Cơ chế kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị Việt Nam

Một phần của tài liệu Hoạt động kiểm tra giám sát của cấp uỷ trong cơ chế kiểm soát quyền lực - qua thực tiễn huyện Đông Sơn, Thanh Hoá (Trang 31)

Cấu trúc hệ thống chính trị Việt Nam

Hệ thống chính trị Việt Nam về mặt bộ máy bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Điều lệ Đảng quy định: “Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc

thực hiện” [18, tr.62]. Nhà nước thực hiện thể chế hoá đường lối, chủ trương

của đảng thành chính sách, pháp luật của nhà nước và tổ chức thực hiện

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp (Toà án và Viện kiểm sát nhân dân) và chính quyền các địa phương. Ở Việt Nam, quyền lực nhà nước tập trung vào Quốc hội (cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất). Các cơ quan khác như: Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đều được Quốc Hội cử ra, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, báo cáo công tác trước Quốc hội. Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Mặc dù quyền lực nhà nước là thống nhất không thể phân chia, nhưng có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa ba quyền lập pháp, hành pháp, tư

pháp tạo cho các chủ thể quyền lực thực thi đúng vai trò, vị trí, chức năng của mình trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số thành viên của Mặt trận là bộ phận của hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị - tổ chức liên hiệp tự nguyện của các đoàn thể nhân dân và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo; là tổ chức đại diện cho ý chí đại đoàn kết và nguyện vọng chân chính của nhân dân; nơi tập hợp trí tuệ của con người Việt Nam yêu nước, nơi thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, phối hợp với chính quyền thực hiện nền dân chủ, chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân; giám sát, bảo vệ, tham gia xây dựng nhà nước, quản lí xã hội.

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước

Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, kiểm soát quyền lực bắt nguồn từ đặc trưng Nhà nước ta do một Đảng duy nhất lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là một đòi hỏi khách quan. Điều đó dẫn đến việc kiểm soát quyền lực giữa các chủ thể cấu thành hệ thống chính trị ở nước ta. Đó là:

Kiểm soát của nhân dân, chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước đối với quyền lực nhà nước.

Kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giữa quyền lực nhà nước ở trung ương và quyền lực nhà nước ở địa phương.

Kiểm soát của chủ thể lãnh đạo nhà nước là Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước.

Như vậy, ở nước ta hiện nay, trong điều kiện nhà nước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với cơ chế phân công và phối hợp quyền lực phải nói đến những giới hạn của các bộ phận quyền lực nhà nước. Kiểm

soát quyền lực nhà nước trước hết được đặt ra là hệ thống giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, kiểm tra, thanh tra của Chính phủ, phán quyết của cơ quan tài phán, kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và kiểm tra của Đảng. Hoạt động của hệ thống các cơ quan này trên cơ sở quy định của pháp luật đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo pháp chế, tính kỷ cương, kỷ luật và dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước với tư cách là một đảng cầm quyền, lãnh đạo hệ thống chính trị.

Hiến pháp năm 2013 thể chế hóa nguyên tắc về tính thống nhất, sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong đó xác định rõ ba bộ phận của quyền lực nhà nước gồm: Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp; Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; Chính quyền địa phương là chế định được thay cho các thiết chế HĐND và UBND.

Mặc dù đã có sự phân công rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước nhưng vẫn phải tiến hành kiểm soát để bảo đảm các cơ quan có thẩm quyền làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước. Ngoài sự phân công trong bộ máy nhà nước còn phải tính đến vấn đề phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương sao cho trên không can thiệp sai trái xuống dưới, dưới không vượt quyền, thực hiện đúng thẩm quyền của mình trong sự chủ động tối đa. Như vậy, sự phân công, phân cấp, phân quyền đều phải gắn liền với sự kiểm soát quyền lực. Tức là ở đâu có quyền lực nhà nước ở đó

phải có sự kiểm soát, để phòng ngừa sự lạm quyền của các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước ở nước ta.

Trước hết là kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Sự kiểm tra, giám sát quyền lực bằng thể chế trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ta được thể hiện qua những nội dung sau:

Giám sát của Quốc hội

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do nhân dân trực tiếp bầu ra, được nhân dân ủy quyền và hoạt động phục vụ nhân dân. Quốc hội bầu ra, thành lập Chính phủ và các vị trí cơ quan quyền lực nhà nước khác nên Quốc hội có quyền giám sát đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước.Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước.

Giám sát của Hội đồng nhân dân

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. Theo Hiến pháp 2013 thì chức năng giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân là một trong những chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân. Vì trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước, Hội đồng nhân dân là tổ chức chính quyền địa phương gần gũi nhân dân nhất, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu của nhân dân, nắm vững đặc điểm của địa phương, do đó có cơ sở quyết định mọi công việc sát hợp với nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Thanh tra nhà nước

Thanh tra là một cơ chế kiểm tra, giám sát được thực hiện bởi cơ quan hành pháp. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “...5. tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết

khiếu nại, tố cáo, phòng chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà

nước” [34, Điều 96].

Thanh tra là cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước do cơ quan quản lý thực hiện đối với chính các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quyền quản lý nhằm mục đích góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý.

Giám sát của cơ quan tài phán

Toà án nhân dân là cơ quan tài phán, kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Hoạt động xét xử của Toà án là một dạng hoạt động đặc biệt, đó là sự kết hợp chức năng kiểm tra, kiểm sát xã hội về hành vi của công dân, tổ chức và các cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước để áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc cụ thể mà kết quả cuối cùng là ra các văn bản cá biệt dưới hình thức bản án hay quyết định theo một trình tự, thủ tục nhất định mang tính bắt buộc đối với các công dân, tổ chức liên quan.

Viện Kiểm sát nhân dân là một bộ phận hợp thành quan trọng của hệ thống tư pháp, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị... là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân,... giám sát,

phản biện xã hội” [34, Điều 9].

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là việc theo dõi, phát hiện, xem xét; đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Giám sát của nhân dân

Theo quy định của Hiến pháp 2013:

Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức [34, Điều 9]. Đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình [34, Điều 2]. Các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tuỵ phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền [34, Điều 8].

Do vậy, quyền giám sát của nhân dân đối với bộ máy nhà nước là quyền giám sát của những người chủ của quyền lực nhà nước. Nguyên tắc tập trung dân chủ đã tạo điều kiện cho nhân dân có khả năng kiểm soát có hiệu quả quyền lực nhà nước.

Quyền giám sát của nhân dân đối với nhà nước là quyền của nhân dân khi xem xét, đánh giá hoạt động với tư cách của các đại biểu dân cử, trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thực hiện quyền khiếu nại - tố cáo hoặc thông qua hoạt động của tổ chức thanh tra nhân dân do mình bầu ra. Quyền giám sát của nhân dân đối với bộ máy nhà nước và cán bộ công chức nhà nước là một nội dung quan trọng của quyền dân chủ của nhân dân.

Như vậy, các hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân và công dân là hoạt động giám

sát không mang tính quyền lực nhà nước (còn gọi là giám sát mang tính nhân dân). Phải kết hợp chặt chẽ giữa giám sát mang tính quyền lực nhà nước (giám sát công quyền) với giám sát mang tính nhân dân, kết hợp giữa dân chủ đại diện với dân chủ trực tiếp nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước một cách hiệu quả, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân.

Một phần của tài liệu Hoạt động kiểm tra giám sát của cấp uỷ trong cơ chế kiểm soát quyền lực - qua thực tiễn huyện Đông Sơn, Thanh Hoá (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)