Như chúng ta đã biết, PCA là cơ quan trọng tài đầu tiên hình thành một thiết chế và có quy tắc xét xử riêng, PCA cũng là thiết chế trọng tài đầu tiên giải quyết các tranh chấp trong đó có ít nhất một bên là Quốc gia. Trải qua hơn 100 năm phát triển, với năng lực và sự linh hoạt của mình PCA đã tích lũy được đầy đủ kinh nghiệm để giải quyết các tranh chấp thuộc các lĩnh vực khác nhau, có quy mô và tính chất khác nhau. Riêng trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan đến quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán trên biển đảo, với những vụ việc PCA đã giải quyết thành công, có thể nói PCA đã vận dụng triệt để và lý luận một cách sâu sắc những nguyên tắc chung của Luật quốc tế cũng như Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982, những thành công này đã góp phần đáng kể vào việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới đồng thời cũng khẳng định năng lực và kinh nghiệm của PCA trong lĩnh vực tranh chấp này.
Lựa chọn giải quyết tranh chấp tại PCA, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn rất rộng các vấn đề liên quan đến việc giải quyết tranh chấp như: quyền lựa chọn thủ tục tố tụng phù hợp với quy mô và mức độ phức tạp của vụ việc, các bên có thể lựa chọn thủ tục trọng tài adhoc, thủ tục trọng tài do PCA ban hành hoặc thủ tục tố tụng của UNCITRAL,… quyền lựa chọn Hội đồng trọng tài có thể có một, ba, năm Trọng tài viên hoặc một con số khác theo thỏa thuận của các bên tranh chấp, quyền thỏa thuận lựa chọn ngôn ngữ và địa điểm tiến hành tố tụng trọng tài.
Thời hạn tiến hành tố tụng trọng tài không bị ràng buộc, thời hạn tố tụng có thể theo yêu cầu của các bên và nếu các bên không có yêu cầu khác thì sẽ theo thời
hạn của Hội đồng trọng tài, tùy theo quy mô và mức độ phức tạp của từng vụ việc. Nếu các bên tranh chấp mong muốn có một quyết định nhanh chóng thì Tòa trọng tài sẽ xem để đáp ứng tốt nhất trong điều kiện cho phép.
Các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên có đầy đủ kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực đang tranh chấp, đồng thời các bên cũng có quyền đề nghị thay đổi Trọng tài viên do mình chỉ định trong quá trình tố tụng nếu như Trọng tài viên đó có dấu hiệu không khách quan, vô tư hoặc không đủ năng lực cũng như không có trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ việc. Đây là điểm ưu việt của hình thức trọng tài nói chung và của PCA nói riêng.
Các Bên có quyền yêu cầu Tổng thư ký PCA xem xét lại đề xuất của Hội đồng trọng tài về mức phí trọng tài nếu thấy không phù hợp (Điều 41, Quy tắc trọng tài PCA năm 2012). Đây là điểm mới tiến bộ của Quy tắc trọng tài PCA năm 2012 so với các Quy tắc trọng tài được ban hành trước đó cũng như so với quy tắc tố tụng của các cơ quan tài phán quốc tế khác (ví dụ như ICC, Phí tổn trọng tài sẽ do Tòa ấn định theo biểu phí hiện hành, ngoài ra trường hợp ngoại lệ Tòa án có thể ấn định mức phí của Trọng tài viên cao hơn hoặc thấp hơn mức áp dụng trong biểu phí liên quan).
Tính bảo mật của vụ việc: Toàn bộ nội dung của vụ việc trong suốt quá trình tố tụng chỉ được công khai nếu được sự đồng ý của các bên hoặc trong trường hợp việc công khai nội dung để phục vụ cho việc giải quyết một vụ việc khác.