4.1.1. Những thành tựu đạt được.
Có thể nói, trong 10 năm qua, trước sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực viễn thông, nhiều chính sách quản lý đã được xây dựng để đón đầu và đuổi kịp sự phát triển ấy, giúp cho ngành viễn thông Việt Nam nói chung cũng như viễn thông Thành phố Hà nội nói riêng đã có được một hành lang pháp lý khá đầy đủ.
Hoạt động của thị trường viễn thông hiện nay ở Hà Nội đang được định hướng theo khuôn khổ chung của sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, chịu sự quản lý, điều tiết và giám sát của nhà nước thông qua bộ máy QLNN của thành phố Hà Nội. Điều này cho thấy, hoạt động của thị trường dịch vụ viễn thông đã có tác động lớn tới mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo đó, hoạt động của các doanh nghiệp viễn thông đã đóng góp rất lớn vào ngân sách của toàn thành phố. QLNN được thể hiện cụ thể ở những mặt tích cực sau:
Thứ nhất, với việc hình thành hệ thống QLNN chuyên nghành BCVT, Sở TT&TT Hà Nội đã sớm thành lập. Kể từ ngày thành lập đến nay, Sở TT&TT đã tham mưu tốt cho Bộ TT&TT, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quản lý tốt các hoạt động về viễn thông nói chung và sự phát trỉên của thị trường dịch vụ viễn thông nói riêng, dần đưa thị trường dịch vụ viễn thông đi vào nề nếp. Cũng theo đó đã ban hành tương đối đầy đủ hệ thống các qui định, cơ chế chính sách, tiến hành xây dựng và thực hiện các đề án, dự án, tuyến truyền phổ biến pháp luật BCVT và CNTT, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra về BCVT góp phần tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để các doanh ngiệp BCVT thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của mình.
Thứ hai, sự hình thành bộ máy quản lý lĩnh vực viễn thông của nhà nước, QLNN trong phát triển thị truờng dịch vụ viễn thông trên địa bàn thành phố được thể hiện ở việc ban hành một hệ thống văn bản hướng dẫn cụ thể những hoạt động QLNN. Trên cơ sở hệ thống các chính sách văn bản ban hành và hệ thống văn bản quy phạm của Sở đã hình thành một môi trường pháp lý đáng tin cậy, cụ thể và phù hợp với hoạt động đặc thù trên địa bàn . Thêm vào đó, việc xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020 và những kế hoạch phát triển trung dài hạn đã tạo ra những tiêu chí có tính định hướng cho hoạt động của các doanh nghiệp tham gia trên thị trường dịch vụ viễn thông có cơ sở, căn cứ và mục tiêu cụ thể hoá để thực hiện và hoạt đồng. Việc hình thành một hệ thống các quy phạm phát luật cũng như những mục tiêu đề ra cho chương trình phát triển viễn thông trên địa bàn thành phố là cần thiết và hữu hiệu để nhà nước thực hiện vai trò quản lý của mình.
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc tới sự kiện hai dự thảo Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện của Việt Nam đã được Quốc hội thông qua trong năm 2009. Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 diễn ra trong tháng 5/2009, cùng với dự thảo Luật Tần số Vô tuyến điện, Dự thảo Luật Viễn thông - văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực viễn thông đã được Quốc hội xem xét và cho ý kiến lần đầu tiên.
Thứ ba, liên quan đến vấn đề cấp phép, độc quyền trên thị trường khi chỉ cấp phép cho 1-2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Vấn đề bị kêu nhiều trong vòng 4-5 năm trước này tới giờ đã được giải quyết tương đối tốt. Hiện Việt Nam đã có tới 11 doanh nghiệp được thiết lập hạ tầng mạng viễn thông, trong đó có 7 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ di động có hạ tầng.
Thứ tư, Nhà nước thực tế có sự đầu tư rất lớn vào hoạt động của các thành phần kinh tế nhà nước thông qua những đầu tư về cơ sở vật chất, CSHT kỹ thuật. Việc phát triển thị trường dịch vụ viễn thông trên địa bàn tốt chứng tỏ nhà nước đang thực hiện sự điều tiết cũng như vai trò quản lý nguồn vốn của mình một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, ngày nay nhà nước thực hiện vai trò của mình thông qua sự điều tiết hoạt động của thị trường dịch vụ viễn thông tuân theo những quy luật
khách quan của nó và đạt hiệu quả. Việc hình thành nên thị trường các dịch vụ viễn thông thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia càng tạo ra những tính chất cạnh tranh có tính thúc đẩy và tác động lẫn nhau. Và khi đó, nguồn lực của nhà nước được sử dụng một cách năng động, tự chủ và hữu hiệu hơn. Như vậy trên một khía cạnh tiếp cận nào đó, nhà nước đang sử dụng nguồn vốn của mình một cách hiệu quả thông qua việc thực hiện vai trò QLNN trong việc sinh lời, tăng hiệu quả và tăng tỷ suất lợi nhuận tại các doanh nghiệp viễn thông.
Thứ năm, việc tạo lập một môi truờng cạnh tranh giữa các đối thủ đã khuyến khích cho các doanh nghiệp cung cấp cho thị trường những dịch vụ có chất lượng tốt hơn, giá cả thấp hơn… Điều này làm lợi cho người tiêu dùng nhiều hơn. Tháng 6/2007, Bộ viễn thông (nay là Bộ TT&TT) thông báo thả nổi giá cước di động nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường di động. Gia tăng cạnh tranh trên thị trường điện thoại di động sẽ thúc đấy tăng trưởng toàn thị trường viễn thông Việt Nam
Nói đến Việt Nam trước đây người ta kêu giá cước viễn thông cao. Nhưng sau 10 năm, giá cước Việt Nam đã giảm đáng kể, bằng mức trung bình của thế giới. Người tiêu dùng có khả năng tiếp cận viễn thông và CNTT ở mức phù hợp hơn với mức sống của mình. Và như vậy, vai trò của nhà nước được thực hiện tốt hơn về mặt xã hội, văn hoá.
Thêm vào đó, việc phát triển thị trường viễn thông trên địa bàn thành phố từ dịch vụ thoại, di động và đặc biệt là internet tới mọi đối tượng như công, viên chức, các tổ chức hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp ngày càng mở rộng. Các chủ trương, chính sách của trung ương, của ngành viễn thông về ứng dụng và phát triển công nghệ TT&TT đã được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tích cực triển khai nên chúng ta đã rất thành công trong việc ứng dụng CNTT hiện đại vào các hoạt động lãnh đạo điều hành, quản lý và phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề tốc độ, chất lượng và giải quyết vấn đề tiết kiệm chi phí, bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ.
Việc sử dụng viễn thông, CNTT trong lãnh đạo, quản lý xã hội, quản lý sản xuất kinh doanh đang được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp quan tâm và có những bước phát triển theo chiều hướng tích cực. Đồng thời nâng cao khả năng sử dụng công nghệ tri thức của mọi tầng lớp nhân, nâng cao trình độ dân trí.
Đó là những vấn đề mà cơ quan QLNN và các doanh nghiệp đã cùng làm rất tốt trong thời gian vừa qua.
4.1.2. Những hạn chế cần khắc phục.
Tuy nhiên, những vấn đề trên là vấn đề của giai đoạn đầu mở cửa thị trường. Còn giai đoạn này, khi thị trường đã mở cửa cạnh tranh, đã xuất hiện các vấn đề mới.
Thứ nhất là vấn đề quản lý khuyến mại, quản lý cạnh tranh, quản lý nội dung thông tin. Khuyến mại không theo quy định. Các doanh nghiệp tự do đưa ra các mức khuyến mại và các hình thức khuyến mại ồ ạt khiến cho Nhà nước rất khó nắm bắt và quản lý được. Tình trạng tin nhắn rác ngày càng nhiều gây ra tâm lý khó chịu cho người sử dụng. Bộ Thông tin và truyên thông đã yêu cầu các doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp để chặn tin nhắn rác. Tuy nhiên chưa có chế tài xử phạt nghiêm khắc việc này nên các doanh nghiệp triển khai vẫn còn chậm, chưa triệt để.
Thứ hai, vấn đề khi mở cửa cạnh tranh đó là quản lý tài nguyên bao gồm tài nguyên tần số, kho số, tên miền, địa chỉ Internet. Việc qui hoạch sử dụng, phân phối “kho” số là vấn đề lớn của đất nước và có tính sống còn đối với các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại. Kho số đang ngày càng cạn kiệt. Khuyến mãi phát triển mới các thuê bao viễn thông giữa các doanh nghiệp dẫn đến chạy theo thành tích ảo, lãng phí tài nguyên kho số của mình vì chưa có xác định rõ ràng về thuê bao không cước và thuê bao tạm ngừng liên lạc.
Thứ ba, vấn đề xuất hiện do việc phát triển nhanh đó là CSHT.
Mặc dù CSHT viễn thông Việt Nam trong thời gian qua đã phát triển rất nhanh, song quy mô và sự phát triển bền vững so với các nước trong khu vực và thế
giới vẫn còn nhiều hạn chế. Để phát triển mạng viễn thông rộng khắp cả nước đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Việt Nam vẫn cần những nguồn đầu tư rất lớn để phát triển mạng viễn thông quốc gia. Do đó việc huy động, khuyến khích mọi nguồn lực của xã hội, kể cả thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển hạ tầng là hết sức cần thiết.
Việc phát triển hạ tầng về viễn thông không đồng đều và vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân. Các nơi thuộc khu vực Hà Nội mới mở rộng được đầu tư lắp đặt VSAT, vô tuyến điểm - đa điểm, điểm - điểm nhưng chất lượng chưa cao, còn gặp khó khăn khi liên lạc do thời tiết khí hậu. Việc phát triển internet băng thông rộng, việc ứng dụng và phát triển CNTT trên những khu vực này còn hạn chế, chất lượng đào tạo tin học chưa cao.
Bên cạnh đó, qui hoạch đầu tư chưa hợp lý, còn dàn trải chưa trọng tâm, trọng điểm. Hạ tầng dịch vụ viễn thông CNTT còn thiếu về số lượng và chưa đồng bộ, hệ thống cơ sở dữ liệu còn phân tán.
Một vấn đề nữa đó là việc phát triển, dùng chung CSHT có nhiều bất cập. Và cuối cùng, đó là khi mở cửa cạnh tranh thì phải giải quyết mối quan hệ giữa kinh doanh và công ích. Bài toán này cũng đang gặp vấn đề. Định nghĩa đâu là công ích, đâu là kinh doanh, chỗ nào là công ích, chỗ nào phải kinh doanh vẫn còn chưa phân rõ ràng. Doanh nghiệp làm công ích nhưng cũng cạnh tranh nhau dẫn đến người dân có nhà có tới vài ba máy điện thoại, có nhà lại không có.
Thứ tư là về nguồn nhân lực.Trong quá trình xây dựng nguồn nhân lực còn một số hạn chế, đó là: nhận thức, trách nhiệm của một số cấp lãnh đạo về vấn đề này chưa thật đầy đủ; hệ thống quy trình tuyển dụng, đào tạo, quản lý, sử dụng nguồn nhân lực đã có sự đổi mới nhưng chưa được chuẩn hoá, tính chuyên nghiệp chưa cao. Chính sách ưu đãi để thu hút, giữ gìn lao động có chất lượng cao và chuyên gia giỏi chưa thực sự hấp dẫn. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu hụt trước yêu cầu phát triển nhanh của ngành dịch vụ viễn thông, đặc biệt là nhân lực có năng lực cao ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa; cơ cấu độ tuổi, giới tính của
cán bộ, nhân viên chưa cân đối. Tình trạng sử dụng lao động không đúng ngành nghề đào tạo còn chiếm tỷ lệ đáng kể. Thêm vào đó, một bộ phận c cóán bộ, nhân viên biểu hiện thoả mãn dừng lại, chưa tích cực học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao...
Bộ TT&TT, cơ quan QLNN trong lĩnh vực viễn thông đánh giá đây là những vấn đề tồn tại tất yếu xảy ra vì đó là quá trình đi lên, chuyển từ môi trường độc quyền sang mở cửa cạnh tranh, đã và đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để có thể tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho doanh nghiệp.
4.1.3. Nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế.
Để đạt được những thành tựu trên không thể không nhắc đến vai trò quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này. Nhiều chính sách đã được xây dựng kịp thời, phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của ngành dịch vụ viễn thông, tạo ra hành lang pháp lý và môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp. Gia tăng cạnh tranh trên thị trường điện thoại di động sẽ thúc đấy tăng trưởng toàn thị trường viễn thông Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu đạt được thì ngành dịch vụ viễn thông vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Nguyên nhân của những hạn chế đó là do việc Nhà nước để cho các doanh nghiệp tự do cạnh tranh khiến cho việc quản lý gặp nhiều cản trở, khó khăn. Nhà nước chưa đưa ra được chế tài để xử lý các doanh nghiệp vi phạm.Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng viễn thông vẫn còn chưa tương xứng với tốc độ phát triển của ngành này. CSHT phát triển chưa đồng bộ, nhất là ở khu vực Hà Nội mới mở rộng khiến cho việc phát triển ngành dịch vụ viễn thông còn khó khăn. Từ trước đến nay các chính sách về xây dựng CSHT chưa quan tâm gắn kết với qui hoạch phát triển mạng lưới viễn thông nên chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các qui hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế với qui hoạch viễn thông. Vai trò nhà nước trong việc giải quyết vấn đề hiệu quả của việc thực hiện chương trình viễn thông công ích chưa được sự quan tâm thích đáng.