6. Kết cấu của luận văn
1.4 Sự hình thành và phát triển của pháp luật về chuyển giao
quyền sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam
Tại Việt Nam, vào thế kỷ XV, dưới thời Lê Thánh Tông, Bộ Luật Hồng Đức đã có những điều xử phạt về tội làm hàng giả, tuy chưa có những quy định trực tiếp nhưng những quy định này được xem như một cách bảo vệ gián tiếp các NHHH được công nhận trên thị trường, đây được coi là một trong những quy định đầu tiên về bảo hộ NHHH ở Việt Nam, là tiền đề cho việc hình thành pháp luật về NHHH ở nước ta sau này [6, 51].
Ngày 08/03/1949, với danh nghĩa là nước Việt Nam Cộng hoà, Chính phủ ngụy quyền đã tham gia ký kết hai Công ước quốc tế quan trọng có chứa đựng nội dung bảo hộ NHHH là Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền SHCN và Thoả ước Madrid 1891 về đăng ký quốc tế NHHH.
Do hoàn cảnh lịch sử từ 1954-1975 đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền với các chế độ xã hội khác nhau, ở Miền Bắc, ngày 03/01/1958 Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 175-TTg trong đó đề cập đến việc đăng ký nhãn hiệu thương phẩm, ở Miền Nam theo luật 12/57 ngày 1/8/1957 và luật số 13/57 ngày 1/8/1957 một số đối tượng SHCN được bảo hộ như sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, ngoài ra còn có luật số 14/59 ngày 11/6/1959 về chống sản xuất hàng giả.
Từ 1975-1981: Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975 và thống nhất đất nước vào tháng 7/1976 vấn đề pháp lý về các đối tượng SHCN trong đó có nhãn hiệu tạm thời bị gián đoạn cho đến năm 1981.
Trong giai đoạn từ 1981-1989: Các đối tượng SHCN như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa (NHHH) lần lượt được bảo hộ. Tuy nhiên, việc bảo hộ các đối tượng SHCN nói trên mới chỉ dựa trên các văn bản pháp lý do Chính phủ ban hành như:
- Điều lệ về NHHH ban hành kèm theo Nghị định 197/HĐBT ngày 14/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng, đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 84/HĐBT 20/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng.
- Điều lệ mua bán Li-xăng Ban hành kèm theo Nghị định 201/HĐBT 28/12/1988.
Giai đoạn từ 1989- trước 1995: Pháp lệnh Bảo hộ quyền SHCN được ban hành và áp dụng, cùng với các văn bản khác đã đặt nền tảng cho một hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực bảo hộ quyền SHCN Việt Nam bao gồm các văn bản như:
- Pháp lệnh bảo hộ quyền SHCN (Công bố theo Lệnh số 13- LCT/HĐNN 8 ngày 11/2/1989 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước).
- Thông tư số 437/SC ngày 19/3/1993 của Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường hướng dẫn bổ sung về việc đăng ký NHHH.
- Thông tư số 163/NHTT-SHCN ngày 15/4/1994 của Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường hướng dẫn thi hành các quy định về việc phê duyệt và đăng ký hợp đồng Lixăng.
Giai đoạn từ 1995 đến trước ngày 01/01/2006 sự phát triển của hệ thống pháp luật bảo hộ SHCN trong đó có NHHH được đánh dấu bằng việc Nhà nước ta ban hành Bộ luật Dân sự ngày 28/10/1995. Đây là đạo luật có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Quyền SHTT và chuyển giao công nghệ được quy định tại Phần thứ VI và trong một số điều luật có liên quan khác của Bộ luật này.
Để thực thi các quy định đó, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã lần lượt được ban hành nhiều văn bản hướng dẫn khá cụ thể và chi tiết để điều chỉnh vấn đề này như:
- Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về SHCN.
- Thông tư số 3055/NHTT-SHCN ngày 31/12/1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục xác lập quyền SHCN và một số thủ tục khác trong Nghị định 63/CP của Chính Phủ.
- Công văn số 97/KHXX ngày 21/8/1997 của Toà án nhân dân tối cao xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền tác giả, quyền SHCN.
- Thông tư số 1254/1999/NHTT ngày 12/71999 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 45/CP của Chính Phủ.
- Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 06/3/1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN.
- Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/CP quy định chi tiết về SHCN.
Ngoài các văn bản nêu trên còn có một số văn bản có liên quan khác như Thông tư số 23/TC/TCT ngày 9/5/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý phí và lệ phí SHCN; Quy định số 308/ĐK ngày 11/6/1997 của Cục SHCN về hình thức, nội dung và các loại đơn về SHCN.
Mặc dù vậy, qua thực tế thi hành, các quy định nói trên đã bộc lộ rõ nhiều bất cập, hạn chế, không theo kịp với tốc độ phát triển của nền kinh tế nói chung và sự phong phú, đa dạng của các quyền về sở hữu trí tuệ nói riêng. Điều đó đòi hỏi phải có các văn bản pháp luật mới ra đời để thay thế cho các văn bản cũ và đủ tầm để điều chỉnh các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ. Ngày 14/6/2005, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XI đã thông qua Bộ luật Dân sự 2005 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 thay thế cho Bộ luật Dân sự 1995 trước đó. Bộ luật Dân sự 2005 (sau đây gọi là Bộ luật Dân sự) đã giành trọn phần thứ 6 của mình để quy định về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, trong đó chương XXXIV quy định về quyền tác giả và quyền liên quan, chương XXXV quy định về quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Tiếp đó, vào ngày 29/11/2005, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/7/2006 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định một cách cụ thể, rõ ràng về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó. Đặc biệt luật Sở hữu trí tuệ cũng làm rõ đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp trong đó có nhãn hiệu. Dưới góc nhìn của Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ 2005, khái niệm về nhãn hiệu đã được quy định phù hợp hơn với luật pháp quốc tế, đã phân loại rõ các loại nhãn hiệu (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu nỗ tiếng và nhãn hiệu tập thể), đã có quy định về quyền
của chủ sở hữu nhãn hiệu một cách tương đối đầy đủ. Đặc biệt, khác với các văn bản pháp luật trước đây hầu như chỉ chú trọng đến vấn đề nhãn hiệu hàng hóa mà “bỏ lơ” nhãn hiệu dịch vụ, thì nay nhãn hiệu được điều chỉnh trong hai văn bản luật này không chỉ được hiểu là nhãn hiệu hàng hóa mà nó còn được dùng chung cho cả nhãn hiệu dịch vụ. Sau khi hai văn bản luật quan trọng này được ban hành, một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã được ra đời, như:
- Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về việc xác lập, chủ thể, nội dung, giới hạn quyền sở hữu công nghiệp, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, đại diện sở hữu công nghiệp và các biện pháp thúc đẩy hoạt động sở hữu công nghiệp.
- Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
- Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 do chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
- Nghị định số 119/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 105/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
- Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/09/2010 do chính phủ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
- Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học công nghệ về hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP về hướng dẫn một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về Sở hữu công nghiệp.
Chương 2
NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU 2.1 Khái niệm quyền sử dụng nhãn hiệu
Như đã nêu ở trên, quyền sử dụng nhãn hiệu là một hình thức khai thác quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu nhãn hiệu đối với nhãn hiệu của mình. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 124 Luật SHTT, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền thực hiện quyền sử dụng nhãn hiệu thông qua một số hành vi như: gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ; nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ. Từ đó, quyền sử dụng nhãn hiệu có thể được hiểu là quyền khai thác mọi tác dụng, tính năng của nhãn hiệu nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Người sử dụng nhãn hiệu có thể là chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép sử dụng nhãn hiệu đó thông qua hợp đồng li – xăng. Do trên thực tế có nhiều trường hợp nhầm lẫn việc sử dụng nhãn hiệu với việc sử dụng một số đối tượng nhất định khác của quyền sở hữu trí tuệ nên trong phạm vi luận văn này tác giả xin được phân biệt để làm rõ vấn đề này như sau:
2.1.1 Phân biệt với quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý
Công ước Paris về Bảo hộ sở hữu công nghiệp có đề cập đến thuật ngữ “chỉ dẫn nguồn gốc” và “tên gọi xuất xứ” song lại không đưa ra được định nghĩa về hai khái niệm này mà chỉ xem chúng là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, tại Điều 22.1 của Hiệp định TRIPS đã quy định rõ: “chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hoá bắt nguồn từ
lãnh thổ của một thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định”. Còn theo Khoản 22 Điều 4 Luật SHTT thì chỉ dẫn địa lý “là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”. Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa đều là các dấu hiệu có khả năng phân biệt dùng cho hàng hóa, dịch vụ lưu thông thương mại. Do đó, trên thực tế nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như một nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhãn hiệu hàng hóa có chứa chỉ dẫn địa lý cho cùng sản phẩm hàng hóa. Chỉ dẫn địa lý cũng được sử dụng tương tự như sử dụng nhãn hiệu vì đều thông qua các hành vi như: Gắn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán, tàng trữ để bán hàng hoá có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ; nhập khẩu hàng hoá có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (Khoản 7 Điều 124 Luật SHTT). Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề sử dụng nhãn hiệu và sử dụng chỉ dẫn địa lý có những điểm khác nhau nhất định:
Thứ nhất, người sử dụng chỉ dẫn địa lý không phải là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý mà chỉ là người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đó. Còn người sử dụng nhãn hiệu có thể là chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép sử dụng nhãn hiệu đó thông qua hợp đồng li – xăng. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý không được chuyển giao bởi vì quyền đối với chỉ dẫn địa lý là quyền của tập thể, còn quyền sử dụng nhãn hiệu có thể chuyển giao.
Thứ hai, khi thể hiện chỉ dẫn địa lý lên sản phẩm thì đồng thời cũng thể hiện có sự liên quan mật thiết đến chất lượng hàng hóa thông qua các yếu tố môi trường, địa lý, con người hoặc sự kết hợp giữa các yếu tố đó. Còn đối với nhãn hiệu sẽ liên quan đến chất lượng hàng hóa thông qua uy tín của nhãn hiệu đó trên thị trường.
Thứ ba, người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý có quyền sử dụng nó cho đến khi không muốn sử dụng nó cho sản phẩm của mình nữa mà không cần tiến hành đăng ký bởi chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tự động, không phải qua hệ thống đăng ký. Còn văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chỉ có giá trị trong vòng 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ nên khi đã hết hạn nếu muốn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu đó thì chủ sở hữu nhãn hiệu phải gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần 10 năm.
2.1.2 Phân biệt với quyền sử dụng tên thương mại
Tên thương mại và nhãn hiệu là hai đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ một cách độc lập theo pháp luật sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế hai đối tượng này thường bị hiểu nhầm là một.
Tên thương mại được bảo hộ là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Nếu xét dưới góc độ tương quan với Luật doanh nghiệp 2005 thì tên thương mại chính là tên doanh nghiệp. Điều 8 Công ước Paris quy định: “Tên thương mại được bảo hộ ở tất cả các nước thành viên của Liên minh mà không bị bắt buộc phải nộp đơn hoặc đăng ký, bất kể tên thương mại đó có hay không là một phần của một nhãn hiệu hàng hoá”. Trong khi đó, nhãn hiệu được dùng để xác định nguồn gốc hàng hóa hoặc dịch vụ là do ai sản xuất, cung ứng.
Trong kinh doanh, tên thương mại được chủ thể kinh doanh sử dụng thông qua hành vi dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo (Khoản 6 Điều 124 Luật SHTT). Trong khi đó, nhãn hiệu được sử dụng thông qua một loạt các hành vi như gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ
giao dịch trong hoạt động kinh doanh; Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ; Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
Tuy nhiên, không ít trường hợp tên thương mại lại có chức năng của một nhãn hiệu khi chủ thể kinh doanh dùng tên gọi của mình để làm nhãn hiệu và gắn nó lên hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung ứng. Trong trường hợp đó thì quyền đối với các đối tượng này luôn bổ sung cho nhau và góp phần củng cố, mở rộng quyền năng cho người nắm giữ