Tính chất của văn hóa mới

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa mới trong thời kỳ 1945-1954 (Trang 56)

Ngày 7-9-1945, nghĩa là chỉ vài ngày sau khi tuyên bố độc lập, Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn đại biểu Uỷ ban Văn hoá lâm thời Bắc Bộ. Có lẽ đây là cơ hội chính thức đầu tiên sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hồ Chí

Minh đã bộc lộ cái nhìn rất sâu sắc cho mô hình văn hóa Việt Nam mới [11, tr. 123]: “Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hoá nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn hoá mới… Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, đấu tranh cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hoá mới. Cái văn hoá mới này cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hoá của tư tưởng hiện đại” [46, tr. 13].

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ngày 11-2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng” [54, tr. 173].

Và trong tác phẩm Thường thức chính trị viết năm 1953, Chủ tịch hồ Chí Minh có nói: “Xây dựng văn hóa - Phải xây dựng một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng. Phải nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân. Phải đề xướng đạo đức công dân tức là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, bảo vệ của công... Phải chống văn hoá nô lệ của đế quốc và phong kiến. Phải tăng cường công việc vệ sinh, phải phát triển báo chí...” [55, tr. 220].

Như vậy theo quan điểm của Hồ Chí Minh, dân tộc, khoa học và đại chúng

là ba tính chất mà văn hóa mới phải có trong giai đoạn 1945-1954.

Sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp văn hóa của Hồ Chí Minh đều lấy dân tộc làm điểm xuất phát, coi đó là sức mạnh cội nguồn của dân ta. Nền văn hóa có tính chất dân tộc trước hết phải duy trì, bảo vệ, chấn hưng và phát triển bản

sắc văn hóa dân tộc. Đó là nền văn hóa biểu hiện nhân cách Việt Nam, tức là phẩm chất của con người Việt Nam [36, tr. 24].

Đứng đầu trong thang giá trị truyền thống văn hóa dân tộc là chủ nghĩa yêu nước. Đây là một tinh thần hết sức cao quý được cha ông ta hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ngày 11-2-1951, chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” [54, tr. 171].

Người khẳng định: “Tôi đã thường nói: Trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước. Tuy có một số đồng bào lầm lạc, qua một thời gian, những người ấy dần dần giác ngộ và quay về với Tổ quốc” [53, tr. 422].

Bên cạnh chủ nghĩa yêu nước, yếu tố không kém phần quan trọng quyết định nên chiến thắng cho dân tộc mỗi khi đứng trước các nhiệm vụ lớn là lòng nhân ái, tinh thần khoan dung giữa người với người. Trong bài Tết trê báo Cứu quốc số 147 ngày 21-1-1946, Hồ Chí Minh viết: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái” [52, tr. 160].

Đối với những người Việt Nam dù mang lý do gì mà buộc phải cầm súng ở chiến tuyến bên kia, Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở mọi người phải nhớ đến tinh thần nhân văn của truyền thống văn hóa dân tộc:

“Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế

này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang” [52, tr. 246-247].

Năm 1951, trong Lời kêu gọi Ngụy binh quay về với Tổ quốc, Người lại nhắc:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng” [54, tr. 333].

Chính nhờ truyền thống bao dung vô cùng tốt đẹp ấy, nhân dân Việt Nam dễ dàng đoàn kết thành một khối thống nhất sâu rộng, để cùng nhau thực hiện mục tiêu chung: Hòa bình, Độc lập, Thống nhất nước nhà. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng “kỳ lạ” trong lịch sử nhân loại. Nhờ sự đoàn kết thống nhất mà thành công của cách mạng không phải trả bằng máu và nước mắt: “Có một điều chúng ta đáng mừng là cách mạng Việt Nam đã có một ưu điểm so với cách mạng các nước Nga, Tàu, Pháp. Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi” [52, tr. 43-44].

Là nhà lãnh đạo cách mạng dân tộc tối cao, Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong việc nêu gương giữ gìn tính dân tộc trong văn hóa. Người hiểu rõ đối với

phương Đông, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” [49, tr. 263].

Phạm Văn Đồng nhớ lại thời điểm Hồ Chí Minh trở về Cao Bằng: “Ba mươi năm bôn tẩu bốn phương trời, Người vẫn giữ thuần túy phong độ, ngôn ngữ, tính tình của một người Việt Nam. Ngôn ngữ của Người phong phú, ý vị như ngôn ngữ của người dân quê Việt Nam” [36, tr. 223].

Phạm Văn Đồng nhận xét: “Người khéo dùng tục ngữ hay nói ví, thường có lối châm biếm kín đáo và thú vị. Làm thơ, Người thường thích lối ca dao, vì ca dao là Việt Nam, cũng như núi Trường Sơn, hồ Hoàn Kiếm hay Đồng Tháp Mười vậy… Ngay khi về nước, gặp Tết, Người không quên mừng tuổi đồng bào hàng xóm và quà bánh cho trẻ em, tuy chỉ có mấy đồng xu, nhưng cũng bọc giấy hồng đơm cẩn thận, tươm tất. Bình sinh như thế, đứng địa vị Chủ tịch Chính phủ kháng chiến kêu gọi quốc dân, Người dùng những lời nói thống thiết đi sâu vào tâm hồn Việt Nam: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”” [36, tr. 233].

Người khéo dùng thơ, ca, lối nói, ngôn ngữ của quần chúng trong nhiều bài viết, kể cả những văn kiện chính trị quan trọng. Tài liệu Kính cáo đồng bào thời kỳ Nguyễn Ái Quốc ở Cao Bằng là một ví dụ điển hình. Bức thư ấy được viết bằng hai thứ chữ Việt và Nôm. Theo Hoàng Quốc Việt: “Bức thư ấy, phần chữ Nôm, Bác viết đẹp lắm… Nghĩ cũng lạ, bao nhiêu năm Bác sống ở nước ngoài, đi khắp nơi, công tác rất bận, vậy mà Bác vẫn còn nhớ chữ Nôm của các cụ ta. Lại rất sát tâm lý đồng bào nông thôn. Đồng bào nông thôn ta đọc được thư Bác viết bằng chữ Nôm như thế, nhất là các cụ phụ lão, gật gù thích lắm, càng thêm tin tưởng” [36, tr. 231].

Điều đặc sắc trong ngôn ngữ của Hồ Chủ tịch là, mặc dù Người giữ địa vị lớn nhất của đất nước, là nhà lý luận cách mạng vĩ đại nhất của nhân dân trong thời đại mới. Nhưng mọi lời nói, mọi câu văn của Người mang sắc thái bình dị dễ hiểu, dễ nhớ đối với bất kỳ tầng lớp người nào trong xã hội. Đó là “con đỉa” (“chủ nghĩa đế quốc là một con đỉa có hai cái vòi”) - một con vật rất gần gũi với đất nước hơn 90% là nông dân, đó là “công bộc” (“Chính phủ là công bộc của dân”) - một hình ảnh rất dễ hiểu khi biết rằng nước ta vừa thoát thai khỏi chế độ quân chủ…

Trong bài Chính phủ là công bộc của dân trên báo Cứu quốc ngày 19-9- 1945, Người ví: “Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy” [52, tr. 22].

Trong lần nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa ngày 20-2-1947 Người còn nói: “Chính phủ Cộng hoà Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc cho đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ” [53, tr. 60].

Xây dựng nền văn hóa mới có tính chất dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc theo cách diễn đạt hôm nay. Đó là nền văn hóa do con người tạo ra và vì con người. Cần phải xây dựng con người mới, với những quan hệ xã hội tốt đẹp giữa người với người [36, tr. 25]. “Đó là nền văn hóa gắn với dân tộc, có gốc rễ từ dân tộc, mang tâm hồn dân tộc và là diện mạo của dân tộc” [2, tr. 115]. Người khẳng định: “Gốc của văn hóa mới là dân tộc” [36, tr. 178].

Tính dân tộc được đặt lên hàng đầu trong 3 phạm trù “dân tộc - khoa học - đại chúng” của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam có ý nghĩa rộng lớn và sâu xa [36, tr. 26]. Việc coi trọng tính dân tộc trước thời

đại lịch sử mới hoàn toàn không đi ngược tinh thần cộng sản chân chính, mà trái lại, đó chính là phương pháp luận đúng đắn và nhân văn của nhà lãnh đạo kiệt xuất Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ: “Những người cộng sản rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn nguồn cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông” [36, tr. 25-26].

Khoa học là tính chất thứ hai cho nền văn hóa mới. Có thể còn có những cách hiểu khác nhau về tính chất này trong luận điểm của Hồ Chí Minh. Nhưng muốn hiểu đúng, phải xuất phát từ thực tế lịch sử của dân tộc, bối cảnh thời đại và từ chính cuộc đời hoạt động văn hóa phong phú của Hồ Chí Minh. Từ khoa học ở đây bao gồm cả ý nghĩa tiên tiến thực thụ của chủ nghĩa xã hội, lẫn ý nghĩa hiện đại, từ tư duy, lý luận khoa học, đội ngũ trí thức tiêu biểu cho một nền công nghiệp, khoa học, nghệ thuật hiện đại, đội ngũ công nhân… đến văn hóa đỉnh cao. Khoa học còn là sự tiếp thu tinh hoa, trí tuệ của thời đại và đỉnh cao của văn hóa nhân loại. Như vậy, xây dựng một nền văn hóa mới mang đặc trưng khoa học, trước hết phải khắc phục tính phi khoa học của một nền văn hóa lấy tư duy kinh nghiệm làm ưu trội, cũng như của nền văn hóa thực dân hóa. Cùng với quá trình đó, chúng ta “mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới”[36, tr. 26-27].

Nền văn hóa mới lấy tính dân tộc làm nền tảng, làm gốc, vẫn chưa đủ. Bởi văn hóa nước ta cũng chỉ là một phần trong biển cả văn hóa nhân loại mênh mông tồn tại hàng nghìn năm. Tính khoa học trong văn hóa mới còn là sự khắc phục, thậm chí loại bỏ những yếu tố lạc hậu từ văn hóa cũ và bổ sung vào đó khía cạnh văn hóa tiên tiến của nhân loại. Hồ Chí Minh cho rằng “Văn hóa các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình” [26, tr. 37]. Và Người yêu cầu “phải mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới” [36, tr. 192], “có thế bắt chước những cái hay của bất kỳ nước nào ở Âu Mỹ” [36, tr. 26-27].

Tính khoa học trong văn hóa mới cũng chính là yêu cầu khoan dung đối với văn hóa. Đó là sự học tập bình đẳng lẫn nhau mà không hề có nền văn hóa nào cao hơn nền văn hóa nào. Tính dân tộc càng sâu sắc, hoàn hảo bao nhiêu, thì càng có cơ hội tiếp nhận văn hóa nhân loại bấy nhiêu [36, tr. 28]: “Văn hóa thế giới sẽ phải chú ý đến văn hóa của mình, và văn hóa của mình sẽ chiếm được một địa vị ngang với các nền văn hóa thế giới” [36, tr. 192]. Với quan điểm hoạt động như vậy, thật dễ hiểu khi đọc những dòng sau đây từ một tờ báo Mỹ: “Cụ Hồ Chí Minh là một người yêu mến văn hóa Pháp trong khi chống thực dân Pháp, một con người biết coi trọng những truyền thống cách mạng Mỹ khi Mỹ phá hoại đất nước của cụ” [36, tr. 192].

Tính dân tộc, tính khoa học trong văn hóa phải hướng tới một tính chất thứ ba. Đó là tính đại chúng.

Nền văn hóa truyền thống của người Việt xây dựng trong khuôn khổ của phương thức sản xuất phong kiến. Phương thức đó quy định một cấu trúc xã hội mà người nông dân lao động bị coi là những tầng lớp nghèo khổ thiếu văn hóa. Xây dựng nền văn hóa mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi coi toàn thể nhân dân là ngọn nguồn của mọi giá trị văn hóa, Người đã huy động đông đảo nhân dân tham gia các hoạt động xã hội hóa văn hóa, tạo cho văn hóa một động lực, một diện mạo hoàn toàn mới, khác hẳn với số phận người lao động trong chế độ phong kiến, tư sản [11, tr. 106].

Tính đại chúng nghĩa là một nền văn hóa vì nhân dân lao động. Nhân dân là chủ thể và là đối tượng phục vụ của văn hóa. Quần chúng nhân dân phải được

hưởng thụ các giá trị văn hóa vì họ là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng các sáng tác, là người sáng tạo và và cũng là người kiểm nghiệm văn hóa [36, tr. 28]. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng hỏi: “Thưa Bác, cháu muốn sáng tác những bài hành khúc mang đậm phong cách dân tộc, vậy nên làm thế nào?”. Và nhận được câu trả lời: “Chú cứ sáng tác đi, rồi đưa ra quần chúng xem quần chúng có thích không, có hát không” [2, tr. 229].

Loại hình văn hóa, nghệ thuật nào cũng phải từ nhân dân mà ra, và đặc biệt, trong bối cảnh kháng chiến càng cần phải nhằm tới việc phục vụ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Với vai trò là nhà lãnh đạo đất nước, Hồ Chí Minh hiểu rằng cần phải “xây dựng văn hoá nhân dân” [54, tr. 162]. Người nói: “Tôi thiết tha mong muốn cho nền văn hóa mới nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở” [36, tr. 29].

Do đó, các tính chất của nền văn hóa mới xét đến cùng phải phản ảnh đúng tồn tại xã hội và phù hợp với các mục tiêu mà Hồ Chí Minh cùng với các nhà lãnh đạo đất nước đã vạch ra cho văn hóa. “Dân tộc, khoa học, đại chúng - đó là ba đặc trưng luôn quan hệ, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau, tồn tại trong một thể thống nhất của nền văn hóa Việt Nam, phản ánh tinh thần nhân văn đậm nét: nền văn hóa mới Việt Nam do nhân dân, gắn liền với nhân dân, tất cả vì nhân dân” [36, tr. 29-30].

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa mới trong thời kỳ 1945-1954 (Trang 56)