Trong hát thánh ca, đọc sách và đọc kinh

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến đời sống đạo của giáo dân H'Mông ở giáo xứ Sapa (Lào Cai (Trang 45)

Mỗi tôn giáo đều có nghi lễ thờ phụng. Nghi lễ được biểu đạt với các hình thức khác nhau như: cúng bái (vái), niệm, tế, lễ, hát chầu thánh… Công giáo cũng có nghi lễ thờ phụng như hát kinh, hát thánh ca, đọc sách thánh.

Đọc kinh, hát kinh, hát thánh ca là những nghi thức phụng vụ Công giáo. Nghi thức này có từ lâu, ổn định vào ba thế kỷ đầu của Công giáo. Bình ca là nhạc điệu được sử dụng vào các bài hát thánh ca. Đó là những bài hát mộc mạc, giản dị có tính chất ngâm vịnh. Giáo hội Công giáo kế thừa nhạc bình ca, cải biên, chỉnh lý, đặt ra những quy luật làm nên thánh nhạc chính thức của Giáo hội La Mã.

Hát Thánh kinh, hát thánh ca:

Trong những hình thức diễn xướng của nhà thờ Công giáo Việt Nam trước hết phải kể đến hát: bao gồm hát Thánh kinh (hát Kinh thánh) và hát thánh ca.

Hát Thánh kinh là những bài hát trong kinh Thần vụ, rút ra từ Kinh thánh hoặc các bài hát được sang tác trên nguồn cảm xúc lấy từ Kinh thánh, Thánh vịnh hoặc hạnh tích các thánh Công giáo, nội dung bày tỏ sự tôn vinh Thiên Chúa, mẹ Maria và các Thánh. Trong sách nguyện Rôma có nhiều Thánh ca lấy từ Cựu ước và Tân ước.

Để phục vụ thánh lễ, nhà thờ Công giáo thường có một hội hát. “Hội hát này phục vụ trong các buổi lễ lớn, những buổi chầu Thánh thể, những lễ mồ, lễ cưới.”[83, tr.9]

Ở nhà thờ xứ Sapa, hội hát (ca đoàn) là các thanh niên người H‟Mông, được linh mục quản xứ cho ăn ở tại nhà xứ để học văn hóa, học giáo lý. Ca đoàn hiện tại gồm 30 em, trong đó 5 nữ và 25 nam. Ca đoàn được tập luyện thường xuyên vào tối thứ 4 và thứ 6 hàng tuần. Cẩm nang của ca đoàn là: Thánh ca cộng đồng, hát cộng đồng, thường niên ABC… Mỗi lễ trọng thường có một bài hát chủ đạo với những giai điệu hoặc trầm lắng, hoặc bay bổng, kín đáo… Giáo hội còn có những bài hát phục vụ cho lễ chầu Thánh thể và các nghi lễ khác như lễ cưới, lễ mồ, đưa đám tang. Đặc biệt còn có những bài hát cho mùa phụng vụ, cho các tháng như tháng Ba: kính ông thánh Giuse, tháng Năm: kính đức trinh nữ. Bài hát cho từng mùa cũng có những sắc thái riêng mang nỗi niềm tâm tư tiêu biểu cho từng giai đoạn phụng vụ của một năm. Nhạc điệu của các bài hát là nhạc điệu bình ca. Hình thức thể hiện là xướng ca, đáp ca hay đối ca. Về điểm này giống như các ca đoàn khác trong cộng đồng Công giáo Việt Nam. Về nhạc cụ chủ đạo vẫn là organ, piano, sáo. Các bài hát trong cẩm nang của ca đoàn, tuy nhiên các bài hát này đều được các tín đồ Công giáo cao tuổi ở đây dịch ra tiếng H‟Mông để cho cộng đoàn dễ nghe, dễ hiểu. Việc làm này góp phần gìn giữ ngôn ngữ riêng của dân tộc H‟Mông, đồng thời H‟Mông hóa Công giáo ở Sapa. Không chỉ ngôn ngữ mà ngay cả trang phục trong Thánh lễ và hát Thánh ca vẫn được người H‟Mông theo Công giáo ở đây bảo tồn và phát triển bằng chính trang phục truyền thống của dân tộc mình. Khởi nguyên của dòng thánh nhạc Công giáo ở Việt Nam là sự lai căng, mượn nhạc Roma có sẵn đưa lời Việt vào đến chỗ sang tác bằng lời Việt. Và khi đến với người H‟Mông, họ lại tiếp tục đưa ngôn ngữ bản địa

vào trong những điệu nhạc, lời ca đó. Đây là một tiến trình hội nhập văn hóa đặc sắc của người H‟Mông nhưng vẫn giữ được căn tính của dân tộc mình, đồng thời tác động ngược trở lại chính tôn giáo được du nhập vào đời sống của họ.

Đọc sách, đọc kinh:

Đọc sách trong nhà thờ là một thói quen có từ lâu đời của các cộng đồng giáo dân xứ đạo. Về cách đọc sách, không đọc theo lối thông thường mà phải theo những cung giọng khác nhau tùy theo loại sách nào, đọc vào mùa nào. Người đọc sách không chỉ biết đọc mà phải có giọng đọc theo những quy định của từng cung sách.

Tác giả Nguyễn Khắc Xuyên chia sách đọc và cung sách ra làm bốn: “sách đọc ở trường tu, sách đọc ở nhà thờ họ đạo, sách ngắm vào những dịp lễ riêng và sách ngắm mùa chay thánh.”1

Ở nhà thờ xứ Sapa, tại các buổi lễ trọng đều có các em nhỏ, thường là một người Kinh và một người H‟Mông được giao nhiệm vụ đọc sách. Thứ 7 và chủ nhật hàng tuần cộng đoàn đọc bằng tiếng Kinh tại nhà thờ xứ nhưng khi về các nhà thờ họ thì đọc bằng tiếng H‟Mông. „„... Ở đây, kinh toàn bằng tiếng H’Mông thôi... Kinh Tin kính này, kinh Sáng danh này, kinh Lạy Cha này, kinh Nam tụng nhật thường, kinh thú nhận, rồi kinh Nữ Vương, bằng tiếng Mông hết. Đấy có từ lâu rồi.‟‟ (Phỏng vấn thành viên Ban Hành giáo giáo họ Lao Chải.)

Đọc sách và đọc kinh đều phải có cung giọng dành riêng cho từng mùa phụng vụ, mùa vui, mùa mừng cho quanh năm, mùa thương cho mùa

chay thánh. Cung giọng đọc sách và đọc kinh ở giáo xứ Sapa thường cao hơn ở dưới xuôi.

Về cách đọc kinh, xướng kinh trong nhà thờ cũng giống như cộng đoàn Công giáo ở các nơi khác, có thể do một tốp các bà các cô hoặc cả cộng đoàn.

Ở giáo xứ Sapa, nhờ có sự quan tâm đến việc dịch sách Kinh thánh sang tiếng H‟Mông với những cung sách, giọng đọc riêng đã tạo điều kiện cho các tín đồ ở đây dễ nghe, dễ hiểu từ đó truyền tải được tâm tình sùng kính đến Thiên Chúa, Đức Maria và các Thánh.

Ngoài việc đọc kinh tại nhà thờ, giáo dân ở đây còn năng đọc kinh cầu nguyện tại nhà. Họ thường dậy từ rất sớm, khoảng từ 3 rưỡi đến 4 giờ sáng để đọc kinh sáng bằng chính ngôn ngữ truyền thống của họ trước khi bắt đầu một ngày mới trên những nương ruộng bậc thang hay những phiên chợ vùng cao rộn rã đầy sắc màu. Tuy không được học và đọc kinh một cách bài bản qua sách vở nhưng những tín đồ H‟Mông theo Công giáo ở đây có niềm tin rất mạnh mẽ vào tôn giáo mà họ theo.

Có thể nói, vấn đề dịch thuật kinh thánh, đọc sách, đọc kinh và hát thánh ca của tín đồ Công giáo ở giáo xứ Sapa về cơ bản theo hướng hội nhập giữa văn hóa truyền thống với văn hóa phương Tây, đồng thời để lại những dấu ấn riêng, bản địa trong sự giao thoa ấy.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến đời sống đạo của giáo dân H'Mông ở giáo xứ Sapa (Lào Cai (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)