Trong bài trí

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến đời sống đạo của giáo dân H'Mông ở giáo xứ Sapa (Lào Cai (Trang 57)

Nhà thờ xứ Sapa được bài trí đơn giản nhưng trang trọng thể hiện tính đặc thù của vùng núi rừng Tây Bắc và màu sắc truyền thống của đồng bào dân tộc H‟Mông.

Tại khuôn viên vườn Thánh, ngự sau hai phần mộ của hai linh mục người Pháp là một bức phù điêu Đức mẹ Mân côi vừa được điêu khắc gia Phạm Văn Hạng tặng nhà thờ Sapa cuối năm 2009. Nhưng đặc biệt ở chỗ, Đức mẹ được khoác lên mình trang phục của người H‟Mông, mang theo gùi và dắt Đức Chúa Giêsu. Như vậy hình ảnh Đức mẹ bế Chúa con mà chúng ta thường thấy ở các nhà thờ Công giáo đã được thay bằng hình ảnh Đức Mẹ dắt Chúa con. Linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình có tâm sự: đó chính là sự thể hiện hình ảnh Chúa Giêsu đã lớn. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến một ngôi thánh đường gần trăm năm tuổi trải qua bao thăng trầm của công cuộc truyền giáo, xây dựng và phát triển giờ đây Chúa đã lớn dần lên trong đức tin của người Công giáo H‟Mông ở Sapa.

Bao quanh ngôi thánh đường là 32 bức tranh kính diễn tả màu nhiệm kinh Mân Côi và đặc biệt là 2 bức tranh cuối tháp chuông khắc họa hình ảnh những nương ruộng bậc thang, thác bạc, cầu mây… Với nguồn gốc khởi thủy là cư dân trồng lúa nước, nên ngay cả khi sinh sống trên những vùng núi cao, hiểm trở, trong điều kiện của vùng đất mới đến cư trú, họ đã tạo nên những thửa ruộng trồng lúa nước trên các sườn núi. Đó chính là những thửa ruộng bậc thang - nét văn hóa của cư dân trồng lúa nước được

khắc họa và in dấu ngay chính nhà thờ xứ Sapa. Những kiến trúc sư và họa sĩ thiết thế ở đây quả rất tinh tế và tài tình khi sử dụng chất liệu tranh kính trong tương quan với ngôi thánh đường bằng đá. Nó không chỉ thể hiện sự cố định mà những bức tranh kính đó còn tạo độ sáng, tránh được ẩm của vùng khí hậu Tây Bắc này.

Hai cửa ngách đi vào là bức tượng Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, hai trụ cột chính của Hội thánh. Bốn ảnh Thánh viết sử là Matthêô, Luca, Máccô, Gioan cũng được đặt trang trọng.

Bên trong nhà thờ, bàn Thánh và bàn đọc Thánh thư bằng chất liệu đá được khắc họa bởi những họa tiết đối xứng, bố cục hài hòa. Những họa tiết này biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian, trong vũ trụ quan cổ đại của nhiều cư dân, là vốn văn hóa chung của nhiều dân tộc, nhưng được thể hiện đậm đà trong trang trí H‟Mông. Chiếc khăn thổ cẩm nhiều màu sắc, trang trí họa tiết hoa văn độc đáo được trải lên bàn Thánh tạo sự gần gũi trong ngôi nhà Công giáo của người H‟Mông. Với gam màu đen chủ đạo của người H‟Mông ở Sapa kết hợp với màu trắng tạo nên vẻ hài hòa, cân đối được sử dụng nhất quán trong những hàng gạch nền của nhà thờ Sapa. (Xem ảnh số 3 phần phụ lục)

Có thể nói, các nhà truyền giáo khi đến với Sapa, một mặt họ truyền bá đức tin Công giáo đến với những cộng đồng dân tộc ở đây nhưng mặt khác họ lại chịu ảnh hưởng rất nhiều của yếu tố truyền thống bản địa. Kiến trúc phương Tây của ngôi thánh đường kết hợp với những đường nét họa tiết hoa văn đặc thù của người H‟Mông đã tạo nên một bức tranh hài hòa vừa mang màu sắc tôn giáo đặc thù vừa thể hiện cái hồn cốt của người H‟Mông ở Sapa.

Chương 3. ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG ĐẾN NGHI LỄ VÕNG ĐỜI NGƯỜI CỦA GIÁO DÂN H’MÔNG Ở GIÁO XỨ SAPA (LÀO CAI)

Từ lúc phôi thai đến khi trưởng thành và nhắm mắt xuôi tay, chúng ta được bao bọc bởi những tập tục, nghi lễ của dân tộc mình, thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi tộc người. Đối với người H‟Mông, nghi lễ vòng đời càng làm nổi bật tính đặc thù của tín ngưỡng truyền thống dân tộc này. Những nét văn hóa Công giáo hòa quyện với những tập tục, lễ nghi truyền thống càng tôn thêm vẻ đẹp của tín ngưỡng truyền thống dân tộc H‟Mông.

Trong lịch sử tồn tại của người H‟Mông ở Việt Nam nói chung và người H‟Mông ở Sapa nói riêng, tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của họ là một bộ phận rất quan trọng cấu thành nên bản sắc văn hóa rất đặc thù của dân tộc này... Nó được tạo nên bởi nhiều yếu tố mà nền tảng là sự gắn kết của các hoạt động thờ cúng tổ tiên, tính đặc trưng của các lễ nghi liên quan đến dòng họ và sự phổ biến của tín ngưỡng Saman. Sự liên kết, ràng buộc ấy được thể hiện rõ nét trong chu kỳ sinh hoạt hàng năm và chu kỳ lễ nghi vòng đời người, bao gồm từ nghi thức đặt tên cho trẻ, đến nghi lễ trưởng thành, nghi lễ trong đám cưới và cuối cùng là nghi lễ tang ma.

Đối với người theo Công giáo ở Việt Nam nói chung và người Công giáo H‟Mông ở Sapa nói riêng, xuyên suốt vòng đời của họ gắn liền với những lễ nghi Công giáo. Đứa trẻ sau khi sinh được bố mẹ đưa đến nhà thờ để lãnh nhận bí tích Rửa tội. Lớn lên chút nữa, các em nhỏ được học giáo lý để xưng tội lần đầu và chịu bí tích Giải tội, rồi bí tích Thêm sức, bí tích Thánh Thế. Đến tuổi trưởng thành lấy vợ gả chồng được lãnh nhận bí tích Hôn nhân và khi sắp qua đời lại lo chuẩn bị dọn mình chịu bí tích Xức dầu thánh. Bí tích truyền chức thánh chỉ dành riêng cho linh mục.

Giáo sĩ F. Savina là người đầu tiên đến vùng Đông kỳ Đông Dương sống cùng người H‟Mông trong một thời gian khá dài. Ông là người có công rất lớn trong việc tìm hiểu người H‟Mông để dẫn dắt họ đến với Công giáo. Những nghiên cứu của ông về người H‟Mông trong thời gian này là những kiến thức rất quan trọng giúp ông có được cách tiếp cận trong công cuộc truyền giáo, giúp ông có được cách tiếp cận trong việc truyền giáo của mình ở một dân tộc mà ông cho là rất „„đặc thù‟‟. Ông cho rằng : „„Họ là những người sinh trên núi cao, sống trên núi cao và chết trên núi cao..., họ là những người đầu tiên nhìn thấy mặt trời mọc và là những người cuối cùng nhìn thấy mặt trời lặn‟‟. Đặc biệt, F.Savina dành nhiều tâm sức tìm hiểu về lịch sử và tín ngưỡng tôn giáo của người H‟Mông. Ông hình dung được những yếu tố cơ bản của tín ngưỡng tôn giáo truyền thống ở người H‟Mông thông qua câu chuyện về ông tổ Saman giáo của họ, chuyện Đại hồng thủy và những sinh hoạt thờ cúng đa thần. Công sức tìm hiểu về lịch sử, phong tục tập quán cũng như sưu tầm các câu chuyện cổ tích ở người H‟Mông đã giúp F.Savina thực hiện mục tiêu „„H‟Mông hóa‟‟ Kinh thánh, làm cho Đức Chúa trời gần gũi với dân tộc này hơn. Ông cho rằng : Thực dễ dàng ghép giáo lý Công giáo vào đạo lý dân tộc Mèo (H‟Mông), chỉ cần bỏ đi vài lầm lẫn và những thiên kiến liên quan đến Thượng đế... sửa lại và bổ sung thêm các tín ngưỡng của họ để đi tới chỗ dành cho cả hai nền đạo lý chung một tôn giáo làm nền tảng. Ông cũng hiểu vai trò quan trọng của mối quan hệ dòng họ trong xã hội người H‟Mông và tìm cách truyền giáo trong cộng đồng này thông qua những người đứng đầu dòng họ, đồng thời cố gắng tranh thủ uy tín của những thủ lĩnh H‟Mông trong vùng. Tuy nhiên, công việc này gặp nhiều khó khăn bởi hầu hết các dòng họ lớn và thủ lĩnh vùng đều không muốn tiếp nhận Công giáo vì tư tưởng „„khép kín‟‟ muốn bảo vệ văn hóa cội nguồn, ngại

sự xâm nhập của cái mới. Vì vậy mà, „„dù đã chấp nhận theo Công giáo khá lâu, song những người H‟Mông ở Sapa vẫn không muốn bỏ hẳn phong tục tập quán truyền thống. Một số hoạt động văn hóa tâm linh cội nguồn vẫn được duy trì âm thầm như thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng liên quan đến dòng họ... Thậm chí, những kiêng kỵ liên quan đến „„ma nhà‟‟ như kiêng ngồi bậu cửa, kiêng gõ lên bếp, kiêng để con dâu lên sàn gác... vẫn hiện diện trong sinh hoạt của các gia đình cải đạo.‟‟ Trong khi các mục sư Tin lành tỏ thái độ khắt khe với việc thờ ma quỷ của người H‟Mông và triệt để bài trừ tín ngưỡng truyền thống của họ bằng việc phá bỏ bàn thờ tổ tiên, đốt những đồ nghề cúng bái, gọi „„Vòng cầu xin sự che chở‟‟ buộc cổ tay là „„vòng của ma quỷ‟‟... thì Giáo luật Công giáo lại không đoạn tuyệt với thờ cúng tổ tiên hay tín ngưỡng dòng họ - những yếu tố văn hóa tâm linh quá thiêng liêng, gắn kết họ với cội nguồn...‟‟[52, tr.238-239] Nhờ đó mà trong nghi lễ vòng đời chúng ta thấy được sự tác động qua lại một cách hài hòa giữa tín ngưỡng truyền thống và văn hóa Công giáo.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến đời sống đạo của giáo dân H'Mông ở giáo xứ Sapa (Lào Cai (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)