Tư duy của trẻ mẫu giáo

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm tư duy của trẻ em từ 3 đến 6 tuổi (Trang 28)

6. Phương pháp nghiên cứu

1.2.2. Tư duy của trẻ mẫu giáo

Tư duy là một quá trình phát hiện những thuộc tính bên trong và những quy luật khách quan của sự vật. Tư duy cho phép con người nhận biết rõ thế giới bên ngoài và bên trong: một bên là thế giới bên ngoài với những vật cụ thể mắt thấy, tai nghe, tay sờ mó được; một bên là thế giới bên trong với những hình ảnh, những biểu tượng của sự vật, những ý muốn chủ quan của con người [38].

Ở tuổi mẫu giáo, tư duy của trẻ đang có sự chuyển dịch từ bình diện bên ngoài vào bình diện bên trong mà thực chất đó là việc chuyển những hành động định hướng bên ngoài thành những hành động định hướng bên trong theo cơ chế nhập tâm. Quá trình tư duy của trẻ đã bắt đầu dựa vào những hình ảnh, biểu tượng của sự vật và hiện tượng đã có trong đầu. Lúc này việc giải

25

các bài toán không cần thực hiện bằng những phép thử bằng hành động bên ngoài nữa mà thực hiện dựa trên phép thử với những hình ảnh, những biểu tượng đã có về các sự vật, hiện tượng, hành động mà trước đây trẻ em đã có dịp tiếp xúc trực tiếp hay nhìn thấy từ người khác. Chẳng hạn sau nhiều lần dùng que để khều các đồ vật nào đó từ xa đến gần, do hành động ngẫu nhiên của trẻ hay hành động mẫu mà người lớn bầy cho trước đây thì bây giờ trước tình huống mới: quả bóng bị lăn vào gầm giường, trẻ đã biết dự đoán là có thể dùng que để khều quả bóng ra. Sự dự đoán này là phép thử được tiến hành trong óc, định hướng cho hành động giải quyết vấn đề của trẻ diễn ra hiệu quả. Trong quá trình thử đó đứa trẻ không hành động với đồ vật thật mà với hình ảnh của các biểu tượng về đồ vật và phương thức sử dụng. Loại tư duy này gọi là tư duy trực quan – hình tượng, là loại tư duy mà trong đó, việc giải các bài toán được thực hiện nhờ các thao tác trong óc với các hình ảnh, biểu tượng trên cơ sở tri giác trực tiếp hoàn cảnh có vấn đề và các điều kiện tư duy. Tư duy trực quan – hình tượng của trẻ em chỉ có thể phát triển tốt trên cơ sở các hình ảnh, biểu tượng về hiện thực khách quan phong phú. Các hình ảnh, biểu tượng của trẻ về thế giới khách quan và quy luật về sự vận động của thế giới đó chỉ có thể có được nếu trẻ được tri giác, vận động, trải nghiệm cách giải quyết vấn đề nhiều lần bằng hành động bên ngoài. Những hình ảnh, biểu tượng, hành động này được giữ lại nhờ ngôn ngữ bắt đầu phát triển mạnh. Nói cách khác, tư duy trực quan – hình tượng của trẻ em mẫu giáo (3 – 6 tuổi) chỉ có thể phát triển tốt trên cơ sở trình độ tư duy trực quan – hành động cùng với sự phát triển ngôn ngữ của các em đạt mức phát triển cao ở lứa tuổi trước đó (1 – 3 tuổi) [35].

Việc chuyển từ tư duy trực quan – hành động sang tư duy trực quan – hình tượng được hình thành là nhờ vào:

26

- Thứ nhất, trẻ tích cực hoạt động với đồ vật, tích cực thú và hứng với việc giải quyết các tình huống có vấn đề bằng hành động với đồ vật. Hoạt động đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, lâu dần được nhập tâm thành những hình ảnh, những biểu tượng trong óc. Đó là cơ sở để hoạt động tư duy được diễn ra ở bình diện bên trong.

- Thứ hai, nhờ hoạt động và giao tiếp cùng nhau bằng ngôn ngữ giữa người lớn và trẻ trong quá trình hành động với đồ vật (người lớn dùng ngôn ngữ và hành động để kích thích tính tích cực hoạt động và khám phá ở trẻ, khen ngợi, động viên mỗi khi trẻ thành công trong việc giải quyết một vấn đề nào đó, nói lại với trẻ hoặc kể với những người khác về hành động khéo léo của trẻ…), ngôn ngữ của trẻ phát triển đến trình độ mới. Trẻ có khả năng dùng ngôn ngữ mô tả sự vật hiện tượng và hành động. Đầu tiên là nói cho mình, sau đó là nói cho người khác hiểu và cuối cùng là dùng ngôn ngữ như công cụ đắc lực của tư duy.

- Thứ ba, nhờ sự phát triển loại hình hoạt động chủ đạo mới, hoạt động trò chơi mà trung tâm là trò chơi đóng vai theo chủ đề, ở trẻ phát triển ngôn ngữ, tình cảm, ý chí, tư duy, tưởng tượng, kỹ năng giao tiếp, hoạt động cùng nhau, khả năng phán đoán, đánh giá, khả năng ý thức và tự ý thức. Về phương diện tư duy, ở trẻ hình thành chức năng ký hiệu. Chức năng này được thể hiện ở khả năng dùng một vật thay thế cho một vật khác và hành động với vật thay thế diễn ra như là hành động với đồ vật thật, ví dụ, dùng lá cây làm thức ăn, búp bê làm bệnh nhân, góc phòng làm lớp học, …Hoặc phân vai một bạn làm bố, một bạn làm mẹ, một bạn làm con trong trò chơi gia đình; một bạn làm cô giáo, một vài bạn làm học sinh trong trò chơi lớp học; một bạn làm người bán hàng, một vài bạn làm người đi mua hàng trong trò chơi bán hàng; rồi công an, lái xe, bác sĩ, …và ứng xử với bạn như với người có vai trò xã hội tương ứng [24, 35, 38].

27

Chính trò chơi đóng vai theo chủ đề làm xuất hiện ở trẻ nhiều hệ thống ký hiệu: hệ thống ký hiệu về hành động, về đồ vật, về con người, nghề nghiệp, ... và phát triển một hệ thống ký hiệu quan trọng ở trẻ là hệ thống ngôn ngữ. Việc hình thành và phát triển các hệ thống ký hiệu này ở mỗi đứa trẻ là kết quả của quá trình lĩnh hội tích cực các kinh nghiệm lịch sử xã hội trong một nền văn hóa nhất định. Quá trình này chỉ có thể diễn ra hiệu quả và tốt đẹp dưới sự chỉ dẫn của người lớn. Người lớn yêu thương chăm sóc trẻ, tổ chức, tạo điều kiện và môi trường hoạt động cho trẻ, sát cánh hành động và chơi cùng với trẻ, hướng dẫn và khích lệ trẻ, dùng ngôn ngữ trong sáng dễ hiểu giao tiếp với trẻ, giải thích tận tình cho trẻ.

Từ những lập luận trên, chúng tôi hiểu rằng : tư duy của trẻ mẫu giáo là quá trình khám phá những thuộc tính mới, những mối quan hệ mới giữa các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan mà trước đó trẻ chưa biết.

1.2.3. Đặc điểm tư duy của trẻ mẫu giáo

Ở tuổi ấu nhi hay còn gọi là tuổi vườn trẻ (1 đến 3 tuổi), hầu hết trẻ em đều rất tích cực hoạt động với đồ vật, nhờ đó trí tuệ, đặc biệt là tư duy phát triển khá mạnh. Lúc đó trẻ bắt đầu giải các bài toán thực tế nhưng quá trình giải đó không diễn ra trong óc mà diễn ra bằng tay theo phương thức “thử và sai”, được gọi là tư duy bằng tay hay tư duy trực quan - hành động. Tư duy trực quan – hành động là loại tư duy gắn liền với những hành động cụ thể, những tình huống cụ thể. Tư duy này có được do trẻ hành động trực tiếp với đối tượng dưới sự tổ chức, hướng dẫn của người lớn. Chẳng hạn, để lấy quả cam đựng trong rổ, đứa trẻ sẽ kéo cái rổ đến gần và lấy quả cam. Để lấy cái dép nằm sâu dưới gầm bàn, trẻ phải dùng que khều cái dép đến gần để lấy…Những hành động định hướng bên ngoài chính là tiền đề cho sự hình thành những hành động định hướng bên trong, giúp trẻ tìm ra cách giải quyết các vấn đề trong óc sau này.

28

Theo Nguyễn Ánh Tuyết, đến tuổi mẫu giáo, tư duy của trẻ có một bước ngoặt rất cơ bản. Đó là sự chuyển tư duy từ bình diện bên ngoài vào bình diện bên trong mà thực chất đó là việc chuyển những hành động định hướng bên ngoài thành những hành động định hướng bên trong theo cơ chế nhập tâm. Mặc dù tư duy của trẻ mẫu giáo bước sang một giai đoạn phát triển mới, nhưng đó mới chỉ là một bước nhảy từ bờ bên này (là tư duy ở bình diện bên ngoài, tư duy trực quan - hành động) sang bờ bên kia (là tư duy trực quan – hình tượng). Đây mới chỉ là điểm khởi đầu của loại hình tư duy mới. Loại hình tư duy này còn được hoàn thiện và phát triển suốt giai đoạn tuổi mẫu giáo và là tiền đề quan trọng cho tư duy ngôn ngữ phát triển.

- Ở đầu tuổi mẫu giáo, tư duy của trẻ đã đạt tới ranh giới của tư duy trực quan hình tượng nhưng các hình ảnh và biểu tượng trong đầu trẻ vẫn còn gắn liền với hành động vật chất bên ngoài. Chỉ trong những trường hợp thật đơn giản thì trẻ mới có thể giải quyết vấn đề bằng tư duy trực quan – hình tượng. Chẳng hạn khi hỏi em bé 3 tuổi: Cái thước gỗ này thả xuống nước thì nổi hay chìm? Bé nói ngay là “nổi”; Vì sao? Bé trả lời: “Vì que củi thả xuống nước cũng nổi”. Trong trường hợp này việc giải quyết bài toán đã dựa vào biểu tượng cũ, tức là trẻ đã biết dùng tư duy trực quan – hình tượng.

Ở trẻ em mẫu giáo bé, thế giới nội tâm của các em chưa đựợc phân hóa thành những chức năng rõ ràng như người lớn. Tư duy của các em còn gắn liền với hành động, với cảm xúc và ý muốn chủ quan. Trẻ khó nhận biết được đâu là thế giới bên trong, đâu là thế giới bên ngoài, đâu là những biểu tượng trong đầu óc mình và đâu là sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Ranh giới giữa cái thực và cái hư, giữa ý nghĩ của mình và ý nghĩ của người khác chưa phân biệt rõ.

Tư duy của trẻ bị tình cảm chi phối rất mạnh, thể hiện ở chỗ, trẻ chỉ suy nghĩ về những điều mà chúng thích và dòng suy nghĩ thường bị cuốn hút vào

29

ý thích riêng của mình. Ví dụ: một em bé đang chơi xây dựng bằng mấy miếng gỗ, có người hỏi: “Cháu cần hình vuông hay hình tam giác?”, em bé trả lời ngay: “Cháu đang xây cầu Thăng Long”. Thì ra ý muốn xây cầu Thăng Long đang chiếm hết tâm trí của em bé. Chúng ta thường nghe trẻ hỏi những câu hỏi: “Tại sao” như “Tại sao trời mưa”, “Tại sao vịt đi được trên mặt nước”… Tư duy của trẻ chưa cho phép tìm ra những câu trả lời khoa học. Trẻ em lứa tuổi này nghĩ rằng các hiện tượng xung quanh xảy ra là do ý muốn của ai đó, rằng mọi vật đều có hồn, có tính tình, có ý thích. Chẳng hạn vì ông trời khóc nên có mưa. Đây là một lối suy nghĩ rất chủ quan, cho rằng mọi việc đều xuất phát từ ý muốn chủ quan của một người nào đó. Do xúc cảm chi phối mạnh mẽ quá trình tư duy cho nên muốn trẻ tin vào điều gì đó và làm theo thì cần gây cho trẻ một cảm xúc mạnh chứ nói lý là không ăn thua. Muốn cho chúng thay đổi ý kiến về một vấn đề nào đó thì không thể thuyết phục bằng lý lẽ mà tốt nhất là nên khêu gợi tình cảm thì mới có kết quả.

Trẻ em ở tuổi mẫu giáo bé (3 – 4 tuổi) do chưa biết phân tích tổng hợp, chưa biết một sự vật bao gồm nhiều bộ phận kết hợp lại thành một tổng thể, chưa xác định được vị trí, quan hệ giữa bộ phận này với bộ phận kia trong một sự vật. Do đó cách nhìn nhận sự vật của bé là theo lối trực quan toàn bộ, có nghĩa là trước một sự vật nào đó trẻ nhận ra ngay, chộp lấy rất nhanh một hình ảnh tổng thể chưa phân chia ra thành các bộ phận. Chẳng hạn, giữa nhiều chiếc xe đạp, em bé lên 3 nhận ra ngay xe nào là của bố. Vì sao? Em không giải thích được, chưa dựa trên cơ sở phân tích nào là cái yên có đặc điểm như thế này, cái khung có đặc điểm như thế kia...để tổng hợp lại thành chiếc xe của bố. Tư duy kiểu này cũng là chịu ảnh hưởng của tính duy kỷ. Lối tư duy duy kỷ của trẻ em diễn ra khác với tư duy của người lớn. Trẻ em không tư duy theo lối phân tích tổng hợp, thường là chộp lấy một cách rất nhanh (theo lối chụp ảnh) một sự vật hay một tình thế trong một trực giác bao quát toàn bộ

30

mà không có sự tách bạch rõ ràng những chi tiết, những thuộc tính hay các mối quan hệ trong sự vật, hiện tượng đó.

Do trực giác toàn bộ nên trẻ không phân biệt được một số hình dạng tương tự, chẳng hạn trẻ khó phân biệt được sự khác nhau giữa chữ O và chữ C hoặc giữa các chữ L, H, B, D…Tuy nhiên trẻ lại rất hay để ý đến những chi tiết vụn vặt, bởi vì những chi tiết ấy đối với trẻ lại là những tổng thể, những đơn vị. Trẻ không bao quát được khi nhìn một sự vật bao gồm nhiều chi tiết phức tạp mà chỉ để tâm lần lượt đến từng chi tiết một và không liên kết các chi tiết ấy lại với nhau thành một tổng thể. Chẳng hạn, đưa cho trẻ em một bức tranh nông thôn thì nó chỉ lần lượt nhận ra đây là cái cây, đây là cái nhà, đây là con gà…Đặc biệt, trẻ không nhận ra những mối liên quan giữa các chi tiết bộ phận trong một sự vật. Mỗi chi tiết, mỗi bộ phận để lại trong óc trẻ như một biểu tượng tách biệt [35].

Đầu tuổi mẫu giáo, trẻ đã biết tư duy bằng những hình ảnh trong đầu nhưng do biểu tưởng còn nghèo nàn và tư duy mới được chuyển từ bình diện bên ngoài vào bình diện bên trong nên trẻ mới chỉ giải được một số bài toán hết sức đơn giản theo kiểu tư duy trực quan – hình tượng. Cùng với sự hoàn thiện hoạt động vui chơi, vốn biểu tượng của trẻ mẫu giáo nhỡ phong phú thêm nhiều, chức năng ký hiệu phát triển mạnh, lòng ham hiểu biết và hứng thú nhận thức tăng lên rõ rệt. Đó chính là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tư duy trực quan – hình tượng và đây cũng là thời điểm kiểu tư duy đó phát triển mạnh mẽ nhất.

Ở tuổi mẫu giáo nhỡ, trẻ em phải giải những bài toán ngày càng phức tạp và đa dạng, đòi hỏi phải tách biệt và sử dụng những mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng và hành động. Trong hoạt động hàng ngày trẻ em không những chỉ đơn giản sử dụng những kinh nghiệm đã có mà còn không ngừng biến đổi những kinh nghiệm ấy để thu nhận những kết quả mới hơn. Các bé

31

có nhu cầu khám phá các quan hệ phụ thuộc giữa các sự vật và hiện tượng như quan hệ giữa độ ẩm và độ mềm của đất khi nặn, giữa độ lăn xa với sức búng của ngón tay vào hòn bi…Tư duy đang trên đà phát triển mạnh khiến đứa trẻ dự kiến được hành động và lập kế hoạch cho hành động của mình.

Trẻ mẫu giáo nhỡ đã bắt đầu đề ra cho mình những bài toán nhận thức, tìm tòi cách giải thích những hiện tượng mà mình nhìn thấy được. Trẻ thường “thực nghiệm”, chăm chú quan sát các hiện tượng và suy nghĩ về những hiện tượng đó để rút ra kết luận. Tất nhiên những kết luận đó còn ngây ngô, ngộ nghĩnh và nhiều khi còn gây ngạc nhiên đối với người lớn. Chẳng hạn có một nhóm trẻ mẫu giáo 4, 5 tuổi bắt được một con mèo, chúng chơi với mèo rất thích thú rồi sau đó quyết định thả con mèo xuống ao và thế là con mèo ấy đã chết một cách oan uổng. Hỏi ra thì các em trong nhóm đã trả lời “Vì chúng cháu muốn xem nó bơi”. Thì ra các em đã suy luận từ việc bơi của một số con vật trên nước như vịt, chó…để cho là mèo cũng biết bơi như vậy. Dù sao thì đây cũng bộc lộ một khả năng suy luận của trẻ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm tư duy của trẻ em từ 3 đến 6 tuổi (Trang 28)