
Hệ thống quản lý tính và thu thuế tại Singapore được đơn giản hóa tối đa do xuất phát từ đặc điểm của đất nước này là một cảng tự do, theo đó đa phần các hàng hoá không phải là đối tượng của thuế hải quan (92% là hàng chuyển tải); thực hiện thu, nộp thuế trên nguyên tắc "tự tính, tự nộp thuế" và được điện tử hóa hoàn toàn tứ khâu khai báo, làm thủ tục với các cơ quan quản lý có liên quan và nhận lệnh thông quan điện tử. Lệnh thông quan điện tử được người nhập khẩu in ra giấy và được coi như là chứng từ hợp pháp cho việc hoàn thành thủ tục hải quan.
Về chính sách thuế, để đảm bảo thu đủ thuế, Singapore yêu cầu người nhập khẩu phải có sự bảo lãnh của ngân hàng hoặc nộp một khoản tiền bảo lãnh để đảm bảo cho cơ quan Hải quan có thể thu được thuế khi người nhập khẩu không nộp thuế hoặc trường hợp rủi ro khác. Việc nộp tiền bảo lãnh được thực hiện trong thời gian một năm cho tất cả các chuyến hàng của người nhập khẩu. Trường hợp chuyến hàng có giá trị lớn và rủi ro không thu được thuế cao, Hải quan sẽ yêu cầu doanh