Từ con người lịch sử, cộng đồng đến con người cá nhân

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 39)

Nhân vật trong tiểu thuyết là con người mang bộ mặt của thời đại. Cho nên, văn học không chỉ tìm ra con người thời đại mà còn có những nguyên tắc để tạo nên vẻ riêng biệt cho nhân vật thời đại.

Tiểu thuyết trước 1975 xem con người là sản phẩm của lịch sử. Trước hết, con người là một phần của lịch sử, là phương tiện phản ánh lịch sử. Số phận cá nhân lồng ghép với số phận cộng đồng. Câu chuyện của nhân vật Tnú (Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành) là câu chuyện của một người, một buôn làng nhưng cũng là chuyện của một dân tộc, một đất nước bởi những cuộc đời ấy cùng có sự vận động:

Từ đau thương, mất mát đến thắng lợi. Qua nhân vật chị Sứ (Hòn đất, Anh Đức) chúng ta thấy số phận của đồng bào xứ Hòn trong cuộc chiến chống lại kẻ thù. Các nhân vật: Kinh, Lữ, Khuê, Lượng (Dấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu) đã tái hiện không khí của chiến dịch Khe Sanh nổi tiếng. Anh hùng Núp (Đất nước đứng lên, Nguyên Ngọc) đã mang đến khoảng thời gian đau thương mà hào hùng của người dân Kông Hoa nói riêng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung trước và sau cách mạng. Các nhân vật ấy được xây dựng từ cái nhìn của cộng đồng, là phương tiện để tác giả chuyển tải những vấn đề của dân tộc.

Vì nhân vật phản ánh lịch sử nên họ thường được xây dựng bằng bút pháp sử thi với giọng điệu ngợi ca. Các nhân vật này đều mang tính điển hình. Có nhân vật là thực tế ngoài đời, có nhân vật là sản phẩm sáng tạo. Nhưng dù có thực hay được sáng tạo thì họ cũng là những con người có sức đại diện cho cộng đồng. Họ được khám phá chủ yếu ở bình diện xã hội, con người trong thế giới đó là những cấu trúc nguyên khối đặt trong những ngăn loại hình xác định (nếu có nhắc đến vấn đề cá nhân cũng là để tô đậm hơn phẩm chất anh hùng). Nhân vật văn học thường là những mô hình giản đơn, được miêu tả theo nguyên tắc đồng nhất một chiều. Thực tế, nhân vật dù là những người hoàn toàn có thực nhưng khi tham gia vào sự nghiệp lớn lao của dân tộc học đã trở thành đại diện ưu tú, là hình ảnh kết tinh ý chí, vẻ đẹp và sức mạnh của cộng đồng. Cảm hứng ngợi ca, cảm hứng anh hùng khiến nhà văn không khỏi có cảm giác phải cố vươn lên cho gần với tầm của những nhân vật mang tính huyền thoại, do vậy, giữa nhà văn và nhân vật thường tồn tại một khoảng cách mang tính sử thi. Ở nhân vật, từ ngoại hình đến nội tâm đều toát lên sự mẫu mực. Bởi vậy, nhân vật không sống cho mình, không nghĩ cho mình mà chỉ lo cho lợi ích tập thể. Chị Sứ, trong sự thiếu thốn, khó khăn khi bị bao vây ở hang Hòn, dành ca nước cuối cùng của con cho hai chiến sĩ bị thương; trước cái chết vẫn kêu gọi ý chí chiến đấu của mọi người. Trong hoàn cảnh đói ăn, đói mặc, không vải may quần, không kim để dùng, vợ sinh con, Núp vẫn nhận nuôi đứa trẻ mồ côi và không ngừng đi vận động đồng bào chịu đựng khó khăn kiên trì chống giặc.

Thêm vào đó, nhân vật vì là con người lịch sử nên chịu sự đánh giá của lịch sử. Nhiệm vụ chiến tranh mang đến cho văn học sự phân cực trong nhân vật với hai tuyến địch - ta, tốt - xấu rạch ròi. Sở dĩ, các tuyến nhân vật được duy trì là vì tính cách nhân vật gần như không có sự vận động, chuyển hóa. Bởi thế, phẩm chất tốt của nhân vật được duy trì từ đầu đến cuối tác phẩm. Thế nên, bên cạnh việc phản ánh những vận động của nhân vật ở tầm vĩ mô, các nhà văn chưa có điều kiện đề cập sâu sắc đến những “âm trầm nốt lặng” của số phận cá nhân, những khoảng riêng, bí ẩn của tâm linh, nhân cách con người cá nhân .

Sau 1975, bằng việc thay đổi quan niệm hiện thực và con người, văn học xây dựng được nhiều loại nhân vật từ với điểm nhìn của cá nhân. Họ là người nông dân, người trí thức (thầy giáo, nhà văn), người lính giải ngũ, người bình thường với mọi loại nghề nghiệp cũ và mới. Môi trường tồn tại cũng đa dạng: Từ không gian rộng chiến trường đến không gian hẹp của một gia đình. Những mối quan hệ cũng trở nên phức tạp hơn. Đó là mối quan hệ với đồng nghiệp, với bạn bè, với người thân trong gia đình, với giới tự nhiên, với chính bản thân mình. Những quy luật của cuộc sống thời bình đã quy định sự phát triển của văn học. Trong đó, con người đồng nghĩa với sự phức tạp và bí ẩn, mỗi cá nhân trở thành một tiểu vũ trụ. Hành trình của các nhà văn là cuộc tìm kiếm các phương diện tính cách con người. Cùng với sự thay đổi chung của văn học, tiểu thuyết thời kì đổi mới đã khắc phục cách nhìn đơn giản một chiều, áp đặt đối với con người.

Con người cá nhân không còn là phương tiện để thể hiện lịch sử. Nó tồn tại trong ý nghĩa đích thực của nó. Sau 1975, lịch sử được xem là một trong những hoàn cảnh bên ngoài tác động vào con người như rất nhiều các yếu tố khác. Thậm chí, ở một góc độ nào đó, lịch sử là tác nhân tạo nên sự bi kịch, sự tha hóa, sự cô đơn ở các nhân vật.

Con người cá nhân được nhìn nhận ở nhiều góc độ riêng tư. Nếu ở giai đoạn trước, những yếu tố riêng tư thường là những tình huống để nhân vật thể hiện những phẩm chất tốt, tô đậm sự anh hùng của nhân vật thì ở giai đoạn này, những nhu cầu rất cụ thể là yếu tố góp phần thể hiện bản chất của con người. Những chuyện ăn,

mặc, ở, đi lại, quan hệ tình yêu (bao gồm chuyện tình dục) ngày càng xuất hiện nhiều trong tiểu thuyết. Qua cách chuẩn bị bữa cơm cúng Tết mà ta thấy Lý (Mùa lá rụng trong vườn, Ma Văn Kháng) một mặt là người rất tháo vát, đảm đang nhưng cũng thấy sức hút đặc biệt của đồng tiền đối với con người này. Lý coi trọng vật chất, thích một cuộc sống đầy đủ vật chất. Điều này là một trong những nguyên nhân đưa Lý vào sự tha hóa và bi kịch.

Con người cá nhân không còn chịu sự phán xét của lịch sử, chính xác hơn, với việc xóa bỏ khoảng cách sử thi, nhân vật tồn tại trong tính độc lập của nó và không chịu sự phán xét của bất kì lực lượng nào, ngoại trừ bản thân nó. Không chỉ có thế, nó được quyền phán xét đối với các hiện tượng liên quan đến bản thân nó. Tiểu thuyết đương đại có cả dòng tiểu thuyết hậu chiến, tiểu thuyết đề tài nông dân mang tính chất nhận thức lại. Đây được xem là thời kì ý thức cá nhân được đẩy đến cao độ. Cá nhân có thể lên tiếng cho những quyết định của mình. Tiểu thuyết từ xu hướng lấy lịch sử làm trung tâm, làm đích quy chiếu chuyển dần sang xu hướng coi con người là trung tâm, là đích quy chiếu của lịch sử. Thời xa vắng (Lê Lựu), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)… là những tác phẩm đầu tiên sử dụng hệ quy chiếu cá nhân lên lịch sử. Những nhân vật của họ thực hành một cuộc nhận thức lại lịch sử và trong hành trình ấy, họ nhận thức về chính mình. Các nhân vật trong sáng tác trước 1975 ít được thể hiện về mặt thế giới nội tâm, tâm hồn chủ yếu thể hiện qua chân dung lời nói, hành động. Sự đấu tranh trong con người thực chất là sự cá thể hoá cuộc chiến đầu thần thánh của dân tộc trong mỗi con người công dân. Sau chiến tranh, khi lịch sử xã hội chỉ là một trong rất nhiều mối quan tâm của con người thì sự quan sát bên ngoài là chưa đủ. Ở con người bây giờ cũng có một cái gì đó mà chỉ bản thân nó mới có thể khám phá bằng hành động tự do của sự ý thức, bằng lời nói, điều này không thể nào xác định được từ “bên ngoài”, từ “sau lưng con người”. Các nhân vật của Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Y Ban …. được soi chiếu bình dị trong dòng tâm sự, suy ngẫm, độc thoại nội tâm, tự nhận diện mình trong cõi riêng một mình mình biết, một mình mình hay. Khi để nhân vật lên tiếng

về cuộc sống cá nhân cũng là sự thức tỉnh ý thức trong họ. Từ đó, đặt vấn đề nhận thức lại quá khứ, nhận thức chính bản thân mình.

Khi mang trong mình bản chất đa dạng, nhân vật được thể hiện không còn là những mẫu mực lí tưởng xa vời, thuần khiết. Họ được miêu tả chân thực và gần gũi hơn trong ranh giới mỏng manh, mờ nhoà của những “tổ hợp lưỡng tính”, với những khao khát ham muốn đời thường, những yếu đuối, những va vấp thường gặp. Quy trong Chim én bay (Nguyễn Trí Huân) là một nhân cách đẹp với sự dũng cảm, nhân hậu, cũng là một tính cách phụ nữ chân thực trong những yếu đuối và khát khao rất con người. Ông “đại tá không biết đùa” (Đại tá không biết đùa) là một con người dũng cảm, nhiệt thành nhưng lại cực đoan, thái quá, nhiều khi trở thành tàn nhẫn. Trong Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), bên cạnh phẩm chất anh hùng, người lính còn có những khao khát rất đời thường: Nỗi khao khát tình yêu, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ… Đó là những cảm xúc chân thật đầy tính nhân bản của con người mà giai đoạn văn học trước đã không được thể hiện. Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) là một người lính. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh anh vẫn mong muốn tình yêu của Phương. Ngòi bút của Bảo Ninh tái hiện trước mắt ta hiện thực về những con người sống trong thời chiến: họ hút thuốc, đánh bài, tìm kiếm những người phụ nữ … như chứng minh sự tồn tại của mình, cũng là để thoát khỏi nỗi sợ hãi về chiến tranh. Trong cá nhân mỗi con người, không ai là thánh nhân, bởi vậy, nhân vật ở giai đoạn này sẽ là sự phức hợp của cái tốt và cái xấu, cao cả và thấp hèn … cái sang trọng đi liền với cái nhếch nhác, cái trong suốt xen lẫn cái phàm tục.

Không còn kiểu nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, không còn kiểu nhân vật dễ nhận thức, dễ phán xét; quay trở về đời thường, không còn cảm hứng ngợi ca, nhân vật xuất hiện thực hơn, sinh động hơn trong tính toàn vẹn và tổng thể.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 39)