Từ nhân vật đơn bình diện đến nhân vật đa bình diện.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 49)

Chiến tranh đã khiến tâm lí, ý thức của cả dân tộc chỉ tập trung vào một mục tiêu. Con người dù ở bất kì cương vị nào cũng được xem xét trong mối quan hệ với cuộc chiến: Anh hùng hay kẻ phản bội. Họ được nhìn nhận ở khía cạnh con người xã hội với những nét tâm lí, tính cách dễ thấy, dễ cảm nhận. Nhiều nhân vật mới chỉ được quan sát trên bình diện chính trị mà không được quan sát trên bình diện luân lý - xã hội hoặc bình diện triết lý lịch sử, để qua đó soi sáng những khía cạnh tinh thần, đạo đức của nhân vật. Nghệ thuật xây dựng nhân vật thường xoay quanh mục đích thể hiện cái xấu, cái tốt của nhân vật trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Thế nên, thế giới nhân vật được phân tuyến rõ ràng. Quan niệm mới về hiện thực và con người đã làm thay đổi cách thể hiện nhân vật sau 1975, đặc biệt sau 1986. Nhân vật không còn được xem xét trên một bình diện mà thay vào đó, có nhiều bình diện khác thể hiện con người, nhiều bình diện tồn tại trong một con người.

Bài viết của ThS. Hoàng Cẩm Giang về Vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI [20] đã tổng hợp các bình diện miêu tả nhân vật.

Cấp độ tâm lý – tính cách: Tiềm thức, vô thức, bản năng hay ý thức, tư tưởng...

Cấp độ thân phận – hành động: Nạn nhân, chứng nhân hay chủ thể của lịch sử.

Cấp độ chức năng tự sự: Người kể chuyện, nhân vật, người đọc, hay tác giả của chính truyện kể.

Nhưng theo chúng tôi, vấn đề nhân vật của tiểu thuyết thời kì đổi mới nằm ở hai cấp độ: Tâm lý - tính cách và thân phận - hành động. Hai cấp độ này có khi tách biệt, có khi đan cài trong cách xây dựng nhân vật của nhà văn.

Ngay những tác phẩm đầu tiên như Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng),

Thời xa vắng (Lê Lựu), Người đàn bà trên đảo (Hồ Anh Thái), Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai) các nhân vật

đã được xây dựng ở cả cấp độ tâm lí - tính cách và cấp độ thân phận – hành động. Nhân vật được nhìn nhận trong những ước muốn bản năng về tiền bạc, về tình yêu, tình dục. Nhân vật cũng nhận thức lại lịch sử như như một nạn nhân, một chứng nhân của chiến tranh. Lý (Mùa lá rụng trong vườn), Ba Sương (Ăn mày dĩ vãng) ít nhiều đã được miêu tả trong những ham muốn bản năng về tiền tài – địa vị; Giang Minh Sài (Thời xa vắng) vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân của lịch sử; Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) đan cài ở bình diện là chủ thể, nhân chứng đồng thời là nạn nhân lịch sử song hành cùng những khát vọng bản năng, ở tầng ý thức và vô thức…

Như thế, rõ ràng nhân vật được nhìn nhận ở nhiều bình diện, trở nên phức tạp và khó hiểu, khó đánh giá và cả khó tiếp nhận. Đồng thời, chính việc xây dựng nhân vật ở nhiều bình diện đã khẳng định tài năng của nhà văn.

Tiểu thuyết đến gần với thế kỉ XXI với việc tiếp cận ngày càng sâu sắc với những kĩ thuật tiểu thuyết hiện đại càng trở nên đa dạng hơn trong cách xây dựng nhân vật. Các nhân vật trong Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), Thoạt kì thủy, Ngồi (Nguyễn Bình Phương), Đi tìm nhân vật, Giã biệt bóng tối (Tạ Duy Anh),

Xuân Từ Chiều (Y Ban), Pari 11/8, Vân Vy (Thuận) … ngày càng được khám phá và thể hiện ở góc độ tâm lí. Cái tiềm thức, vô thức ngày càng được khai thác một cách triệt để và hiệu quả. Các giấc mơ đi vào tiểu thuyết ngày càng nhiều, những đoạn viết không thuộc về ai và kiểu “nhân vật trong truyện viết truyện” xuất hiện cũng không ít. Cũng trong các tác phẩm này, yếu tố bản năng xuất hiện như một dụng ý rõ ràng, không che giấu. Tình yêu gắn với tình dục xuất hiện nhiều trên các trang viết. Nhiều đến mức, người ta cảm tưởng như nếu thiếu điều đó, tác phẩm sẽ mất đi một phần giá trị. Thực tế, việc thể hiện sex trong tiểu thuyết mang nhiều ý nghĩa và một ý nghĩa quan trọng là thể hiện khát vọng hạnh phúc chính đáng của con người. Trong Vân Vy (Thuận), tình dục được miêu tả khi Vân, Vy gặp nhau; thậm chí ngay cả khi họ không nhìn thấy nhau (trong giấc mơ, qua điện thoại) - một thứ tình dục tưởng tượng nhưng đều thể hiện khát vọng yêu và mong muốn được yêu của họ. Tiệp trong Gia đình bé mọn thấy rõ việc quan hệ với Đính và với chồng cô hoàn toàn khác nhau, ở đó, Tiệp nhận ra đâu là tình yêu đích thực. Nói một cách

khác, tình dục phần nào thể hiện một thứ tình yêu chân thành.

Không dừng lại ở đó, tiểu thuyết tiếp tục đi sâu khám phá con người ở góc độ tâm linh. Rất nhiều tiểu thuyết ra đời xây dựng nhân vật ở góc độ tâm linh, tiêu biểu phải kể đến Giàn Thiêu (Võ Thị Hảo), Mẫu thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh). Những nhân vật trong các tác phẩm trên đều được thể hiện ở bình diện nạn nhân của lịch sử và ở khía cạnh con người tâm linh. Từ Lộ - Từ Đạo Hạnh – Lý Thần Tông (Giàn thiêu), xét về bản chất cũng là nạn nhân của thời điểm đó cho dù trải qua ba kiếp người. Chàng thanh niên Từ Lộ hào hoa bỗng chốc trở thành kẻ không nhà vì gia đình là nạn nhân của quyền lực. Tiếp tục, Từ Lộ trở thành nạn nhân của sự trả thù, bỏ cả cuộc đời vì mục đích trả thù. Sang kiếp sống khác, Từ Lộ trở thành thiền sư Từ Đạo Hạnh danh tiếng song rốt cuộc không đến được cõi niết bàn mà lại tham dự vào cuộc đời trong một vai trò khác – Lý Thần Tông. Ở kiếp người này, Lý Thần Tông, giống như các đấng, bậc, cuộc sống đầy những ham muốn, hưởng lạc … để rồi dẫn đến kết cục bi kịch. Hồ Quý Ly trong thực tế là đối tượng chịu đựng nhiều sự khen chê cũng là một kiểu nạn nhân của lịch sử, một số phận bi kịch. Cuộc đời mỗi nhân vật (bà Tổ cô, cô Mùi, Nhụ) trong Mẫu thượng ngàn mang đến bức tranh rộng lớn nền văn hóa Việt – văn hóa Mẫu, một khía cạnh tâm linh mới mẻ đối với nhiều người Việt. Ở góc độ khác, các nhân vật được xây dựng trên nhiều bình diện.

Khi được nhìn nhận ở nhiều bình diện, khái niệm nhân vật dường như có sự thay đổi, đặc biệt trong những tiểu thuyết gần đây. Nhân vật đôi khi là một kí ức, một mảnh tâm trạng; nhân vật có những yếu tố dị biệt, kì ảo. Nhìn chung, đây là kiểu nhân vật hầu như bị “làm dẹt” [1], bị “tẩy trắng” mọi đường viền lịch sử (về mặt tiểu sử hay tâm lý-tính cách) chỉ còn là một cái tên, một thứ ký hiệu – biểu tượng: nhân vật “bào thai” trong Thiên thần sám hối, “hắn” trong Chinatown; Kim trong Ngồi; “con cú” trong Thoạt kỳ thủy, những hồn ma trong Người đi vắng nhân

vật được kí hiệu: homo A, homo Z (Thiên sứ, Phạm Thị Hoài); là N, B, (Vân Vy, Thuận). Nhân vật được gọi một cách phiếm định: thằng bé lang thang, Kẻ ẩn mình trong bóng tối, Gã đào mỏ (Giã biệt bóng tối, Tạ Duy Anh)… Đa phần trong số họ hiện diện trong hình hài của những ký ức, không diện mạo, không lai lịch, thậm chí,

có nhân vật chiếm vị trí quan trọng trong tác phẩm song thực tế chỉ là tiếng nói vang vọng trong tâm tưởng của những nhân vật khác (Nỗi buồn chiến tranh, Giàn thiêu, Vân Vy, Giã biệt bóng tối, ….)

Nhân vật đa bình diện mang trong mình những cách tân của tiểu thuyết ở cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Nó mang đến nhiều cách biểu hiện về con người; tìm hiểu, lí giải được những tiềm ẩn trong tâm lí, tính cách con người; minh chứng rằng tiểu thuyết vẫn là thể loại có ưu thế trong việc khám phá và thể hiện con người.

Trong chương hai, bằng việc chỉ ra một số đặc điểm nổi bật trong thế giới nhân vật tiểu thuyết thời kì đổi mới. Xuất phát từ những tiền đề chúng tôi đã đề cập đến ở chương 1, thế giới nhân vật tiểu thuyết thời kì này có nhiều điểm khác biệt với giai đoạn trước. Nhân vật được nhìn nhận ở góc độ cá nhân với tất cả các vấn đề đời tư trong sự đa dạng, phức tạp của tính cách. Không còn là những tính cách đơn phiến, dễ được cảm nhận, đánh giá; nhân vật thời kì này đan xen, tổng hòa của nhiều tính cách: tốt – xấu, cao cả - thấp hèn; … Vượt thoát cái nhìn một chiều, các nhà tiểu thuyết đi sâu khám phá cuộc sống và con người bằng cách xây dựng nhân vật trên nhiều bình diện. Không còn những nhân vật được nhìn nhận ở một bình diện chính trị - xã hội, các nhân vật được mở rộng sang những bình diện mới, đi sâu vào thế giới đầy bí ẩn của tiềm thức, vô thức, của cái bản năng, thám hiểm vào thế giới tâm linh. Mặt khác, bằng hệ quy chiếu mới, nhân vật trong mối quan hệ với lịch sử có thể là chủ thể, là nhân chứng nhưng cũng có khi là nạn nhân. Một trong những thành tựu nổi bật của nhân vật tiểu thuyết thời kì này chính là sự phán xét cá nhân đối với lịch sử (cả nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử). Song hành với điều đó, con người nhận thức lại chính mình. Có thể nói, nhân vật tiểu thuyết thời kì này ngoài sự nhìn nhận mang tính tổng thể và toàn vẹn còn được thử nghiệm xây dựng với nhiều kĩ thuật mới mẻ. Điều này chứng tỏ vai trò của nhân vật trong tiểu thuyết nói riêng và trong văn học nói chung trong khám phá cuộc sống và con người.

Chương 3

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 49)