2. Tác phẩm
2.2. Vài nét về cổ tịch của Trung Quốc liên quan tới Việt Nam
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước làng giềng gần gũi, có quan hệ lịch sử lâu đời và khăng khít. Trong quá trình giao lưu lâu dài giữa hai nước, sử sách giữa hai nước đã ghi chép lại rất nhiều những tư liệu về nước bạn của mình. Đặc biệt do mối quan hệ bang giao giữa hai bên, mà hai nước thường xuyên trao đổi sứ thần và liên hệ với nhau. Các vị sứ thần này, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình thường ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe về nước bạn. Đó có thể là những ghi chép về cảnh vật, con người, phong tục, các hoạt động thường nhật, hay thậm chí là cả những sáng tác mà các sứ giả cảm tác trên con đường hành sứ. Từ những ghi chép đó, rất nhiều những thông tin có giá trị quan trọng được khai thác phục vụ cho việc nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, phong tục, địa lý,… và cả mối quan hệ giữa hai nước Việt –
Thù vực chu tư lục – khảo cứu và giới thiệu
Trần Thị Ngọc Thủy 50
Trung. Nếu xét cả quá trình giao lưu, qua lại của hai nước để liệt kê các tác phẩm cổ tịch của Trung Quốc viết về Việt Nam thì có lẽ số lượng phải rất đồ sộ. Theo tác giả Hà Thiên Niên trong bài viết “Lược thuật về thư tịch cổ Trung Quốc qua các thời đại viết
về Việt Nam”, các tác phẩm cổ tịch viết về Việt Nam phần lớn do các sứ giả, hành nhân
viết khi thực hiện nhiệm vụ hành sứ. Đặc biệt là các triều đại Nguyên, Minh, Thanh thì các ghi chép này thực sự nhiều về số lượng, mục đích. Theo bài nghiên cứu Cổ tịch
Hán văn có liên quan tới lịch sử, văn hoá Việt Nam của tác giả Lưu Đức Cường –
nghiên cứu sinh khoa Đông phương Đại học Bắc Kinh Trung Quốc, phân chia theo mỗi thời kỳ thì lại có một số lượng tương đối lớn các cổ tịch ghi chép liên quan tới lịch sử, văn hoá Việt Nam. Trong đó cổ tịch sử thư thời Minh là tương đối nhiều so với các triều đại khác. Cũng nên nhìn nhận rằng những ghi chép của các sứ thần Trung Quốc đã tạo nên nền tảng quan trọng trong sử sách Trung Quốc về Việt Nam, từ đó đóng góp những cứ liệu quan trọng cho việc các học giả Trung Quốc nghiên cứu và tìm hiểu về Việt Nam.
Nội dung mà các sứ thần ghi chép rất đa dạng, phong phú, đề cập tới nhiều lĩnh vực xã hội Việt Nam: Đầu tiên phải kể tới lộ trình giữa trung tâm chính trị của hai nước. Tuy nằm bên cạnh nhau, “núi liền núi, sông liền sông”, nhưng do nhiều yếu tố: giao thông thời cổ có nhiều khó khăn, đường xá xa xôi,.. nên đối với sứ thần Trung Quốc, đi sứ nước Việt quả là lắm gian truân. Về khí hậu: nước Nam được coi là nơi “…xa xôi hẻo lánh, người xưa cho rằng nơi này là đất hoang dã, quái nhân không ở, người hiền không tới, chỉ lo chướng khí hại đến thân.(Thù vực chu tư lục). Hơn nữa đa số cho rằng : “đất này ấm, không có không khí lạnh, mùa đông cũng phải ôm áo mà phe phẩy” (Tống sử, Liệt truyện, ngoại quốc). Chính vì nơi có khí hậu đặc trưng như vậy, nên Việt Nam cũng là xứ sở rất phong phú về sản vật quý và lạ: vàng, bạc, đồng, thiếc, chì, ngà voi, hồ tiêu, sừng linh dương, tê giác, hươu, tinh tinh, ngọc phỉ thúy, quả am la, mít,… (Thù vực chu tư lục)Về phong tục: ấn tượng của các sứ thần thường là về phong tục ăn trầu nhuộm răng của người Việt: “..lúc nào cũng nhai trầu, chỉ có lúc ngủ là dừng thôi. Răng thì nhuộm đen bóng, thấy người có răng trắng lại còn cười lại họ..”
Thù vực chu tư lục – khảo cứu và giới thiệu
Trần Thị Ngọc Thủy 51
(An Nam tạp ký – Lý Tiên Căn), các ghi chép rất chi tiết về lối sống sinh hoạt: “...người
dân coi việc đi chân đất là lệ làng, cạo tóc áo quần như thầy tu nơi hoang dã..” (Thù
vực chu tư lục), “Tóc của họ để dài sau lưng, chải bằng sáp nên không tơi xõa. Chân đi
đất, họ coi đất như là cát sạch vậy. Áo của đàn ông, đàn bà đều không có cổ đứng, rất khó phân biệt, không có quần váy, con gái mặc váy thùng, không gấp nếp,…” (An Nam
tạp ký – Lý Tiên Căn)… Về chế độ quân đội của An Nam cũng được cụ thể về thể chế,
số lượng,.. thậm chí còn đánh giá về mức độ quân đội: “…các ty vệ nội và vệ ngoại, mỗi vệ ty có 6 sở: trung, tiền, hữu, tả, hậu, sủng, mỗi sở có 15 đội, mỗi đội 55 người, thường 6 năm một lần chọn các tráng đinh, những người khỏe mạnh để sung vào quân ngũ, những ngươi yếu thì về với dân…” (Thù vực chu tư lục), “quốc gia coi nhiều voi nhiều lính là mạnh, lấy số lượng đánh giá, voi mỗi con không quá 3000, lính thường giữ số 10 vạn, tương truyền do Phục Ba tướng quân đặt ra lệ ấy. Đi dọc sông quanh thành khoảng 50 – 60 dặm, các chiến thuyền gặp lúc hiểm nguy thì giấu vào bờ…” (An
Nam kỷ du – Phan Đỉnh Quê), …
Tóm lại, có thể thấy, những ghi chép về Việt Nam của các sứ giả Trung Quốc thời bấy giờ là rất chi tiết, tỷ mỉ, thể hiện nhiều mặt trong đời sống xã hội người việt thời trung đại. Tuy nhiên, những sứ thần cũng như những người Trung Quốc từng đến Việt Nam thường quan sát và đánh giá Việt Nam về nhiều mặt theo các quan niệm truyền thống Trung Quốc, chính vì vậy mà cái nhìn còn thiếu khách quan, mang đậm tính cá nhân. Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của những ghi chép này trong việc nghiên cứu về lịch sử, con người Việt Nam. Bởi bên cạnh những đánh giá, những nhận xét đó, còn có những thông tin, những cứ liệu mang tính giá trị cao cho các quá trình nghiên cứu khoa học.