7. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Hiện trạng môi trường làng nghề
Thực tế cho thấy, phần lớn các cơ sở trang thiết bị sản suất hàng khảm trai mỹ nghệ ở Chuyên Mỹ đơn giản thủ công, công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng nguyên liệu thấp, mặt bằng sản suất hạn chế, việc đầu tư cho xây dựng các hệ thống xử lý nước, chất thải hầu như không được quan tâm. Ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình mình của người lao động còn rất hạn chế. Vì vậy, vấn đề hết sức bức xúc ở các làng nghề là hiện tượng ô nhiễm, nhiều nơi đã và đang trong tình trạng báo động về nước thải, khí thải…từ quá trình sản xuất các sản phẩm. Ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, đến môi trường sinh thái, hạn chế sự đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn, ảnh hưởng đến việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề một cách bền vững.
Những năm qua, nhiều làng nghề truyền thống ở Chuyên Mỹ được khôi phục và đầu tư phát triển mạnh. Sự phát triển của các làng nghề đã đem lại hiệu quả khá cao trên nhiều phương diện. Tuy nhiên sự phát triển các làng nghề do nhiều nguyên nhân đã dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều nơi đã trên mức báo động. Nước thải sản xuất không được xử lý, hàm
lượng các chất độc hại thải ra môi trường ở các làng nghề đều ở mức cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Chỗ làm việc, sản xuất (với các nguyên liệu, hoá chất độc hại) chung với nơi sinh hoạt gia đình, tiếng ồn, bụi, ánh sáng hầu như không đạt tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp.
Với sự phát triển về qui mô, cơ sở hạ tầng yếu kém, công nghệ lạc hậu cùng với không có một biện pháp giảm thiểu tác động môi trường nào dù là đơn giản nhất được áp dụng nên môi trường ở Chuyên Mỹ đã bị tác động khá nặng nề.
* Tác động tới môi trường đất, nước, không khí.
Hầu hết diện tích đất ở và phần đất hai bên trục đường liên xã, dọc theo sông Nhuệ đã được sử dụng làm mặt bằng sản xuất. Các xưởng được xây dựng rất sơ sài, đồng thời là nơi tập kết nguyên - vật liệu, sản phẩm. Diện tích thao tác chật hẹp; hệ thống điện nước lắp đặt tuỳ tiện, không an toàn; đường giao thông chính của xã xuống cấp nhanh và hay bị ách tắc do hoạt động vận chuyển quá tải; không có hệ thống cấp nước, thu gom nước thải từ các hộ sản xuất; các loại chất thải đều được dân đổ ra cống, phía sau các nhà xưởng. Môi trường đất chịu tác động của các chất độc hại từ các nguồn thải đổ bừa bãi và nước mưa bị nhiễm bẩn ngấm xuống. Nước thải sau khi cắt và mài trai có nhiều bột từ vỏ trai hay bụi gỗ theo cống chảy xuống cống rãnh, sau đó chảy vào ao hồ gần đó. Do đó cống rãnh ở các thôn, nhất là thôn Thượng hay bị tắc, nước thải có màu trắng đục. Thỉnh thoảng người dân trong làng lại phải khơi thông cống rãnh. Mỗi lần làm như vậy là có tới vài xe bò chở đầy chất bột màu trắng. Nếu nước thải này ngấm xuống đất, liệu nước giếng khoan của các gia đình trong xã có bị ảnh hưởng gì không? Sức khỏe của người dân thế nào? Dải đất canh tác phía sau các hộ sản xuất đều bị bỏ hoang do ô nhiễm. Hàng năm mỗi hộ lấn ra xung quanh khoảng 20-50 m2 bằng các loại chất thải rắn. Ước tính trong khoảng 5 đến 7 năm tới, diện tích mặt nước và đất canh tác liền kề các hộ sản xuất sẽ bị san lấp hoàn toàn hoặc không sử dụng được. Nước thải, nước mưa mang theo các chất độc hại làm ô nhiễm hệ thống nước mặt, nước ngầm.
Bên cạnh đó, môi trường không khí tại khu vực làng nghề bị ô nhiễm nặng do bụi và khí thải, tiếng ồn, và các hoạt động vận tải. Do phát triển tự phát công nghệ xử lý chất thải như dầu bóng sử dụng để phun hàng sơn khảm nên mùi sơn nồng nặc làm cho người lao động cảm thấy khó thở, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân trong vùng. Để giảm thiểu việc hít thở trực tiếp bụi trai hay khí thải từ khâu phun, đánh bóng hàng hóa, những người thợ trực tiếp làm việc đã khắc phục bằng hình thức đeo khẩu trang, đeo kính, dùng quạt điện thổi bớt mùi. Nhưng đó
mới chỉ là những biện pháp có tính chất tạm thời. Về lâu dài để khắc phục được tình trạng này cần có những nghiên cứu nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người dân Chuyên Mỹ.
* Tác động tới môi trường sinh thái - cảnh quan.
Các hoạt động sản xuất của làng nghề đã làm ô nhiễm và thay đổi hoàn toàn môi trường sinh thái, cảnh quan khu vực. Khi nghĩ về phong cảnh làng quê Việt Nam là mọi người đều nghĩ đến những lũy tre, những rặng cây xanh mướt, những cây ăn quả trong vườn nhà. Nhưng về Chuyên Mỹ, giờ đây chúng ta không còn được nhìn thấy phong cảnh như thế nữa. Đường lát bê tông dọc theo bờ sông cũng như đường trong làng không có bóng mát của cây xanh hai bên đường. Cây cối lúc đầu bị phủ bụi trai ốc, bụi gỗ trắng xóa, sau đó dần dần chết. Vườn nhà cũng không có cây cối. Thực vật ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc môi trường bị ô nhiễm. Vật tư, sản phẩm và các loại chất thải đổ xung quanh nơi sản xuất và cả trên đường giao thông, sông, các nhà ở và xưởng xen nhau, bụi, mức ồn cao và liên tục..., đã tạo nên một khung cảnh hỗn loạn và ô nhiễm. Nước sông Nhuệ mang màu đen. Lòng sông Nhuệ, đất canh tác và các ao hồ trong làng đã hoặc đang bị lấp dần bởi chất thải, không sử dụng được vào mục đích nào khác, ở một số ao nuôi cá đã có hiện tượng cá bị chết hàng loạt sau khi bơm nước từ sông Nhuệ vào.
* Tác động đến sức khỏe cộng đồng.
An toàn và sức khoẻ của nguời lao động trong làng nghề không được đảm bảo. Số giờ làm việc liên tục trung bình mỗi ngày 12 - 16 giờ trong điều kiện diện tích làm việc chật hẹp, mức ô nhiễm cao. Trong các nhà xưởng không có sự chuẩn bị nào cho an toàn cháy nổ, mặc dù ở khắp làng đều tiềm tàng những nguy cơ gây cháy nổ do điện, lò, hoá chất, xăng, dầu v.v... Trong các nhà khảm, sơn, các loại hoá chất độc hại không được bảo quản đúng quy định. Hầu hết công nhân làm việc trong điều kiện thiếu hiểu biết về nghề nghiệp và an toàn lao động; không có trang bị bảo hộ lao động.
Tất cả các yếu tố trên tác động trực tiếp và thường xuyên tới người lao động và dân cư trong làng nghề. Các loại bệnh đường hô hấp, ngoài da, khô mắt,... chiếm tỷ lệ cao trong tổng số dân cư trong khu vực làng nghề. Đặc biệt là tỷ lệ mắc các bệnh trên ở nhóm người tham gia sản xuất và không tham gia sản xuất tương đương nhau.