Kế thừa truyền thống của ông cha, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm xây dựng khối đoàn kết dân tộc. Với Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cách mạng lâu dài, nhất quán, có ý nghĩa sống còn, quyết định thành bại của cách mạng. Suốt cuộc đời hoạt động vì nước vì dân, trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh luôn nêu cao tư tưởng đại đoàn kết và đại nghĩa dân tộc. Người kết hợp nhuần nhuyễn luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” với tư tưởng truyền thống dân tộc “lấy dân làm gốc”. Muốn thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng thì phải biết tập hợp đông đảo quần chúng vào tổ chức, đó là tổ chức Mặt trận - liên minh chính trị đông đảo nhất, rộng rãi nhất, nơi quy tụ ý chí, tinh thần và sức mạnh dân tộc. Do vậy, cùng với việc thành lập Đảng, Người rất chú trọng thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất. Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, Mặt trận dân tộc thống nhất là tổ
chức liên minh chính trị rộng rãi nhất mà hạt nhân là Đảng Cộng sản, là trung tâm đại đoàn kết của toàn dân tộc, là nơi quy tụ ý chí, nguyện vọng và thể hiện sức mạnh vô địch của cả dân tộc. Mặt trận dân tộc thống nhất là môi trường rèn luyện, phát huy bản lĩnh chính trị, nhiệt huyết cách mạng của các lực lượng, các cá nhân yêu nước, tiến bộ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Người xem Mặt trận dân tộc thống nhất như “Đại ngàn trường xuân bất lão” là bức tường thành vững chắc làm hậu thuẫn cho hệ thống chính trị của Nhà nước và nhân dân ta. Quan điểm đó luôn luôn nhất quán. Từ Hội phản đế đồng minh, Mặt trận dân chủ Đông Dương, Mặt trận phản đế Đông Dương,
Mặt trận thống nhất chống phát xít đến Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hoà bình Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… tất cả những hoạt động của các tổ chức Mặt trận trong hơn 70 năm qua đã khẳng định những quan điểm của Hồ Chí Minh về Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Muốn giành được thắng lợi của cách mạng thì phải đại đoàn kết dân tộc, nhưng muốn đại đoàn kết dân tộc thì phải có Đảng lãnh đạo và phải tập hợp quần chúng trong tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Quan điểm này khẳng định Mặt trận ra đời và phát triển là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng. Tại Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt (3-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết kinh nghiệm về Mặt trận dân tộc thống nhất thành khẩu hiệu nổi tiếng:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công” [22, tr.607].
Đây chính là chiến lược cách mạng, là tư tưởng cơ bản mà Người đã rút ra từ truyền thống đấu tranh anh dũng đầy hy sinh gian khổ và rực rỡ chiến công của dân tộc ta, đã trở thành chân lý: Đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất là một yếu tố quyết định đưa cách mạng đến thành công.
Mặt trận dân tộc thống nhất là một hình thức tập hợp quần chúng rộng rãi, đại diện cho quyền lợi của toàn dân tộc, không có sự phân biệt đối xử. Người cho rằng: “từ Nam đến Bắc, ai là người tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì chúng ta sẵn sàng đoàn kết với họ, thật thà hợp tác với họ, thực sự đoàn kết với họ, dù từ trước tới nay họ đã theo phe phái nào” [31, tr.49]. Tư tưởng này của Người đã thể hiện trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng ta do Người soạn thảo (1930). Mặt trận là nơi tập hợp mọi lực lượng có thể tập hợp được, thực hiện thêm bạn bớt thù, tập trung mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù nguy hiểm nhất và hoàn thành nhiệm vụ cách mạng to lớn nhất. Xu hướng hẹp hòi, biệt phái, phân biệt đối xử là trái với tư
tưởng Hồ Chí Minh, chẳng những không tập hợp được lực lượng cách mạng rộng rãi mà còn làm giảm bớt bầu bạn, làm tổn hại cho sự nghiệp cách mạng.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến tinh thần hợp tác thật thà, đoàn kết thực sự và Người thể hiện tinh thần ấy trong việc tranh thủ tập hợp được mọi người Việt Nam yêu nước vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, kể cả những người từng là quan lại trong triều đình phong kiến trước đây, những người đã từng làm việc trong chế độ cũ mà không cố chấp quá khứ của họ. Muốn cho họ thật lòng đi theo cách mạng, chúng ta phải thật lòng đến với họ. Theo tinh thần ấy, những chủ trương chính sách, luật pháp về kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta ngày nay cần bảo đảm tính đồng bộ và tính nhất quán, gây được lòng tin, làm cho mọi thành viên trong xã hội được ổn định về tâm lý và sẵn sàng mang công sức của mình đóng góp cho sự nghiệp chung. Sự do dự, nghi ngại, dè chừng chỉ gây nên sự băn khoăn, lo lắng và giảm lòng tin của các đối tượng trong xã hội trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng. Muốn đoàn kết thực sự và hợp tác thật thà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Mặt trận phải có Cương lĩnh thật “vững chắc”, rất “rộng rãi” và “thiết thực” [31, tr.66]. Phải phù hợp với nguyện vọng tha thiết của toàn thể đồng bào. Cương lĩnh Mặt trận phải “rộng rãi” vì Mặt trận bao gồm những người hiện nay tỏ ra thành tâm thành ý phụng sự Tổ quốc, dù trước đây họ đã đi theo phe phái nào; “vững chắc” vì Mặt trận dựa trên nền tảng đại đa số nhân dân trong nước, công nhân và nông dân, đồng thời chú trọng đến tất cả các tầng lớp xã hội trong nước ta, “không bỏ sót ai”. Phải tìm điểm chung, tương đồng ở mỗi người dân và của cả dân tộc. Ngay từ khi bắt tay thực hiện đoàn kết toàn dân, xây dựng Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh đã làm được điều ấy. Bác Hồ tìm thấy ở mỗi “con dân nước Việt”, ở cả dân tộc Việt Nam lòng yêu nước và mục đích là được sống trong hoà bình, dân tộc được độc lập, đất nước thống nhất, dân chủ. Bác khẳng định trong “Thư gửi đồng bào Nam bộ”: đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc [22,
tr.246]. Bác còn chỉ rõ: dân giàu, nước mạnh “là mục đích cao cả nhất của mỗi người Việt Nam” chúng ta. Bác tin rằng, với hai điểm chung, hai điểm tương đồng đó, nhất định người dân yêu nước chân chính Việt Nam, dù xuất thân từ giai cấp nào, tầng lớp nào, trước sau cũng sẽ tìm gặp nhau, đoàn kết với nhau trong một mặt trận dân tộc thống nhất, phấn đấu cho nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Vì có hai điểm chung, hai điểm tương đồng ấy mà trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, người dân lao động yêu nước tìm đến nhau, thành lập Mặt trận Việt Minh; những người yêu nước không Đảng phái thuộc tầng lớp trên gặp nhau, thành lập Hội Liên Việt; và cũng vì hai điểm chung, hai điểm tương đồng này mà Mặt trận yêu nước và Hội yêu nước đã thống nhất thành Mặt trận Liên - Việt, rồi trở thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tương tự như vậy, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam có Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên Minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam; sau đó, Mặt trận và Liên Minh này gặp nhau, nhất trí ra Nghị quyết thành lập chế độ Cộng hoà miền Nam Việt Nam, bầu ra Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam; năm 1976 thống nhất với Mặt trận Tổ quốc ở miền Bắc thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Giải
quyết hài hoà mối quan hệ giữa dân tộc với giai cấp trong Mặt trận dân tộc thống nhất là một sáng tạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng học thuyết Mác-Lênin về giai cấp và đấu tranh giai cấp, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân vào hoàn cảnh cụ thể nước ta. Muốn thực hiện đại đoàn kết toàn dân trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, phải xây dựng được khối liên minh công - nông - trí thức do Đảng lãnh đạo; lấy đó làm nền tảng. Sự phát triển và thắng lợi của khối đoàn kết này sẽ tác động tích cực đến các lực lượng và những cá nhân yêu nước thuộc tầng lớp trên vì những lý do khác nhau chưa tham gia mặt trận do Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo, từ đó họ được đoàn kết lại, thành lập liên minh yêu nước của mình, rồi thừa nhận
quyền lãnh đạo của Đảng, tham gia mặt trận thống nhất, Mặt trận Việt Minh và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Việt Minh đem lại đã dẫn đến sự ra đời của Hội Liên Việt. Sau tổng tiến công và nổi dậy vào mùa Xuân 1968 của quân dân miền Nam do Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam ra đời. Đó là dẫn chứng cụ thể, điển hình về thiên tài thực hiện đại đoàn kết toàn dân, tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm cho thấy, muốn đoàn kết được toàn dân, xây dựng được mặt trận dân tộc thống nhất thì phải theo lập trường của giai cấp công nhân. Trên cơ sở khối liên minh công - nông - trí thức trong mặt trận thống nhất do Đảng Cộng sản trực tiếp tổ chức, lãnh đạo đã lớn mạnh, gạt bỏ thành kiến, thật sự đoàn kết với tất cả các lực lượng, cá nhân yêu nước muốn phụng sự Tổ quốc và nhân dân, tán thành một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Chương 3
SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC HIỆN NAY