trong cách mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh về liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức (gọi tắt là công - nông - trí) quan điểm về liên minh công - nông - trí của Bác Hồ đã ghi đậm trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ngày 3-2-1930 và sau này được nhắc lại trong nhiều văn kiện. Đây là một điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh so với học thuyết Mác-Lênin, vì học thuyết này chỉ đề cập liên minh công - nông, chứ không đề cập “trí”.
Nhìn lại lịch sử chúng ta có thể thấy rằng các triều đại phong kiến Việt Nam cũng có quan điểm nho giáo của Trung Quốc là chia xã hội thành hai loại người tiểu nhân và quân tử. Trong tầng lớp quân tử không có người lao động chân tay và phụ nữ những người bị nho giáo khinh rẻ và xếp vào hạng tiểu nhân. còn quân tử, theo nho giáo, gồm các quan lại, trí thức phong kiến, những quan “phụ mẫu” chăn dắt dân. Phong kiến Việt Nam dù sao cũng có nét tiến bộ khi tiếp thu nho giáo gốc ở Trung Quốc. Những lúc bị xâm lăng thì những người lao động chân tay mà ở đây chủ yếu là nông dân không bị coi rẻ nữa mà được coi là lực lượng chở thuyền và lật thuyền, là những người đứng trong đội quân chủ lực ra trận đánh quân thù. Nói chung, nòng cốt của xã hội, “những người làm nên lịch sử” không được phong kiến Việt Nam coi là nhân dân lao động mà là vua quan, trí thức phong kiến. Những người theo tư tưởng tư sản ở Việt Nam quan niệm về dân có tiến bộ hơn. Chẳng hạn cụ Phan Bội Châu, trong chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng, nêu lên 10 lực lượng như sau: Phú hào; Quý tộc; Sĩ phu; Lính tập; Tín đồ Thiên chúa giáo; Du côn hội đảng; Nhi nữ anh hùng; Thông ngôn; Ký lục; Bồi bếp. Tiến bộ hơn là vì có binh lính (là những người nông dân mặc áo lính); nhân dân theo đạo thiên chúa, phụ nữ… Kể ra thì cũng có nhiều lực lượng nên vẫn thiếu, mà lại thiếu
hai lực lượng cơ bản nhất của xã hội Việt Nam đầu thể kỷ 20 là nông dân và công nhân. Đầu thế kỷ, công nhân Việt Nam đã có, tuy không nhiều, và nó ngày càng một phát triển do chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Có thể cụ Phan Bội Châu lúc đầu chưa nhận ra nhưng nông dân Việt Nam thì ở đâu mà chẳng có, mà có rất đông. Về cuối đời, Phan Bội Châu đã kịp nhận ra sức mạnh của công, nông nhưng cụ đã ở vào thế sức tàn, lực kiệt. Lúc ấy, trách nhiệm lịch sử giương cao ngọn cờ cứu nước đã chuyển sang những chiến sĩ theo lập trường cách mạng vô sản mà Hồ Chí Minh đã đào tạo, bồi dưỡng. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, xu thế phát triển của thời đại, trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã nhận thức và lựa chọn chuẩn xác con đường vận động của cách mạng Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản gắn liền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Động lực cách mạng để thực hiện con đường cách mạng đó là đại đoàn kết dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nông trí thức. Trên cơ sở nghiên cứu tình hình cách mạng Việt Nam, nhất là sự phân hoá giai cấp và thái độ của các giai cấp đối với sự nghiệp cách mạng. Người cho rằng, những điều kiện xã hội để tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường vô sản đã chín muồi, đó là sự hình thành của giai cấp công nhân và mối quan hệ tự nhiên của nó với giai cấp nông dân. Giai cấp công nhân tuy số lượng còn ít và mới ra đời, song đã đủ các phẩm chất cách mạng để lãnh đạo nhân dân lao động và dân tộc để đánh đổ chủ nghĩa thực dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân vừa mang tính phổ biến của thời đại, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, Người khẳng định: “Trong thời đại hiện nay, giai cấp công nhân là giai cấp độc nhất và duy nhất có sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi cuối cùng bằng cách liên minh với giai cấp nông dân” [16, tr.489]. Người nhấn mạnh đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam là nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo cách mạng, chứ không phải là do số người nhiều ít của giai cấp đó. Người giải
thích rõ: “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiên tiến nhất trong sản xuất, gánh vác trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác-Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo” [29, tr.212].
Từ kinh nghiệm thực tiễn và nhận thức lý luận, Hồ Chí Minh đã cụ thể hoá thành cương lĩnh chính trị hành động của Đảng Cộng sản. Trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Hồ Chí Minh soạn thảo và thông qua vào đầu năm 1930, đã xác định hết sức sáng tỏ: “1. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu thục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng. 2. Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh thức bọn đại địa chủ và phong kiến. 3. Đảng phải làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khỏi ở dưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc gia. 4. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, tri thức, trung nông… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp” [20, tr.3].
Quy luật lịch sử khách quan về vai trò quyết định của quần chúng công - nông, mối quan hệ giữa các tầng lớp quần chúng trong cách mạng vô sản được Hồ Chí Minh khái quát thành một nguyên lý phổ biến cho tất cả các hình thức cách mạng vô sản, ở tất cả các nước khác nhau. “Cuộc cách mạng vô sản không thể thắng lợi ở các nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp nếu như giai cấp vô sản cách mạng không được quần chúng nông dân ủng hộ tích cực. Đó là một sự thực hiển nhiên đối với cả hai cuộc cách mạng - cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng vô sản. Trong thời kỳ cách mạng tư sản dân quyền, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản để thực hiện các khẩu hiệu của
mình và chuyển cuộc cách mạng tư sản dân quyền thành cách mạng vô sản không thể giành được thắng lợi hoàn toàn nếu không có khối liên minh cách mạng của giai cấp vô sản và nông dân, nếu không có sự tham gia tích cực của quần chúng nông dân bị áp bức vào việc thực hiện những khẩu hiệu của cách mạng. Ba cuộc cách mạng Nga, cuộc cách mạng vĩ đại Trung Quốc và các cuộc đấu tranh cách mạng ở nhiều nước khác đã chứng minh rõ ràng điều đó. Đối với tất cả những nhà cách mạng chân chính hiện nay, nguyên tắc Lêninnít căn bản ấy là sự thực hoàn toàn không thể chối cãi. Ở Trung Quốc, Ấn Độ, ở Mỹ latinh, ở nhiều nước Châu âu (các nước vùng Bancăng, Rumani, Ba Lan, Italia, Pháp, Tây Ban Nha…), bạn đồng minh cương quyết của giai cấp vô sản trong cách mạng là quần chúng nông dân. Cách mạng chỉ có thể thắng lợi nếu như những làn sóng cách mạng lay động được quần chúng nông dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Do vậy mà việc tuyên truyền của Đảng trong nông thôn có tầm quan trọng đặc biệt” [18, tr.413].
Hồ Chí Minh rất coi trọng sức mạnh của khối liên minh công nông. Cơ sở của khối liên minh đó là ở chỗ hai giai cấp đó đều bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Họ là hai giai cấp đông đảo nhất, có sức mạnh rất to lớn, kiên quyết hy sinh vì thắng lợi của cách mạng dân tộc, dân chủ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì những lẽ đó, cho nên trong tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc viết: “Công nông là gốc cách mệnh”, “Công nông là người chủ cách mệnh”. Mặt khác, lực lượng nông dân rất đông đảo, chỉ có thể biến thành đội quân chủ lực của cách mạng dân tộc dân chủ khi được giai cấp công nhân lãnh đạo. Hồ Chí Minh sau khi phân tích, đánh giá nguồn lực và vai trò to lớn của nông dân trong kháng chiến và kiến quốc, đã viết: “Nhưng vì hoàn cảnh kinh tế lạc hậu, mà nông dân thường có tính thủ cựu, rời rạc, tư hữu. Cho nên giai cấp công nhân phải đoàn kết họ, giúp tổ chức họ, thì họ là một lực lượng rất to lớn vững chắc. Thế là công nông liên minh” [29, tr.213].
Hồ Chí Minh không chỉ tin tưởng và khẳng định sức mạnh to lớn của nông dân mà còn thấy rõ cả những hạn chế của nông dân. Người nêu rõ: “Chỉ với lực lượng riêng của mình, nông dân không bao giờ có thể trút bỏ được gánh nặng đang đè nén họ. Sống tản mát trong các làng mạc, họ có thể nổi dậy và tiến hành đấu tranh nhưng một mình họ thì không thể chiếm được bộ máy nhà nước và giữ được bộ máy đó” [15, tr.180]. “Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu” [15, tr.230]. Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo” [15, tr.230]. Năm 1921, Hồ Chí Minh đã phê phán hai cách đánh giá sai lầm về nhân dân thuộc địa nơi nông dân chiếm số đông, là coi họ đã sẵn sàng cách mạng hoặc ngược lại cho họ đã bị khuất phục, đã cam chịu thân phận nô lệ. Người phê phán gay gắt quan niệm sai lầm,cơ hội về nông dân: “Những trào lưu cơ hội chủ nghĩa, nịnh nông dân, coi nông dân là một lực lượng chủ yếu, là động lực duy nhất của cách mạng, là đội ngũ cách mạng nhất, chỉ dẫn đến chủ nghĩa phiêu lưu, chủ nghĩa cực đoan vô chính phủ và đi đến chỗ phản bội chủ nghĩa Lênin mà thôi” [15, tr.157-158]. Động viên lực lượng nông dân để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng và giải phóng nông dân khỏi ách bóc lột phong kiến, đưa nông dân đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cho nông dân thực sự có cuộc sống tự do, hạnh phúc, đó là nội dung quan trọng nhất của liên minh công nông trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó cũng phản ánh con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” [20, tr.1]. như Chánh cương vắn tắt đã nêu rõ. Hồ Chí Minh đề cao vai trò, sức mạnh của nông dân trong cách mạng vô sản nói chung, trong cách mạng giải phóng dân tộc nói riêng, song không coi nông dân là lực lượng duy nhất và càng không phải là giai cấp giữ vị trí
lãnh đạo các cuộc cách mạng đó. Sức mạnh của nông dân cũng chỉ được phát huy khi có sự liên minh với công nhân, có sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Người chỉ rõ: “chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo, thì nông dân mới được giải phóng. Cũng chỉ có thắt chặt liên minh với nông dân thì giai cấp công nhân mới lãnh đạo được cách mạng đến thắng lợi. Cho nên giai cấp công nhân phải chăm chú đến vấn đề nông dân phải củng cố liên minh công nông” [27, tr.9]. Đây là mối quan hệ gắn bó mật thiết, máu thịt: “nông dân, công nhân, lao động trí óc đều phải dựa vào nhau. Nông dân không có sự giúp đỡ của công nhân thì không được… công nhân không có nông dân… cũng không được” [27, tr.622]. Nét độc đáo, đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là Người không chỉ đề cập, nhấn mạnh đến liên minh giai cấp mà còn bao hàm cả liên minh xã hội. Quán triệt những chỉ dẫn của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo tư tưởng: “Cách mạng rất cần trí thức và chỉ có cách mạng mới trọng trí thức”, “Chỉ có giai cấp công nhân mới thật yêu chuộng trí thức”… Theo Hồ Chí Minh, trí thức giữ vai trò đặc biệt quan trọng không những trong kháng chiến mà cả trong xây dựng. Liên minh giữa công - nông với trí thức là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống, phản ánh một xu hướng khách quan: sự xích lại gần nhau giữa lao động chân tay và lao động trí óc. Theo Hồ Chí Minh xu hướng hợp tác, đoàn kết giữa công nhân, nông dân với trí thức dựa trên những cơ sở khách quan, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích không chỉ riêng của giai cấp công nhân mà còn của cả giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Trong khối liên minh này, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo. Công nhân thông qua chính đảng của mình đề ra đường lối cách mạng nhằm thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng để thực hiện đường lối đúng đắn cần có lực lượng. Bằng hành động và chính sách thực tiễn, giai cấp công nhân lôi kéo mọi tầng lớp lao động, trước hết là nông dân và trí thức về phía mình, cùng với họ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây chính là điều kiện để giai cấp công nhân củng cố vai trò
chính trị tiên phong của mình. Tầng lớp trí thức Việt Nam đều giàu lòng yêu nước, có một bộ phận được giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin đã hăng hái tham gia phong trào đấu tranh cách mạng theo con đường cách mạng vô sản.
Trong thập niên 20, 30 thế kỷ XX, số trí thức Tây học, được đào tạo trong các nhà trường của chế độ thuộc địa chiếm số đông trong tầng lớp trí thức. Đánh giá đội ngũ này, trong Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản về tình hình Đông Dương đề ngày 12-7-1940, Nguyễn Ái Quốc viết: Trí thức từ học sinh đến công chức, thầy thuốc và những người lao động trí óc khác, vì có trình độ văn hoá cao và có điều kiện tiếp xúc với người Pháp hơn, lại vì bị người Pháp khinh miệt, cho nên họ đều rất ghét người Pháp. Nhưng vì không có tổ chức, thiếu sự lãnh đạo, cho nên họ giám nghĩ mà không giám nói”.
Trong tiến trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, một số lực lượng khá đông những người trong tầng lớp trí thức được giác ngộ, đứng trong trận tuyến nhân dân đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống đế quốc xâm lược. Họ trở thành một bộ phận trong lực lượng cách mạng và công lao của họ đã được Hồ Chí Minh đánh giá rất cao: Chúng ta có quyền tự hào rằng, những người lao động trí óc ở Việt Nam đều đứng trong hàng ngũ kháng chiến. Đồng thời, Người cũng nêu rõ là lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội. Người nêu rõ, chỉ có giai cấp công nhân mới thực sự yêu chuộng và tôn trọng trí thức. Vì thế, khi đề cập vấn đề Đảng với lao động trí óc, Người nhấn mạnh và giải thích rõ Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam: Đảng gồm những người công nhân, nông dân và