Đây là kiểu bi kịch do hoàn cảnh mang lại cho người. Loại bi kịch này xuất hiện ở những hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử (chiến tranh, cải cách ruộng đất).
Có thể kể đến các nhân vật mang tính chất bi kịch như: Giang Minh Sài trong
Thời xa vắng của Lê Lựu, gia đình thương gia Đức Cường, gia đình Hoàng Kỳ trong Dưới chín tầng trời của Dương Hướng, Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai... Những nhân vật này giúp cho người đọc thấu suốt được con người của lịch sử đồng thời nó giúp ta chống lại "sự lãng quên của con người" (Kundera).
Với người Việt Nam, chiến tranh là nỗi ám ảnh lâu dài. Nỗi buồn chiến tranh
(Bảo Ninh) đã thể hiện bi kịch trong chiến tranh. Tham chiến, trở thành nạn nhân của lịch sử. Kiên là một loại nhân vật bi kịch: căm ghét cái ác nhưng Kiên có những lúc hành động dã man; yêu Phương nhưng vì hoàn cảnh mà không thể đến được với Phương. Trở về thời bình nhưng quá khứ đã thành sức mạnh ghê gớm kéo anh quay cuồng trong những hồi ức triền miên không dứt, “ngày này qua ngày khác, đêm thâu này thấu đêm thâu kia”. Kiên chính là “nạn nhân của lịch sử”.
Trong Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai đã đặt Hai Hùng trong hai chiều thời gian: hiện tại và quá khứ và đồng thời thực hiện hai cuộc hành trình: một hướng về quá khứ và một hướng vào thực tại để xác minh lại quá khứ ấy. Cuộc gặp gỡ tình cờ với người phụ nữ tưởng có số phận đã chôn chặt cùng quá khứ của anh, bỗng chốc xáo tung tất cả hiện tại. Quá khứ trỗi dậy làm phần đời còn lại của người lính đã bị chiến tranh vắt kiệt trở thành những tháng ngày không yên ả giữa thời bình. Đó cũng là chủ đề mà Chu Lai hướng tới trong tiểu thuyết Vòng tròn bội bạc. Cuộc sống thời bình ác nghiệt đã xô đẩy ba người lính may mắn của cả một đại đội còn sống sót đi theo những ngả đường khác nhau, thậm chí tình cảm đồng đội thắm thiết khi xưa cũng nhanh chóng phai nhạt trước sức cám dỗ của đồng tiền. Con người còn giữ trong mình những tình cảm tốt đẹp của thời đã qua trở thành lạc lõng mà không dám tin rằng mình lạc lõng. Chỉ đến khi bị đẩy ra rìa cuộc sống mới đau đớn nhận ra rằng cả một thế hệ như mình hăng say lao vào cuộc chiến vinh quang mà quên chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết khi ra khỏi cuộc chiến để bước vào đời thường; cứ tưởng đời thường thì bình dị ai ngờ lại lắm bão dông đến thế! Vì thế, quá khứ luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi, quá khứ đeo đẳng suốt cuộc đời họ.
Con người bi kịch còn là người đánh mất mình ngay cả trong những suy nghĩ, ước muốn, khát khao chính đáng và đời thường nhất. Điều gì đã khiến Giang Minh Sài (trong Thời xa vắng) nhanh chóng phục tùng, chấp nhận trước những áp đặt của gia đình, họ hàng, đơn vị? Để rồi phải thốt lên: “Giá ngày ấy em cứ sống với tình cảm của chính mình, mình có thế nào cứ sống như thế. Không sợ ai, không chiều theo ý ai, sống hộ ý định người khác, cốt để cho đẹp mặt mọi người chứ không phải cho hạnh phúc của mình”. Cái “giá như” mà Giang Minh Sài chua chát rút ra ấy là kết quả của cả một đời bi kịch: “nửa đời phải yêu cái người khác yêu”, “nửa đời còn lại đi yêu cái mình không có”. Bản thân là một người thông minh nhưng Giang Minh Sài luôn trói mình vào khuôn phép, cam chịu, không tự quyết định số phận của mình. Khi đã không tự làm chủ số phận, tất yếu Sài rơi vào bi kịch. Bi kịch của Sài là làm những gì người khác muốn.
Còn ở Quy (một nữ du kích) trong Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), suốt từ đầu đến cuối tác phẩm, chúng ta luôn bắt gặp trong cô những dằn vặt, day dứt, những do dự, phân vân bắt nguồn từ sự giằng co giữa ý thức giai cấp và tình người, giữa hành động và suy nghĩ, giữa lý trí và bản năng. Như bao người lính chiến đấu vì Tổ quốc, vì lý tưởng, Quy không bao giờ hối tiếc vì những việc đã làm, “nếu phải sống lại những năm tháng cũ, chắc chắn chị vẫn sống như thế”, “nhưng không hiểu sao chị cứ thấy lòng mình không yên… có một cái gì đó ngoài lý trí bắt chị suy nghĩ, trăn trở”.
Ngoài bi kịch do chiến tranh gây ra, con người chịu bi kịch do những sai lầm trong sự chỉ đạo, tiêu biểu là cải cách ruộng đất.
Gia tộc Hoàng Kỳ (Dưới chín tầng trời, Dương Hướng) giàu có nhờ vào việc buôn bán thuốc lào với các thương gia trong nước và cả những bạn hàng ở nước ngoài. Tuy giàu có nhưng gia tộc Hoàng Kỳ lại sống rất có tình có nghĩa với bà con xóm làng, cống hiến cho cách mạng (Hoàng Kỳ Trung đi kháng chiến). Thế nhưng gia đình này lại là nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất diễn ra ở miền Bắc. Gia đình Hoàng Kỳ Bắc bị quy oan là địa chủ cường hào, việt gian phản động bị đưa ra đấu tố và phải chịu án tử hình, nhà cửa, của cải bị sung công và chia cho nhân dân. Có thể nói, cái bi kịch của gia đình Hoàng Kỳ là do sai lầm của lịch sử đem lại - cái sai lầm mà các nhân vật đều cho là cái "tai nạn" của thời đại.
Tô Hoài trong sáng tác mới của mình Ba người khác đã viết về bi kịch cải cách ruộng đất thật thành công. Nhân vật chính của tác phẩm, giống như nhan đề gồm ba người: Đội trưởng Cự, đội phó Bối, Đình (bộ đội) – những con người cùng không hiểu biết gì về nông thôn, nông dân, nhưng “được tiếng là đánh địch (địa chủ, phản động) giỏi, có thành tích” trong ba đợt cải cách ở Thanh Hóa, được cấp trên tin cậy, điều về tiếp quản một xã ở Hải Dương sau khi quân Pháp rút. Một vùng quê đang yên lành, bỗng chốc chìm ngập trong các cuộc đấu tố, tranh giành, oan khốc, đen tối và đẫm máu... Khi về địa phương, họ bắt mối và tập hợp quanh mình các “rễ”, “chuỗi” u tối, toàn đui, què, mẻ, sứt, nếu không cũng khùng khùng, điên điên... Những hành động của chúng là nguyên nhân gây ra bi kịch cho bản thân chúng. Ba kẻ gây tội ác, cũng phải chịu luật nhân quả, như nhiều chục năm qua, trong dân gian
vẫn lan truyền về thân phận hẩm hiu của những kẻ gieo ác trong cải cách ruộng đất: Đội Cự vào Nam, chiêu hồi, bị đặc công ta giết; Đội Đình và vợ con đi ăn mày rồi tha hương vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng, tiếp tục đeo đuổi giấc mơ trại Đại Đồng hão huyền; Đội Bối bị vợ con bỏ, bật ra lề hè bơm xe... Bi kịch cải cách ruộng đất ở xã nọ kết thúc có hậu. Những nhân vật Cự, Bối, Đình xét ở phương diện nào đó cũng có thể xem là nhân vật bi kịch. Bi kịch của chúng xuất phát từ những ham muốn của cá nhân về quyền lực. Điều này khiến chúng trượt dài trong sự tha hóa và dẫn đến kết cục đầy đau khổ.
Những bi kịch trên đây đã cho thấy: có một thời chúng ta quá cứng nhắc, không hề chú ý đến con người như một giá trị, một con người bình thường với những mong muốn giản dị. Con người trở thành một bộ phận của tập thể, có nhiệm vụ hi sinh, phục tùng tập thể. Loại nhân vật này thể hiện sâu sắc nhu cầu nhận thức lại lịch sử. Số phận bi kịch của cá nhân đã mang đến cho chúng ta những bài học trong cách nhìn nhận và đối xử với con người.