f. Đồng vị ngữ (Apposition)
1.3.3 Quan điểm của luận văn về Tỉnh lược hồi chỉ
Thực chất, trong giới nghiên cứu ngôn ngữ học chưa có ai đưa ra một quan điểm thống nhất và chính xác nào về “tỉnh lược hồi chỉ” (zero anaphora). Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, các nhà nghiên cứu đã có những nghiên cứu ban đầu đến vấn đề này dưới nhiều thuật ngữ khác nhau.
Theo quan điểm của chúng tôi, ta có thể hiểu nôm na rằng "tỉnh lược hồi chỉ" chính là sự thay thế thành phần câu đã xuất hiện trước đó bằng một chỗ trống (hay chính là "rê zô"), nhưng không hề làm phương hại đến nội dung thông báo của câu văn.
Để hiểu rõ hơn về hiệu quả liên kết đặc biệt mà tỉnh lược hồi chỉ đem lại, chúng ta hãy cùng xem xét các ví dụ sau:
(47) Linda ate a doughnut and Linda drank a coffee
(Linda ăn một cái bánh rán và Linda uống một cốc cà phê)
(48) Linda ate a doughnut and she drank a coffee.
(Linda ăn một cái bánh rán và cô ấy uống một cốc cà phê)
(49) Linda ate a doughnut and drank a coffee
(Linda ăn một cái bánh rán và uống một cốc cà phê)
Chúng ta có thể thấy trong ví dụ trên là các câu ghép đẳng lập. Chúng cùng thông báo một nội dung nhưng mỗi câu lại sử dụng một cách liên kết khác nhau. Ví dụ (a) có sử dụng phương thức liên kết lặp từ vựng “Linda”, ví dụ (b) dùng cách liên kết hồi chỉ bằng cách thay thế đại từ và trong ví dụ (c)
là phương thức hồi chỉ zê rô. Ta thấy rằng các cách liên kết trên đều giúp cho người đọc hiểu được nội dung thông báo, nhưng chúng lại đem lại hiệu quả rất khác nhau. Sự liên kết bằng cách lặp lại nguyên dạng chủ ngữ “Linda”
như trong ví dụ (a) sẽ tạo cho ta cảm giác đơn điệu dài dòng không cần thiết. Nhưng nếu ta khắc phục sự đơn điệu này bằng cách sử dụng hình thức liên kết hồi chỉ bằng đại từ “she” như ví dụ (b) thì rất dễ làm cho người đọc hiểu nhầm rằng “Linda” trong vế đầu và “she” trong vế câu thứ hai không phải là một người. Cuối cùng hiệu quả liên kết hợp lí nhất lại là cách liên kết hồi chỉ bằng zê rô như trong ví dụ (c). Cách liên kết này vừa giúp người đọc không nhầm lẫn đối tượng, hiểu được nội dung thông báo một cách trọn vẹn, chính xác mà lại vừa làm cho câu văn ngắn gọn, súc tích.
Tuy nhiên, do hiện tượng tỉnh lược hồi chỉ rất gần gũi với hiện tượng thế và tỉnh lược khứ chỉ trong văn bản nên nếu không có tiêu chí rõ ràng, chúng ra rất dễ nhầm lẫn giữa các hiện tượng này. Qua khảo sát tư liệu, chúng tôi có thể đưa ra tiêu chí của hiện tượng tỉnh lược hồi chỉ, đó là: Đối với hiện tượng tỉnh lược hồi chỉ, thành phần được lược bỏ (hay nói cách khác là được thay thế bằng chỗ trống) phải được quy chiếu đến một yếu tố có cùng sở chỉ đứng trước trong văn cảnh và nó có thể được khôi phục trong trường hợp cần thiết. Đây chính là tiêu chí quy định sự khác biệt giữa tỉnh lược hồi chỉ so với các hiện tượng tỉnh lược khác.
Hiện tượng tỉnh lược khứ chỉ khác với tỉnh lược hồi chỉ ở chỗ: trong tỉnh lược khứ chỉ, thành phần được lược bỏ có thể được khôi phục nhờ một yếu tố có cùng sở chỉ đứng đằng sau thành phần đó trong văn cảnh, còn với tỉnh lược hồi chỉ thì yếu tố có cùng sở chỉ đứng đằng trước thành phần đó trong văn bản. Trong khi đó, nếu là hiện tượng thế thì sẽ không thể có bất kỳ yếu tố nào được khôi phục nhờ văn cảnh, vì thành phần được lược bỏ đã được thay thế bằng một yếu tố khác như đại từ, chỉ định từ...
Tóm lại, trên cơ sở tìm hiểu các ý kiến, quan điểm của các tác giả liên quan đến “tỉnh lược hồi chỉ”, chúng ta có thể đưa ra một vài nét cơ bản về
hiện tượng này như sau: Tỉnh lược hồi chỉ cũng là một dạng của phương thức liên kết tỉnh lược trong hệ thống liên kết văn bản nói chung. Đó là cách sử dụng chỗ trống để liên kết, trong một câu hay một chuỗi câu nhất định. Chỗ trống này đồng sở chỉ với một thành phần câu nào đó đã xuất hiện trong câu hoặc phát ngôn trước đó.
Nói cách khác, tỉnh lược hồi chỉ được miêu tả như việc sử dụng chỗ trống để quy chiếu ngược trở lại một biểu thức, cái mà cung cấp thông tin cần thiết cho việc hiểu và dịch thuật ý nghĩa chỗ trống đó. Do tính chất và chức năng của một phép tỉnh lược là duy trì sự liên kết, tránh sự lặp lại một cách nhàm chán, thì phương thức tỉnh lược hồi chỉ với cách sử dụng chỗ trống để quy chiếu ngược lại như vậy, thậm chí còn có khả năng làm tăng thêm tính liên kết và tính mạch lạc trong một phát ngôn hoặc một chuỗi phát ngôn. Như vậy, tỉnh lược hồi chỉ đóng một vai trò khá quan trọng trong việc diễn đạt ngữ nghĩa của người nói theo ý đồ thông báo khác nhau.
Chương 2
TỈNH LƯỢC HỒI CHỈ CHỦ NGỮ TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT
Tỉnh lược hồi chỉ thường được sử dụng rất phổ biến trong tiếng Anh nhằm tránh sự lặp lại không cần thiết, tương đương với việc thay thế bằng “zê rô”. Đặc biệt, trong tiếng Anh, người nói cũng như người viết thường có xu hướng lược bỏ bớt thành phần trong phát ngôn hơn là lặp lại chúng. Nguyên tắc hoạt động của tỉnh lược hồi chỉ là rút gọn và liên kết song phải đảm bảo không được làm phương hại đến sự trọn vẹn của nội dung thông báo của phát ngôn, sự chính xác của sở chỉ. Hiệu quả mà nó đem lại có thể là tiết kiệm lời, liên kết chặt chẽ trong một phát ngôn hoặc trong các phát ngôn với nhau.
Tuy nhiên, như đã nói đến trong phần trước, ưu điểm vượt trội của phương thức liên kết tỉnh lược hồi chỉ so với các loại khác là nó có thể duy trì liên kết, tạo tính mạch lạc cao nhất cho phát ngôn hoặc chuỗi phát ngôn mà không cần lặp lại những thành phần không cần thiết. Do có tầm quan trọng như vậy nên trong tiếng Anh, tỉnh lược hồi chỉ hành chiếu như các đơn vị ngữ pháp thông dụng ở cả cấp độ câu và chuỗi câu, trong các đoạn hội thoại ... Qua khảo sát tư liệu, chúng tôi nhận thấy rằng, nếu lấy tiêu chí là chức vụ cú pháp của yếu tố được tỉnh lược hồi chỉ để phân loại, chúng ta sẽ thấy có các dạng thức biểu hiện của tỉnh lược hồi chỉ trong tiếng Anh như sau: Tỉnh lược hồi chỉ chủ ngữ, tỉnh lược hồi chỉ vị ngữ, tỉnh lược hồi chỉ chủ ngữ và vị ngữ, tỉnh lược hồi chỉ mệnh đề, tỉnh lược hồi chỉ bổ ngữ, tỉnh lược hồi chỉ trạng ngữ, tỉnh lược hồi chỉ định ngữ. Như đã khẳng định trước đó, luận văn này chúng tôi sẽ khảo sát và nghiên cứu đối chiếu hiện tượng tỉnh lược hồi chỉ của 2 thành phần nòng cốt câu là: chủ ngữ, vị ngữ. Trong khuôn khổ chương 2 này, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích và đối chiếu hiện tượng tỉnh lược hồi chỉ chủ ngữ trong tiếng Anh và tiếng Việt.
Chủ ngữ là một trong hai thành phần chủ chốt của nòng cốt câu, có vai trò xác nhận tính hoàn chỉnh của một cấu trúc thông báo. Trong giới ngôn ngữ học đã có rất nhiều nhà ngôn ngữ học bàn về chủ ngữ như: Nguyễn Minh Thuyết, Diệp Quang Ban, Nguyễn Kim Thản.... Trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi sẽ xem xét chủ ngữ theo quan điểm của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. Ông quan niệm rằng: “Chủ ngữ là bộ phận của nòng cốt câu biểu thị chủ thể ngữ pháp của vị ngữ, tạo ra cùng vị ngữ một kết cấu có khả năng nguyên nhân hóa.”. Theo tác giả Nguyễn Minh Thuyết, chủ ngữ có hai đặc điểm xét về mặt hình thức, đó là:
- Là thành tố bắt buộc, không thể bị lược bỏ mà không ảnh hưởng đến tính trọn vẹn của câu. Nhờ đặc điểm này, ta có thể phân biệt chủ ngữ với những thành tố nằm ngoài nòng cốt câu như trạng ngữ, khởi ngữ trong trường hợp các thành tố ấy đứng đầu câu.
- Cùng vị ngữ tạo ra một kết cấu có khả năng nguyên nhân hóa. Nhờ đặc điểm này, ta có thể phân biệt chủ ngữ với bổ ngữ, một thành tố khác của nòng cốt câu, trong trường hợp thành tố ấy là thể từ.
Mặc dù là một trong hai thành phần nòng cốt câu, nhưng trong hoạt động ngôn từ, chủ ngữ lại là thành phần dễ bị lược bỏ đi nhất. Do đó, thật dễ hiểu khi mà hiện tượng tỉnh lược hồi chỉ chủ ngữ xảy ra rất phổ biến, có thể coi là nhiều nhất ở cả tiếng Anh và tiếng Việt.