5. Kết cấu luận văn
1.3. Hào quang Gatsby cái “tôi” kể
Ở phần này, luận văn đề cập tới cái “tôi” kể - Gatsby nhằm gián tiếp tìm hiểu người kể chuyện xưng “tôi” - Nick đã chia sẻ đặc quyền kể của mình như thế nào. Trước khi thuật lại câu chuyện về Gatsby, người kể chuyện đã nghe ông tâm sự nhiều lần, việc tiếp nhận thông tin từ một cái “tôi” kể khác như vậy hỗ trợ cho quá trình anh ta trần thuật.
Hào quang ở con người Gatsby toát lên trước hết từ cuộc sống giàu sang mà ai cũng nhận thấy: một dinh thự “vĩ đại trên mọi phương diện”, tại khu nhà này “xe hơi đỗ thành năm hàng”, khách khứa “khăn áo lụa là còn quá cả truyện cổ tích” [2, 62]. Gatsby rất tự hào kể với Nick về gia thế và lối
sống xa hoa trong chương IV. Có thể coi hình tượng Gatsby là bước tiếp nối kiểu nhân vật triệu phú trong văn học Hoa Kỳ giai đoạn đầu (1861 - 1914). Nếu thần thoại Hy Lạp gắn liền với những anh hùng, văn học Phục Hưng – hiệp sĩ, văn học Nga quan tâm tới “con người nhỏ bé”… thì các nhà văn Mỹ lại xây dựng nhân vật người giàu, dường như xuất phát từ thực tế đất nước. Khi nội chiến diễn ra, quốc gia này có chưa đầy 100 triệu phú, vậy mà vào lễ kỉ niệm 100 năm ngày tuyên bố độc lập đã xuất hiện hơn 1000. Nước Mỹ đổi thay đến chóng mặt, năm 1900 tổng thu nhập của họ vượt xa vương quốc Anh, “số tiền đủ mua cả người Nga, người Áo và người Tây Ban Nha” [11, 69].
William Dean Howwel, cha đẻ của chủ nghĩa hiện thực Mỹ tạo nên một nhân vật tên là Silas Lapham (The Rise of Silas Lapham): ông làm giàu bằng nghề kinh doanh sơn và muốn đạt được đẳng cấp xã hội qua việc kết thông gia cùng gia đình quý tộc Corey. Trong một tiểu thuyết khác - A Traveler from Altruria, nhân vật của Howwel tuyên bố: “…những người hùng kiểu mới đã bắt đầu được manh nha trong trí tưởng tượng của chúng ta. Không còn nghi ngờ gì nữa, triệu phú là người hùng lý tưởng kiểu Mỹ” [11, 63, 64]. Mark Twain, nhà văn Mỹ lừng danh cũng viết cuốn Thời đại hoàng kim chung với Charles Warner về người giàu và những cách thức làm giàu.
Lớp nhà văn sau này như Theodore Dreiser viết cuốn The Financier thể hiện hình ảnh triệu phú Frank Cowperwood khôi phục vị thế nhờ đầu tư chứng khoán, Scott Fitzgerald sáng tác Gatsby vĩ đại, như chúng ta biết, là hình ảnh vị đại gia sở hữu khu nhà “kiểu vua chúa” vv. Trong số những cây bút ấy, Mark Twain và Scott Fitzgerald đều đam mê kiếm tiền: Mark Twain từng tạm gác tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn để đầu cơ; còn Fitzgerald kí hợp đồng với Hollywood nhằm duy trì
nếp sống nhung lụa. Có lẽ đó cũng là kinh nghiệm giúp họ khắc họa nhân vật người giàu, ta thấy Fitzgerald miêu tả sự hào nhoáng của Gatsby rất sinh động, tất nhiên thông qua lời kể của Nick:
○ “We went upstairs, through period bedrooms swathed in rose and lavender silk and vivid with new flowers, through dressing rooms and poolrooms, and bathrooms with sunken baths.” [1, 98]
“Chúng tôi lên gác, những phòng ngủ rập theo kiểu ngày xưa óng ả trong nhung lụa màu hồng màu tía và tươi mát với những bông hoa mới hái, những phòng áo, phòng chơi bi a, phòng tắm với những bồn tắm xây chìm” [2, 130],
○ “He took out a pile of shirts and began to throwing them, one by one before us, shirts of sheer linen and thick silk and fine flannel… shirts with stripes and scrolls and plaids in coral and apple-green and lavender and faint orange with monograms of Indian blue.” [1, 99]
“Ông lấy một chồng sơ mi và bắt đầu ném từng cái xuống trước mặt chúng tôi, những chiếc sơ mi bằng đũi nguyên chất, bằng lụa dày, bằng vải len mịn, sơ mi kẻ sọc, in hoa và ca rô đủ màu san hô, xanh táo, tím hồng, da cam nhạt, cái nào cũng thêu chữ lồng màu lam Ấn Độ” [2, 132].
Nhưng không chỉ có Nick thuật lại đời sống xa hoa của Gatsby, Gatsby cũng tự kể về bản thân. Cái “tôi” này kể 5 lần, ở chương IV, lần đầu tiên Gatsby tâm sự với Nick, lời kể là lời thoại trực tiếp: “Well, I‟m going to tell you something about my life” (“Thôi được rồi, tôi sẽ kể chút ít về đời mình cho ông nghe đây”); chương VII: Gatsby thuật lại vụ tai nạn, cũng là đối thoại trực tiếp cùng Nick (“He said”). Ba lần khác ở chương VI và VIII, việc Gatsby kể chuyện không diễn ra trực tiếp mà được xác nhận bởi Nick: “He told me all this very much later… He told it to me at a time of confusion” (“Mãi về sau này ông mới kể cho tôi tất cả những chuyện ấy”);
“He talked a lot about the past” (“Ông nói rất nhiều về quá khứ”); “It was this night that he told me the strange story of his youth” (“Chính trong đêm ấy ông đã kể cho tôi câu chuyện lạ lùng về tuổi trẻ của mình”).
Bảng 1.3. Những chuyện Gatsby “kể”
Chương IV Dòng dõi cao quý
Chương VI Quá khứ cơ hàn
Chương VI Nụ hôn đầu với Daisy
Chương VII Vụ tai nạn
Chương VIII Quá khứ cơ hàn
Ta thấy Gatsby kể về cuộc đời đầy hào quang một lần ở chương IV: “Gia đình tôi rất giàu, ở miền Trung Tây - nay thì chẳng còn ai. Tôi lớn lên ở Mỹ nhưng học ở Oxford, vì tất cả các cụ nhà tôi đều học ở đó từ lâu năm rồi”, “tôi sống như ông hoàng Ấn Độ ở mọi kinh thành châu Âu - Paris, Venice, Rome - sưu tầm châu báu, chủ yếu là hồng ngọc, đi săn thú lớn, vẽ vời tí chút” [2,tr95,96]. Trong khi đó, quá khứ cơ hàn được lặp lại hai lần, một lần là hình ảnh cậu thiếu niên James Gatz “bố mẹ chỉ là nông dân nghèo cả đời chẳng đi đâu”, lần kia là chàng sĩ quan “kiết xác tứ cố vô thân”. Ban đầu Gatsby lừa dối Nick nhưng sau đó ông thú nhận sự thật, chứng tỏ nỗi ám ảnh về quãng đời nghèo khổ còn sâu đậm. Dù ông đã dày công sáng tạo một Jay Gatsby tỏa sáng thì nó vẫn tắt ngấm trước lời đả kích của gã thượng lưu Tom: “cái hạng ông làm sao mon men được đến Daisy dù chỉ một dặm xung quanh nhà cô ấy, trừ phi ông đến giao thực phẩm từ lối cửa sau” [2, 184]. Gatsby phải chịu tổn thương nặng nề vì với ông, ánh hào quang đang thu hút Daisy thiêng liêng tới mức giọng ông bỗng nghiêm trang khi kể về nó (His voice was solemn).
Việc Gatsby trở nên giàu sang nhờ những vụ làm ăn phi pháp không hoàn toàn là bịa đặt, song nếu nhìn nhận một cách khách quan, hào quang của nhân vật không đến nỗi quá tầm thường. Ông đã “vượt qua chặng đường dài mới tới được bãi cỏ xanh lam” “giá thuê mười hai hoặc mười
lăm ngàn một mùa” để tỏ ra xứng đáng với Daisy. Hành trình ấy biểu hiện một tình yêu cuồng nhiệt thơ ngây khiến người ta cảm động hơn là trách cứ.
Tuy nhiên, phải dựa vào hai lần cái “tôi” Gatsby kể về quá khứ mới thấy được ánh sáng của ý chí thay đổi vận mệnh (vốn không hiển lộ như ánh sáng của đời sống vương giả): cậu thanh niên Gatz đã xuôi ngược dọc bờ Nam hồ Superior “làm đủ mọi việc để có miếng ăn chỗ ở”, lần lượt làm bếp trưởng, thuyền phó, thuyền trưởng, thư ký cho Dan Cody nhằm tích lũy vốn hiểu biết và kinh nghiệm sống; sĩ quan Jay Gatsby đã chiến đấu xuất sắc trong chiến tranh để được thăng thiếu tá…
Vậy qua ba lần Gatsby kể chuyện, ta thấy hai thứ ánh sáng ở con người này: một hào quang mà nhân vật luôn trưng ra nhằm gây ấn tượng với Daisy, một ánh sáng khác ngầm ẩn, không ai biết ngoài Nick.
► Tiểu kết:
Timofiev nhận định rằng: “…các quan niệm, các biến cố xảy ra, cách đánh giá nhân vật và biến cố đều xuất phát từ cá nhân người kể”, vậy người kể chuyện không chỉ tác động đến riêng tác phẩm mà còn cả người đọc. Về mặt tổ chức kết cấu tác phẩm, với một cốt truyện giả sử là trọn vẹn, người kể chuyện có thể dồn hoặc giãn cách các sự kiện, chẳng hạn dồn phát triển và cao trào vào cùng một chương hay từ phần thắt nút tới cao trào phải qua 3, 4 chương. Lời kể của anh ta cũng dẫn đến cốt truyện hoàn chỉnh hay lỏng lẻo: cốt truyện Gatsby vĩ đại phát triển trọn vẹn nhờ người kể chuyện đã thuật lại đầy đủ, trung thực những sự kiện thay vì phớt lờ chúng như một NKC hão huyền (unreliable narrator); trong khi đó, chẳng hạn cốt truyện
Hai đứa trẻ (Thạch Lam) thì trở nên lỏng lẻo bởi người kể chuyện quan tâm đến những biến thiên tâm hồn hơn là những cao trào, biến cố. Ở một cốt truyện điển hình (đủ thắt nút - phát triển - cao trào - kết thúc), mức độ tham gia của người kể chuyện xưng “tôi” có thể tăng hoặc giảm qua từng
phần; sự tham gia này cũng không đồng nhất với ý thức thuật lại câu chuyện. Về mặt thời gian, tác phẩm đi theo trật tự tuyến tính hay phi tuyến tính cũng phụ thuộc vào người kể chuyện; trong Gatsby vĩ đại, người kể chuyện xưng “tôi” đã kể bốn sự kiện lớn theo thời gian biên niên mà không đảo trật tự. Về quan hệ với độc giả, nếu người kể chuyện khách quan thì thái độ của độc giả là độc lập, ngược lại, có nhiều cách để anh ta dẫn dắt cảm xúc của họ. Trong truyện ngắn Hạnh phúc ngắn ngủi của Macomber, người kể chuyện chỉ miêu tả nhân vật Margaret khóc (The woman cried) nên độc giả sẽ liên tưởng tự do; còn người kể chuyện Nick đã phần nào khiến ta cảm thấy Daisy giả tạo khi anh miêu tả nàng “khóc như mưa gió” (Daisy began to cry stormily).
Mặc dù vai trò của người kể chuyện rất quan trọng song không có nghĩa là luôn luôn tồn tại khả năng biết tất cả mọi việc ở anh ta; thí dụ người kể chuyện xưng “tôi” vẫn bị đánh lừa bởi một nhân vật nào đó. Người kể chuyện ở vị trí trần thuật cao nhất, xuyên suốt tác phẩm song không phải là duy nhất. Trong Gatsby vĩ đại còn những cái “tôi” kể khác (VD: cái “tôi” kể Gatsby) giúp làm rõ hơn các sự kiện của cốt truyện.
Chương 2. Người kể chuyện xưng “tôi” và nhân vật trung tâm