Quan hệ của văn hoá với kinh tế, chính trị, xã hội

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa mới trong thời kỳ 1945-1954 (Trang 42)

Văn hóa được Hồ Chí Minh xác định là đời sống tinh thần của xã hội (“Vì vậy, ngoài sinh hoạt vật chất, người ta còn do sinh hoạt chính trị, văn hóa (dính dáng khăng khít với sinh hoạt vật chất) mà hiểu biết các thứ quan hệ giữa người với người” [54, tr. 248]), là thuộc về kiến trúc thượng tầng [25, tr. 410]. Do đó mối quan hệ giữa văn hóa - chính trị - kinh tế được người chỉ ra như sau:

Thứ nhất, văn hóa có tầm quan trọng ngang kinh tế, chính trị, xã hội.

Trong bài Toàn dân kháng chiến trên báo Cứu quốc ngày 5-11-1945, Hồ Chí Minh viết: “Muốn kháng chiến lâu dài để tới thắng lợi cuối cùng, cần phải động viên hết thảy mọi lực lượng mới mong đi tới thắng lợi cuối cùng. Cậu bé chăm chỉ học hành trong nhà trường cũng là kháng chiến. Anh dân cày cày cuốc ngoài đồng ruộng, anh thợ cặm cụi trong nhà máy, chị bán hàng buôn bán ngược xuôi, ông già xách giỏ đi câu cũng là kháng chiến. Các công chức, các nhà văn, nhà báo mải miết trước bàn giấy, cạnh tủ sách cũng là kháng chiến. Các y sinh, khán hộ lăn lộn bên giường bệnh cũng là kháng chiến. Các nhà giàu có đem hết tài lực mở mang xưởng thợ, khai thác ruộng đất cũng là kháng chiến. Đó là toàn dân kháng chiến. Nói tóm lại, muốn thực hiện toàn dân kháng chiến, ngoài việc động viên quân sự, chính trị, ngoại giao, còn phải động viên cả tinh thần lẫn kinh tế” [52, tr. 84-85].

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lúc đó không những là cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân mà còn là toàn diện trên tất cả các mặt:

kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa… (“Giặc Pháp đánh ta bằng bốn mặt trận: quân sự, chính trị, văn hoá, kinh tế” [53, tr. 686] ( Bài Việt Bắc quyết thắng năm 1949)). Loại hình chiến tranh mà kẻ địch tiến hành là rất đa dạng, do vậy, cuộc kháng chiến mà chúng ta thực hiện cũng phải đa dạng. Lời hiệu triệu của chủ tịch Hồ Chí Minh in trên báo Sự thật ngày 27-2-1946 viết: “Hỡi toàn quốc đồng bào, chúng ta phải hiểu rằng: có nhiều thứ chiến tranh: chiến tranh bằng sức người, chiến tranh bằng võ khí, chiến tranh bằng chính trị, chiến tranh bằng tinh thần, v.v...” [52, tr.187]

Và đến ngày 11-10-1946, trong bài Chiến tranh tư tưởng trên báo Cứu quốc, Hồ Chí Minh chỉ rõ hơn: “Chiến tranh ngày nay không riêng gì về mặt quân sự, mà cả về chính trị, kinh tế, văn hoá nữa. Chiến tranh về mặt văn hoá hay tư tưởng so với những mặt khác cũng không kém quan trọng” [52, tr. 319].

Rõ ràng, trong bối cảnh 1945-1954, văn hóa đã trở thành một mặt trận, mà tầm quan trọng của nó khó có thể coi nhẹ so với mặt trận quân sự, chính trị hay kinh tế được. Ai là người tiến hành cuộc kháng chiến này? Đó là tất cả những người Việt Nam “có lòng phụng sự tổ quốc và nhân dân”, đó là tất cả những ai là “con Lạc cháu Hồng”. Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hoá” [53, tr. 444] (Bài Phương pháp chiến đấu và hành quân trên các địa hình trên báo Cứu quốc ngày 15-11-1946)

Người lính chiến cầm súng trên mặt trận quân sự, người lính văn hóa góp phần mình trên mặt trận tinh thần đều có vai trò như nhau, đều góp phần quyết định vào thắng lợi chung cho cuộc kháng chiến thần thánh trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam bộ ngày 25 - 5 -

1947, Hồ Chí Minh khẳng định: “Cùng đồng bào văn hoá và trí thức Nam Bộ,

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn sự ủng hộ của các bạn. Chính phủ cùng toàn thể đồng bào Việt Nam kiên quyết chiến đấu, tranh quyền thống nhất và độc lập cho nước nhà để cho văn hoá cũng như chính trị và kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do. Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hoá và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc” [53, tr. 444]

Và trong Thư gửi các hoạ sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ năm 1951, Hồ Chí Minh lại nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” [54, tr. 368].

Vì vậy, vấn đề “xây đắp một nền văn hoá kháng chiến kiến quốc của toàn dân” [53, tr. 464] là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Thứ hai, văn hóa chịu sự chi phối từ kinh tế và chính trị.

Cần phải hiểu rằng, trong số các thành tố của kiến trúc thượng tầng, chính trị mặc dù chỉ ra đời khi có giai cấp nhưng nó lại có khả năng chi phối các yếu tố khác, kể cả văn hóa. Dưới chế độ xã hội cũ, do nhân dân và nền văn hóa đều bị kìm hãm trong vòng nô lệ nên không có điều kiện để phát triển. Mà chính trị là yếu tố chi phối nhiều đến các yếu tố khác trong kiến trúc thượng tầng. Khi bản thân chính trị bị kìm hãm thì các bộ phận khác cũng khó có thể phát triển. Hồ Chí Minh nhận định: “Văn hóa với chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau… Xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế không nảy sinh được” [26, tr. 48].

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta từng bước lật đổ chế độ xã hội cũ, xây dựng chế độ chính trị mới tự do, dân chủ tạo điều kiện thúc đẩy văn hóa

phát triển hết nội lực của nó. Chính trị, xã hội có được giải phóng thì các thành tố văn hóa mới được giải phóng. Đây là một quy luật khách quan. Hồ Chí Minh trong Thư gửi hội Phật tử Việt Nam ngày 30-8-1947 chỉ rõ: “Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ Cộng hoà, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện” [53, tr. 197].

Văn hóa là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, do vậy nó cũng chỉ là sự phản ánh của tồn tại xã hội, của cơ sở hạ tầng xã hội. Vì thế, là một trong những sản phẩm tinh thần của con người, văn hóa cũng chịu sự chi phối của kinh tế, “nằm trong kinh tế”. Chính trị hoặc văn hóa bản thân chúng muốn có điều kiện phát triển, xét đến cùng vẫn phải phụ thuộc vào trình độ phát triển của kinh tế. Chính sự phát triển của kinh tế - nguyên nhân vật chất sâu xa này đã tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của văn hóa.

Về mặt phương pháp luận, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng, những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được” [26, tr. 27-28].

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta sau khi thực dân Pháp quay lại “hòng cướp nước ta một lần nữa” là một cuộc kháng chiến “kép”. Chúng ta phải thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ vừa kháng chiến, lại vừa kiến quốc. Để đảm bảo thắng lợi, kinh tế là lĩnh vực then chốt, quyết định, đảm bảo cho các mục tiêu cách mạng khác như chính trị, văn hóa, xã hội… Hồ Chí Minh khẳng định:

“Chúng ta kháng chiến về mọi mặt. Kinh tế là một mặt trận rất quan trọng. Chúng ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Kinh tế lại là một ngành hoạt động tối quan trọng. Bây giờ chúng ta phải có một nền kinh tế kháng chiến. Nền kinh tế đó làm cơ sở cho nền kinh tế kiến quốc” [53, tr. 455].

Xét về khía cạnh tâm lý, vấn đề mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa này tưởng chừng như rất đơn giản. Hồ Chí Minh có nói: “Về văn hóa, “có thực mới vực được đạo”, kinh nghiệm các nước bạn cho chúng ta thấy rằng: khi nông dân đó có ruộng cày, đó đủ cơm ăn, áo mặc thì văn hóa nhân dân phát triển rất nhanh”. Hay nói ngắn gọn: “Vì nông dân “bụng no thì lo học”” [55, tr. 44]

Do đó, cần phải xây dựng kinh tế để tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hóa. Và “Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” [54, tr. 368-369].

Thứ ba, mối quan hệ giữa kinh tế, chính trị, văn hóa là mối quan hệ biện

chứng, không chỉ có sự tác động một chiều từ kinh tế, chính trị tới văn hóa, mà còn có sự tác động ngược trở lại từ văn hóa tới kinh tế và chính trị. Trong bối cảnh 1945-1954 nói riêng, thực chất đó là tính nhân văn của cuộc kháng chiến, và tính nhân đạo của một chế độ xã hội mới của dân - do dân - vì dân.

Về tính nhân đạo của một chế độ xã hội mới, trong Bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10-1-1946, Hồ Chí Minh tuyên bố:

“Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.

Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn.

2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành.

Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập” [52, tr. 152].

Lời tuyên bố về mối quan hệ chặt chẽ giữa độc lập, tự do, hạnh phúc này được Hồ Chí Minh nhắc tới không chỉ một lần. Trước đó, trong Thư gửi Ủy ban Nhân dân các Kỳ, Tỉnh, Huyện và Làng trên báo Cứu quốc số 69 ngày 17-10- 1945, Người khẳng định:

“Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” [52, tr. 56]. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Như vậy, cần phải xây dựng một chế độ mới, một xã hội mới mà người dân, ai ai cũng đều cảm thấy được ấm no, tự do và hạnh phúc. Đó là nguyện vọng của người dân, và cũng là khát vọng của Hồ Chí Minh trên cương vị lãnh đạo đất nước cao nhất.

Loài người đã phải chứng kiến quá nhiều cuộc chiến tranh với nhiều loại hình, tính chất và mục đích khác nhau. Chúng ta sẵn sàng bước vào cuộc chiến tranh 1946-1954 và chúng ta tin chắc vào chiến thắng trong tương lai, bởi cuộc chiến này là sự kết tinh hàng nghìn năm hào hùng dựng nước, giữ nước từ cha ông. Trong Lời cảm ơn đồng bào trên báo Cứu quốc ngày 1-6-1948, Hồ Chí Minh viết: “Dân tộc ta rất trẻ trung, nước nhà ta rất trẻ trung và chúng ta đều trẻ trung. Chúng ta trẻ trung mà chúng ta phải đảm đang hai nhiệm vụ rất vẻ vang, rất to lớn: phá tan những xiềng xích cũ, và xây dựng những tương lai mới. Chúng ta trẻ trung nhưng chúng ta là những người thừa tự cái truyền thống oanh liệt, quật cường và một cơ đồ gấm vóc của mấy ngàn năm tổ tiên ta để lại. Chúng ta trẻ trung nhưng chúng ta giàu về kinh nghiệm, kinh nghiệm đau xót có, kinh nghiệm vẻ vang có. Do đó mà chúng ta đã có một lực lượng cực kỳ to lớn,

vững chắc, lực lượng đại đoàn kết của toàn dân. Nhờ truyền thống và lực lượng ấy, thêm vào cái chí khí trẻ trung của chúng ta, chúng ta đã vượt qua nhiều bước gian nan và tranh được nhiều thắng lợi: chúng ta đã đánh tan giặc đói, chúng ta đã đánh tan giặc dốt, chúng ta sẽ đánh tan giặc ngoại xâm” [53, tr. 436-437]. Gần một tháng sau, trong Lời kêu gọi trong dịp 1000 ngày kháng chiến trên báo Cứu quốc ngày 22-6-1948, Hồ Chí Minh viết: “Cuộc kháng chiến của ta đã tập trung tất cả cái tinh thần quật cường yêu nước của giống nòi Hồng Lạc lưu truyền từ mấy ngàn năm. Nó tập trung những kinh nghiệm chiến đấu của các vị dân tộc anh hùng Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Nguyễn Quang Trung để lại” [53, tr. 440].

Ngay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc Namara sau này cũng phải thừa nhận rằng một trong những nguyên nhân thất bại của Mỹ ở Việt Nam là do không hiểu sức mạnh văn hóa của Việt Nam [9, tr. 104]: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc… đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó, và cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới” [41, tr. 19].

Cũng về tính nhân văn của cuộc chiến, năm 1946, Hồ Chí Minh có nói về nhân cách của một người làm tướng. “Bác nói có nhiều loại tướng: mãnh tướng như Trương Phi, dũng tướng như Quan Vân Trường, hổ tướng như Triệu Tử Long… Các loại tướng như thế đều tốt, đều cần vì nhân dân ta sắp phải bước vào cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù hung bạo. Nhưng theo Bác, chúng ta phải có nhiều nhân tướng, vì cuộc chiến đấu của chúng ta là cuộc chiến đấu vì con người. Và Bác giải thích: “Nhân tướng là người tướng hiểu con người, biết yêu quý con người, biết dùng người và được mọi người yêu quý. Chỉ có những người tướng như thế mới trăm trận trăm thắng được”” [35, tr. 38].

Sau này, trong cuộc chiến thống nhất đất nước, có một lần, Người trực tiếp nghe báo cáo về một trận đánh ác liệt ở Bình Định, trong đó quân ta tiêu diệt sạch một tiểu đoàn địch, không để cho một tên nào chạy thoát. Anh Việt Phương nói là, trên nét mặt Người thoáng vẻ buồn và Người nói với người báo cáo: “Chú cho giết nhiều người như thế là hay sao, cũng là đồng bào ta cả” [69, tr. 48].

Do vậy, cần phải “thực hiện kháng chiến bằng văn hoá, văn hoá của kháng chiến” [53, tr. 370]. Công cuộc kháng chiến và kiến quốc cho đất nước Việt Nam phải mang tính văn hóa, phải có văn hóa “soi đường”.

Mối quan hệ giữa kinh tế, chính trị, văn hóa đã quy định mục tiêu, tính chất và phương pháp xây dựng nền văn hóa mới. Việc xây dựng nền văn hóa mới bị chi phối một cách khách quan bởi yếu tố kinh tế và chính trị.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa mới trong thời kỳ 1945-1954 (Trang 42)