Phân loại hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu

Một phần của tài liệu Chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam (Trang 67)

6. Kết cấu của luận văn

2.3.5 Phân loại hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu

Hiện nay, có rất nhiều tiêu chí để phân loại hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu nhưng phổ biết nhất là dựa vào các tiêu chí sau:

- Căn cứ vào phạm vi quyền: nếu căn cứ vào tiêu chí này chúng ta sẽ có: + Hợp đồng sử dụng độc quyền: là dạng hợp đồng mà theo đó, trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên nhận chuyển giao quyền được độc quyền sử dụng nhãn hiệu. Trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực, bên chuyển giao quyền không được ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng nhãn hiệu nếu được phép của bên nhận chuyển giao. Bên nhận chuyển giao quyền cũng có thể chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu cho chủ thể khác trong thời hạn của hợp đồng nhưng không được định đoạt nhãn hiệu bằng cách chuyển nhượng quyền sở hữu cho chủ thể khác.

+ Hợp đồng không độc quyền: là hợp đồng mà theo đó bên chuyển giao quyền vừa chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu cho bên nhận chuyển giao trong phạm vi và thời hạn chuyển giao mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng nhưng đồng thời vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu và còn có thể chuyển quyền

sử dụng nhãn hiệu cho bên thứ ba. Trong trường hợp này, nhiều chủ thể có thể cùng nhau khai thác, sử dụng nhãn hiệu theo phạm vi, mức độ và cho những mục đích riêng khác nhau mà không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của chủ thể khác.

- Căn cứ vào chủ thể là bên chuyển quyền trong hợp đồng:

+ Hợp đồng cơ bản: Là hợp đồng trong đó bên chuyển quyền chính là chủ sở hữu nhãn hiệu. Căn cứ để chuyển giao quyền sử dụng trong hợp đồng là quyền sở hữu nhãn hiệu được xác lập theo văn bằng bảo hộ hoặc do được người khác chuyển quyền sở hữu nhãn hiệu hợp pháp.

+ Hợp đồng thứ cấp không căn bản: Là hợp đồng trong đó bên chuyển giao quyền không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu mà là người nhận chuyển giao quyền sử dụng độc quyền theo hợp đồng khác và được phép chuyển quyền sử dụng cho bên thứ ba. Loại hợp đồng này luôn có tính chất phái sinh, nó chỉ phát sinh sau khi một hợp đồng sử dụng độc quyền nhãn hiệu được giao kết và phát sinh hiệu lực pháp lý. Căn cứ để chuyển giao quyền sử dụng trong trường hợp này là hợp đồng sử dụng độc quyền đã được giao kết với chủ sở hữu nhãn hiệu.

Một phần của tài liệu Chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam (Trang 67)