Nguyên liệu

Một phần của tài liệu LÀNG NGHỀ KHẢM TRAI CHUYÊN MỸ (PHÚ XUYÊN- HÀ TÂY) VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LÀNG NGHỀ (Trang 33)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.Nguyên liệu

Công việc đầu tiên mà người thợ quan tâm đến trước khi bắt tay vào sản xuất là chuẩn bị nguyên liệu. Các loại nguyên liệu đều được người thợ khảm Chuyên Mỹ chọn rất kỹ càng. Qua thời gian sử dụng, họ chọn được chính xác loại nguyên liệu nào tốt nhất phục vụ cho công việc của mình. Đối với thợ khảm thì nguyên liệu sản xuất phổ biến nhất là vỏ trai, ốc (hay còn gọi là xà cừ), hến biển, gỗ và sơn ta.

Tuỳ theo giá trị của sản phẩm mà người thợ khảm sử dụng các loại trai hoặc ốc khác nhau. Những ánh sáng huyền bí từ các sản phẩm khảm trai đã nói lên được giá trị cái đẹp của nó. Những họa tiết khảm trai ốc ngắm từ những phía khác nhau lại có những màu sắc khác nhau.

2.1.2.1. Trai: Trai dùng để khảm có chủng loại rất phong phú và đa dạng.

- Trai cánh: Là loại trai có màu sắc đẹp, vỏ mỏng và to bản, đường kính vỏ trai rộng tới 20 cm, dài khoảng 25 cm. Sở dĩ nó được gọi là trai cánh vì trên lưng có nhô ra một mảnh vỏ giống như cánh buồm. Loại trai này thường sống ở các vùng sông, hồ, đầm ở nước ta nên người ta có thể nuôi được, vì thế có thể khai thác quanh năm. Thợ khảm dùng loại trai này để khảm hình cỏ cây, muông thú.

- Trai vòng hay còn gọi là trai cơm: Có nhiều ở các ao, hồ, kênh, mương. Đặc trưng của loại trai này là có màu trắng hồng, hình dáng tròn hơn trai cánh. Vì màu sắc không phong phú như các loại trai khác nên người ta chỉ dùng loại trai này để khảm các phụ tiết trong các bức tranh phong cảnh như cuống lá, chữ nho, lá cây, cỏ...

- Trai nua hay còn gọi là trai lửa: Hình dáng của loại trai này có nhiều điểm giống trai cánh nhưng không có cánh dài. Màu sắc đặc trưng là màu xanh và màu đỏ. Chất lượng về màu sắc không phong phú lắm nên trước đây người ta ít khảm bằng trai nua, nhưng hiện nay do ốc hiếm và đắt nên người ta dùng loại trai này là chủ yếu. Sản phẩm hoàn thành vẫn đẹp và có giá trị cao về nghệ thuật.

- Cửu khổng: Ngoài các loại trai ở trên ra còn có một loại vỏ trai đặc biệt gọi là cửu khổng (vì có chín lỗ ở phía mép vỏ), có vân màu sắc phong phú hơn cả màu của cầu vồng. Muốn làm hàng mặt nổi như núi non, cánh phượng, cánh công phải có được cửu khổng thì sản phẩm mới đạt đến độ thẩm mỹ cao.

2.1.2.2. Xác: Bên cạnh vỏ trai còn có vỏ hến bể gọi là vỏ xác. Vỏ xác có chất trắng như tuyết dùng để khảm chân dung. Hơn nữa vỏ xác còn có loại màu vàng để cẩn hình cành hoa cúc-loại hoa hay được khảm trong tranh phong cảnh.

2.1.2.3. Ốc: Là loại nguyên liệu khảm có giá trị cao nhất, đắt nhất còn gọi là xà cừ. Ốc thường được dùng để khảm những mặt hàng cao cấp.

- Có một loại ốc gọi là ốc khảm có màu sắc rực rỡ được nhập từ Singapore. Loại ốc này có hình dáng giống ốc Phan Thiết ở nước ta, nặng tới 3 kg. Khi chưa mài, ốc này có màu đen nhưng sau khi mài lại nổi bật lên màu ngũ sắc, trong bóng tối có màu dạ quang, chủ yếu là màu đỏ, xanh, vàng. Đây là loại nguyên liệu chủ yếu để khảm ở miền Bắc nói chung và Chuyên Mỹ nói riêng. Loại này thường được khảm trên các tấm bình phong lớn hay các mái đình, mái chùa.

- Ốc Nha Trang, Phan thiết: được khai thác vào mùa hè và mùa thu ở Nha Trang và Phan Thiết. Loại ốc này cũng có đầy đủ các màu sắc và hình dáng như ốc

Singapore nhưng nhỏ hơn, con nặng nhất chỉ 2 kg. Loại này thường được dùng để khảm hoành phi, câu đối.

- Ốc tai gấu: có nhiều ở vùng vịnh Bắc Bộ. Loại này màu sắc lốm đốm, rực rỡ. Khi mới bắt đầu làm nghề khảm, người thợ khảm Chuyên Mỹ dùng nguyên liệu vỏ trai ốc ở ngay sông Nhuệ. Rồi mở rộng dần đến Phả Lại, sông Thương ở Hải Dương. Còn ngày nay, các loại trai thường được nhập về từ Trung Quốc, còn ốc và xác được nhập về từ Singapore, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc. Trai biển đắt hơn trai sông nhiều vì có màu sắc đậm hơn, ít bị giòn gẫy như trai sông. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi nhập nguyên liệu ốc từ Singapore, Đài Loan… rồi sau đó bán buôn cho người Chuyên Mỹ. Thợ Chuyên Mỹ chế tác rồi lại bán cho các thành phố khác, kể cả thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy là người thợ Chuyên Mỹ vẫn chưa đủ sức chủ động trong việc mua nguyên liệu mà phải qua lái thương lớn từ thành phố Hồ Chí Minh.

2.1.2.4. Gỗ: Dùng để làm nền. Thường dùng loại gỗ gụ, gỗ trắc, gỗ cẩm lai, gỗ sưa. Trước đây các loại gỗ này thường được mua từ các tỉnh Nam Trung Bộ. Các phú thương người Nam Định thường vào cảng Đà Nẵng là nơi tập kết gỗ và xà cừ của các tỉnh phía trong mua rồi dùng thuyền chở ra Nam Định bán cho các thợ khảm ở Nam Định, Hà Tây, Hà Nội. Nhưng ngày nay, gỗ thường được mua ở Đồng Kỵ, hay những nơi gần làng như làng Tre- làng bên cạnh Chuyên Mỹ, chuyên làm mộc hoặc ở Đỗ Xá - cạnh thị trấn Phú Xuyên, hay ở ngay thôn Hạ. Người thôn Hạ ngày càng chú trọng vào việc làm đồ mộc, phục vụ cho 6 thôn còn lại. Gỗ có thể được tạo thành hình khối, hình tấm có mặt phẳng hay mặt cong tuỳ thuộc vào yêu cầu của hình mẫu sản phẩm. Bề mặt gỗ để chuẩn bị làm nền phải được bào phẳng, nhẵn và đánh giấy ráp cho bóng. Thợ khảm có cách xử lý gỗ cho thật tốt trước khi khảm. Người ta cho gỗ vào bể nước ngâm để hết nhựa có trong gỗ trong thời gian 1 hoặc 2 tuần tuỳ theo loại gỗ mỏng hay dầy. Sau đó vớt gỗ ra, phơi khoảng 2 tuần nếu trời hanh, còn nếu trời ẩm thì phải phơi lâu hơn để cho gỗ ngót đi. Nếu gỗ còn tươi thì sau khi sản phẩm hoàn thành có thể bị hỏng vì gỗ nứt ra. Đối với cốt gỗ, người thợ khảm có thể tự gia công lấy hoặc đặt ở những vùng quê có nghề mộc nổi tiếng như La Xuyên (Nam Định), Đồng Kỵ (Bắc Ninh)...

2.1.2.5. Sơn ta: Thợ khảm Chuyên Mỹ luôn cố gắng tìm những loại sơn tốt nhất cho công việc tạo ra sản phẩm. Họ chuyên mua loại sơn ta đặc quánh ở Tuyên Quang, loại sơn loãng và nhiều dầu ở Phú Thọ...Những loại sơn này rất bền, có thể sử dụng vào các việc như gắn trai ốc, quang mạ sản phẩm. Do sơn ta có màu đen

bóng đặc biệt nên làm nổi bật lên được các hoạ tiết và màu sắc của trai ốc. Sự tương phản màu sắc khiến cho sản phẩm khảm trai ốc càng trở nên độc đáo. Qua thời gian, các thế hệ thợ khảm đã đúc kết và rút ra nhiều kinh nghiệm trên chất liệu sơn để làm ra những sản phẩm ngày càng có chất lượng cao hơn.

Đối với các loại hàng to, thợ khảm Chuyên Mỹ vẫn dùng sơn ta như truyền thống. Nhưng đối với các loại hàng nhỏ, hiện nay, để rút ngắn thời gian sản xuất, người thợ khảm đã sử dụng keo dán để thay thế cho sơn ta. Nếu dùng sơn ta, sau khi dán, phải chờ vài ba ngày cho khô rồi mới đánh bóng được, còn dùng keo thì chỉ cần thời gian ngắn khoảng vài giờ là được. Loại keo dán này được nhập khẩu về từ Trung Quốc, sau đó người thợ khảm bằng kinh nghiệm trong nghề tự pha chế thêm một số loại bột nữa cho phù hợp với sản phẩm của mình. Làm như vậy người thợ đỡ tốn nhiều thời gian và công việc cũng đơn giản hơn trước.

Trên đây là những nguyên liệu cần thiết chủ yếu cho việc khảm trai. Còn đối với công việc sản xuất sơn mài ở làng Bối Khê lại có thêm nhiều nguyên liệu khác nữa. Ngoài gỗ, sơn ta, còn có vàng thật bốn số chín (9999) phải mua từ làng Kiêu Kỵ (Hà Nội) mới đạt chuẩn. Từ những thứ mà người ta thường vứt ra bờ tre, sọt rác làm ô nhiễm môi trường như xương bò, xương lợn, kể cả vỏ trứng với bộ óc sáng tạo và bàn tay khéo léo, người thợ Chuyên Mỹ đã biến chúng thành nguyên liệu cho những sản phẩm sơn khảm vỏ trứng, gỗ lọng xương,…

Nói chung, các loại nguyên liệu của nghề khảm trai được lấy từ các nguồn trong và ngoài nước đáp ứng đủ nhu cầu của người thợ khảm Chuyên Mỹ. Trong xã nghề không có sự cạnh tranh về việc mua bán nguyên liệu. Thợ khảm Chuyên Mỹ có ba hình thức mua nguyên vật liệu: tự các gia đình tìm mua, hay thông qua cá nhân hoặc doanh nghiệp trung gian. Trong đó hình thức mua qua cá nhân hay doanh nghiệp trung gian phổ biến hơn.

Một phần của tài liệu LÀNG NGHỀ KHẢM TRAI CHUYÊN MỸ (PHÚ XUYÊN- HÀ TÂY) VÀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG LÀNG NGHỀ (Trang 33)