4.2. Định hướng và mục tiêu phát triển thị trường dịch vụ viễn thông. thời gian tới thời gian tới
4.2.1. Định hướng phát triển thị trường dịch vụ viễn thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Một là, phải dựa vào đường lối, chủ trương chính sách chung của Đảng, Nhà nước để phát triển thị trường dịch vụ viễn thông, phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn thành phố. Nhà nước phải quản lý tập trung các hoạt động của thị trường dịch vụ viễn thông thông qua sự giám sát, thực thi của các cấp QLNN trên địa bàn thành phố.
Hai là, phát triển thị trường dịch vụ viễn thông trên địa bàn thành phố trước hết phải dựa vào qui hoạch phát triển dịch vụ viễn thông, qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, qui hoạch phát triển dịch vụ viễn thông của Trung ương, của các doanh nghiệp lớn kinh doanh viễn thông để tránh tình trạng phát triển không đồng bộ, chồng chéo, manh mún, kém hiệu quả.
Ba là, phát triển dịch vụ viễn thông phải dựa vào chính sách, chiến lược phát triển hợp lý. Có chính sách tạo điều kiện hình thành các nhà khai thác cung cấp dịch vụ. Phân loại dịch vụ viễn thông để có chính sách qui định quản lý riêng tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy các dịch vụ viễn thông phát triển.
Bốn là, phát huy tính tự chủ, sáng tạo của tất cả các chủ thể sản xuất kinh doanh viễn thông. Phát huy mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ viễn thông trong môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm xoá dần tình trạng độc quyền, tiến hành đa dạng hoá dịch vụ, tạo điều kiện cho việc tối ưu hoá mạng lưới. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông, phổ cập dịch vụ, phát triển dịch vụ mang tính công ích. Phát triển dịch vụ viễn thông phải theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phổ cập đa dịch vụ đến các bưu cục. Phát triển đi đôi với
đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ người tiêu dùng để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững.
Năm là, phát triển dịch vụ viễn thông phải đồng bộ với phát triển CSHT kinh tế - xã hội và tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế khác. Phát triển viễn thông phải nằm trong xu thế hội tụ với công nghệ TT&TT, phát thanh truyền hình, thúc đẩy nhanh quá trình ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh viễn thông, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng cao.
4.2.2. Mục tiêu cơ bản của việc phát triển thị trường dịch vụ viễn thông địa bàn Thành phố Hà Nội.
Hiện đại hóa CSHT mạng lưới viễn thông ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, làm nền tảng cho ứng dụng và phát triển CNTT, thương mại điện tử, và lĩnh vực khác, phát triển dịch vụ viễn thông và CNTT thành ngành kinh tế kỹ thuật dịch vụ mũi nhọn, góp phần tích cực, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành kinh tế khác; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tạo nhiều việc làm và đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế ngành, địa phương. Cụ thể hoá những mục tiêu cơ bản trên địa bàn thành phố Hà Nội:
- Xây dựng và phát triển CSHT viễn thông có công nghệ hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực, có độ bao phủ rộng khắp trên cả nước với dung lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ và hoạt động có hiệu quả, trên cơ sở hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông, tin học, truyền thông quảng bá, ứng dụng các phương thức truy nhập băng rộng tới tận hộ tiêu dùng bao gồm cáp quang, vô tuyến băng rộng, thông tin vệ tinh (VINASAT) v.v..., làm nền tảng cho ứng dụng và phát triển CNTT, thương mại điện tử, và các lĩnh vực khác.
Đến năm 2015: Cung cấp cho xã hội, người tiêu dùng các dịch vụ viễn thông hiện đại, đa dạng, phong phú với giá cả thấp hơn hoặc tương đương mức bình quân trong nước và của các nước trong khu vực. Đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm. Phấn đấu đưa điện thoại, Internet trở thành
phương tiện phổ biến phục vụ cho sản xuất kinh doanh, quản lý xã hội và nhu cầu sinh hoạt của toàn dân.
Đến năm 2020: Phấn đấu đáp ứng đầy đủ nhu cầu về các dịch vụ viễn thông trên địa bàn. Các dịch vụ dữ liệu, ứng dụng sẽ chiếm phần lớn doanh thu viễn thông khách hàng sử dụng dịch vụ giải trí, truyền hình theo yêu cầu và tiếp cận dịch vụ dễ dàng. Mở rộng cung cấp các dịch vụ công ích gồm: Thông tin cứu hoả, cứu nạn, phòng chống thiên tai, cấp cứu y tế, Thông tin khẩn cấp an ninh trật tự xã hội, tư vấn sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thị trường nông sản, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, cung cấp dịch vụ cho khu vực khó khăn.
- Ngoài các doanh nghiệp nhà nước hiện đã có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tham gia thị trường dịch vụ viễn thông. Thúc đẩy các doanh nghiệp đã được cấp phép nhanh chóng thực sự đầu tư, cung cấp dịch vụ. Không hạn chế số doanh nghiệp bán lại và cung cấp dịch vụ. Các tổ chức, doanh nghiệp phát thanh, truyền hình số/cáp được phép mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực viễn thông để khai thác hết năng lực của mạng phát thanh, truyền hình số/cáp. Các doanh nghiệp trên thị trường sẽ phân tách 2 dạng là doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và doanh nghiệp cung cấp và bán lại dịch vụ.
. Viễn thông và Internet trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP ngày càng tăng, tạo nhiều việc làm cho xã hội. Theo báo cáo tổng kết 2011 của Bộ TT&TT, trong điều kiện kinh tế khó khăn, cạnh tranh diễn ra gay gắt, song Tập đoàn BCVT Việt Nam VNPT đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 120.800 tỷ đồng, tăng 18,26% so với năm 2010. Trong đó, dịch vụ BCVT và CNTT đạt 103.864 tỷ đồng, tăng 24,98% so với năm 2010.
- Cung cấp các dịch vụ viễn thông và Internet với chất lượng tốt, giá cước hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng dịch vụ.
- Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ TT&TT trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.
4.2.3. Thời cơ và thách thức đối với sự phát triển của thị trường dịch vụ viễn thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn hiện nay.
* Thời cơ
+ GDP tăng trưởng ổn định ở mức bình quân, mức sống của người dân trên địa bàn được nâng cao. Nền kinh tế phát triển trên địa bàn chuyển dịch dần theo hướng tăng trưởng tỷ trọng ngành dịch vụ trong tổng GDP. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng và cùng với đó là nhu cầu sử dụng các loại hình sản phẩm viễn thông cũng tăng theo. Người tiêu dùng sẵn sang chi trả cho nhu cầu sử dụng dịch vụ của mình.
+ Chính phủ đã cơ cấu lại Bộ viễn thông thành Bộ TT&TT theo đó Sở viễn thông cũng được thay tên mới Sở TT&TT thành phố Hà Nội, cùng với việc khoác lên mình những chức năng mới. Điều này thể hiện ở việc mở rộng phạm vi QLNN theo hướng đáp ứng cả quản lý, khai thác mạng, dịch vụ viễn thông và các nội dung truyền tải trên mạng. Xu thế này nằm trong cam kết khi gia nhập WTO, theo đó nhà nước không can thiệp qua sâu vào thị trường và hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng vai trò của nhà nước lại được đề cao hơn ở chức năng quản lý, điều tiết thị trường đảm bảo cho thị trường vận hành theo đúng quy luật khách quan của nó và có sự quản lý của nhà nước.
+ Tháng 6/2007, Bộ viễn thông (nay là Bộ TT&TT) thông báo thả nổi giá cước di động nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường di động. Gia tăng cạnh tranh trên thị trường điện thoại di động sẽ thúc đấy tăng trưởng toàn thị trường viễn thông Việt Nam. VNPT và các đối tác khác như Viettel, EVN, FPT…sẽ có cơ hội phát triển thêm được thị phần sản phẩm viễn thông của mình bằng chính việc nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
+ Bộ TT&TT đã thông báo các quy định cụ thể về sử dụng quỹ Viễn thông công ích nhằm tạo sự bình đẳng hơn cho doanh nghiệp viễn thông trong đáp ứng các dịch vụ công ích theo đó các doanh nghiệp phải đóng góp từ 1-3% tổng doanh thu dịch vụ và được hỗ trợ về mức phí lặt đặt, khai thác và bảo dưỡng mạng đối với
các dịch vụ cố định và Internet. Điều này giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư khai thác vào viễn thông .
+ Hội nhập WTO, các doanh nghiệp viễn thông có thêm cơ hội tiếp cận các công nghệ tiên tiến khác, các kinh nghiệm quản lý kinh doanh và được thử sức trên đấu trường quốc tế, một sân chơi rộng và bình đẳng hơn, không chỉ về vốn, công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, khách hàng mà còn cả về nguồn nhân lực, các chiêu thức kinh doanh... đặc biệt là các dịch vụ gia tăng giá trị của sản phẩm viễn thông mà VNPT chưa có nhiều kinh nghiệm khai thác. Điều này thúc đẩy nhanh sự phát triển của thị trường dịch vụ viễn thông trên địa bàn thành phố, hướng tới sự hội nhập kinh tế quốc tế. Dịch vụ băng rộng và truy nhập mạng qua các thiết bị di động làm cho dịch vụ Internet giảm tốc độ tăng trưởng từ năm 2007. Các thiết bị di động cá nhân tích hợp đa dịch vụ do truy cập mạng sẽ trở nên phổ biến làm phát sinh thêm các dịch vụ giá trị gia tăng. Từ năm 2008 xuất hiện dịch vụ truyền hình cáp và truy nhập mạng qua hệ thống truyền hình cáp, năm 2010 dịch vụ truy nhập không dây băng rộng sẽ thay thế dần các dịch vụ điện thoại di động và truy nhập Internet.
Viễn thông sau năm 2010 đến năm 2020 sẽ phát triển theo xu hướng sau: Hình thành lõi mạng chuyển mạch quang tốc độ cao. Hội tụ thuê bao di động, cố định và truyền hình. Tốc độ truy nhập lớn để đáp ứng yêu cầu băng thông các dịch vụ giải trí và truyền hình. Phương thức truy nhập: truy nhập quang và vô tuyến. Cấu trúc mạng: phát triển theo mạng thế hệ tích hợp đa dịch vụ công nghệ IP và ATM. Trong thời gian tới phát sinh thêm các nhu cầu giải trí và ứng CNTT sẽ làm giảm tỷ trọng các dịch vụ truyền thống.
+ Đội ngũ và nguồn nhân lực của ngành viễn thông cũng đang ngày càng được bổ sung, nâng cao rõ rệt với chính sách chú trọng vào con người, với quy mô đào tạo chuyên ngành này ở các trường cao đẳng, chuyên nghiệp. Lực lượng những kỹ sư viễn thông – CNTT được tốt nghiệp ở các trường chuyên ngành ngày càng đông đảo, có trình độ chuyên môn cao là một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát
triển của thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng.
*Thách thức.
+ Gia nhập WTO, các tập đoàn viễn thông hùng mạnh nước ngoài với tiềm lực kinh tế mạnh, có nền tảng công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp tốt đang, đã và sẽ thâm nhập vào thị trường viễn thông Việt Nam qua việc tham gia điều hành quản lý kinh doanh, đầu tư vốn vào các mảng dịch vụ viễn thông mang lại lợi nhuận cao như điện thoại di động, các dịch vụ thay thế điện thoại cố định và các dịch vụ gia tăng giá trị...
Viễn thông Việt Nam đang phải đối mặt với sự xâm nhập của đối thủ cạnh tranh mới từ nước ngoài là Beeline. Với chính sách giá cước, Beeline đang làm thay đổi cục diện của thị trường viễn thông ở các địa bàn là Hà nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
+ Sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường có thể dẫn đến chiến tranh về giá cước giữa các doanh nghiệp viễn thông sẽ làm cho giá thành tiếp cận với giá bán. Cùng với sự cạnh tranh “quyết liệt” trên thị trường dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp bị sụt giảm lợi nhuận, qua đó ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
+ Khuyến mãi phát triển mới các thuê bao viễn thông giữa các doanh nghiệp dẫn đến chạy theo thành tích ảo, lãng phí tài nguyên kho số của mình vì chưa có xác định rõ ràng về thuê bao không cước và thuê bao tạm ngừng liên lạc.
+ Cơ chế hạch toán tập trung, bộ máy vận hành chưa năng động, lực lượng lao động lớn nhưng năng suất lao động còn thấp, hiệu suất đầu tư chưa cao, đội ngũ kinh doanh chưa theo kịp những đòi hỏi mới của môi trường cạnh tranh.