Thiết bị

Một phần của tài liệu LÀNG NGHỀ KHẢM TRAI CHUYÊN MỸ (PHÚ XUYÊN- HÀ TÂY) VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LÀNG NGHỀ (Trang 31)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Thiết bị

Thiết bị sản xuất ở đây bao gồm cả dụng cụ cầm tay lẫn máy móc công nghiệp. Trước đây chỉ có các công cụ cầm tay, hiện nay người thợ Chuyên Mỹ đã sử dụng máy móc công nghiệp trong quá trình tạo ra sản phẩm của mình đối với những công đoạn không cần nhiều đến sự khéo léo của người thợ thủ công.

Khảm trai ốc là cả một quy trình sản xuất phức tạp, bao gồm nhiều khâu kỹ thuật khác nhau, nhiều khía cạnh chuyên môn khác nhau, có khâu chỉ cần sức người đơn giản, có khâu lại đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Nhưng trước hết, việc khởi đầu của người thợ là sáng tạo ra những công cụ thích hợp. Qua thời gian và kinh nghiệm, họ đã hoàn thiện được một bộ đồ nghề rất hữu dụng, độc đáo và ngày càng thuận tiện hơn, nhanh hơn.

Các công cụ sản xuất của người thợ khảm được sử dụng trong từng công đoạn khác nhau của quá trình tạo ra sản phẩm theo trình tự như sau :

1- Cưa mỹ nghệ: là loại cưa nhỏ dùng để rọc, lượn theo các họa tiết. Lưỡi cưa này làm bằng dây cót đồng hồ. Lưỡi cưa dài khoảng 20cm, mặt rộng của lưỡi từ 0,5- 2,5mm. Người thợ lựa chọn độ lớn của các lưỡi cưa cho phù hợp với đường nét của sản phẩm để cưa vỏ trai ốc.

2- Bàn giũa: là một miếng gỗ hình vuông có cạnh 40cm, bốn góc có 4 cọc hãm, dùng để tỳ tay và tỳ mỏ kẹp khi cắt giũa các họa tiết.

3- Mỏ kẹp: là hai miếng gỗ mỏng như chiếc lá được ghép chặt với nhau bằng một vòng sắt. Người thợ dùng mỏ kẹp để kẹp khi cắt hay giũa các họa tiết trên trai ốc nhằm cầm giữ chính xác và chắc hơn bằng tay.

4- Dao và đe băm cưa: người thợ dùng dao băm lên lưỡi cưa nhằm tạo ra răng cưa. Đe là cục sắt hình tròn, để ở dưới cưa, dùng để băm lưỡi cưa.

5- Giũa nhỏ các loại: tương ứng với mỗi đường cong của họa tiết mà người thợ dùng các loại giũa dẹt hay tròn, cong lòng máng hoặc tam giác.

6- Bàn hộp: là một mặt gỗ vuông 40cm, trên có một mặt kính nghiêng khoảng 30-45 độ dùng để căn ke các họa tiết lên các mảnh trai từ bản vẽ bằng giấy.

7- Bút tỉa: là một thanh sắt dầy 2mm, dài 20cm được vót nhọn ở hai đầu, dùng để vẽ các họa tiết lên mảnh trai ốc.

8- Cuốc gồ: dùng để tỳ tay lên các mảnh trai ốc khi mài trên đá ráp.

9- Lưỡi đục các loại: được làm bằng sắt có hình lòng máng, phẳng, hoặc vát mũi dùi, dùng để đục và sửa hố khi đưa trai ốc vào hố và tạo hố.

10- Bút đanh: được làm bằng thép, có đầu nhọn, dùng để vạch rồi in các họa tiết lên mặt gỗ. Dựa vào những nét vạch này người thợ đục theo.

11- Thếp sơn: có các cỡ, các loại làm bằng tóc hay bằng lông đuôi bò đuôi ngựa dùng để quét sơn lên mặt sản phẩm. Tùy thuộc vào độ đậm đặc của sơn mà chọn bút cho phù hợp.

12- Mo sừng: được làm từ sừng trâu vừa dẻo vừa co giãn tốt, rộng 5cm, dài 20cm, dùng để miết, để bả sơn bó, sơn hom lên sản phẩm. Ngoài ra còn dùng để vuốt cho sơn chín tỏa đều, hay để xóa vết thếp sau khi sơn.

13- Bay sương: bền và cứng vì được làm bằng xương sườn hay xương ống bò, dùng để nhào, trộn sơn.

14- Dao trổ: làm bằng thép lưỡi cưa, dài 20cm, rộng từ 2 - 2,5cm, dùng để vạch khắc các họa tiết trên mặt trai ốc đã cẩn trên các sản phẩm. Nó còn được dùng để nạo bỏ lớp sơn phủ trên mặt các họa tiết.

Trên đây là những dụng cụ cầm tay của thợ khảm. Đó không phải là những thứ quý hiếm, đắt tiền. Nhưng chính từ những vật liệu bình thường ấy, với đầu óc năng động, sáng tạo, người thợ khảm đã làm ra được những dụng cụ có chức năng riêng, thích hợp với từng công đoạn sản xuất để tạo nên những sản phẩm có giá trị. Độ sắc bén của công cụ phụ thuộc phần lớn vào trình độ chế tác của người thợ và khả năng thẩm mỹ được vận dụng trong từng công việc cụ thể. Tất nhiên, đây là nghề thủ công nên kỹ thuật khảm chủ yếu phải làm bằng tay, nhưng trong quá trình sáng tạo sản phẩm những người thợ khảm bằng kinh nghiệm và nhu cầu của mình đã chế tạo ra được một số máy móc phục vụ cho nghề nghiệp. Các loại máy móc này giúp cho quy trình sản xuất đơn giản hơn, nhanh hơn, tiết kiệm điện và sức lao động, do đó không những năng suất đạt cao hơn mà chất lượng của các sản phẩm cũng đồng đều hơn. Đó là máy cắt trai, máy lau trai, máy mài trai, máy ép trai cho phẳng, đánh bóng, phun sơn, mài gỗ... Cho đến năm 2001, việc mài trai ốc vẫn phải làm hoàn toàn bằng tay. Đến năm 2002 và 2003 sau khi cải tiến máy mài trai liên hoàn đã đem lại hiệu suất lao động cao hơn nhiều so với năm 2001. Cho đến nay, cả xã có tới hơn 100 máy để chế biến trai ốc nguyên liệu. Giá đầu tư cho một máy khoảng 10 triệu đồng. Nguồn cung cấp máy 100% là từ thành phố Hồ Chí Minh. Việc sử dụng máy mài trai công nghiệp đã giảm số lượng lao động thủ công từ 7 - 8 người xuống còn 2 người.

Một phần của tài liệu LÀNG NGHỀ KHẢM TRAI CHUYÊN MỸ (PHÚ XUYÊN- HÀ TÂY) VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LÀNG NGHỀ (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)