0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (105 trang)

Phát huy nhân tố con người với tư cách là một thực thể thống nhất giữa phẩm

Một phần của tài liệu VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT HUY NHÂN TỐ CON NGƯỜI TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (Trang 29 -29 )

7. Kết cấu của luận văn

1.2.2. Phát huy nhân tố con người với tư cách là một thực thể thống nhất giữa phẩm

nhất giữa phẩm chất và năng lực

Theo Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp vinh quang, song đầy khó khăn, gian khổ. Muốn thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng ấy, việc phát huy phẩm chất (đức) và năng lực (tài) của mỗi con người đóng vai trò quyết định. Đánh giá cao vai trò của đức và tài, song, Người không tách rời hai yếu tố này mà đặt chúng trong mối quan hệ biện chứng, trong đó, đạo đức được coi là gốc, là nền tảng của người cách mạng và của con người nói chung.

“Đức là gốc” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là đạo đức mới – đạo đức cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân, kết hợp truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và những tinh hoa của đạo đức nhân loại, hướng tới phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Sự khác biệt giữa đạo đức cũ với đạo đức mới đã được Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có người cho đạo đức cũ và đạo đức mới không có gì khác nhau. Nói như vậy là lầm to. Đạo đức cũ và đạo đức mới khác nhau nhiều. Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững dưới đất, đầu ngẩng lên trời”. Đó quyết không phải là đạo đức thủ cựu. “Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người” [60, tr252]. Thực hiện một cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cá nhân phải là những tấm gương sáng về rèn luyện và thực hành trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung.

Khi đánh giá vai trò của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn

của sông suối. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì” [60, tr252]. Người so sánh: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” [64, tr283].

Đạo đức là gốc, là nguồn, là nền tảng, bởi vì, muốn làm cách mạng thì trước hết con người phải có cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động, với cả dân tộc mình. Cái tâm, cái đức ấy lại phải thể hiện trong các mối quan hệ xã hội hàng ngày với dân, với nước, với đồng chí, đồng nghiệp, với mọi người xung quanh mình. Phải có tâm, có đức mới giữ vững được chủ nghĩa Mác - Lênin và đưa được chủ nghĩa Mác - Lênin vào cuộc sống. Con đường Hồ Chí Minh đi đến chủ nghĩa Mác – Lênin, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin là một minh chứng rất rõ về điều đó.

Đạo đức là gốc, là nền tảng vì liên quan tới Đảng cầm quyền. Hồ Chí Minh trăn trở: Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn xã hội, lãnh đạo Nhà nước, nếu cán bộ, đảng viên của Đảng không tu dưỡng về đạo đức cách mạng thì mặt trái của quyền lực có thể làm tha hóa con người. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải “là đạo đức, là văn minh” [65, tr5]. Như vậy, Đảng cộng sản muốn đóng được vai trò tiên phong thì trước hết phải là một Đảng tiêu biểu cho đạo đức cách mạng, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Bởi thế, một Đảng nếu xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng, nếu thoái hóa về đạo đức thì tức là đã hỏng từ "gốc" và cuộc cách mạng nếu được tiếp tục, tất yếu

sẽ bị biến chất và không còn ý nghĩa. Tất nhiên, một Đảng tiên phong cách mạng nếu chỉ có đạo đức cách mạng thì chưa đủ mà Đảng còn phải "là văn minh", phải tiêu biểu cho trí tuệ của cả dân tộc. Ngoài đạo đức cách mạng là yêu cầu tiên quyết, Đảng còn phải có trí tuệ, có năng lực nhận thức quy luật và hành động cách mạng đúng đắn, biết phân tích chính xác tình hình, đề ra đường lối, chủ trương sát đúng, đưa cách mạng tiến lên từng bước.

Có thể nhận thấy, quan niệm "Đảng ta là đạo đức, là văn minh", đạo đức là "gốc" trong xây dựng Đảng là một tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng sẽ mất vai trò lãnh đạo và không được nhân dân tín nhiệm nữa nếu Đảng yếu kém, không trong sạch, suy thoái về đạo đức. Người cảnh báo: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân"; cán bộ, đảng viên muốn cho dân tin, dân yêu, dân phục thì không phải “viết lên trán chữ cộng sản là được quần chúng yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức” [67, tr557]. Do đó, thường xuyên tự đổi mới và tự chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu khách quan của chính sự nghiệp cách mạng trong tất cả các thời kỳ. Trong Di chúc của mình, phần nói về những công việc phải làm sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: "Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi" [67, tr503]. Phải chăng, Người muốn dành bài viết cuối cùng cho điều mà Người tâm huyết nhất và cũng là điều mà Người trăn trở nhất trong sự nghiệp cách mạng - đó là vấn đề "nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", là "thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân" [64, tr291].

Vai trò của đạo đức cách mạng còn thể hiện ở chỗ đó là thước đo lòng cao thượng của con người. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, mỗi người có công việc, tài năng, vị trí khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức cách mạng đều là người cao thượng.

Là một hình thái ý thức xã hội, đạo đức không phải phụ thuộc một chiều vào tồn tại xã hội, vào những điều kiện vật chất kinh tế. Nó có khả năng tác động tích cực trở lại, cải biến tồn tại xã hội. Giá trị đạo đức tinh thần một khi được con người tiếp nhận sẽ biến thành một sức mạnh vật chất.

Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại cũng không lùi bước, chán nản...; khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ tinh thần khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo.v.v...

Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, không có nghĩa là tuyệt đối hóa mặt đức, coi nhẹ mặt tài, mà phải nhận thức đức và tài có mối quan hệ mật thiết với nhau. Có đức phải có tài, nếu không có tài sẽ không mang lại lợi ích gì mà còn có hại cho dân. Như Hồ Chí Minh đã phân tích, người nào có đức mà không có tài thì cũng chẳng khác gì ông Bụt ngồi trong chùa, không làm hại ai, nhưng cũng chẳng có ích gì. Ngược lại, nếu có tài mà không có đức, thì cũng chẳng khác gì một anh làm kinh doanh giỏi, đem lại nhiều lãi, nhưng lãng phí, tham ô, ăn cắp của công, thì như vậy chỉ có hại cho dân cho nước, còn sự nghiệp của bản thân thì sớm muộn cũng đổ vỡ. Vì thế, Chủ tịch Hồ chí Mình đòi hỏi, mỗi cán bộ, đảng viên cùng với phẩm chất cách mạng cao quý còn phải có năng lực, vì có năng lực mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ được giao. Người dạy rằng: “Cũng giống như các tổ chức chiến đấu trong thành phố, đơn vị du kích chỉ có thể giành được thắng lợi nếu như mỗi chiến sĩ, đặc biệt là các chỉ huy, biểu lộ tối đa năng lực…” [57, tr430], "Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung” [65, tr313]. Muốn vừa thạo về chính trị, vừa giỏi về chuyên môn, mỗi đảng viên phải ra sức học tập chủ

nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hoá, kỹ thuật và nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của mình. Bởi vì, có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm tốt được công tác Đảng giao cho mình; “có nắm vững đường lối cách mạng mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo phương hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay” [67, tr94]. Người cũng chỉ rõ rằng, muốn học tập có kết quả tốt, phải có thái độ đúng và phương pháp đúng, lý luận phải liên hệ với thực tế, phải “biến những điều đã học thành hành động cách mạng thực tế. Học phải đi đôi với hành, chứ không phải học để nói suông” [67, tr95].

Trong mối quan hệ giữa đức – tài, Người yêu cầu: Tài càng lớn thì đức phải càng cao, vì đức - tài là nhằm phục vụ nhân dân và đưa cách mạng đến thắng lợi. Chính vì thế, Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc. Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc giây leo trời” [60, tr208]. Mặt khác, “Đức là gốc” vì trong đức đã có tài, có cái đức sẽ đi đến cái trí. Người thực sự có đức thì bao giờ cũng cố gắng học tập, nâng cao trình độ, nâng cao năng lực, tài năng để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Khi đã thấy sức không vươn lên được thì đối với ai có tài hơn mình, mình sẵn sàng học tập, ủng hộ và nhường bước để họ vượt lên trước. Ý nghĩa “đức là gốc” chính là ở chỗ đó.

Như vậy, trong sự phát triển xã hội, trong quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới – con người luôn đóng vai trò quyết định nhất. Để đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Con người xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh đó là những con người có lòng

nồng nàn yêu nước, trong sáng về đạo đức và xuất sắc về tài năng; là những con người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, hồng thắm, chuyên sâu. Là con người có ý thức và năng lực làm chủ, có tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa, chăm lo việc nước. Đó là con người ham học hỏi, cầu tiến bộ, am hiểu lý luận Mác - Lênin, có kiến thức văn hoá, khoa học, kỹ thuật, nhạy bén với cái mới, có tinh thần không ngừng tìm tòi, sáng tạo.

1.2.3. Biết dùng người để phát huy nhân tố con người

Tro[ng toàn bộ cuộc đời hoạt động của mình, trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh đã xác lập những quan điểm cơ bản về dùng người, về sử dụng và phát huy nhân tố con người với tinh thần thực sự cách mạng và khoa học. Trong những năm đầu vô cùng khó khăn của chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh viết một loạt bài "Về việc tiếp chuyện các đại biểu"; "Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà"; "Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân"; "Nhân tài và kiến quốc"…đặc biệt là bài "Tìm người tài đức" với những lời lẽ rất chân thành, kính trọng để chiêu hiền đãi sĩ: "Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân… Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng" [59, tr451]. Tư tưởng này được thể hiện đầy đủ nhất trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", tháng 10-1947. Những bài viết ấy của Hồ Chí Minh đã đưa ra những tư tưởng, chỉ dẫn quý báu trong việc dùng người để phát huy nhân tố con người. Hồ Chí Minh cho rằng trong tất cả các yêu tố thì “nhân hoà” là quan trọng nhất nên mục tiêu của dùng người là đạt tới "Nhân hòa". Dùng người thực chất là phát huy mọi tiềm năng của nhân tố con người nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp cho khối đại đoàn kết dân tộc giải quyết những nhiệm vụ cách mạng. Vì vậy, dùng người không bó hẹp ở phạm vi giai cấp, đoàn thể nhất định mà là tất cả mọi người: Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, trai, gái, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc; không chỉ người ở trong Đảng, của Việt Minh, mà còn rất nhiều người tài đức ở ngoài, thậm chí dùng người "không kháng chiến, những người

"dinh tê" cũng không khinh rẻ họ, mà phải giúp đỡ cho họ tiến bộ, để họ cùng ta làm việc” [62, tr347]. Bởi vì, sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc là "sự nghiệp chung", là việc chung của dân chúng chứ không phải việc của một hai người cho nên ai có tài, ai có đức, ai có sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ.

Hồ Chí Minh chủ trương, phát huy nhân tố con người trên nền tảng dùng người tài. Người tài hay nhân tài, theo Hồ Chí Minh, được hiểu theo nghĩa rộng rãi nhất: "tài to, tài nhỏ"; "người có danh vọng", "người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi của Tổ quốc, nhân dân", "người hiền tài", "hiền năng", "người hay, người giỏi"… nhưng có chung mục đích "vì quyền lợi của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào".

Theo Hồ Chí Minh, dùng người phải cho đúng và khéo. Giữa đúng và khéo có quan hệ chặt chẽ với nhau, đúng mà không khéo thì kết quả sẽ bị hạn chế. Khéo mà không đúng thì nhất định sẽ hỏng việc, có khi còn hỏng cả "người". Đúng là yêu cầu cơ bản đầu tiên, vì có đúng thì sẽ thể hiện khéo, chọn đúng người là thực chất của việc dùng người, là một khoa học. Khéo phải đảm bảo dẫn đến cái đúng, cái khách quan, khéo là một nghệ thuật. Trong cái đúng không thể không có cái khéo và khéo dùng người phải hướng tới đúng, lấy đúng làm tiền đề, làm nguyên tắc. Trong cái nọ có cái kia, không thể tách rời giữa hai cái. Đây là biện chứng của thuật dùng người.

Vậy làm thế nào để dùng người và khéo dùng người? Theo Hồ Chí Minh, muốn dùng người cho đúng, cho khéo trước hết phải hiểu đúng, đánh giá đúng con người. Muốn hiểu đúng, đánh giá đúng thì phải thực hành thường xuyên

Một phần của tài liệu VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT HUY NHÂN TỐ CON NGƯỜI TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (Trang 29 -29 )

×