6. Kết cấu của luận văn
1.2.4 So sánh chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu với chuyển
nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu và với chuyển giao quyền sử dụng đối với một số đối tượng SHCN khác
1.2.4.1 So sánh chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu với chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu
Trong chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu (li–xăng nhãn hiệu), người cấp li-xăng vẫn tiếp tục sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, mà chỉ cho phép người nhận li-xăng được sử dụng nhãn hiệu trong giới hạn nhất
định. Trong hoạt động chuyển nhượng (bán) quyền, quyền sở hữu nhãn hiệu được chuyển từ người nhượng quyền (người bán) sang người tiếp nhận quyền (người mua). Đây là hình thức giao dịch một lần với mức giá thỏa thuận.
Việc phân biệt giữa chuyển giao quyền sử dụng (li-xăng) và chuyển nhượng quyền sở hữu là vô cùng quan trọng nhằm xác định ai có quyền khởi kiện hành vi xâm phạm nhãn hiệu đã được li-xăng và đối tượng bị đánh thuế.
(i) Quyền khởi kiện hành vi xâm phạm quyền: Để xác định ai có thể khởi kiện hành vi xâm phạm quyền thì theo nguyên tắc chung, chỉ người tiếp nhận quyền (người mua) quyền sở hữu nhãn hiệu mới có quyền khởi kiện hành vi xâm phạm quyền, còn người nhận li-xăng thì không thể thực hiện việc này. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người nhận li-xăng độc quyền có thể được trao quyền khởi kiện.
(ii) Đối tượng bị đánh thuế:
+ Chuyển giao quyền sử dụng (li-xăng):
- Đối với người nhận li-xăng: Tiền thù lao phải trả theo hợp đồng li- xăng được khấu trừ vào chi phí kinh doanh của người nhận li-xăng.
- Đối với người cấp li-xăng: Tiền thù lao được nhận theo hợp đồng li-xăng được tính vào thu nhập thường xuyên của người cấp li-xăng (có thể bị đánh thuế).
+ Chuyển nhượng quyền:
- Người nhận chuyển nhượng: Khoản tiền thanh toán cho việc chuyển nhượng quyền sẽ được coi là tiền vốn của người nhận chuyển nhượng.
- Người chuyển nhượng: Khoản tiền nhận được từ việc chuyển nhượng quyền có thể bị đánh thuế như là thu nhập của người chuyển nhượng quyền.
1.2.4.2 Phân biệt chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu với chuyển nhượng tên thương mại
hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Trong thực tế kinh doanh, rất nhiều doanh nghiệp đã lấy chính tên thương mại của mình để làm nhãn hiệu cho hàng hóa mà mình sản xuất ra hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, những trường hợp như vậy không phải là hiếm, điển hình như: Công ty công nghiệp Sony với các sản phẩm điện tử (máy vi tính, ti vi…) mang nhãn hiệu Sony; Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên với sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu Trung Nguyên; công ty cổ phần sữa Việt Nam có tên viết tắt là Vinamilk với sản phẩm sữa tươi có nhãn hiệu là Vinamilk; công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Hương với sản phẩm mè xững mang nhãn hiệu Thiên Hương…Do đó, nhiều người không biết phân biệt được đâu là nhãn hiệu, đâu là tên thương mại, tên thương mại và nhãn hiệu có phải là một hay không? Chính vì vậy mà dẫn đến việc nhầm lẫn khi hiểu chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cũng chính là chuyển nhượng tên thương mại.
Từ khái niệm về nhãn hiệu và tên thương mại đã được đề cập ở những phần trên, chúng ta có thể khẳng định rằng nhãn hiệu khác với tên thương mại. Bởi nhãn hiệu không chỉ đơn thuần là một cái tên được gắn lên sản phẩm mà còn bao gồm nhiều dấu hiệu khác nhìn thấy được như chữ cái, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc, tất cả nhằm để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Còn tên thương mại chỉ đơn thuần là tên gọi của chủ thể kinh doanh, gắn liền với chủ thể kinh doanh và được dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Tên thương mại phải là tập hợp các chữ, phát âm được và có nghĩa. Tên thương mại bao gồm hai phần: Phần mô tả và phần phân biệt. Phần mô tả là một tập hợp các
từ có nghĩa mô tả tóm tắt loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh. Phần phân biệt là tập hợp các chữ cái phát âm được, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa. Phần mô tả không có khả năng tạo nên tính phân biệt cho tên thương mại (hai doanh nghiệp có tên thương mại khác nhau có thể có phần mô tả giống nhau). Ví dụ: Với tên Công ty TNHH xây dựng Thắng Lợi. Phần mô tả là “Công ty TNHH xây dựng”, phần phân biệt là “Thắng Lợi”, phân biệt với “Công ty TNHH xây dựng Hiếu Hằng”. Tuy nhiên, pháp luật cũng không có quy định ngăn cấm chủ thể kinh doanh sử dụng tên thương mại làm nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình, tức là trong một số trường hợp nhãn hiệu có thể trùng với tên thương mại. Một điểm khác biệt nữa là tên thương mại thường được sử dụng lâu dài, liên tục trong suốt thời gian tồn tại chủ thể kinh doanh. Còn NHHH thường chỉ được sử dụng nhất thời cho một vài thế hệ hàng hoá nhất định, nhà sản xuất có thể thay đổi cho phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Từ các cơ sở lý luận đó, chúng ta có thể khẳng định rằng, chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu khác với chuyển nhượng tên thương mại. Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng nhãn hiệu của mình cho người khác khi các bên đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Chuyển giao quyền sở hữu và quyền sử dụng nhãn hiệu không đòi hỏi chủ sở hữu nhãn hiệu phải chuyển giao đồng thời toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh cho bên nhận chuyển giao. Còn đối với tên thương mại, chủ sở hữu tên thương mại chỉ được phép chuyển nhượng quyền sở hữu tên thương mại cho người khác với điều kiện phải được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó (điều này được thể hiện rõ tại khoản 2 Điều 753 BLDS, khoản 3 Điều 139 Luật SHTT của Việt Nam). Đồng thời, khoản 1 Điều 142 Luật SHTT quy định cấm chuyển giao quyền sử dụng đối với tên thương mại,
tức là chủ sở hữu tên thương mại chỉ có thể chuyển nhượng quyền sở hữu chứ không được chuyển giao riêng quyền sử dụng tên thương mại cho chủ thể kinh doanh khác.
1.2.4.3 Phân biệt chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu với nhượng quyền thương mại
Nhượng quyền thương mại (franchise) là hình thức kinh doanh khá phổ biến và đang được ưa chuộng trên trên thế giới. Hình thành từ thế kỷ 19, hình thức này không ngừng được mở rộng, phát huy tính hiệu quả trong kinh doanh. Tại Việt Nam, hình thức nhượng quyền thương mại hình thành vào những năm 90 của thế kỷ 20. Và trong những năm gần đây Việt Nam có những điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động kinh doanh với tốc độ tăng trưởng GDP khá ổn định, một quốc gia có dân số gần 90 triệu người, tình hình kinh tế ổn định, nhà nước khuyến khích đầu tư, sức mua của thị trường được đánh giá là khá cao trên thế giới. Hơn nữa, nước ta đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà kinh doanh cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh như vậy, rõ ràng việc quyết định lựa chọn hình thức kinh doanh nào đảm bảo cho nhà đầu tư có được hiệu quả tốt nhất về sử dụng vốn, phát triển nhanh thị trường, mở rộng nhanh thị phần và kiểm soát được hệ thống nhằm tạo được tiếng nói đối với thị trường này là điều rất được quan tâm. Rõ ràng, hình thức nhượng quyền thương mại sẽ là một sự lựa chọn cho cả nhà nhượng quyền và nhà nhận quyền và hình thức kinh doanh này sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm tới. Theo quy định tại Điều 284 Luật Thương mại 2005, nhượng quyền thương mại được hiểu là “hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền.
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Nói đến việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu nói riêng, nhiều người vẫn thường nhầm lẫn chúng với nhượng quyền thương mại. Bởi xét về cơ bản, hai hoạt động này có những điểm tương đồng với nhau, đó là có chung phạm vi về đối tượng chủ yếu là quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu là một đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp). Thế nhưng, điểm khác nhau đầu tiên là, nếu như hoạt động chuyển giao quyền sử dụng hay nói cách khác là li - xăng nhãn hiệu chỉ dừng lại ở việc chuyển giao quyền sử dụng thì ở nhượng quyền thương mại, quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ là một phần của việc chuyển giao, bên cạnh đó còn là sự chuyển giao về cách thức, bí quyết tiến hành kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh… Như vậy, phạm vi đối tượng của nhượng quyền thương mại là rộng hơn rất nhiều so với hoạt động li-xăng nhãn hiệu. Và nếu như trong hoạt động li-xăng nhãn hiệu, cái mà các bên nhận li-xăng hướng tới là nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ, thì trong hoạt động nhượng quyền thương mại, mục tiêu mà các bên hướng tới là nắm giữ và vận hành một hệ thống kinh doanh, trong đó nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ cũng như các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp chỉ là một bộ phận.
1.2.4.4 Phân biệt chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu với chuyển quyền sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp
Quyền sử dụng trước đối với sáng chế, KDCN là quyền của người có quyền sử dụng trước là:
- Người tạo ra sáng chế, KDCN một cách độc lập với người nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, KDCN. Sáng chế, KDCN do người đó tạo ra đồng nhất với sáng chế, KDCN được nộp đơn đăng ký.
- Người đó đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế, KDCN đó trước ngày đơn đăng ký sáng chế, KDCN được công bố.
- Sau khi văn bằng bảo hộ được cấp thì người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế, KDCN trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc chuẩn bị để sử dụng mà không cần phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế, KDCN.
Như vậy, đối với những người có quyền sử dụng trước đối với sáng chế, KDCN thì họ vẫn được tiếp tục sử dụng sáng chế, KDCN đó trong phạm vi và khối lượng mà mình đã sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng như khi văn bằng bảo hộ đó chưa được cấp cho sáng chế, KDCN đó. Mọi việc mở rộng phạm vi và khối lượng của người có quyền sử dụng trước đối với sáng chế, KDCN đều phải trả phí li-xăng cho chủ sở hữu. Việc chuyển quyền sử dụng trước đối với sáng chế, KDCN trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng trước ngày văn bằng bảo hộ được cấp cho chủ sở hữu chỉ được cho phép khi người có quyền sử dụng trước sáng chế, KDCN đó chuyển giao quyền đó kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng sáng chế, KDCN (Khoản 2 Điều 134 Luật SHTT). Còn đối với nhãn hiệu, khi có nhiều chủ thể cùng đang sử dụng chung một nhãn hiệu nhưng đều chưa ai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó thì khó có thể nói chuyện ai đúng ai sai ở đây. Tuy nhiên, khi đã có một chủ thể tiến hành nộp đơn và hoàn tất thủ tục đăng ký bảo hộ đối với hãn hiệu thì các chủ thể khác đang sử dụng nhãn hiệu đó phải chấm dứt ngay hành vi sử dụng nhãn hiệu đó. Và do đó, không thể xảy ra vấn đề chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu trước như đối với sáng chế, KDCN.
1.2.4.5 Phân biệt chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu với chuyển giao công nghệ
Khoản 8 Điều 3 Luật CGCN 2006 quy định: “CGCN là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền CGCN sang bên nhận công nghệ”.
Điều 7 Luật CGCN quy định đối tượng công nghệ được chuyển giao đó là:
- Bí quyết kỹ thuật;
- Kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu;
- Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.
Trong quy định về đối tượng công nghệ được chuyển giao thì các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ của quyền SHTT cũng được coi là đối tượng công nghệ được chuyển giao đó là: quyền tác giả, sáng chế, thiết kế bố trí, KDCN, BMKD và quyền đối với giống cây trồng. Do đó Luật CGCN quy định về hoạt động CGCN có một phần quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu và chuyển quyền sử dụng đối với các đối tượng trên. Khoản 3 Điều 17 Luật CGCN có quy định về quyền li-xăng công nghệ theo đó: “trường hợp công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền SHCN thì việc chuyển quyền sử dụng công nghệ phải được thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền SHCN theo quy định của pháp luật về SHTT”.
Như vậy, việc li-xăng công nghệ trong trường hợp công nghệ là đối tượng bảo hộ của quyền SHCN thì việc chuyển giao phải được thực hiện theo các quy định của Luật CGCN và Luật SHTT. Còn nhãn hiệu không thuộc đối tượng công nghệ được chuyển giao cho nên việc chuyển giao quyền sở hữu lẫn quyền sử dụng nhãn hiệu không thuộc sự điều chỉnh của Luật CGCN. Trong hoạt động chuyển giao công nghệ, bên chuyển giao phải chuyển giao
quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ của mình cho bên nhận chuyển giao. Còn trong hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, bên chuyển giao chỉ đơn thuần chuyển giao toàn bộ hoặc một phần quyền sử dụng nhãn hiệu của mình cho bê nhận chuyển giao chứ không phải là chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu. Đối với trường hợp công nghệ được chuyển giao cùng quyền sở hữu nhãn hiệu thì các bên phải lập hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu riêng và việc chuyển giao bắt buộc phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền (nếu chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu thì không buộc phải đăng ký).