3.1. Quan điểm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về thuế, phí và lệ phí áp dụng đối với xăng dầu. với xăng dầu.
Xăng dầu là hàng hóa vật tư đặc biệt và có ý nghĩa chiến lược đối với mỗi quốc gia. Xăng dầu được coi là mặt hàng thiết yếu đem lại nguồn thu cho ngân sách thông qua các chính sách thuế và cách thức quản lý giá bán xăng dầu. Với vai trò là nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, Nhà nước đưa ra các chính sách về thuế áp dụng đối với xăng dầu, thông qua đó điều chỉnh giá bán xăng dầu trên thị trường, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và lợi ích của người tiêu dùng. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, xu hướng Nhà nước đang hướng tới là để mặt hàng xăng dầu được kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Nhà nước đang tiến hành từng bước điều hành giá xăng dầu đảm bảo bù đắp được chi phí và chấm dứt hỗ trợ tài chính đối với kinh doanh mặt hàng xăng dầu, giá bán xăng dầu sẽ được điều chỉnh cao, thấp phụ thuộc vào giá bán mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới, Nhà nước sẽ một mặt điều hành giá thông qua các công cụ thuế.
Quan điểm 1: Thuế và các khoản phí áp dụng đối với xăng dầu phải phù hợp với từng giai đoạn, thời kì phát triển của đất nước.
Giá xăng dầu và các sản phẩm lọc hóa dầu từ trước tới nay luôn là yếu tố khá nhạy cảm tác động tới nền kinh tế của mỗi quốc gia nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Mỗi chính phủ can thiệp vào cơ chế điều hành giá với mức độ và phương thức khác nhau sao cho phù hợp với tình hình thực tế của nước mình. Tùy theo sự phát triển của nền kinh tế quốc gia mà cơ chế quản lý giá xăng dầu cũng khác nhau. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển thì thường giá xăng dầu do cơ chế cung cầu trên thị trường điều tiết. Các quốc gia phát triển và kém phát triển thì chính phủ có xu hướng kiểm soát giá xăng dầu chặt. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, để quản lý thị trường xăng dầu, Nhà nước cũng đã có nhiều thay đổi cơ chế, đặc biêt là các công cụ thuế cho phù hợp với thời kì. Nước ta đã là thành viên của WTO, trong những năm tới với lộ trình cam kết cắt giảm thuế do vậy cần có những tính toán, cân nhắc thật phù hợp góp phần vào sự phát triển của nước nhà.
Quan điểm 2: Các chính sách về thuế, phí áp dụng đối với xăng dầu phải đảm bảo lợi ích ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Với vai trò là nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, Nhà nước cần phải tính toán thuế một cách khoa học để ổn định được nguồn thu mà không phụ thuộc vào sự tăng giảm đột biến của xăng dầu thế giới. Pháp luật về thuế cần có sự thay đổi tích
cực, nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị kinh tế xã hội. Mặt khác, là công cụ điều chỉnh giá bán xăng dầu, Nhà nước cần tính toán mức thuế suất các loại thuế áp dụng đối với xăng dầu sao cho tạo được sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc xác định giá bán, vừa chủ động trong nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu để đảm bảo giải quyết một cách hài hóa lợi ích quốc gia, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng.
• Đảm bảo lợi ích Nhà nước.
Có thể nói việc ổn định phát triển kinh tế vĩ mô là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với các chính sách của Nhà nước trong việc quản lý đối với xăng dầu. Xăng dầu là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng đối với hầu hết các ngành kinh tế, đặc biệt là đối với ngành giao thông vận tải, hệ thống mạch máu của nền kinh tế, việc dùng các công cụ thuế để điều chỉnh giá các loại xăng dầu sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành kinh doanh vận tải. Trong các công ty kinh doanh xăng dầu thì các công ty có nguồn vốn Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, chính vì thế việc dùng các công cụ kinh tế can thiệp vào thị trường hàng hóa này dù thế nào cũng phải đảm bảo được tính hiệu quả kinh tế của việc kinh doanh xăng dầu, chính vì vậy việc đổi mới các quy phạm pháp luật về thuế áp dụng đối với xăng dầu nói riêng và các cơ chế chính sách nói chung là một nhiệm vụ hết sức cần thiết và quan trọng, đặc biệt trong thời gian tới, với việc gia nhập WTO thì đây là một việc bắt buộc vì nếu không làm điều đó, không chỉ nguồn vốn Nhà nước không được sử dụng hiệu quả, làm cho thị trường không hấp dẫn, nguồn thu ngân sách thông qua thuế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thuế vừa là công cụ vừa là mục đích trong quản lý Nhà nước, Nhà nước sử dụng thuế để điều tiết và can thiệp vào thị trường, bên cạnh đó, việc làm thế nào để thu được nhiều thuế cũng là một yêu cầu quan trọng, tuy nhiên để thu được nhiều thuế và lâu dài đòi hỏi Chính phủ phải có chính sách hợp lý để nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu này trong dài hạn, chính vì thế các chính sách thuế nhất thiết phải bám sát được thực tế kinh doanh.
• Đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Đảm bảo kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là cần thiết để các doanh nghiệp này có thể tái sản xuất kinh doanh, chính vì thế việc can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này phải được cân nhắc kỹ càng, bên cạnh đó các chính sách về thuế cũng phải tạo ra được sức ép đào thải để buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực trong hoạt động không để xảy ra tình trạng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoặn khó khăn.
Các chính sách thuế, các khoản phí xăng dầu phải đảm bảo tính toán hợp lý, cân đối với các chính sách phát triển kinh tế xã hôi. Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng-một loại hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu thiết yếu thường ngày của người tiêu dùng cần cân nhắc xem xét, có giải pháp phù hợp để có hướng đi đồng nhất.
Quan điểm 3: Thuế và phí áp dụng đối với xăng dầu phải giúp các doanh nghiệp hoạt động hết hiệu quả có thể.
Những năm gần đây, và tiến tới thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước. Các chuyên gia dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ, những khó khăn tiếp tục kéo dài trong một vài năm tới, nền kinh tế tăng trưởng chậm, khu vực kinh tế trong nước còn khó khăn. Trong ngành xăng dầu nói riêng, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đề xuất Chính phủ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng đối với xăng dầu (mà tiêu biểu là nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu) theo hướng tiếp cận thị trường, giao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp trong việc điều chỉnh giá bán lẻ, nhưng Chính phủ vẫn giữ quyền can thiệp vào điều hành thông qua các công cụ thuế. Quan điểm đưa ra là các loại thuế này phải giúp các doanh nghiệp thích nghi một cách tối đa nhất trong khi thị trường biến động, khó khăn. Việc điều chỉnh các mức thuế suất cần phải tính toán cân nhắc chính xác, đưa ra các văn bản quy phạm pháp luật trong từng thời kì phải có tính hợp lý cao, kịp thời , hợp lý.
Quan điểm 4: Khuyến khích hoạt động sản xuất của các Nhà máy lọc dầu trong nước, cân đối giữa kinh doanh xăng dầu sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Trong thời gian qua, nguồn cung cấp xăng dầu cho tiêu thụ trong nước được đáp ứng từ nguồn nhập khẩu, vì vậy để thu tập trung và để tránh gian lận thương mại, nên các khoản thu của ngân sách hiện nay chủ yếu thu ở khâu nhập khẩu qua thuế nhập khẩu. Với cách điều hành thuế nhập khẩu hiện nay đáp ứng được yêu cầu nguồn thu ngân sách được tập trung, tận thu khi giá xăng dầu trên thị trường xăng dầu trên thế giới xuống thấp. Tuy nhiên, khi xăng dầu tiêu thụ trong nước được đáp ứng từ hai nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước, nếu để thuế nhập khẩu cao (tối đa 40%) sẽ không khuyến khích nhà máy lọc dầu hạ thấp chi phí vì được bảo hộ thông qua thuế nhập khẩu cao, dễ dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn cung do nhập khẩu không cạnh tranh được. Cần thiết phải cải cách thuế nhập khẩu một cách căn bản, theo cam kết giảm thuế, thay bằng khoản thu mới bù đắp phần hụt do giảm thuế nhập khẩu, lượng xăng dầu được sản xuất trong nước cần được thu tương đương với nguồn nhập khẩu để bình đẳng giữa kinh doanh xăng dầu nhập khẩu với kinh doanh xăng dầu sản xuất trong nước.