Phương pháp xây dựng văn hóa mới

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa mới trong thời kỳ 1945-1954 (Trang 64)

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-1946, có người hỏi rằng văn hóa Việt Nam là sự ảnh hưởng văn hóa phương Đông và phương Tây chung đúc lại. Vậy ta nên theo văn hóa nào? [15, tr. 301] Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại” [2, tr. 303]. Người nói tiếp: “Ta phải “giữ cốt cách

dân tộc”, còn phương Đông hay phương Tây có cái gì hay, cái gì tốt là phải học lấy để tạo ra nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ” [15, tr. 301].

Luận điểm “văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại” trên đây của Hồ Chí Minh là một cái nhìn xuyên suốt toàn bộ hàng nghìn năm vận động của văn hóa Việt Nam. Dưới giác độ giao lưu - tiếp biến, văn hóa Việt Nam chính là kết quả của các cuộc gặp gỡ văn hóa lớn trong khu vực. Đó là giao lưu với văn hóa Ấn Độ một cách trực tiếp (lan tỏa tiên phát) qua đường biển Đông; và gián tiếp (lan tỏa thứ phát) qua văn hóa Bắc thuộc, văn hóa Chăm Pa ở Trung Bộ và Óc Eo ở Nam Bộ. Đó là giao lưu với văn hóa Trung Hoa cả bằng con đường cưỡng chế và tự nguyện. Giao lưu với văn hóa phương Tây diễn ra chủ yếu thông qua các kênh như: buôn bán đường biển; sự đô hộ của thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Nhìn chung, sự ra đời và phát triển của văn hóa Việt Nam là kết quả của quá trình giao lưu ở cấp độ khu vực, châu lục và toàn cầu. Văn hóa Việt Nam chúng ta là kiểu văn hóa hỗn dung điển hình do nằm tại vùng giao thoa giữa các trung tâm văn hóa lớn [80, tr. 41]. Như vậy, được hình thành một cách khách quan, “chủ nghĩa thích ứng chính là một năng lượng văn hóa mà người Việt tích lũy được trong quá trình sống và giao tiếp với nhiều nền văn hóa khác trong khu vực và trên thế giới. Trên nền tảng chủ nghĩa nhân văn của người Việt, nền văn hóa truyền thống Việt Nam đã trải qua những quá trình đan xen văn hóa, chấp nhận văn hóa, cách tân, khuếch tán và tăng trưởng văn hóa, mở rộng cơ chế nội sinh, gìn giữ cái bất biến tương đối, tạo nên sự luân chuyển không ngừng” [26, tr. 15]. Trước sự giao lưu mạnh mẽ, khách quan, thậm chí trở

thành một quy luật trong sự vận động không ngừng của văn hóa Việt Nam, các nhà lãnh đạo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ cần phải hiểu và ứng xử sao đối với “cốt cách dân tộc”?

Cái yếu tố “cốt cách dân tộc” mà Hồ Chí Minh đã nhắc nhở trên đây chính là bản sắc văn hóa dân tộc mà ngày nay chúng ta luôn phải đặt lên hàng đầu trong các vấn đề liên quan tới văn hóa.

Cộng đồng nào, nhìn chung, cũng có ba tầng kết cấu văn hóa là: yếu tố mang tính phổ biến, yếu tố mang tính đặc thù, yếu tố mang tính đơn nhất. Yếu tố mang tính phổ biến là những yếu tố mang tính duy lý và phổ quát, chung cho toàn nhân loại. Yếu tố mang tính đặc thù là trạng thái hòa trộn giữa tính phổ biến với tính đơn nhất trong văn hóa tạo nên những sắc thái đặc thù mang tính khu vực. Sắc thái này vừa dùng để phân biệt một khu vực văn hóa này với những khu vực còn lại trên thế giới; song lại vừa dùng để xác định tính đồng nhất văn hóa trong bản thân khu vực ấy. Yếu tố đơn nhất là những yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa Việt Nam [80, tr. 42-43]. “Bản sắc chính là văn hóa, song không phải bất cứ yếu tố văn hóa nào cũng được xếp vào bản sắc. Người ta chỉ coi những yếu tố văn hóa nào giúp phân biệt một cộng đồng văn hóa này với một cộng đồng văn hóa khác là bản sắc. Như vậy, khái niệm bản sắc có hai quan hệ cơ bản: thứ nhất, nó là dấu hiệu để phân biệt các cộng đồng với nhau (quan hệ bên ngoài); và thứ hai, nó chỉ tính đồng nhất mà mỗi cá thể trong một cộng đồng văn hóa phải có (quan hệ bên trong)” [80, tr. 13].

Về vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, cho đến nay có rất nhiều ý kiến xem đó là cái bất biến hay cái khả biến? Có học giả cho rằng bản sắc dân tộc là cái ổn định, là cái kết tinh qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc [2, tr. 115]. Nhưng thiết nghĩ, nếu đó là cái ổn định, thì trong thời đại

toàn cầu hóa ngày nay chúng ta không cần thiết phải nêu cao vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc! Có học giả cho rằng bản sắc dân tộc là cái thường xuyên biến đổi. Nếu vậy chẳng lẽ quá trình lịch sử nước ta không có cái gì là vĩnh cửu chăng? Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là, cho đến nay, bản sắc văn hóa Việt Nam vẫn còn là một vấn đề để ngỏ, do còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh chủ đề ấy [80, tr. 43].

Theo tôi, văn hóa là cái được thừa hưởng, là sản phẩm kết tinh lâu dài tương đối vững chắc của lịch sử. Và văn hóa là cái khả biến, luôn vận động và biến đổi; là cái đang được sáng tạo ra, phụ thuộc vào sự giao thoa, biến động của các dòng văn hóa và phụ thuộc vào nhận thức của con người.

Đối với quan điểm của Hồ Chí Minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không có nghĩa là đóng cửa, thu mình, giữ nguyên những gì đã hình thành trong truyền thống. Chính vì sự giữ gìn và kế thừa những giá trị bền vững của dân tộc mà phải mở rộng giao lưu văn hóa, học tập những cái hay, cái tinh túy của văn hóa các dân tộc khác [11, tr. 160-161]. Người đã chỉ ra: “Phải chú ý nghiên cứu toàn diện văn hóa của dân tộc khác để có thể tiếp thu nhiều hơn cho văn hóa của mình” [15, tr. 303].

Chúng ta xây dựng nền văn hóa mới, khi tiếp thu những dòng văn hóa bên ngoài phải có chọn lọc. Nghĩa là chỉ tiếp nhận “cái gì hay, cái gì tốt”, cái gì vừa phù hợp với trào lưu tiến hóa nhân loại, vừa phù hợp với các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời lại vừa phục vụ tốt cho công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền đã về tay nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện này có thể hiểu là mục tiêu của mọi hoạt động chính trị cho dân tộc ta lúc này phải hướng

tới giải phóng xã hội, giải phóng con người, hướng tới độc lập - tự do - hạnh phúc cho toàn dân tộc. Điều đó là bất biến. Nhưng để hướng tới các mục tiêu đầy tính nhân văn này, cần phải linh hoạt kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cho phù hợp với tình hình thực tiễn cụ thể tại các giai đoạn khác nhau của lịch sử. Đó là những cái khả biến phục vụ cho cái bất biến trên. Chẳng phải ngẫu nhiên mà có lần Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêxu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”” [15, tr. 43]. Chỉ có nhà cách mạng chân chính, tâm huyết với dân tộc, với những con người đau khổ toàn thế giới mới có thể khái quát được điểm thống nhất của các vĩ nhân văn hóa, chính trị như vậy.

Việc tìm hiểu, so sánh và tiếp thu dòng văn hóa khác cho dân tộc cũng góp phần bổ sung, thậm chí khắc phục những điểm yếu mà nền văn hóa khác mắc phải. Trong trào lưu cách mạng mới của nhân loại, đặt dưới lăng kính so sánh khách quan, các dòng văn hóa thể hiện rõ ràng những ưu điểm và cả những hạn chế của chúng, kể cả dòng văn hóa Mác xít. Một số học giả cho rằng: “Phân tích xã hội để hiểu rõ lịch sử, xác định đường lối thì chủ nghĩa Mác hơn hẳn, nhưng trong Mác đạo lý không được nổi bật và cụ thể như trong Nho giáo. Có thể nói không có học thuyết của chủ nghĩa nào đặt vấn đề “xử thế” rõ ràng và đầy đủ như vậy” [36, tr. 192]. Việc “bổ sung “cơ sở lịch sử”” cho chủ nghĩa Mác mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ những năm 1924 trong bài Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ

và Nam Kỳ là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà những người cộng sản chân chính phải đảm nhiệm. Trong điều kiện thiết lập một xã hội tương lai, một nền văn hóa tương lai, nhà văn hóa Hồ Chí Minh đã phải thực hiện sứ mệnh này. Người đồng thời hoàn thành hai nhiệm vụ: bổ sung cơ sở văn hóa cho chủ nghĩa Mác, và bổ sung vốn văn hóa cho dân tộc. GS. Trần Văn Giàu nhận xét: “Chủ nghĩa Mác-Lênin đặt vấn đề chính trị, kinh tế rất sắc sảo, nhưng đặt vấn đề xây dựng con người, đạo đức con người còn chưa đủ lắm… Cụ Hồ đã làm đầy đủ hơn chủ nghĩa Mác-Lênin” [36, tr. 245].

Bên cạnh đó, chính vì để giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn phải đấu tranh chống những gì lạc hậu, bảo thủ, trì trệ trong truyền thống. Cần phải “khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt phải loại dần ra” [15, tr. 303]. Hồ Chí Minh yêu cầu “xóa bỏ triệt để những cái cũ mà xấu, sửa đổi những cái cũ phiền phức, phát triển những cái cũ mà tốt, phải triệt để làm những cái mới mà hay, phải xây dựng nếp sống “thuần phong mỹ tục”, phải tẩy sạch những gì mà giáo dục thực dân để lại” [36, tr. 245]. Truyền thống dân tộc bao hàm cả truyền thống tốt và truyền thống xấu. Chúng ta cương quyết loại bỏ những gì, mặc dù thành thói quen, nhưng, không còn phù hợp với công cuộc xây dựng đất nước.

Luận điểm mang tính biện chứng cách mạng sâu sắc của Hồ Chí Minh: “Phát huy vốn cổ quý báu của dân tộc (nhưng tránh phục cổ một cách máy móc) và học tập văn hóa tiên tiến của các nước (nhưng phải có chọn lọc)” [15, tr. 303] là quan điểm chỉ đạo mang tính phương pháp luận chủ yếu hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới trước bước ngoặt lịch sử đầy sóng gió. Phương pháp luận này khi được vận dụng vào công cuộc xây dựng văn hóa lúc đó đã tất yếu đưa đến những nguyên tắc sau:

Nguyên tắc thứ nhất, do “chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta”, “chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm” [57, tr. 494-495]. Đây là công việc đầy khó khăn, thậm chí gian khổ, nên việc xây dựng nền văn hóa mới không thể một sớm một chiều được, không thể ép buộc được, mà “phải làm từ từ”. Trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn các cơ quan khu I ngày 25-8-1953, Hồ Chí Minh nói: “Nước ta bị nô lệ dưới ách thực dân và phong kiến rất lâu năm, đế quốc gần một trăm năm, phong kiến hàng mấy nghìn năm. Kháng chiến để đập tan ách đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc, làm cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất thực sự, thực hiện chế độ dân chủ mới, tiến tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Vì ách nô lệ lâu năm nên phá cũng phải lâu năm. Thí dụ như một cây to, muốn hạ nó cũng phải lâu, không phải vài phút đồng hồ mà đẵn được gốc rễ của nó” [55, tr. 127].

Hơn nữa, văn hóa gồm có văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, trong đó “văn hóa tinh thần là khái niệm dùng để chỉ hệ thống các giá trị tồn tại dưới các dạng ý niệm văn hóa” [80, tr. 44]. Và như vậy, đối tượng tác động của các nhà lãnh đạo văn hóa, “kẻ địch” của các “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” không phải lúc nào cũng hữu hình như kẻ địch trên mặt trận quân sự. Như trong bài

Nam nữ bình quyền ngày 8-3-1952, Hồ Chí Minh nói:

“Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Vì không thể dùng vũ lực mà tranh

đấu” [54, tr. 433].

Vì “không thể dùng vũ lực mà tranh đấu”, nên việc xây dựng văn hóa mới, không thể làm nhanh chóng, nóng vội được.

Nguyên tắc thứ hai, mọi sự vật hiện tượng đều luôn vận động biến đổi không ngừng, mọi chủ trương, biện pháp xây dựng đất nước nói chung và xây dựng văn hóa mới nói riêng cũng đều phải giải quyết rất nhiều bài toán lịch sử đặt ra trong mỗi giai đoạn cách mạng. Nên các nhà lãnh đạo văn hóa cần phải thực tế, hết sức cụ thể trong mỗi bước đi. Ngay trong những ngày đầu lập nước, Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế” [52, tr. 26].

Mọi công việc đều phải tính đến mục tiêu xây dựng đất nước, tính đến trình độ văn hóa người dân và phải tính đến cả khả năng thực hiện của cán bộ lãnh đạo. Trong Thư gửi các bạn thanh niên ngày 17-8-1947, Hồ Chí Minh viết: “Tôi lại khuyên các bạn một điều nữa là chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được” [53, tr. 186].

Phạm Văn Đồng nhận xét: “Hồ Chí Minh là người luôn luôn nhằm hiệu quả thiết thực, dám nghĩ và dám làm những việc lớn lạ lùng, nhưng không viển vông, không ảo tưởng, không nóng vội” [2, tr. 15]. Còn theo báo Ici Paris Habdo: “Chủ tịch nước Việt Nam không ưa cách nói hùng hồn trống rỗng. Một

bài diễn văn của Ngài là một bài học nho nhỏ kết luận bằng một ý tứ luân lý. Chính nhờ sự dễ hiểu ấy mà các bài diễn văn của Ngài có một tiếng dội sâu xa trong giới trí thức cũng như trong dân chúng” [32, tr. 30].

Khi viết xong một tài liệu, Bác thường đưa cho người ít chữ xem trước. Chữ nào các đồng chí đó không rõ nghĩa là Bác chữa lại ngay, chữa xong Bác lại hỏi: viết như vậy, đồng chí đã hiểu chưa? Nếu chưa thì Bác lại sửa kỹ cho các đồng chí hiểu được mới thôi [36, tr. 226]. Tờ báo Ici Paris Habdo còn nhận xét: “Ngài (HCM) ráng tránh những chữ hoặc câu có thể khó hiểu đối với người dân quê thường” [32, tr. 30]. Cho đến nay, đã qua gần nửa thế kỷ, nhiều cán bộ và quần chúng cứu quốc vẫn thuộc từ đầu đến cuối nhiều bài thơ, ca do Bác Hồ sáng tác, in trên báo Việt Nam độc lập [36, tr. 228].

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa mới trong thời kỳ 1945-1954 (Trang 64)