8. Kết cấu của luận văn
2.3.2. Quan niệm chính trị xã hội
Học thuyết về xã hội của Arixtốt là sự tổng kết vô số quan sát về chế độ chính trị - xã hội của người Hy Lạp cổ đại. Và ở đây tính biện chứng về tư duy của ông cũng bộc lộ rõ. Trước hết, nó thể hiện ở việc thừa nhận sự biến đổi của các hình thức sinh hoạt xã hội. Gia đình, theo Arixtốt, là hình thức đầu tiên, thấp nhất của cộng đồng người. Sau đó, nó phát triển thành cộng đồng lớn hơn là làng xóm và nhà nước. Vì theo Arixtốt, gia đình được coi là kết quả của khát vọng hợp nhất và sinh hoạt cùng nhau mang tính tự nhiên của con người, nên từ đó ông đã rút ra khái niệm về nhà nước với tư cách là một cái gì đó mang tính tự nhiên. Nhà nước được ông xem là sự kết thúc và phát triển của gia đình. Đối với Arixtốt, quá trình phát triển từ gia đình đến nhà nước, từ cuộc sống tự nhiên đến cuộc sống chính trị và nhà nước là quá trình hoàn thiện, tiến bộ. Ông cho rằng con người đạt tới sự phát triển trong nhà nước là hoàn thiện nhất so với các loài động vật và ngược lại, con người mà xa lạ với luật pháp là sinh vật tồi tệ nhất.
Sự hoàn thiện của con người đó thể hiện qua các chuẩn mực đạo đức như thiện và ác, công bằng và bất công là hoàn toàn xa lạ không những với những động vật mà cả với con người ở trạng thái tự nhiên.
82
Ý niệm về sự phát triển cũng thể hiện trong quan niệm của Arixtốt về lịch sử của các nhà nước và hiến pháp Hy Lạp. Ông tiến gần tới ý niệm về sự đối lập với tư cách là đặc tính tất yếu của mọi hình thức sinh hoạt xã hội: sự đối lập về lợi ích giữa nô lệ và chủ nô. Arixtốt chỉ có thể phỏng đoán về các nguyên nhân thay thế của các hình thức chế độ nhà nước. Các nhóm xã hội, như ông nhận xét trong “Chính trị”, đó là các bộ phận cấu thành đối lập nhau của nhà nước và tùy thuộc vào sự chiếm ưu thế của một trong số đó thì hình thức tương ứng của chế độ nhà nước cũng được thiết lập.
Như vậy, thông qua học thuyết về chính trị của Arixtốt, chúng ta đã thấy được ít nhiều tư tưởng biện chứng của ông. Tuy nhiên, do hạn chế của quan điểm giai cấp và lịch sử đã khiến ông không thấy được căn nguyên của quá trình hình thành nhà nước trong lịch sử. Mặt khác, ông cũng không hình dung đúng bản chất quyền lực của nhà nước. Đối với ông thì quyền lực nhà nước là sự tiếp tục quyền lực của người đứng đầu gia đình.