Mục tiêu của văn hóa mới

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa mới trong thời kỳ 1945-1954 (Trang 49)

Nền văn hóa cũ của dân tộc Việt Nam là nền văn hóa được chắt lọc, kết tinh qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước. Đó là những giá trị làm người cơ bản, độc đáo, đặc sắc được lưu giữ và truyền thừa qua nhiều thế hệ. Khi người Pháp đặt chân đến đây đã phải thốt lên: “Yêu mến quê hương, quyến luyến gia đình, tôn kính tổ tiên, yêu chuộng công lý, tôn trọng chính nghĩa, ham thích khoa học, coi trọng lời nói thánh hiền, thương yêu nòi giống, tôn kính lẽ phải; ghét xa hoa, không hám tiền tài, khinh ghét vũ lực, không sợ gian khổ, hy sinh; đó là những đức tính răn dạy trong sách thánh hiền, lưu lại trong cổ phong và ghi thành luật pháp; hiện nay đó cũng là những đặc điểm về bản tính của người An Nam hình thành từ bao thế hệ, những thế hệ luôn luôn cố gắng thực hiện đạo đức ấy một cách thành kính; người An Nam bình thường mà người ta gặp bất cứ ở đâu cũng đều như vậy cả... Trong đám người bình dân, người ta cũng thấy những thuần

phong mỹ tục ấy, cả ở những người mà xưa nay chúng ta thường quen gọi là bọn côn đồ, quân ăn cướp” [49, tr. 425-429].

Tuy nhiên, do xây dựng trên cơ sở nền văn minh nông nghiệp [15, tr. 303], chịu sự chi phối gay gắt của tồn tại xã hội cũng như tư duy quản lý quân chủ chuyên chế lâu dài, nên nền văn hóa cũ đó còn mang nhiều thiếu hụt, hạn chế. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tới công cuộc kháng chiến và kiến quốc đang đặt ra trước mắt các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ cấp bách đầu tiên phải làm là thiết lập một nền văn hóa mới mang những mục tiêu của thời đại.

Chỉ vài ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trong buổi nói chuyện với đoàn đại biểu Uỷ ban Văn hoá lâm thời Bắc Bộ 7-9-1945, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hoá nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn hoá mới… Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, đấu tranh cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hoá mới” [46, tr. 13]. Nền văn hóa mới, con người Việt Nam mới vừa là sản phẩm của chế độ mới, vừa là động lực để kiến tạo và bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân [60, tr. 311]. Những mục tiêu mà văn hóa cần đạt tới chính là các nhiệm vụ mà văn hóa phải đảm nhiệm, chính là chức năng của văn hóa trong thời đại mới và cũng chính là sứ mệnh đặt lên vai Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Về mục tiêu đầu tiên của văn hóa, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ngày 11-2-1951, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc” [54, tr. 173].

Các nhà “khai hóa văn minh” người Pháp đã rất tích cực trong việc biến một đất nước có chủ quyền thành một xứ thuộc địa lệ thuộc vào mẫu quốc, đã rất tích cực trong việc nhồi sọ, “đầu độc” một dân tộc đã có hàng nghìn năm văn hiến. Trường học mà họ lập ra là “để nhồi sọ thanh niên ta, biến họ thành những người nô lệ dễ sai khiến” [55, tr. 206].

Ngay sau ngày 2-9-1954, trong Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh nói : “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hoá dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác” [52, tr. 8].

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, những thói hư tật xấu mà người Việt Nam có lúc bấy giờ, phần nhiều là hậu quả của chế độ thực dân và phong kiến:

“Vì đã lâu, chúng ta sinh trưởng dưới chế độ nô lệ của thực dân và phong kiến, bị văn hóa giáo dục thực dân phong kiến thấm vào đã sâu. Nó đã làm cho nhiều người tê mê quên cả nhân dân, quên cả Tổ quốc. Nó đã làm cho những bệnh thối nát hủ bại (như chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi, tham ô lãng phí...) ăn sâu vào con người như những bệnh kinh niên” [55, tr. 83-84].

Ảnh hưởng không tốt từ nền văn hóa cũ cũng tồn tại ở cả tầng lớp trí thức: “Còn đối với trí thức thì tuy rằng thực dân và phong kiến cũng trực tiếp bóc lột về vật chất, song chúng dành một tý ti cái chúng đã bóc lột được để mua chuộc trí thức. Nhưng chúng áp bức bóc lột trí thức tàn tệ về mặt tinh thần. Chúng đã làm cho trí thức xa rời thực tế, xa rời nhân dân. Chúng đã làm cho một số trí thức mơ màng đến nỗi quên nước mình bị nô lệ, quên tự mình là nô lệ, không phân biệt ai là bạn, ai là thù, không phân biệt được thế nào là sai, là đúng.

Đó là một thủ đoạn vô cùng thâm độc của thực dân và phong kiến” [55, tr. 145- 146].

Hồ Chí Minh chỉ rõ:

“Trí thức ta có khuyết điểm nhiều chứ không phải là ít mà khuyết điểm cũng là do nền giáo dục nhồi sọ, chia rẽ, nô lệ của đế quốc phong kiến làm cho anh chị em trí thức có khuyết điểm ấy.

Khuyết điểm ấy là gì?

Cá nhân chủ nghĩa: cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc, cái mình lớn hơn là phải hoà vào với dân tộc.

Do khuyết điểm này nên sinh ra khuyết điểm khác. Khuyết điểm khác là gì?

Tính không kiên quyết: làm việc gì cũng thiếu kiên quyết. Lúc vui, hứng lên thì làm. Nếu gặp trở ngại hay thất bại là thụt lùi. Vì không kiên quyết nên dễ lung lay.

Thái độ chờ đợi bàng quan: một thái độ gọi là ngoài giai cấp. Tức là cho mình là trí thức thì không đứng ở phe nào. Cho rằng phe nào cũng có cái hay cái dở. Cách mạng cũng có cái hay, đế quốc cũng có cái hay. Công nhân thì mộc mạc nhưng thô tục, đế quốc có cái “lịch sự, văn minh”.

Một người đứng trong xã hội không thể ngoài giai cấp, “siêu giai cấp” được.

Đứng ngoài tức là bị kẹp, như: - Cây mía giữa máy ép.

- Ngồi giữa hai ghế thì nhất định sẽ ngã.

Chỉ có thể đứng về một phe thôi. Đứng chỗ nào là phải đứng cho vững, đứng chông chênh trong khi xã hội có giai cấp đương biến chuyển mạnh là bị đè

bẹp, sẽ bị rời ra mất.

Tính bảo thủ: tức là không có sáng kiến. Trước thế nào là sau cứ làm thế. Không có chịu nghĩ ra cái mới. Nghĩ đến cái mới là ngại, không muốn tiến bộ.

Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả.

Óc làm thuê: đầu óc: “ăn cơm chúa múa tối ngày”. Không có đầu óc: cho mình cũng là một người quốc dân thì lợi ích của quốc dân mình phải chịu một phần, phải gánh một phần. Nước nhà có tiến bộ phải gánh vác một phần, phải đưa dân tộc nước nhà tiến bộ lên.

Thái độ như trên là thái độ làm sao để không ai chê trách mình là được, là không thấy mình cũng là một bộ phận của người chủ của nước nhà.

Cũng từ gốc cá nhân chủ nghĩa nên có:

Địa vị: không căn cứ vào công việc của mình, vào năng lực của mình mà cứ so sánh anh này là trưởng phòng, chủ nhiệm, anh kia là phó phòng, phó chủ nhiệm.

Nói tóm lại:

Những bệnh trên đây là bệnh chung của giai cấp tiểu tư sản và anh chị em trí thức bị văn hóa nhồi sọ của thực dân để lại” [55, tr. 34-35].

Với học thuyết Đôminô (domino theory), Hoa Kỳ tự cho rằng mình phải có trách nhiệm với “làn sóng cộng sản ở Đông Dương”. Để rồi vũ khí và cùng với nó là văn hóa Hoa Kỳ bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Giai đoạn cuối trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta lại vừa phải đối đầu với vũ khí Hoa Kỳ, lại vừa phải chống lại ảnh hưởng từ “văn hóa Mỹ”. Ngay từ những năm 1950, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra tác động tiêu cực của thứ văn hóa này. Khi trả lời các nhà báo về vấn đề đế quốc Mỹ can thiệp vào Đông Dương trên báo Cứu quốc

ngày 25-7-1950, Hồ Chí Minh nói: “Đế quốc Mỹ đưa súng đạn cho lũ tay sai của chúng tàn sát nhân dân Đông Dương. Đưa hàng hoá đến để ngăn trở không cho tiểu công nghệ và công nghệ của người Đông Dương phát triển. Đưa văn hoá trụy lạc để đầu độc thanh niên ở những vùng tạm bị chiếm” [54, tr. 73].

Bên cạnh hình thức xâm lược vũ trang truyền thống, lúc đó chúng ta phải đối đầu với một loại hình xâm lược mới, đó là xâm lược văn hóa: “Hiện nay, tại những vùng tạm bị chiếm ở nước ta, Mỹ đang ra sức xâm lược văn hoá để hủ hoá và gieo rắc bệnh phục Mỹ, thân Mỹ, sợ Mỹ vào nhân dân, nhất là vào thanh niên ở những vùng ấy. Đó là một điều mà cán bộ giáo dục và tuyên truyền ta phải đặc biệt chú ý và phải ra sức chống lại” [54, tr. 531].

Về thực chất của văn hóa Mỹ, chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

“Ngày nay, văn hoá Mỹ rất suy đồi, nhiều nhà văn hoá Mỹ rất truỵ lạc” [54, tr. 326].

“Có anh em hỏi về văn hoá Mỹ. Có mấy bài của người Mỹ và người Anh nói về văn hoá Mỹ đăng báo “Pour une Paix durable et pour une Démocratie populaire” (Vì một nền Hoà bình lâu dài và vì một nền Dân chủ nhân dân), nên đưa cho anh em xem. Một cô giáo Mỹ nói: “trong 2.000 quyển sách của Mỹ có độ 200 quyển tương đối trong sạch, còn toàn là dâm đãng, trộm cướp, khiến người xem khó chịu”. Một người Anh nói: “Hai quyển sách ở Mỹ bán chạy nhất, nếu đọc qua xem nội dung nói gì, thì ta thất kinh”. Không phải như thế nói Mỹ không có văn hóa đâu. Mấy trăm người văn hóa Mỹ chân chính bị thải hết, sách viết không cho in, công việc không cho làm” [55, tr. 112].

Do vậy, mục tiêu đầu tiên trong lĩnh vực văn hóa là “chúng ta phải kiên quyết tẩy chay những thứ đó” (tức ảnh hưởng xấu từ của văn hóa nô dịch và văn hóa đế quốc) [54, tr. 326], “phải chống văn hoá nô lệ của đế quốc và phong

kiến” [55, tr. 220].

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận xét: “Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng” [58, tr. 558], “người ta ai cũng có khuyết điểm” [54, tr. 322]. Ngoài các ảnh hưởng không tốt văn hóa cũ - di sản từ hàng nghìn năm quân chủ chuyên chế và nhiều năm áp bức nhồi sọ do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tiến hành, trong bản thân mỗi con người cũng có những thói hư tật xấu được hình thành do bản năng và thói quen sinh hoạt. Văn hóa mới phải tẩy trừ, phải “chỉnh huấn” mọi thói hư tật xấu trong mỗi người, đó là mục tiêu thứ hai đặt ra cho văn hóa. Hồ Chí Minh nói: “Vì sao phải chỉnh huấn? Vì mỗi người hoặc nhiều hoặc ít, có ưu điểm nhưng cũng có khuyết điểm. Vì có khuyết điểm nên phải chỉnh huấn để sửa chữa, cũng như người ốm phải chữa bệnh” [55, tr. 126]. Việc chỉnh huấn này không chừa một ai, bởi “Người có ít khuyết điểm cũng cần sửa chữa, nếu không thì hoá nhiều” [55, tr. 126].

Chúng ta tiến hành thiết lập xã hội mới trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đặc biệt là từ xuất phát điểm rất thấp cả về kinh tế, văn hóa, xã hội. Do vậy, công cuộc xây dựng một nền văn hóa mới phải có hai nhiệm vụ gắn bó chặt chẽ với nhau là tẩy trừ mọi tàn dư không tốt của văn hóa cũ và xây dựng một nền văn hóa tiên tiến cho tương lai. Đó là mục đích tối cao của văn hóa. Cụ thể hơn, chúng ta có thể hiểu rằng, nền văn hóa mới có sứ mệnh cải tạo con người Việt Nam cũ, xây dựng con người Việt Nam mới. Trong đó, xây dựng con người Việt Nam mới chính là mục tiêu thứ ba cho văn hóa. Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập” [52, tr. 8]. “Nền văn hoá mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở

… Văn hoá mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập” [46, tr. 342].

Hội nghị văn hóa Việt Nam lần thứ hai (1948) khẳng định mọi hoạt động của văn hóa, văn nghệ phải nhằm vào mục tiêu “tất cả để chiến thắng” [60, tr. 311]. Văn hóa phải tham gia vào công cuộc hoạch định kế hoạch kháng chiến, hoạch định kế hoạch tái thiết đất nước sau chiến tranh. Văn hóa phải góp phần hình thành một tầm nhìn lâu dài cho dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao vị trí, tác động của văn hoá đến toàn bộ sinh hoạt của xã hội với ý tưởng có tính chất chủ đạo về chiến lược khi Người nói: “Số phận dân ta ở trong tay ta, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” [10, tr. 23]. Do đó, ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ở bậc đại học đã khai giảng các trường Y khoa, Dược khoa, Cao đẳng Kỹ thuật, Cao đẳng Canh nông, Cao đẳng Công chính, Thú y, Văn khoa [60, tr. 325]; ở bậc trung học chuyên nghiệp có trường Trung học Giao thông (1948), trường Trung học Sư phạm (1950) [20, tr. 66]. Đây là các cơ sở đào tạo con người mới phục vụ ngay cho kháng chiến - kiến quốc, thể hiện tầm nhìn hết sức thực tế và đầy hiệu quả trong các quyết định của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việc vạch ra các mục tiêu, hay thực chất là các chức năng mà văn hóa phải đảm nhiệm trên, là chỉ đạo hết sức quan trọng quyết định tới các tính chất mà nền văn hóa mới cần phải có, cũng như những biện pháp xây dựng nền văn hóa mới này.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa mới trong thời kỳ 1945-1954 (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)