Nhân vật tha hóa bởi môi trường, hoàn cảnh

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 61)

Tha hóa là hiện tượng dễ xảy ra ở những thời điểm chuyển giao của xã hội. Trong lịch sử văn học những năm 1930-1945 đã từng xuất hiện nhân vật tha hóa như: Chí Phèo, Binh Tư, Năm Thọ, Hộ trong các sáng tác của Nam Cao; Xuân tóc đỏ trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng… Họ là những con người bị tha hóa bởi hoàn cảnh. Nhưng tính chất tha hóa ở họ thường được lí giải là do nhu cầu tồn tại. Nói chung, mức độ tha hóa của những nhân vật đó thường đơn giản và dễ nhận thấy. Trong văn học đổi mới, những đổi thay của cuộc sống với sự cám dỗ dễ khiến con người tha hóa (nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Tô Hoài …). Và trong sự bộn bề của đời sống, mức độ biểu hiện của sự tha hóa bởi hoàn cảnh cũng sâu sắc hơn. Chiến tranh là một môi trường thường được nhắc đến với nguy cơ làm tha hóa con người. Không phải ngẫu nhiên mà tiểu thuyết thời kì đổi mới có một phân nhánh “tiểu thuyết hậu chiến”. Chiến tranh, với bất kì người Việt Nam cho dù tham chiến hay không tham chiến đều để lại những ấn tượng thật nặng nề và đầy ám ảnh. Những tác phẩm như Thời xa vắng

(Lê Lựu), Bến không chồng (Dương Hướng), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai) thực sự. là một sự nhận thức lại về chiến tranh mà ở đó tồn tại một thực tế: Con người bị tha hóa. Sự tha hóa ấy biểu hiện ở phương diện: con người ngày càng xa rời bản chất tốt đẹp của mình, xa rời chất người lương thiện. Sự tha hóa của những nhân vật này mang màu sắc bi kịch. Họ đáng thương nhiều hơn là đáng

trách.

Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) là tác phẩm nói sâu sắc nhất về chiến tranh cho đến thời điểm này. Đọc tác phẩm ta nhớ đến truyện ngắn Cuộc sống sau khi chết

(Tim O’Brien)-một tác phẩm của nhà văn Mỹ nói về cuộc chiến ở Việt Nam. Chiến tranh với tất cả những gì tàn bạo nhất đã hủy diệt tâm hồn của con người. Những người lính trong tác phẩm nhìn thấy cái chết một cách thản nhiên, thậm chí còn cười đùa với xác chết. Với Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), chiến tranh là kí ức không phai mờ về những điều khủng khiếp đối với con người. Trong những giấc mơ, Kiên vẫn nhớ đến việc anh “hành quyết” những tên thám báo. Không nghe van xin, không cần những thông tin mà chúng hứa sẽ cung cấp, Kiên chỉ có một quyết định: cho bốn thằng chung một hố do chính chúng đào, bất chấp sự can ngăn của đồng đội “Một nỗi điên giận hung tàn nóng như thiêu ngút dậy trong lòng đốt cháy anh, xé anh ra.

- Câm?-Anh gầm lên, và thô bạo gí họng tiểu liên vào sát miệng Cừ-Muốn tỏ tình với chúng thì đứng vào một hàng với chúng. Tao sẽ hạ luôn cả mày. Cả mày... đấy?” [54]

Con người không chỉ bị tha hóa bởi chiến tranh. Trong cuộc sống, với mỗi con người, hoàn cảnh đều có ý nghĩa nhất định và đôi khi nó làm nên sự tha hóa.

Đi tìm nhân vật (Tạ Duy Anh) đã xây dựng những nhân vật tự biến mình thành nô lệ của cái xấu, cái ác. Đó là “mụ Cúc”- vốn là một cô gái “mơ mộng và lí tưởng, có người yêu đẹp trai”, nhưng năm 14 tuổi ra phố làm con sen, bị gã chủ hãm hiếp, “bị quăng quật qua hết tay thằng này đến tay thằng khác” từ đó mất đi niềm tin vào cuộc sống rồi trở thành gái điếm và chủ nhà chứa “xấu xí và lố bịch”. Thảo Miên - cô gái thiên thần trong sáng cũng vì chứng kiến cảnh mẹ mình ngoại tình với gã đào giếng mà mất niềm tin khiến cô quyết định bán linh hồn cho quỷ dữ, rồi dẫn thân vào lầu xanh, trở thành một “gái điếm cao cấp, chỉ cặp với những kẻ tai mắt, coi tiền như vỏ hến”. Trong Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng), cô nữ sinh Trình vốn ngoan ngoãn, vì bệnh tật, vì bị bỏ rơi, vì nghèo đói… bỗng trở nên đáo để, chụp giật để trả thù đời. Chỉ vì tính độc đoán và nguyên tắc quá

đáng của ông bố, Núi (Sóng ở đáy sông, Lê Lựu) từ một cậu bé ngoan ngoãn, thông minh, học giỏi nhưng vì hoàn cảnh mẹ mất sớm, lo lắng cho các em mà Núi đã trở thành một tên ăn cắp, ăn trộm. Được rất nhiều sự giúp đỡ của những người tốt, Núi đã trở lại thành một người tốt, nhưng không, một lần nữa chỉ vì cái lý lịch không trong sạch lại xô đẩy Núi trở về con đường tội lỗi. Thời gian cứ thế trôi đi, tưởng chừng như Núi đã giũ bỏ được kiếp giang hồ trở về với cuộc sống làm ăn lương thiện thì việc ăn cắp của Núi một năm trước đó đã một lần nữa đẩy Núi vào tù. Thông qua câu chuyện của Núi, nhà văn muốn nói đến một thực tế: cuộc sống không có tình thương, tình thân cũng sẽ trở thành môi trường khiến con người tha hóa. Nó đặt lại vấn đề “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” (Trịnh Công Sơn).

Xét ở khía cạnh này, những nhân vật cũng bị hoàn cảnh xô đẩy, trả thù cuộc đời bằng một lối sống buông thả, độc ác …. Họ thật đáng thương mà cũng đáng giận. Trong những sáng tác này, nhà văn muốn chúng ta nhìn nhận về môi trường xung quanh mình: cần có một thái độ tỉnh táo. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu trong mỗi con người luôn gay gắt và dai dẳng. Đó cũng là cuộc chiến không bao giờ dứt. Con người vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tha hóa, bị đánh mất chính mình.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 61)