Những truyền thốngcủa gia đình Nghệ An

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị truyền thống của gia đình Nghệ An trong giai đoạn hiện nay (Trang 42)

Những truyền thống của gia đình Nghệ An gắn liền với gia đình truyền thống Nghệ An.. Gia đình truyền thống xứ Nghệ, trước hết cũng giống như gia đình truyền thống Việt Nam. Với đặc thù của nền nông nghiệp, con người xứ nghệ đại đa số là nông dân, một phần nhỏ trong dân cư Nghệ An là xuất thân từ tầng lớp quan viên, nho sỹ và làm nghề buôn bán nhỏ. Các gia đình truyền thống xứ Nghệ hầu hết đều làm nông nghiệp, các gia đình trí thức mặc dù có thu nhập từ những nghề như dạy học, thầy thuốc hoặc có bổng lộc của triều đình nhưng vẫn làm thêm cả nghề nông. Chính điều kiện lao động sản xuất ấy nên gia đình truyền thống xứ Nghệ chủ yếu là gia đình nông nghiệp. Văn hoá, truyền thống, nền giáo dục của gia đình, con người xứ Nghệ mang cái truyền thống văn hoá của gia đình, con người Việt Nam. Sự giáo dục trong gia đình cũng như ngoài xã

hội là giáo dục những phẩm chất đức tính, những truyền thống: cần cù, tiết kiện trong lao động sản xuất tiêu dùng; đoàn kết, yêu quê hương đất nước; dũng cảm, sẵn sàng sả thân vì đại nghĩa.

Gia đình truyền thống Nghệ An cũng là nơi tiếp thu ảnh hưởng tư tưởng của Nho giáo về “tam tòng, tứ đức”, về “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”… Là sự thực thi, thực hiện nghiêm khắc những lễ nghi, lễ giáo, gia phong gia đình. Gia đình là nơi nuôi dưỡng thể hiện và phát huy truyền thống của gia tộc, của quê hương và cả của truyền thống dân tộc. Có thế nói gia đình truyền thống xứ Nghệ là sự phản ánh, là bộ phận của gia đình truyền thống Việt Nam hình thành, phát triển trong nền nông nghiệp. Bên cạnh đó, gia đình xứ nghệ còn biểu hiện sắc thái riêng biệt của một vùng đất có những đặc điểm riêng về điều kiện địa lý - tự nhiên và lịch sử. Sự đan xen giữa những yếu tố bản địa, truyền thống dân tộc, gia đình dân tộc và những ảnh hưởng của nho giáo trong các gia đình: nông dân, nho sỹ, quan viên,… đã tạo nên những truyền thống của gia đình xứ Nghệ, được bảo tồn và lưu truyền tới ngày nay. Nhưng việc bóc tách từng yếu tố một cách rạch ròi còn là điều khó khăn cho sự nghiên cứu về lịch sử phát triển gia đình ở Việt Nam hiện nay, với gia đình ở Nghệ an lại càng hạn chế hơn.

Truyền thống của gia đình xứ nghệ được hình thành phát triển cùng với lịch sử văn hoá xứ Nghệ và dân tộc, bên cạnh đó bổ sung vào nền văn hoá dân tộc những nét đặc thù riêng làm cho những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam thêm phong phú, đa dạng dưới tác động của các yếu tố chính trị, văn hoá của thời đại phong kiến, gia đình xứ nghệ còn có những nhược điểm hạn chế nhất định làm kìm hãm sự phát triển của các thành viên trong gia đình.

- Giá trị truyền thống

Những giá trị truyền thống đặc sắc tiêu biểu của gia đình Nghệ An được nói đến đó là: Gia phong và nội dung giáo dục lý tưởng sống; Thuỷ chung - cần kiệm; Hiếu học - tôn sư trọng đạo …

“Gia phong” theo từ điển hán việt của Đào Duy Anh: “Là thói nhà, tập quán giáo dục gia tộc”; từ điển tiếng việt của Viện ngôn ngữ học: “Nề nếp riêng của một gia đình phong kiến, nếp nhà”. Phó giáo sư Ninh Viết Giao, tổng thư kí hội văn nghệ dân gian Nghệ An định nghĩa: “gia phong là thói nhà, là sự khẳng định những suy nghĩ, cảm xúc hành vi của một cộng đồng gia đình (gia tộc) có văn hoá, đã kéo dài qua nhiều thế hệ, được mọi người trong gia đình công nhận, tuần theo, thực hiện một cách tự giác như một tập quán của cộng đồng gia đình (gia tộc) ấy, được hàng xóm nhìn nhận” [19, tr.18]. Theo giáo sư Lê Thi “Gia phong là đề cập đến nếp sống của gia đình thể hiện qua cách ứng xử, đối xử của các thành viên, đặc biệt chú trọng hai mối quan hệ cơ bản trong gia đình: Quan hệ giữa cha mẹ và con cái; quan hệ giữa vợ và chồng” [37, tr.13-14]

Gia phong, như vậy có thể khẳng định là nề nếp của gia đình, của gia tộc, của một dòng họ. để xây dựng được gia phong của một dòng họ, một gia đình là một quá trình, với sự xây dựng, ủng hộ của các thành viên trong gia đình, gia tộc. Khi những nề nếp chuẩn mực được xây dựng thì nó tồn tại và phát triển trong gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác trở thành phong tục, lối sống của dòng họ, dù đi đâu, làm gì những phong cách đó cũng không phai nhạt trong mối con người “Giấy rách phải giữ lấy lề”; “Đói cho sạch, rách cho thơm” đó là đức tính của con người Việt Nam và cũng là gia huấn ca của các gia đình, dòng họ xứ nghệ khi giáo dục con cháu.

Vai trò của gia phong trong gia đình và xã hội thời kỳ nào cũng quan trọng và cần thiết. Gia phong như những dòng kẻ vô hình trên đường đời của mỗi con người biết yêu quê hương, bản quán, gia đình.

Trong nghiên cứu về gia phong Việt nam qua các thời kỳ, Tiến sỹ: Nguyễn Bá Thái, trưởng ban nghiên cứu lịch sử phát triển giáo dục đã tổng kết vai trò của gia phong trong gia đình Việt nam qua các giai đoạn lịch sử:

- Thời kỳ dựng nước: Thời kỳ này gia đình dần dần đã hình thành và có vai trò quan trọng đối với xã hội mặc dù chưa có tổ chức chặt chẽ gia phong, chưa có cơ sở vững chắc về mặt lý thuyết.

- Thời kỳ bắc thuộc, gia phong là một bộ phận trọng yếu của giáo dục dân gian. Vào thời kỳ này, khi dân tộc Việt đứng trước nguy cơ bị thôn tính và hoà tan, gia phong đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình đó là giao dục con người, tinh thần yêu, nước yêu nhà, ý thức bảo vệ cộng đồng…Gia phong đã hoà trộn cùng tín ngưỡng dân gian (tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên) và phát triển ngày càng mạnh, tạo nên sự bền vững của cộng đồng người việt trong các làng xã cổ truyền.

- Thời phong kiến, gia phong phát triển cùng nền giáo dục dân gian, gia giáo, phong tục tập quán, lễ hội bảo tồn phát triển. Đặc biệt thời kỳ này gia phong gia đình có vai trò cơ bản trong việc giáo dục đạo đức con người, ý thức dân tộc.

- Thời kỳ pháp thuộc, cùng với truyền thống dân tộc, gia phong gia đình phát huy truyền thống yêu nước bất khuất của mình trong đấu tranh giải phóng đất nước. Còn trong thời kỳ hiện nay, trước sự giao lưu tiếp xúc ngày càng mạnh mẽ của các yếu tố văn hoá ngoại nhập, gia phong là một yếu tố quan trọng thực hiện vai trò bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc.

Để gia phong được tồn tại phát huy thì phải có những yếu tố hỗ trợ nên đó là: Gia đạo, gia pháp, gia phạm, gia lễ, gia thanh, gia thế của gia đình, gia tộc. Các yếu tố này cùng tồn tại phát huy tác dụng để đi đến xây dựng hoàn thiện một nếp nhà, thói nhà với những chuẩn mực lưu truyền cho các thế hệ qua các giai đoạn lịch sử mà không bị lạc hậu lỗi thời.

Gia phong xứ Nghệ biểu hiện của một bộ phận của gia phong gia đình Việt Nam, nhưng bên cạnh đó, nó có những nét độc đáo riêng của một địa danh là một vùng văn hoá cổ, một thời kỳ rất dài là vùng biên ải của nhà nước phong kiến; Miền đất đai và khí hậu khắc nghiệt nhất trong cả nước Việt Nam. Gia phong xứ nghệ được phản ảnh qua các tầng lớp, các gia đình dòng họ xứ nghệ. Bên cạnh việc xây dựng nề nếp gia đình, dòng họ đồng thời các gia đình luôn hướng đến một nội dung giáo dục định hướng cho con cháu lý tưởng sống.

Lý tưởng sống trước hết dựa trên những chuẩn giá trị, nề nếp văn hoá đạo đức dân tộc. Những chuẩn giá trị như: sống nhân nghĩa, cần, kiệm, trung, hiếu;

trong gia đình con cái đối với cha mẹ, ông bà phải hiếu thuận; cha mẹ với con cái mẫu mực, làm người phải yêu quê hương đất nước.

Một số dòng họ đã có nhưng tiêu chuẩn đạo đức xuyên suốt lịch sử phát triển như: Dòng họ Nguyễn Cảnh luôn luôn giáo dục cho các thành viên trong gia đình mình phải sống theo bốn chữ “Nhân, nghĩa, trung, cần”; Dòng họ Tôn ở Thanh Chương mấy trăn năm giữ được nếp sống trong sạch, nhiều người tham gia việc nước là luôn tuân theo lời răn trong dòng họ “Phàm cai quản việc nhà lấy cần làm đầu, lấy trung hậu làm chất, lấy kiệm cần làm trọng, lấy rượu chè cờ bạc làm răn. Trung thân theo đó mà làm thì không thể trở thành người bậy được”. Hay họ Hồ - Quỳnh Đôi dòng họ nổi tiếng khoa bảng những phẩm chất trung, hiếu, tiết, nghĩa luôn là phẩm chất khí tiết của con người trong dòng họ, bên cạnh đó phẩm chất cần cù trong lao động, trong học tập, kiên quyết và kiên định trong đấu tranh… cũng là những nội dung giáo dục của dòng họ cho các thế hệ con cháu trong các gia đình họ Hồ. Trong các gia đình xứ Nghệ nề nếp, sự giáo dục của gia đình, dòng họ đã trở thành nét đẹp riêng của dòng họ như dòng họ Dương - Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu được Vua Lê ban tặng cho tám chữ: “Thanh bạch môn phong, thế xuất khoa bảng” nghĩa là: nếp nhà thanh bạch, đời có khoa danh. Ở Nghệ An thời bấy giờ có câu rằng: “Cho một nén vàng không bằng con gái họ Dương đến nhà” biểu hiện sự giáo dục gia đình dòng họ đối với người phụ nữ trong gia đình đã tạo nên sự tôn trọng ngưỡng mộ của mọi người đối với những người con gái họ Dương.

Nề nếp gia đình xứ Nghệ còn được phát triển, thể hiện trong hương ước của làng, xã được bảo vệ bởi lệ làng, phép nước. Hương ước làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu đời hậu Lê (1636), điều 64 viết: “Người ta lấy luân lý làm trọng, nghĩa là làm cha mẹ thì tính nếp hiền lành, làm con thờ cha mẹ cho có hiếu, làm anh thì ở với em cho hoà thuận, làm em thì ở với anh cho cung kính, chồng nói thì vợ nghe, làm người thì cư xử là thế. Nếu không vì thế thì chẳng khác gì cầm thú” [24, tr.85]. Còn hương ước làng Yên Lưu, huyện Nghi Lộc có các điều: “Điều 76: Cha không biết dạy con, anh không biết dạy em, chồng

không biết dạy vợ thì phạt tiền 10 quan nếu là viên chức; phạt sáu quan nếu là dân thường, phạt roi 5 chục.

Điều 77: Con bất hiếu với cha, em bất hiếu với anh, vợ hỗn xược với chồng thì phạt tiền 15 quan nếu là viên chức; 10 quan nếu là dân thường; 10 quan đối với phụ nữ, phạt roi nhất luật sáu chục.

Điều 78: Trong xã nếu có con hiếu, cháu thảo, chồng có nghĩa, vợ có trinh tiết có chứng cứ cụ thể, thì viên chức thôn làng lập danh sách báo cáo lên để xin cấp trên khen thưởng” [24, tr.282].

Nề nếp gia đình được thể hiện trong sự giáo dục lý tưởng đạo đức làm người, vấn đề này xét đến cùng cũng là đạo lý của bao gia đình trong cộng đồng dân tộc Việt Nam giáo dục con cháu. Trong gia đình xứ Nghệ, trước hết sự giáo dục thể hiện ở người con trai, người đàn ông, người chồng, người cha. Họ là người có trách nhiệm, nghĩa vụ, vị trí, vai trò quan trọng to lớn nhất trong gia đình cũng như trong xã hội. “Làm trai” phải có chí lớn, phải có hoài bão, sẵn sàng xả thân vì nước vì đại nghĩa. Ngay từ khi còn nằm trong nôi đến lúc trưởng thành những lời cha mẹ răn dạy là: “Ru con con ngủ à ơi/trông cho con lớn lên người khôn ngoan/làm trai gánh vác giang san/mẹ cha trông xuống thế gian trông vào. Hay làm trai nợ nước là to/Vợ con đói rách quản gì; Trung hiếu là nếp nhà ta/biệt ly đất khách oán mà làm chi” [19, tr.207]. Trong gia đình xứ Nghệ giáo dục con bản lĩnh, lý tưởng làm trai trước hết phải lấy việc nước non làm đầu, chính vì sự giáo dục đó đã làm nên nét nổi của con người nơi đây được sử sách các thời đại ghi nhận. Vua Minh Mệnh - triều Nguyễn đã từng nhận xét: “ta xem người Nghệ An khí phách hào mại nên liệt thánh xưa kia lựa tân binh người trấn Nghệ An phần nhiều” (trích theo H. Le Bretontrong Le Vieux An tĩnh); Giáo Sư Đặng Thai Mai trong “thơ văn Phan Bội Châu” cũng đã viết: “Qua những ngày nguy hiểm, khủng hoảng nhất trong vận mệnh nước nhà, thì việc kết thúc một chiến dịch quyết định thì còn ngập ngừng trên cán cân giữa ta và địch, một nhà vua anh dũng vẫn đặt tất cả tin tưởng vào quân đội hậu bị của Nghệ Tĩnh” [20, tr.126]. Với khí chất và nhiệt huyết xả thân vì đại nghĩa thường “đi đầu dậy trước” trong các phong trào yêu nước, trung thành và kiên định với lý

tưởng “độc lập dân tộc” đã được hun đúc tiếp sức từ ngay chính trong gia đình. Truyền thống anh dũng được hình thành, phát huy từ các thế hệ trong gia đình, bài ca:

“Ông xưa khởi nghĩa cầm quân, Bỏ mình trong trận đánh gần Ốc Sơn Cha nơi gió dập sóng dồn,

Chú nơi tù ngục hao mòn xác ve. Tuổi thiếu niên lắng nghe mẹ kể, Nỗi đau thương gan xé ruột bào Nhưng chúng con vẫn tự hào

Được làm con của phong trào quê hương…”

Như thế là biểu tưởng của một dòng họ, nhưng cũng là sự phản ánh bản lĩnh nghĩa khí của đàn ông xứ nghệ đối với đất nước, quê hương.

* Truyền thống thuỷ chung - cần kiệm:

Hoàn cảnh, môi trường sống và đặc biệt là nội dung giáo dục đã tạo nên đức tính cứng cõi, nghiêm khắc, cương trực có phần khô khan cứng nhắc, ương ngạch của người đàn ông xứ nghệ trong phong cách sống và làm việc

Trong gia đình với vai trò của người cha, người chồng họ là những người mẫu mực, nghiêm khắc, là người gánh vác trọng trách nên: “làm cha cho phải đạo cha/dạy răn nghiêm phép từ hoà dỗ khuyên”. Với đức tính nghiêm khắc, cứng rắn trong các mối quan hệ xã hội và xử lý công việc, nhưng khi là người chồng, người đàn ông xứ nghệ là người rất thủy chung. Cuộc sống đã hình thành tạo dựng lên bản lĩnh có phần quá cứng của họ nhưng trong cuộc sống không làm cho những người đàn ông, người chồng nơi đây giảm đi tính dí dỏm, hài hước. Nghệ An chính là vùng quê nổi tiếng với những làn điệu dân ca chữ tình ngọt ngào tha thiết tình cảm và những câu chuyện trạng hài hước. Trong đại bộ phận các gia đình xứ nghệ thời phong kiến tầng lớp nho sỹ, quan viên thành đạt rất nhiều nhưng cuộc sống gia đình của họ giản dị, thuỷ chung, cạnh vợ cả vợ bé rất hiếm có đối với đàn ông xứ Nghệ. Đối với con cái người cha là tấm gương

của con cái, “phụ tử, tử hiếu”. Bằng bản lĩnh khí tiết của người đàn ông, bằng sự mẫu mức, nghiêm khắc đồng thời với tình thương bao la của người làm cha, sự giáo dục, chăm sóc con cái đầu tiên là truyền cho con cái sức mạnh, lý tưởng của cuộc sống, khát vọng khám phá cuộc đời, người cha, những người đàn ông lớn tuổi trong gia đình chính là những người giới thiệu truyền bá, kiên định lễ giáo gia phong gia đình dòng tộc cho con cháu.

Bên cạnh người đàn ông với đức tính khẳng khái, dứt khoát mà có phần thái quá. Người phụ nữ xứ nghệ mang trong mình những phẩm chất chung của người phụ nữ Việt Nam: bất khuất, trung hậu, đảm đang, thuỷ chung , yêu chồng thương con. Là người vợ, người mẹ trong gia đình, dù xuất thân trong gia đình nho giáo, quan lại hay nông dân những người phụ nữ xứ nghệ ấy đều nổi lên với những đức tính thuỷ chung, chịu thương chịu khó vì chồng con và sự cần kiệm,

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị truyền thống của gia đình Nghệ An trong giai đoạn hiện nay (Trang 42)