0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (121 trang)

Vai trò định hướng của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa mới với công cuộc

Một phần của tài liệu TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA MỚI TRONG THỜI KỲ 1945-1954 (Trang 105 -105 )

công cuộc xây dựng nền văn hóa dân tộc hiện nay

Năm 1990, Nghị quyết của Tổ chức Văn hóa và Giáo dục thế giới (UNESCO) về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sự đóng góp về nhiều mặt của chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau” [15, tr. 295-296].

Kaul (Ca - un), chủ tịch Trung tâm Ấn Độ nghiên cứu về Đông Dương khẳng định: “Một cống hiến quan trọng khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ trương làm khởi sắc và tăng cường truyền thống văn hóa Việt Nam, gắn nó với các nền văn hóa khác trên thế giới. Các bài thơ, tiểu luận và diễn văn của Người phản ảnh một sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn minh nhân loại và một niềm tin chung thủy đối với bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, quốc gia, kể cả dân tộc mình và các dân tộc khác trên thế giới. Vì vậy, Người được yêu mến và kính trọng trên toàn thế giới” [9, tr. 35].

Đó là những đánh giá về Hồ Chí Minh từ các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu nước ngoài. Chúng ta tự hào vì có Hồ Chí Minh, chúng ta lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ Nam cho mọi hành động. Mặc dù cũng giống như Marx, Hồ Chí Minh không viết bất cứ một cuốn giáo trình chính thống nào dạy cho thế hệ sau cách tư duy. Nhưng

các bài nói, bài viết và cả cuộc đời người lại chính là những bài học rất quý giá về phong cách cũng như phương pháp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội. Trần Văn Giàu nhận xét: “Cụ chưa hề nói đến phương pháp luận, nhưng trong hoạt động chính trị - văn hóa của Cụ, người nghiên cứu dường như trông thấy một số lề lối có thể gọi là phương pháp luận, phương pháp tư tưởng” [15, tr. 306]. Tư tưởng của Người thực sự là những phương pháp luận quý báu còn giữ nguyên giá trị trong việc giải quyết các vấn đề xã hội hiện nay.

Thế nhưng, quả thực trong lịch sử, chúng ta không phải lúc nào cũng thực hiện đúng, vận dụng đúng những lời dạy của Người về văn hóa: Vào những năm 80, tất cả những sách báo của miền Nam cũ bị cấm lưu hành. Các băng và đĩa nhạc cũ gọi là “nhạc vàng” bị coi là bất hợp pháp, nhà nào bật loại nhạc đó sẽ “có vấn đề” với công an địa phương. Những thanh niên để tóc dài và mặc quần ống loe bị liệt vào loại hư hỏng, đồi trụy, mà có không ít nơi đã bị công an xử lý: ai để tóc dài bị đưa vào tiệm hớt tóc để gọt đầu, ai mặc quần loe thì bị rạch ống ngay giữa đường rồi mới tha về [67, tr. 122]. Một trong những nạn nhân oan uổng của chiến dịch “quản lý nếp sống văn minh” là TS. Lê Xuân Nghĩa, hiện nay là Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi đó, ông mới học Đại học ở Cộng hoà Dân chủ Đức về nước và làm việc tại Uỷ ban Vật giá Nhà nước. Tất nhiên, ông chỉ có những quần áo mang từ Đức về, mà quần ống loe là mốt của toàn thế giới lúc đó (trừ Việt Nam). Ông đang đạp xe giữa đường phố Hà Nội, bỗng công an ập tới và ngang nhiên rạch cả hai ống quần của ông, từ gấu lên hông. Không thể ngồi đạp xe được nữa, ông đành đi bộ về cơ quan để nhờ Uỷ ban Vật giá giúp ông khiếu kiện chuyện thô bạo đó. Nhưng cả Bí thư Đảng uỷ lẫn lãnh đạo cơ quan đều cho công an làm thế là đúng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá lúc đó là ông Tô Duy còn nhận xét “Cái quần nó loe thì đầu óc của nó cũng loe” [67, tr. 252].

Các nhà lãnh đạo của chúng ta có trái tim tâm huyết với đất nước, song những biện pháp để xây dựng đất nước không phải lúc nào cũng phù hợp với thực tiễn. Theo PGS. Hoàng Chí Bảo, “không có biện pháp đúng đắn thì mọi thiết kế lý luận, tư tưởng trong cương lĩnh hoặc trong bất cứ một chương trình, kế hoạch nào dù hay đến mấy cũng khó có thể trở thành hiện thực được. Nó mãi mãi dừng lại ở ý niệm, mong muốn tốt lành mà thôi. Không trở thành hiện thực thì cũng không thể đạt tới hữu ích, hiệu quả trong nghĩa triệt để của nó” [11, tr. 252]. Việc giáo dục văn hóa cho nhân dân bấy lâu nay vẫn thường gặp những tài liệu với nội dung hết sức tốt đẹp như: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hun đúc nên qua hàng mấy nghìn năm lịch sử. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; dũng cảm, thông minh, trong chiến đấu; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống; tình nghĩa thủy chung với người thân, bạn bè...” [2, tr. 115]. Chúng ta đã bỏ qua, ít nhắc đến các khía cạnh tiêu cực trong bình diện tính cách con người. Điều này là rất thiết sót, nhất là trong bối cảnh nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường vốn không thiếu những thói hư tật xấu. Bản thân chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã không ít lần nhắc đến thói hư tật xấu con người dễ mắc phải để người dân sửa chữa. Người luôn tâm niệm rằng “Không phải tôi chỉ nói điều tốt, điều hay, mà cũng phải nói sự thực” [53, tr. 59].

Trong một chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước năm 1996, GS. Trương Hữu Quýnh đã phải nhận xét: “Những nhà nghiên cứu thực sự nghiêm túc và tâm huyết với đất nước đặt cho mình một câu hỏi: một dân tộc đầy truyền thống tốt đẹp như lâu nay vẫn được ca ngợi, tại sao lại thuộc diện các nước nghèo và lạc hậu của thế giới” [39, tr. 57]. “Việc đề cập đến các mặt hạn chế và tiêu cực trong di sản truyền thống của dân tộc còn ít, việc tìm hiểu nguyên nhân và cơ sở của tất cả những biến đổi về tâm lý, tình cảm và tư tưởng hiện nay lại càng ít hơn. Vậy làm thế nào để ngăn chặn và xóa bỏ những hạn chế và tiêu cực đang diễn ra hiện nay? Đã có lúc chúng ta nghĩ rằng chỉ cần tuyên truyền, giáo dục những đạo đức, truyền thống tốt đẹp, ca ngợi những hành vi tốt đẹp thì mọi người sẽ học theo, noi gương và xã hội sẽ tốt đẹp. Sự thực chúng ta cũng đã làm như vậy. Tất nhiên cũng có những kết quả nhất định. Nhưng, giáo dục đạo đức chỉ là một trong nhiều biện pháp xây dựng con người mới mà xã hội thì không đứng yên một chỗ, cũng không đơn giản và thuần nhất” [39, tr. 57-58].

Do vậy, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa luôn luôn là một yêu cầu cấp bách. Giá trị lý luận của Người về văn hóa là một kho tàng lớn cần phải được hiểu và vận dụng một cách đúng đắn. Chúng ta phải tiếp tục xây dựng thành công một nền văn hóa như theo ý kiến của GS. Đặng Xuân Kỳ: “Nền văn hóa mà nhân dân ta xây dựng và phát triển hiện nay phải là nền văn hóa mà Hồ Chí Minh đã dày công xây nền, đắp móng” [11, tr. 26].

Nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới không đơn giản, vì bản thân văn hóa cũng không phải là yếu tố tĩnh tại. Văn hóa luôn được truyền giao theo con đường giao tiếp xã hội, chứ không phải là di truyền. Bởi vậy giao lưu và tiếp biến văn hóa là phương thức tồn tại của mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, giao lưu và tiếp biến tuyệt nhiên không phải là phép cộng gộp các yếu tố văn hóa bên trong

với bên ngoài để tạo ra một tổng văn hóa mang tính cơ học hay số học. Trái lại, chúng là một quá trình tương tác biện chứng, và luôn dẫn đến kết quả là một “chất văn hóa” mới ra đời - cái chất vốn không có trong các yếu tố văn hóa thành phần [81, tr. 327].

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VII) Về một số nhiệm vụ văn hóa văn nghệ những năm trước mắt có đoạn viết: “Phát triển văn hóa với nước ngoài, tiếp thụ những tinh hoa của nhân loại, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam - ngăn chặn và đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại, bảo vệ nền văn hóa dân tộc” [11, tr. 94].

Thế nhưng, biết cách loại bỏ những yếu tố văn hóa lạc hậu kìm hãm sự phát triển của dân tộc, và biết chấp nhận những giá trị tiến bộ bên ngoài để đưa dân tộc tiến lên - là một phẩm hạnh mà không phải nền văn hóa nào cũng có được. Bởi lẽ, phẩm hạnh này chỉ xuất hiện ở những dân tộc giàu lòng vị tha và dung chấp. Lịch sử đã chứng minh rằng, đã có nhiều nền văn hóa tự khép kín bản thân để rồi dẫn đến diệt vong do không kịp thích nghi với những biến động trong đời sống nhân loại; hoặc đi đến những phản ứng bài ngoại hết sức cực đoan và thiếu nhân tính, gây ra nhiều thảm họa nhân đạo [80, tr. 110]. Vấn đề đặt ra cho người Việt luôn là: nên hấp thụ những yếu tố văn hóa nào, và cải biến chúng ra sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của dân tộc. Nếu biết vận dụng tính dung chấp văn hóa, thì đó sẽ là một lợi thế lớn của dân tộc trong công cuộc hội nhập vào đời sống quốc tế hiện nay [80, tr. 111].

Chúng ta biết ơn Hồ Chí Minh - Nhà thiết kế văn hóa tương lai cho dân tộc Việt Nam, giá trị lý luận của tư tưởng của Người về văn hóa mới vẫn là kim chỉ Nam cho công cuộc phát triển đất nước hiện nay. Nhưng “tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa có còn hiệu nghiệm trong hiện tại và tương lai của dân tộc hay

không, chính là phụ thuộc vào việc chúng ta có hiểu đúng và nhất là thực hiện đúng tư tưởng của Người hay không” [11, tr. 238].

Trách nhiệm này vẫn đang đặt lên vai các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.

KẾT LUẬN

Lịch sử luôn đặt ra những vấn đề có thể giải quyết được và luôn tạo ra những con người để giải quyết nhiệm vụ ấy. Hồ Chí Minh là sự kết tinh dòng lịch sử tư tưởng Việt Nam và cũng chính người trở thành nhà tư tưởng phát triển dòng tư tưởng ấy để tạo thành tư duy Việt Nam hiện đại. Người là người con ưu tú thiên tài của đất nước, đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh thiết kế mô hình văn hóa mới cho toàn thể dân tộc Việt Nam bằng các nhiệm vụ cụ thể như: Vạch ra mục tiêu, tính chất, phương pháp xây dựng văn hóa mới; và áp dụng những phương pháp luận khoa học vào thực tiễn xây dựng các lĩnh vực văn hóa như văn hóa đời sống, văn hóa giáo dục, văn hóa chính trị, văn hóa văn nghệ… Tư tưởng về văn hóa mới của Hồ Chí Minh đã góp phần quyết định vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Tư tưởng của Người vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường cho toàn thể nhân dân Việt Nam hướng tới một xã hội mới dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Như đã nói trong phần lý do chọn đề tài, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nói riêng mặc dù có biết bao nhà khoa học trăn trở, với biết bao tài liệu lịch sử được công bố, vẫn chưa thể kết thúc! Vấn đề này vẫn là một nhiệm vụ cấp bách, to lớn đặt lên vai các nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo. Chúng ta cần tiếp tục giữ gìn, đào sâu, khám phá tài sản tư tưởng vô cùng quý giá này.

Trong khuôn khổ một Luận văn Thạc sĩ, tôi không dám có tham vọng đạt tới sự “hoàn chỉnh” trong nghiên cứu, mà chỉ góp phần bổ sung tài liệu nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hóa thời kỳ 1945-1954, chỉ đóng góp một cách nhìn về tư tưởng văn hóa của Hồ Chí Minh trong những năm

1945-1954.

Hơn nữa, Luận văn này dừng lại chỉ ở những quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa trong khoảng 1945-1954 chứ chưa đề cập tới những luận điểm của Người trong những năm 1954-1969 hoặc trước năm 1954, và thậm chí là những lĩnh vực văn hóa cụ thể như văn hóa chính trị, văn hóa quân sự, hay việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ngày hôm nay... Đó là những hạn chế trong Luận văn, nhưng cũng chính là hướng phát triển cho đề tài sau này của tôi. Chỉ biết rằng nghiên cứu lịch sử là khó, nghiên cứu lịch sử tư tưởng còn khó hơn; nhiệm vụ học tập và nghiên cứu của tôi vẫn còn tiếp tục đang ở phía trước.

NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ

1. Cao Sơn Hoàng - Nguyễn Thanh Tùng (2009), Triết lý văn hóa chính trị trong Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Phát triển nhân lực, (số 13), tr. 16-21.

2. Tạ Thị Thìn - Nguyễn Thanh Tùng (2009), Về định nghĩa văn hóa của Hồ Chí Minh, Tạp chí Phát triển nhân lực, (số 15), tr. 18-22.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Ngọc Anh, Bùi Đình Phong (2009), Hồ Chí Minh văn hóa và phát triển, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Ban tư tưởng văn hóa trung ương (2003), Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

4. Doãn Chính, Nguyễn Anh Quốc (2003), Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Tạp chí Khoa học xã hội, (số 4), tr. 35-41.

5. Cù Huy Chử (2006), Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc về lịch sử văn hóa dân tộc để thực hiện sứ mạng lịch sử của Đảng Cộng sản, Tạp chí Khoa học xã hội, (số 01+02), tr. 8-13.

6. Nguyễn Đăng Dung (2008), Chế ước quyền lực nhà nước, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.

7. Nguyễn Đăng Dung (2009), Nhà nước là những con số cộng giản đơn, Nxb Lao động, Hà Nội.

8. Nguyễn Đăng Dung (2007), Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

9. Thành Duy (2005), Tư tưởng Hồ Chí Minh - những nội dung căn bản, Nxb Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.

10.Đại học Quốc gia Hà Nội – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (1998), Tư tưởng Hồ Chí Minh (Tập bài giảng), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

11.Đại học Quốc gia Hà Nội – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (1998), Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

12.Đảng Cộng sản Việt Nam, Đề cương văn hóa Việt Nam, Văn kiện đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2000, tập 7, tr. 316-322.

13.Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

14.Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Một phần của tài liệu TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA MỚI TRONG THỜI KỲ 1945-1954 (Trang 105 -105 )

×