Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu Giải pháp tăng cường quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Trang 84)

4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.3.1.Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước

- Chống sự cạnh tranh kém lành mạnh: với sự mở rộng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các ngân hàng thương mại, NHNN đã giải phóng tính sáng tạo và chủ động của các ngân hàng trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh kém lành mạnh, tranh giành khách hàng vay vốn giữa các ngân hàng như cho vay để hoàn trả các khoản vay của các ngân hàng khác, hạ thấp các tiêu chuẩn, điều kiện vay vốn dẫn đến nguy cơ rủi ro tín dụng tăng cao. Do đó NHNN cần có sự kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả những hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại, đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn.

- Ứng dụng các nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng hữu hiệu (25 nguyên tắc về giám sát ngân hàng của Ủy ban Basel) trong thực thi chức năng của một cơ quan quản lý nhà nước và giám sát thị trường, hoàn thiện phương pháp kiểm soát và kiểm toán nội bộ trong các tổ chức tín dụng và hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Hệ thống giám sát ngân hàng được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng phân tích tình hình tài chính và phát triển hệ thống cảnh báo sớm những tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh nói chung và cấp tín dụng nói riêng, thực hiện các cảnh báo sớm cho các ngân hàng thương mại, đảm bảo thị trường phát triển bền vững.

- Nghiên cứu và triển khai các công cụ bảo hiểm tín dụng như hoán đổi tín dụng (Credit swap)... Đây là các công cụ của một thị trường tài chính phát triển cao nhằm giúp các ngân hàng thương mại phòng ngừa và bảo hiểm rủi ro tín dụng, san sẻ rủi ro và tạo tính linh hoạt trong quản lý danh mục các khoản cho vay của mỗi ngân hàng.

- Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/04/2005 và Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN ngày 25/04/2007 của Thống đốc NHNN quy định về phân loại nợ có một số điểm chưa phù hợp cần xem xét điều chỉnh theo hướng đối với nợ gia hạn cần căn cứ vào thời gian gia hạn và số lần gia hạn để phân loại nợ .Theo quy định hiện hành, các khoản nợ được chia thành năm nhóm khác nhau. Nhóm 1: nhóm đủ tiêu chuẩn; nhóm 2 (nợ chú ý): nhóm có nợ quá hạn dưới 90 ngày, các khoản nợ đã được cơ cấu lại; nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn): nhóm nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày hoặc khoản nợ đã được cơ cấu lại nhưng nợ quá hạn vẫn dưới 90

ngày; nhóm 4 (nợ nghi ngờ): các khoản nợ quá hạn từ trên 180 ngày đến 360 ngày hoặc các khoản nợ đã được cơ cấu lại nhưng vẫn quá hạn từ 90 đến 180 ngày theo thời hạn đã được cơ cấu lại; nhóm 5: nhóm có khả năng mất vốn. Mục tiêu của việc phân chia này để áp dụng các biện pháp cần thiết trích lập dự phòng (nợ nhóm 1: 0%; nợ nhóm 2: 5%; nợ nhóm 3: 20%; nợ nhóm 4: 50%; nợ nhóm 5: 100%). Nếu xét ở góc độ an toàn tín dụng đơn thuần thì đây là biện pháp phòng ngừa và sẵn sàng xử lý rủi ro tốt. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ các tổ chức tín dụng, thì cần cân nhắc quy định cho phù hợp. Nếu sử dụng phương pháp xếp hạng khách hàng cứng nhắc sẽ dẫn đến tình trạng nợ nhóm 3 đến nhóm 5 của các tổ chức tín dụng sẽ có thể ở mức rất cao, làm tăng tỷ lệ nợ quá hạn của toàn hệ thống. Chúng ta cũng có thể sử dụng các chỉ tiêu đánh giá tín nhiệm của các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế đã sử dụng, nhưng cần tính đến đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, với số lượng các khách hàng có quy mô nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ áp đảo. Thông thường, chỉ có khách hàng được xếp hạng cao (từ A đến AAA), với điều kiện khoản nợ trong hạn và quá hạn dưới 10 ngày thì mới được phân loại thành nợ nhóm 1 (trích lập dự phòng 0%). Trên thực tế, số lượng khách hàng thuộc hạng này tại tất cả các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Phần lớn khách hàng của các tổ chức tín dụng được xếp hạng chủ yếu từ BBB đến CC, nếu theo cách phân loại nợ chuẩn mực thì hầu hết số khách hàng này sẽ bị phân loại nợ nhóm 2, nhóm 3. Hệ quả của quy định này là ngay lập tức kể từ khi cho vay, dù trả đúng hạn đều bị phân loại nợ nhóm 3. Như vậy, tỷ lệ nợ nhóm 3 đến nhóm 5 của toàn hệ thống sẽ rất cao, cao hơn nhiều so với bản chất loại nợ thực tế.

- Hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng của Trung tâm CIC Ngân hàng Nhà nước: Để nâng cao tính hiệu quả và thúc đẩy động lực làm việc, có thể nghiên cứu chuyển đổi Trung tâm này sang hình thức một công ty cổ phần có sự góp vốn của các ngân hàng thương mại. Nghiên cứu và cho áp dụng mô hình công ty xếp hạng tín nhiệm độc lập ở Việt Nam để hỗ trợ cho các ngân hàng trong hoạt động kinh doanh, có thể thu hút sự chuyển giao công nghệ và học tập kinh nghiệm của các Công ty xếp hạng tín dụng trên thế giới.

Một phần của tài liệu Giải pháp tăng cường quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Trang 84)