Trong dịch thuật kinh thánh

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến đời sống đạo của giáo dân H'Mông ở giáo xứ Sapa (Lào Cai (Trang 41)

Vấn đề dịch thuật Kinh thánh đối với Công giáo ở Việt Nam nói chung và ở giáo xứ Sapa nói riêng đã làm không ít các nhà thần học băn

khoăn. Có những ý kiến đề xuất phải dịch lại Kinh thánh cả Tân ước và Cựu ước cho thuần Việt ngữ, dễ hiểu, nhằm phổ cập rộng rãi trong tầng lớp tín đồ. Họ cũng yêu cầu phải dịch hoặc viết, chú giải Kinh thánh để tín hữu cho đến giáo sĩ có dịp hiểu cặn kẽ, hiểu sâu.

Canh tân, hội nhập trong kinh lễ là một vấn đề nghị sự. Các nhà thần học Công giáo nhận thấy rằng sách kinh lễ từ Công đồng Vatican II về trước ở Việt Nam còn quá ít, viết sơ sài, nhiều chỗ khó hiểu. Từ đó họ yêu cầu phải cấp bách biên soạn, san dịch lại sách lễ, sách nguyện và các sách nói về lễ nghi, phụng vụ… Dòng Tên là dòng đi đầu trong việc biên soạn, san dịch Kinh lễ. Đáng kể nhất là bộ “Đạo nhập thế”.

Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam là cái mốc quan trọng ghi nhận định hướng hội nhập văn hóa dân tộc của Công giáo Việt Nam. Nhiệm vụ là phải đào sâu Thánh kinh và Thần học để nắm vững những điều cốt yếu của đức tin, mặt khác phải đào sâu nếp sống của từng dân tộc trong nước để khám phá ra những giá trị riêng của mỗi dân tộc từ đó xây dựng một nếp sống và lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống của mỗi dân tộc đang cùng chung sống trên quê hương và cộng đồng Hội thánh này.

Trong bài Rao giảng Lời Chúa tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010) có đoạn viết “Mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính Ðạo thánh Chúa Kitô phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn’’. Chính vì thế, “phải mở rộng lối vào Kinh Thánh cho các Kitô hữu”.

Một trong các mục tiêu ưu tiên là dịch Kinh thánh ra ngôn ngữ địa phương. Cho tới nay, người ta đã xuất bản Tân Ước bằng tiếng H‟Mông tại Hưng Hoá; bằng tiếng Bana, tiếng Sêđăng, tiếng Giarai tại Kontum;

tiếng K‟Ho tại Ðà Lạt; tiếng Raglai tại Nha Trang. Lời Chúa mở âm thầm nhưng hữu hiệu con đường hy vọng cho các dân tộc thiểu số đang ở giữa những dân tộc nghèo nhất của đất nước. Niềm vui và sự hãnh diện được lắng nghe Lời Chúa trực tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và đáp trả Lời Chúa bằng những bài ca và những lời kinh đã được thích ứng với tinh thần của nền văn hoá của họ củng cố thêm chân tính văn hoá của họ và góp phần thật sự vào việc phát triển họ toàn diện.

Giáo xứ Sapa là nơi hội tụ của phần đông dân tộc H‟Mông cùng sinh sống, vì vậy ngôn ngữ, lối sống của họ mang đậm nét địa phương. Việc dịch thuật Kinh thánh sang tiếng H‟Mông là rất quan trọng để tín đồ Công giáo ở đây hiểu cặn kẽ hơn về tôn giáo mà họ đang theo. Thực tế ở giáo xứ Sapa, Kinh thánh bằng tiếng H‟Mông chủ yếu được đưa về Việt Nam từ các nhà xuất bản nước ngoài như: Thái Lan, Pháp, Mỹ…. Những cuốn sách căn bản đã được dịch sang tiếng H‟Mông như bộ Thánh Kinh (Cựu ước và Tân ước) và sách hát. Những bộ sách hiện nay được dịch ra tiếng H‟Mông phải kể đến là công lao của F. Savina: Để đáp ứng mong ước của người H‟Mông về chữ viết, ông đã kế tục các giáo sĩ đi trước trong việc sáng tạo bảng chữ cái và chữ viết cho dân tộc này bằng mẫu tự Latinh. Công việc này được giáo sĩ J.Adam và Pollard bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 tại vùng Nam Trung Quốc khi họ tìm cách dịch kinh thánh sang ngôn ngữ của người H‟Mông trong bối cảnh dân tộc này chẳng có chữ viết và đang mong mỏi chữ viết riêng của mình. Những việc làm của F.Savina đã thuyết phục được khá nhiều người H‟Mông ở Sapa theo đạo.

Vấn đề đặt ra là, tại sao chữ viết lại đóng vai trò quan trọng như vậy? Câu hỏi này đã được nhà nghiên cứu Vương Duy Quang chỉ ra cho chúng ta: Chữ viết luôn được dân tộc này gắn kết với thời huy hoàng trong lịch sử xa xưa của họ và những người H‟Mông vẫn thường bắt đầu câu

chuyện huy hoàng về lịch sử dân tộc mình bằng câu: „„Thủa người H‟Mông ta còn có vua, có nước, có chữ viết...‟‟ như một sự khẳng định chữ viết là một trong những yếu tố thể hiện sự phát triển, niềm hạnh phúc cũng như giai đoạn rất tự hào của dân tộc này. Và ngày nay, họ thường kể những câu chuyện với nhiều tình tiết khác nhau để giải thích sự mất chữ viết của mình. Chính bởi vậy, lòng mong mỏi có lại chữ viết là biểu trưng cho mong ước có lại sự hiểu biết và những gì mà họ đã mất. Tại Việt Nam, từ khi hòa bình lập lại ở miền Bắc Việt Nam cuối năm 1954, hiểu rõ khát vọng của người H‟Mông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ban ngành chức năng sự cần thiết phải xây dựng chữ viết cho dân tộc này. Đến năm 1961, chữ H‟Mông Việt Nam chính thức được ra đời dựa trên cơ sở dùng chữ cái Latinh. Cũng từ thực tế đó, các nhà truyền giáo Kitô đã chủ động tìm đến dân tộc này, vượt qua mọi rào cản về phong tục tập quán, sống cùng người H‟Mông, nói tiếng nói H‟Mông... Đặc biệt, họ là những người đầu tiên xây dựng chữ viết cho người H‟Mông nhằm đáp ứng việc dịch Kinh thánh sang ngôn ngữ bản địa, đồng thời khỏa lấp niềm khát khao có chữ viết của dân tộc này. Có thể nói con đường đưa đức tin Công giáo đến với người H‟Mông một mặt thể hiện sự hội nhập về văn hóa nhưng mặt khác cũng thể hiện tầm quan trọng của yếu tố truyền thống không thể thay đổi đó là ngôn ngữ và chữ viết.

Bên cạnh việc sử dụng các sách kinh bằng tiếng H‟Mông được xuất bản ở nước ngoài, các tín đồ Công giáo ở đây còn lưu truyền những bài kinh tiếng H‟Mông bằng hình thức viết tay. Thường thì công việc này được giao cho các tín đồ cao tuổi có kinh nghiệm, thông thạo tiếng Việt và tiếng H‟Mông. Nhưng do điều kiện học vấn còn thấp, kinh tế khó khăn nên việc học và đọc kinh bằng tiếng H‟Mông của giáo dân nơi đây còn hạn chế, chủ yếu bằng hình thức truyền khẩu trong cộng đoàn tại nhà thờ. Việc

tiếp tục dịch các bộ sách kinh từ tiếng Kinh sang tiếng H‟Mông ở giáo xứ Sapa có vai trò rất quan trọng trong việc truyền đạo và tăng niềm tin, sự hiểu biết của giáo dân về tôn giáo mà họ theo. Đây không chỉ thể hiện sự chấp nhận của Công giáo đối với văn hóa Việt Nam mà còn khẳng định sự hội nhập, ảnh hưởng của văn hóa truyền thống đến một tôn giáo ngoại sinh là Công giáo.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến đời sống đạo của giáo dân H'Mông ở giáo xứ Sapa (Lào Cai (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)