Nhân vật sám hối, tự thú

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 72 - 75)

Trong phần đổi mới quan niệm hiện thực ở trên, chúng tôi đã đề cập đến một ý kiến của Nguyên Ngọc: Không gọi đổi mới mà nói là trở lại. Tinh thần của đổi mới là nhìn lại cho đúng những gì đã diễn ra. Bởi vậy, nhận thức lại là nhu cầu tất yếu. Trong sự nhận thức lại ấy, người ta chú ý đến sám hối, đến tự thú. Cũng cần phải nói thêm rằng, cơ sở cho sự xuất hiện của kiểu nhân vật này chính là sự thức tỉnh của ý thức cá nhân. Sáng tác của Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh,... đều thể hiện rất rõ sự thức tỉnh ý thức cá nhân. Các nhân vật được quyền phát ngôn cho quan điểm của mình bởi những điều đó là trải nghiệm của chính bản thân họ.

Mỗi lần lịch sử bước sang một trang mới, con người lại có nhu cầu nhận thức lại những gì đã xảy ra với bản thân trong quá khứ, nhìn nhận lại quá khứ. Với người Việt Nam, chiến tranh là một nỗi ám ảnh. Chuyển sang thời bình, những người may mắn còn sống sót có cơ hội để nhìn lại quãng đời mình trong quá khứ gắn với chiến

tranh với một điểm nhìn khác.

Nếu trước đây chiến tranh thường được soi chiếu bằng cái nhìn của cộng đồng thì Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) là tác phẩm đầu tiên nhận thức về chiến tranh ở góc độ cá nhân. Với những người lính tham chiến, chiến tranh khiến họ bị tha hóa và tự thú, sám hối là nhu cầu thiết yếu của những con người có lương tri. Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) đã thực hiện một hành trình “đi tìm thời gian đã mất” trong tâm tưởng và thực tế. Chiến tranh được tái hiện bằng hồi ức, bằng những giấc mơ, đeo bám, ám ảnh, trở thành một phần trong sự tồn tại của Kiên. Kiên tự thú đối với những tội lỗi của mình gây ra (những tha hóa của anh trong chiến tranh). Kiên sám hối vì đã ra trận. Hành trình đi tìm những đồng đội đã mất, tìm về quá khứ trong các giấc mơ chính là một hình thức sám hối của Kiên. Quá khứ mãi đeo bám, càng ngày dòng kí ức càng khiến Kiên cảm nhận sức tàn phá và hủy diệt của chiến tranh. Bởi vậy, Nỗi Buồn Chiến Tranh còn là cuốn tiểu thuyết chống chiến tranh. “Nhận diện chiến tranh dưới những góc cạnh bi quan, tàn nhẫn nhất: qua kinh nghiệm mười năm tàn sát, con người học được những gì về lòng nhân ái? về tình người? về nhân tính? Những xa xỉ phẩm ấy, hầu hết đều đã vắng mặt trên thị trường xương máu. Khi phải trực diện với cái chết, chỉ có một chân lý đáng giá và đáng kể: “Miễn là không ngỏm trong mùa khô.” Bảo Ninh đã tìm được một định nghĩa hoang mang và khốc liệt về chiến tranh: “Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người.” [54, tr. 32] Trong các nhà văn đổi mới, Tạ Duy Anh xây dựng được khá nhiều nhân vật tự thú. Tiểu thuyết Lão Khổ đã thể hiện số phận của nhân vật chính “cuộc đời ông Khổ là một bằng chứng cho sự long đong của kiếp người”. Mở đầu tác phẩm là hoàn cảnh lão chuẩn bị ra hầu tòa. Trong những giờ phút ấy, lão mới nhìn nhận lại cuộc đời mình. Biết bao thăng trầm, lúc thăng, lúc giáng, lão trở thành một thứ nạn nhân của lịch sử và cũng là nạn nhân của chính lão. Khi có quyền lực, lão say quyền lực, đánh mất phần thiện trong con người, vô cảm trước những người yếu thế hơn lão. Nhưng vận

đổi sao dời, chính lão cũng phải nếm trái đắng của cuộc đời. Không phải ngẫu nhiên mà Tạ Bông, kẻ thù không đội trời chung với lão Khổ năm xưa, sau 30 năm lưu lạc, trở về gặp lão đã nói: “Ông Khổ ạ, không biết ở tuổi ông bây giờ ông cảm thấy gì. Với tôi, đấy là nỗi cô đơn, sự hãi hùng… Ba mươi năm rồi ông Khổ ơi, nhớ làm gì … Ai chẳng có một thời dại dột làm nên lầm lỗi. Rút cục thì ông có được gì?” [2, tr. 384]

Tiểu thuyết thành công và gây tiếng vang tiếp theo của Tạ Duy Anh là Đi tìm nhân vật, cũng nói đến sự sám hối của con người. Các nhân vật Chu Quý, Tiến sĩ N, nhà văn Bân, Thảo Miên đều trải qua quá trình tự vấn bản thân mình. Chu Quý luôn dằn vặt về tội ác đã hãm hiếp cô gái rồi phải chịu hình phạt khủng khiếp là căn bệnh liệt dương đến suốt đời. Thảo Miên sám hối để trở về với bản chất trong trắng của mình. Còn Tiến sĩ N luôn bị ám ảnh bởi cái chết của “em trai mình”. N sống trong đau khổ, giằng co giữa hai mặt của con người ông, một bên là một tiến sĩ hoàn hảo trước công chúng và vợ mình, một bên là một người con quên cha, quên nguồn gốc, quên quê hương của mình và gián tiếp giết chết em trai mình. Tiến sĩ N lâm vào cuộc khủng hoảng tinh thần trong suốt cuộc đời mình. N tìm cách giải thoát cho mình bằng cách tình nguyện ra chiến trường để tìm kiếm một cái chết nhưng cái chết mà N hướng tới không thực hiện được lại mang tính vụ lợi. N tiếp tục phải sống trong giả dối. Tự sát chính là quá trình sám hối toàn tâm và là cách để Tiến sĩ N trở về sự thuần khiết của tâm hồn.

Nhân vật của Tạ Duy Anh “luôn luôn ở ranh giới thiện-ác. Nhân vật nào cũng luôn luôn bị đặt trong trạng thái lựa chọn-đấu tranh, với xã hội với môi trường, với kẻ thù, với người thân, với chính bản thân mình Không bao giờ họ được phép lựa chọn một lần rồi xong, chưa hết sự kiện này đã có tình huống khác, đời họ vật vã mà nhà văn cũng căng óc ra suy tính, khiến người đọc nói chung là... mỏi” [27]. Nhân vật bị dằn vặt, sống với mặc cảm tội lỗi và ăn năn bằng những phút giây sám hối là tư tưởng nổi bật của cuốn tiểu thuyết Thiên thần sám hối. Có thể nói, các nhân vật ở đây đều là nhân vật sám hối. Kẻ đâm thuê chém mướn, kẻ giết con khi chúng chưa thành người, người mẹ nhân từ... và ngay cả thiên thần cũng là “thiên thần sám hối”.

Cũng trên hành trình hướng thiện, những phạm nhân là người mong muốn sám hối, tự thú hơn ai hết. Các tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú (Hồ sơ một tử , Nháp, Phiên bản) đều có chung môtip những kẻ lầm lạc mong muốn được sám hối, tự thú. Đàn (Hồ sơ một tử tù), sau quãng thời gian sống cùng với Nhung, đã tự nhận thức lại về cuộc đời của mình.Hành vi sám hối của anh chính là việc không bỏ rơi Nhung khi cô bị rắn cắn. Trước khi bỏ trốn, Đàn vẫn bắn súng báo hiệu cho công an biết để cứu Nhung. Sau này vào tù, Đàn cũng yên tâm khi biết Nhung đã có một cuộc sống tốt. Thời điểm này, Đàn như trở về với con người mình trước đây- một chàng sinh viên sống trung thực, muốn tiêu diệt cái xấu, cái ác.

Sự tồn tại của loại nhân vật sám hối, tự thú trong tiểu thuyết thời kì đổi mới một mặt phản ánh hiện thực cuộc đời: sự đổ vỡ của những giá trị, mặt khác, đề cập đến niềm tin, hi vọng vào sự hướng thiện, về những giá trị tốt đẹp của con người. Qua lăng kính một cá nhân, người ta thấy cả xã hội. Những tự thú đó thường được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt miễn nhân vật tự thú là con người biết tự phân tích, có thái độ khách quan đối với mình cũng như đối với chung quanh. Con người đứng trước nguy cơ bị tha hóa hoặc đã bị tha hóa nhưng chưa đánh mất bản thân. Sự tự thú sám hối không hạ thấp họ, trái lại, khẳng định nguyện vọng tốt đẹp là sống lương thiện, quá trình hoàn thiện của con người không bao giờ chấm dứt.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)