Đầu tháng 3/2011, Ủy ban Tư vấn Chính sách Thương mại Quốc tế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức loạt Hội thảo quốc tế đầu tiên ở Việt Nam bàn về những cơ hội và thách thức của một FTA giữa Việt Nam và EU và đặt vấn đề Việt Nam có nên đàm phán, ký kết FTA này không.
Trong hoàn cảnh các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dường như đã giữ im lặng quá lâu về chủ đề này, đây được xem là một sự mở đường chủ động và đầy ý nghĩa của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cho các thảo luận sôi nổi của nhiều giới sau đó về FTA này23.
Điều này cũng cho thấy sự cần thiết của việc sớm có một quyết định về việc đàm phán và ký kết FTA quan trọng này. Và trong khi các cơ quan Nhà nước vẫn đang cân nhắc nhiều bề, các doanh nghiệp có thể đã có quan điểm của riêng mình.
Những xem xét đánh giá về FTA Việt Nam – EU như nêu trong các phần trên của Kiến nghị này có thể mới chỉ nhìn từ khía cạnh kinh tế của vấn đề. Mà việc có đàm phán, ký kết một FTA hay không với EU – một đối tác toàn diện của Việt Nam còn phải nhìn nhận từ cả các khía cạnh chính trị, văn hóa, xã hội. Mặc dù vậy, trong hoàn cảnh Việt Nam và khối này đã ký tắt Hiệp định hợp tác toàn diện PCA, những vấn đề này dường như đã được xem xét. Hơn nữa, về nguyên tắc trong các tính toán liên quan đến FTA, kinh tế vẫn phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Vì thế, những xem xét này có giá trị nhất định trong các cân nhắc về việc có nên đàm phán, ký kết FTA Việt Nam – EU hay không.
Từ những phân tích về triển vọng cũng như những tác động của một FTA Việt Nam - EU tới nền kinh tế và sự phát triển của hoạt động kinh doanh cũng như doanh nghiệp nói trên, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị các Cơ quan có thẩm quyền trong hoạch định chính sách và đàm phán các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam như trong Bảng tóm tắt các Kiến nghị sau:
23 Ví dụ một loạt các bài viết, bình luận, đánh giá về các lợi ích và bất lợi của một FTA Việt Nam – EU trên
các phương tiện thông tin đại chúng trong tháng 3/2011; các ý kiến của chuyên gia hội nhập tại Hội thảo “Chiến lược đàm phán và ký kết các FTA của Việt Nam” do Văn Phòng Chính phủ Tổ chức 16/3/2011; Loạt Hội thảo “FTA Việt Nam – EU: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam” tháng 4/2011 của Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài VAFIE…
Bảng tóm tắt các Kiến nghị chung về đàm phán FTA Việt Nam – EU với các cơ quan có thẩm quyền trong đàm phán, ký kết các FTA
Kiến nghị 1
Sớm quyết định bắt đầu tiến hành đàm phán FTA Việt Nam – EU
Kiến nghị 2
Có quan điểm mở và mạnh dạn trong cam kết về mở cửa thị trường (hàng hóa và dịch vụ) trong đàm phán.
Kiến nghị 3
Chú ý và linh hoạt trong đàm phán để có kết quả tốt nhất trong các vấn đề có ý nghĩa đối với Việt Nam, đặc biệt là:
- Lộ trình mở cửa trong các lĩnh vực nhạy cảm đối với Việt Nam với tính chất là một nền kinh tế đang phát triển và có nhiều nhóm dễ bị tổn thương;
- Quy tắc xuất xứ linh hoạt, đơn giản và phù hợp;
- Rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn lao động, môi trường phù hợp; - Mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp;
- Công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Kiến nghị 4
Rà soát và cân nhắc đầy đủ các bài học kinh nghiệm trong đàm phán FTA với EU của các nước đi trước có điều kiện tương tự Việt Nam khi xây dựng phương án và chiến lược đàm phán.
Đặc biệt nhấn mạnh sự chênh lệch trong năng lực cạnh tranh và trình độ phát triển giữa Việt Nam và EU để có nguyên tắc đàm phán thích hợp (quy tắc đối xử đặc biệt và khác biệt đối với nước đang phát triển).
Kiến nghị 5
Chú ý chuẩn bị các điều kiện để thực thi tốt các cam kết trong FTA Việt Nam – EU, đặc biệt là trong hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình mở cửa.