Quy trình

Một phần của tài liệu LÀNG NGHỀ KHẢM TRAI CHUYÊN MỸ (PHÚ XUYÊN- HÀ TÂY) VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LÀNG NGHỀ (Trang 36)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.3. Quy trình

Quy trình sản xuất đồ khảm trai không phải là sự lao động nặng nhọc, phức tạp mà đòi hỏi phải có tài nghệ, tính cần cù, khéo léo, chính xác và kiên nhẫn. Imbert đã ca ngợi tài nghệ của những người thợ khảm trai trong cuốn Le Tonkin industriel et commercial và gọi họ là “những nhà nghệ sĩ đã nắm vững được một khái niệm công nghệ ở một trình độ cao nhất” [16, tr. 112]. Quá trình tạo ra được sản phẩm khảm trai bao gồm nhiều công đoạn khác nhau. Tùy theo kỹ thuật chế tạo sản phẩm và kinh nghiệm của người thợ mà có sự phân công lao động cho từng

dường như không thay đổi vì yêu cầu của sản phẩm cần phải có chất lượng cao cả về giá trị sử dụng lẫn thẩm mỹ nghệ thuật nên đòi hỏi người lao động phải có tay nghề vững vàng, quá trình sản xuất được chuyên môn hóa chặt chẽ.

2.1.3.1. Chế tác nguyên liệu

Khâu sơ chế vỏ trai ốc là khâu vất vả nhất.

- Cắt vỏ trai ốc: Đầu tiên người ta mài bỏ lớp vỏ tự nhiên bám trên vỏ trai ốc. Tùy vào từng con trai, con ốc, tùy thuộc vào kinh nghiệm mà người thợ cắt trai ốc thành hai hay ba phần (còn gọi là thỏi hay thẻ). Các thỏi thường có chiều rộng khoảng 3cm, còn chiều dài bằng đúng vỏ trai ốc. Thỏi 1 hay thỏi mũi là phần phẳng và có màu đẹp nhất, thỏi 2, thỏi 3 là phần dày của vỏ trai ốc hay còn gọi là thỏi gót (chỉ dùng để làm khuy, thìa...). Công việc này thực chất là tuyển chọn chất lượng nguyên liệu. Người thợ cần tận dụng một cách tối đa diện tích vỏ trai ốc để phục vụ cho việc gia công các họa tiết sau này và tiết kiệm được một cách tối đa nguyên vật liệu. - Mài vỏ trai ốc: Sau khi cắt xong, vỏ trai ốc vẫn rất dày. Để có thể cưa mảnh trai ốc theo các hoạ tiết của bức tranh thì chúng phải có độ mỏng đều. Vì thế trước đây người ta mài bằng tay trên đá ráp, vừa mài vừa thỉnh thoảng tưới nước cho đỡ bụi. Do làm bằng tay nên vỏ trai vẫn chưa được mỏng đều. Hơn nữa, công đoạn này mất nhiều công sức và thời gian. Ngày nay những người thợ Chuyên Mỹ đã chế tạo ra được một loại máy mài gọi là máy đủn. Phía trên máy có nước tự động chảy nên chỉ cần chuyên tâm chú ý vào việc mài cho đều mà thôi.

- Ép cho phẳng: Vì các thẻ sau khi được cắt vẫn có sự cong vênh nên phải ép cho phẳng để tiện cho việc thực hiện các công đoạn tiếp theo. Trước đây, người thợ phải hơ những thẻ trai ốc này trên lửa cho dẻo để uốn phẳng. Nhưng hiện nay đã có máy ép gọi là máy lau nên làm nhanh và tiện hơn rất nhiều, hơn nữa miếng trai cũng phẳng hơn.

Ba công đoạn trên là công việc chuyên môn đặc biệt của dân thôn Thượng. Họ đã biết kết hợp giữa sự khéo léo của đôi bàn tay, sự nhạy cảm trong việc tuyển chọn và tận dụng nguyên liệu với việc sử dụng các loại máy móc công nghiệp để trở thành những người thợ chuyên môn làm công đoạn chế biến nguyên liệu trai ốc. Sản phẩm của người thôn Thượng chính là nguyên liệu cho những người thợ khảm trai Chuyên Mỹ và cả nước. Có thể khẳng định rằng: về mặt chế biến nguyên liệu khảm trai thì không một nơi nào có nghề khảm trai của Việt Nam có thể làm tốt

như người thợ thôn Thượng xã Chuyên Mỹ. Vì thế, dù ở bất cứ đâu, khi cần nguyên liệu trai ốc thì đều phải mua từ thôn Thượng.

2.1.3.2. In và vẽ họa tiết lên những miếng thẻ trai ốc

Trước hết người thợ khảm cần quan sát kỹ bản vẽ để lựa chọn và những miếng trai ốc sao cho phù hợp với các chi tiết trong bức tranh về màu sắc cũng như độ to nhỏ. Người thợ thường ướm thử những miếng trai lên trên hình mà họ định khảm. Công đoạn này đòi hỏi phải có khả năng phân tích, tổng hợp trực quan (tức là tư duy hình ảnh trong từng trường hợp cụ thể của quy trình sản xuất). Chẳng hạn như khi can hình mẫu lên mảnh vỏ trai, vì mảnh vỏ trai thường nhỏ hơn nhiều so với kích thước của hình mẫu nên người thợ phải phân chia hình mẫu thành các bộ phận cấu thành. Nếu mảnh trai nhỏ hơn hoạ tiết trên hình mẫu thì can từng phần của hình mẫu. Mỗi một hoạ tiết trên hình mẫu có màu sắc khác nhau mà trên mỗi mảnh vỏ trai lại có các mảng màu sắc khác nhau. Cho nên khi can hình mẫu người thợ phải lựa chọn cho phù hợp. Ví dụ, để khảm hình hoa đào, người ta chọn miếng trai có ánh màu hồng, còn lá cây thì miếng trai có ánh màu xanh... Sau khi đã bố trí xong những mảnh trai ốc phù hợp với bức tranh, người thợ bắt đầu dùng bút chì in các hoạ tiết lên trai ốc. Bản vẽ vừa là mẫu cho người làm vừa là vật để người thợ điều chỉnh hoạ tiết. Để vẽ được các chi tiết của bức tranh lên những mảnh trai ốc, người thợ đặt bức tranh lên trên cái bàn hộp làm bằng kính, phía dưới bàn có một bóng đèn điện nhằm tạo ra ánh sáng hắt lên các đường nét của bức tranh trên tờ giấy. Nhờ đó người thợ có thể nhìn thấy rõ các đường nét đó qua mảnh trai mà vẽ theo. Nhưng nếu đó là đề tài quen thuộc thì người thợ có thể không cần dựng bản vẽ. Vẽ xong, người ta dùng cưa để cưa theo nét vẽ đường viền ngoài cùng của hình trên vỏ trai. Công việc này rất tỉ mỉ, kiên trì, nếu nóng vội, cẩu thả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Các hoạ tiết rất khác nhau, rất lắt léo, mỗi đường cong lượn là một động tác tinh xảo. Người thợ tự biết khi nào phải dùng một lực vừa phải để các hoạ tiết không bị gãy mà vẫn làm nhanh và chính xác. Sau đó dùng dũa để làm nhẵn các đường cưa.

2.1.3.3. Dũa

Sau khi cắt, người ta dùng dũa để làm nhẵn các đường cưa. Lúc này người thợ sắp xếp lần lượt những mảnh hoạ tiết bằng trai ốc lên mặt cốt gỗ cần khảm thành một bức tranh, rồi dùng hồ dán những hoạ tiết đó lên trên mặt gỗ.

2.1.3.4. Đục

Trước khi đục, người thợ dùng bút đanh vạch theo những đường viền của các hoạ tiết đó dán vào gỗ. Sau đó gỡ các mảnh trai ra ngoài rồi dùng bột đỏ xoa lên bề mặt gỗ nhằm làm nổi rõ các đường vạch. Người thợ sử dụng các loại lưỡi đục để đục vào bề mặt gỗ theo các đường viền đã vẽ. Khi đục phải chú ý đục sao cho sát với kích thước của hình mẫu và chiều sâu phù hợp với độ dày của mảnh trai để khi đặt mảnh trai thử xuống sẽ vừa khớp và bằng phẳng với mặt gỗ. Để làm hạn chế các vết xước khi đục hố, người ta dùng nến di đều lên bề mặt của các vạch. Tiếp đó người ta gắp những mảnh trai đặt ghép thử xuống lòng khuôn vừa được đục xong. Nếu thấy vừa vặn thì nhấc các mảnh trai lên rồi dùng bay xương hoặc mo sừng phết sơn ta hoặc keo vào lòng hố và lần lượt đưa các hoạ tiết vào các hố đó. Công việc này được gọi là cẩn hoạ tiết lên mặt sản phẩm. Tuy nhiên công việc này còn tuỳ thuộc vào sản phẩm cụ thể, vào độ nông sâu của hố mà cho lượng sơn thích hợp. Khi các hoạ tiết đưa xuống hố ngang bằng với mặt cốt gỗ, dùng ngón tay ấn nhẹ cho ngang bằng với nền cốt. Nếu có sơn thừa trào ra ở mép hoạ tiết và nền cốt gỗ thì được vét sạch bởi mo sừng rồi hong sản phẩm ra nơi thoáng cho mau khô. Đợi khoảng 2 giờ cho những mảnh trai vừa được ghép dính khô vết gắn, dùng đồ ráp hoặc giấy ráp nước mài mặt mảnh trai đã khảm cho thật phẳng và nhẵn đến khi lộ rõ ánh sáng biếc của mảnh trai, mất đi đường ranh giới giữa mảnh trai khảm và mặt gỗ là được.

2.1.3.5. Tách

Đây là công đoạn đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Người ta dùng dụng cụ gọi là bút tách để vẽ lên trên mặt những mảnh trai đã được khảm vào gỗ như mắt của con công con phượng... Khi tách người thợ không bao giờ đưa bút theo hướng đi lên mà chỉ có một dường đi xuống theo chiều thuận của bàn tay. Tuỳ thuộc độ đậm nhạt cần thể hiện trong các hoạ tiết mà người thợ ấn tay mạnh hay nhẹ. Khi ngồi tách người thợ thường phải ngồi quỳ một góc dưới 45 độ so với mặt đất và lệch về một bên để tiện điều chỉnh hoạ tiết theo ánh sáng đi xiên qua trước mặt làm cho dễ quan sát và các nét tỉa được chính xác hơn so với ngồi chính diện.

2.1.3.6. Lải

Trước đây, thợ khảm dùng đá màu (đá xanh) mài nhẹ trên bề mặt các hoạ tiết cho thật phẳng và nhẵn. Sau đó dùng mực tầu quét lên mặt sản phẩm rồi lau sạch. Còn ngày nay, thợ khảm dùng sơn ta trộn với bột đen và 1-2 giọt dầu tây để bôi lên

các hoạ tiết trên sản phẩm rồi để khô. Khi hỗn hợp trên đã khô, người thợ dùng giấy ráp đánh trên bề mặt sản phẩm. Số mực còn đọng lại trên các vệt tách làm nổi bật các hoa văn trên mặt sản phẩm.

2.1.3.7. Đánh bóng

Công đoạn cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm là đánh bóng. Công đoạn này là nhuộm gỗ theo màu mà khách hàng yêu cầu. Có ba màu gỗ cơ bản là đen, trắng và gụ. Sau cùng, người thợ khảm dùng véc- ni để đánh bóng cả gỗ lẫn trai. Sản phẩm đã hoàn thành.

Bảng 2.1. Quy trình các công đoạn của nghề khảm trai

Thứ tự Các công đoạn Đòi hỏi kỹ thuật Phân công lao động

1 Cắt có kinh nghiệm đàn ông

2 Mài kiên trì phụ nữ

3 Ép phẳng có kinh nghiệm đàn ông

4 Vẽ tay nghề cao đàn ông

5 Dũa khéo tay thanh niên

6 In vào gỗ chính xác thanh niên 7 Vạch cần cù, cẩn thận phụ nữ trẻ 8 Đục khéo tay,cẩn thận phụ nữ trẻ 9 Dán hình thợ khá đàn ông 10 Tách tay nghề cao đàn ông

11 Lải biết nghề thanh niên

12 Đánh bóng biết nghề đàn ông

Những công đoạn trên đây là quá trình sản xuất ra sản phẩm khảm trai. Còn sản phẩm sơn mài của làng Bối Khê về nguyên tắc thì giống như khảm trai nhưng do đặc thù riêng nên lại có quá trình phức tạp hơn, tỉ mỉ hơn nữa, nhất là khâu tạo cốt và đánh bóng sản phẩm. Người thợ sơn mài dùng xô màn để bọc cốt của sản phẩm. Việc đánh vải để tránh cong vênh sản phẩm được làm đi làm lại nhiều lần. Người ta dùng thép tóc phết một lớp sơn mỏng trộn với mùn cưa lên bề mặt sản phẩm để tạo chất keo dính cho xô màn bám vào, rồi rắc mùn cưa mịn và san đều trên mặt lớp xô màn đã dán. Sau đó người thợ dùng thép sơn trát lên mặt cốt đã đánh vải lớp sơn sống trộn mùn cưa và đất sét trắng hay đất phù sa mịn rồi dùng

đá mài cho thật phẳng bằng cách vừa mài vừa té nước lên mặt sơn. Sau mỗi lớp vóc khô người thợ lại phải mài vóc. Cứ sơn rồi lại mài đến 12-13 lớp mới đạt chuẩn cao. Sau đó, bằng kinh nghiệm và mắt thẩm mỹ của mình mà người thợ ước lượng chính xác bề dày của các lớp sơn trên cộng lại sao cho bằng đúng bề dày của trai ốc cần khảm vào. Chính vì vậy, số lần sơn vóc không chỉ có tác dụng làm nên độ bóng mịn của sản phẩm mà còn giúp cho bề mặt sản phẩm được nhẵn lỳ. Cũng như khảm trai bình thường, người thợ sơn mài cũng in các hoạ tiết vào cốt, đục hố và đưa các hoạ tiết xuống hố, chờ khô rồi đánh bóng.

Nghề khảm trai ốc thuộc nghề thủ công mỹ nghệ, đòi hỏi người thợ phải có chuyên môn cao. Trong từng công đoạn tạo ra sản phẩm, người thợ không chỉ làm công việc chuyên môn thuần túy như nhiều nghề thủ công khác mà mỗi thao tác là một kỹ nghệ được đúc kết qua nhiều thế hệ. Mỗi đường cưa, mỗi nét vẽ của người thợ khảm đều chứa đựng những cảm xúc nghệ thuật để có thể tạo nên được những tác phẩm khảm trai hoàn hảo.

Một phần của tài liệu LÀNG NGHỀ KHẢM TRAI CHUYÊN MỸ (PHÚ XUYÊN- HÀ TÂY) VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LÀNG NGHỀ (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)