Ảnh hưởng đến cuộc sống phôi thai

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến đời sống đạo của giáo dân H'Mông ở giáo xứ Sapa (Lào Cai (Trang 61)

Người H‟Mông có câu: „„Một tay cầm không chắc, một chân đứng không vững, ở một mình không thể gọi là một gia đình.‟‟ Với họ, gia đình phải bao gồm những người cùng chung sống dưới một mái nhà bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, đó là cha mẹ, vợ chồng, con cái. Người H‟Mông, nhất là người H‟Mông theo Công giáo có những quan niệm, thái độ và cách ứng xử rất riêng đối với nghi lễ đầu tiên của vòng đời, đó là nghi lễ với cuộc sống phôi thai.

Có con là ước muốn thiêng liêng của mỗi cặp vợ chồng. Đó không phải là một ước muốn đơn thuần mà còn là bản năng để bảo toàn nòi giống. Đây cũng chính là việc quan trọng nhất sau ngày cưới của mỗi cặp vợ chồng. Người ta thường nói: „„Dạy con từ thủa còn thơ‟‟ song thực ra

việc nuôi nấng, dạy dỗ bắt đầu từ khi bào thai hình thành trong bụng mẹ. Thời gian mang thai là hết sức quan trọng và thiêng liêng. Để „„mẹ tròn con vuông‟‟, người mẹ phải được chuẩn bị đầy đủ về thể lực và tinh thần trong thời kỳ thai nghén này. Khác với cây cỏ, thai nhi không chỉ tiếp nhận từ người mẹ các chất bổ dưỡng mà còn cả tình cảm, tâm hồn của người mẹ. Do đó, trong quá trình dưỡng thai, người mẹ cần phải chăm lo và được chăm lo thật tốt về cả thể chất và tinh thần.

Hải Thượng Lãn Ông khuyên các phụ nữ có thai như sau: „„Có thai 3 tháng gọi là thủy thai hình tượng mới hóa, theo cảm xúc mà biến đổi. Muốn có con thẳng thắn nghiêm trang thì nên miệng nói lời ngay thẳng, mình làm việc ngay thẳng (...) muốn có con xinh đẹp thì nên đeo hòn ngọc quý ; muốn có con hiền tài thì nên đọc sách (...). Đàn bà chửa mà thấy „„tượng thần‟‟hay vật lạ thì đẻ ra „„quái thai‟‟chứng cớ rất rõ rệt.‟‟ Trong dân gian cũng truyền khẩu những điều nên làm và nên tránh đối với người mang thai: „„Phải năng cân nhắc, vận động, đừng ăn không ngồi rồi, không ăn nhiều chất bổ sợ thai lớn khó sinh, nai nịt bụng cho thai không lớn quá khó sinh, kiêng ăn trái cây sinh đôi, kiêng ăn cua để tránh sinh ngang, kiêng ăn sò, ốc, trai, hến để cho con khỏi nhiều dớt dãi, không nên nóng giận, không có hành động gian ác, không nên xem nhìn những cảnh khiếp sợ, thương tâm. Trái lại, người mẹ mang thai nên ăn nhiều trứng gà, đu dủ chín, uống nước dừa cho đứa bé có da trắng đẹp, hồng hào, nên luôn tươi vui hòa nhã dịu dàng, với tâm hồn thảnh thơi ngay thẳng cho khỏi ảnh hưởng xấu đến thai nhi...‟‟

Những điều người phụ nữ mang thai cần kiêng gọi là thai giáo. Thai giáo không hoàn toàn mang tính chất mê tín dị đoan, mà là kinh nghiệm dân gian đã được đúc kết để mọi người làm theo nhằm đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và bào thai trong bụng mẹ. Tuy nhiên cũng có nhiều điều

trong thai giáo cần được xem xét và phân tích kỹ lưỡng nhằm áp dụng chúng sao cho có lợi nhất và tránh những suy diễn mê tín có hại.

Vấn đề thai giáo không phải chỉ ở Việt Nam mới có mà hầu như mọi dân tộc trên thế giới đều có. Với người phụ nữ Java (Inđônêsia) trong thời gian mang thai phải tuân theo những điều kiêng kỵ như không ngồi trên ngưỡng cửa để tránh con bị mồm rộng. Chồng có vợ chửa không được sát sinh, còn khi quá cần thiết không thể đừng được, thì phải vừa làm vừa nói: „„Hàng ngàn lần xin lỗi em bé!‟‟ Đối với người mẹ mang thai cần kiêng cho kiếm vào bao để con khỏi điếc, đập trứng để con khỏi mù, trồng chuối để con khỏi to đầu, ngồi bậc cửa, chẻ củi để dễ đẻ. Những điều thai giáo đó còn được nhiều dân tộc khác ở Inđônêsia và Đông Nam Á tuân thủ. Mọi tập tục trong vấn đề thai giáo đều không ngoài ý nghĩa đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và tránh cho đứa trẻ sinh ra những dị tật, tức là đảm bảo sao cho „„mẹ tròn con vuông‟‟. Tuy nhiên không phải điều kiêng kỵ nào cũng hay, và ngược lại cũng là mê tín dị đoan. Vấn đề là cần xác định rõ điều nào hay nên giữ và điều nào dở nên bỏ.

Người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ H‟Mông ở Sapa nói riêng đều quan tâm đầu tiên đến việc sinh con sau khi kết hôn. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, mặt khác kinh tế truyền thống của người H‟Mông là kinh tế nương rẫy, đòi hỏi cường độ lao động cơ bắp rất cao. Nên sức lao động trở thành nguồn tài sản quan trọng nhất. Gia đình nào có nhiều lao động thì số lương thực thu về càng nhiều. Trong xã hội truyền thống, gia đình đông con, dòng họ lớn là gia đình có điều kiện sản xuất tốt. Vì vậy, đã hình thành một tâm lý cần đông con nhiều cháu. Tâm lý này càng được củng cố ở các làng H‟Mông còn tập quán du canh du cư. Sự đông con, nhiều cháu, dòng họ, gia đình phát triển là một tiêu chí củng cố mối quan hệ xã hội. Tâm lý đông con hiện nay vẫn chi phối số đông người

H‟Mông ở các vùng còn sản xuất nương rãy. Mỗi gia đình người H‟Mông bình quân có tới 6 đến 7 người con.

Một đặc điểm tâm lý thứ hai của người H‟Mông là trọng con trai. Gia đình người H‟Mông trong xã hội truyền thống là gia đình phụ quyền. Gia đình là một đơn vị kinh tế khép kín có sự phân công lao động theo giới tính và lứa tuổi rất chặt chẽ. Trong quy trình canh tác nương rãy, mọi công việc nặng nhọc, đòi hỏi sức khoẻ dẻo dai đều do nam giới đảm nhiệm. Nam giới là người chặt các cây to khi phát nương, là người cày nương. Chiếc cày H‟Mông là công cụ độc đáo, đòi hỏi phải dồn sức cơ bắp lớn. Nam giới phải đảm nhiệm khâu cày, vỡ đất, săn bắn, khai nước, làm nhà, làm nghề rèn... Còn phụ nữ lo tra hạt, làm cỏ, xe lanh, dệt vải, nội trợ... Sự phân công theo giới tính quá chặt chẽ đến mức người phụ nữ không thể làm các công việc của nam giới và ngược lại. Trong mối quan hệ xã hội, người chồng, người cha là chủ gia đình, đảm nhận cả chức năng chỉ đạo sản xuất và “đối ngoại”. Nếu vắng mặt nam giới trong gia đình thì rất khó khăn cả trong sản xuất lẫn giao tiếp. Người H‟Mông quan niệm con trai là trụ cột của gia đình. Con gái chỉ là người nội chợ chăm sóc con cái. Do đó khi mới sinh, nếu đẻ con trai nhau thai sẽ được chôn dưới cột chính với ý niệm con trai là trụ cột. Nếu đẻ con gái, nhau thai chôn ở gầm giường với ý niệm con gái là người quán xuyến việc nhà. Người H‟Mông có cả hệ thống tục ngữ ca ngợi việc sinh con trai, ca thán việc sinh con gái :

“Đẻ con gái như gáo nước đổ đi rồi không lấy lại được.” “Con gái chỉ giúp nhà một thời

Con trai mới giúp nhà cả đời.”

Và bất hạnh nhất là gia đình thiếu vắng đàn ông, đàn bà phải làm chủ nhà: “Đàn bà làm chủ thì nghèo, gà mái gáy thì gở”. Quan niệm coi trọng việc sinh con trai vẫn còn chi phối khá nặng nề đối với người

H‟Mông. Có con trai không chỉ là niềm tự hào cho cả gia đình mà còn là niềm tự hào đối với cả dòng họ.

Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, người phụ nữ H‟Mông khi mang thai không kiêng cữ được nhiều. Mọi sinh hoạt hầu như vẫn diễn ra bình thường, đôi khi họ còn phải gánh vác cả những công việc nặng nhọc trong gia đình. Tuy nhiên, vẫn có một số điều cần kiêng cữ sau: Phụ nữ mang thai không được đi xa, không qua suối và không được bước qua dây ngựa, phải ăn kiêng tất cả những món gì mà dòng họ kiêng.

Khi mới sinh con trong vòng một tháng, người phụ nữ tuyệt đối không đi qua cửa chính, không sang nhà người khác. Con gái không được sinh ở nhà bố mẹ đẻ mặc dù người H‟Mông có phong tục ở rể, nhưng khi chuẩn bị sinh là họ dựng lều và ở riêng chỗ khác.

Khi gia nhập Công giáo, người H‟Mông dần từ bỏ tín ngưỡng truyền thống. Vì vậy, sự chi phối của tín ngưỡng truyền thống đến vấn đề thai giáo cũng có sự thay đổi trong bộ phận người H‟Mông theo Công giáo ở giáo xứ Sapa. Trước hết là sự thay đổi tâm lí muốn sinh nhiều con. Trước đây, tỉ lệ sinh của phụ nữ H‟Mông thường cao hơn phụ nữ của nhiều tộc người khác. Nhưng sau khi theo Công giáo, tâm lí sinh con và nhu cầu sinh con trai để nối dõi và thờ cúng tổ tiên đã thay đổi ít nhiều. Cụ thể, ở thôn Hang Đá, tỉ lệ sinh đẻ của nhóm người H‟Mông theo Công giáo đã giảm từ 3,5% xuống còn 3% năm 2004. Độ tuổi kết hôn và khoảng cách sinh con của phụ nữ H‟Mông theo Công giáo so với phụ nữ H‟Mông truyền thống cũng dãn hơn. Số liệu trên của nhà nghiên cứu Dân tộc học Nguyễn Văn Thắng tuy không mới nhưng đã góp phần khẳng định sự thay đổi trong quan niệm và tâm lý của người H‟Mông theo tín ngưỡng truyền thống và người H‟Mông theo Công giáo. Suốt thời gian mang thai, phần lớn phụ nữ H‟Mông theo Công giáo đều nhờ đến y tá thôn hoặc đến trạm y

tế kiểm tra thai trước khi sinh và đỡ đẻ thay cho việc tìm đến thầy pháp Saman nên tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh đã giảm xuống mức tối thiểu. Khoảng cách sinh thưa và tỉ lệ sinh giảm cũng làm cho sức khỏe của người mẹ và bào thai ngày một tốt hơn. Việc tiếp cận y học đối với người dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung và với người H‟Mông ở Sapa nói riêng là một điều đáng khích lệ, vì vậy ở một khía cạnh nhất định thì việc hội nhập với văn hóa Công giáo và giảm bớt những hủ tục trước đây là cần thiết vì sự phát triển của đời sống xã hội.

Song bên cạnh đó, người H‟Mông theo Công giáo hiện nay vẫn âm thầm giữ lại những nét truyền thống đã ăn sâu vào ý thức của họ. Trong số những người được hỏi, tuy không dứt khoát nhưng đều có tâm lý muốn sinh con trai hơn con gái. Thực tế cho thấy tỉ lệ sinh trong các bản của người H‟Mông Công giáo đã giảm hơn nhưng vẫn ở mức cao so với cả nước. Khi người phụ nữ mang thai gặp vấn đề về sức khỏe, họ không còn tìm đến thầy Saman như những người H‟Mông truyền thống nhưng họ vẫn tin vào một sức mạnh siêu nhiên là Thiên Chúa để cứu chữa. Trong những trường hợp đó, người nhà thường dẫn bệnh nhân đến nhà thờ để nhờ vị linh mục xin Chúa chữa khỏi bệnh cho họ. Một mặt, vị linh mục sẽ cầu nguyện cho người bệnh nhưng mặt khác, quan trọng hơn là linh mục động viên họ đến các cơ sở y tế để khám chữa. Tuy vậy, họ vẫn muốn được linh mục dù chỉ là chạm vào người để được bằng an về tư tưởng trước khi được đưa đến bệnh viện. Điều đó có thể khẳng định rằng, người H‟Mông theo Công giáo vẫn chưa thể từ bỏ hẳn quan niệm về thầy pháp Saman và những vị thần xung quanh họ, chỉ có điều các vị thần đó được thay bằng một Đức Chúa quyền năng.

Có thể nói, trong tâm thức người H‟Mông theo Công giáo, họ vẫn giữ những tập tục truyền thống của dân tộc mình. Trong số những quan

niệm ấy, có những mặt tích cực và tiêu cực. Vì vậy, cái gì là hủ tục thì nên bỏ nhưng việc áp dụng y học hiện đại và thực hiện kế hoạch hóa gia đình, thay đổi tâm lý sinh nhiều con và sinh con trai... để có cuộc sống tốt hơn là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và chỉ đạo thực hiện đến bộ phận các dân tộc thiểu số hiện nay trong đó có người H‟Mông ở Sapa. Một khía cạnh nào đó, văn hóa Công giáo có tác dụng tích cực đến một bộ phận dân tộc này.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến đời sống đạo của giáo dân H'Mông ở giáo xứ Sapa (Lào Cai (Trang 61)