C- MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN 1 Vị trí đặc điểm chính sách tôn giáo dƣới triều Nguyễn:
4. Những mặt tích cực trong chính sách tôn giáo:
Trong khi thi hành chính sách tôn giáo, triều Nguyễn đặc biệt chú trọng vấn đề gây dựng phong hoá. Do đó, những yếu tố tôn giáo truyền thống, những phong tục cổ truyền luôn được nhà nước và luật pháp bảo vệ.
Thờ cúng tổ tiên gắn liền với chữ Hiếu, một nội dung quan trọng của
học thuyết Nho giáo được nhà nước hết sức khuyến khích. Thực ra, thờ cúng tổ tiên vốn là một truyền thống lâu đời gắn liền đời sống văn hoá tâm linh của người dân Việt Nam. Nội dung thờ cúng, không hạn chế trong việc thờ cúng dòng họ Nguyễn, mà triều Nguyễn luôn tỏ ra trân trọng cung kính đối với tất cả các vua quan triều trước, kể từ thời vua Hùng, Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Lê, Trịnh... Việc thờ cúng này khẳng định vai trò chính danh, chính thống của nhà Nguyễn, nó còn có tác dụng khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc trong nhân dân, nhờ đó khối đoàn kết dân tộc được củng cố. Ngoài ra, nó còn góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội, một điều hết sức có ý nghĩa đối với vương triều Nguyễn trong điều kiện xã hội nhân tâm ly tán.
Triều Nguyễn đã vận dụng tốt tôn giáo trong vấn đề phát triển văn hoá xã hội. Như chúng ta đã biết, chính sách độc tôn Nho giáo của triều Nguyễn đã phá đi thế cân bằng của truyền thống tam giáo đồng tôn trong lịch sử.
Song, không nên hiểu điều này theo nghĩa tiêu cực. Hãy thử nhìn vào cách ứng xử của triều Nguyễn với ba tôn giáo này:
Đối với Nho giáo, triều Nguyễn lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng nền tảng để xây dựng một nhà nước quân chủ tập quyền, nhằm có được sức mạnh chuyên chế để nhanh chóng ổn định tình hình chính trị xã hội. Triệt để khai thác chủ nghĩa trung quân để xây dựng chính quyền, thuyết tam cương ngũ thường để xây dựng một xã hội có tôn ti trật tự... Đặc biệt, các vua Nguyễn đã triệt để vận dụng tư tưởng Nho giáo vào việc gây dựng phong hoá trong nhân dân, khôi phục các lễ nghi trong đời sống xã hội, góp phần vào việc gây dựng một xã hội ổn định. Trên cơ sở các giáo điều Nho giáo, Minh Mệnh soạn ra "Mười điều huấn thị", dưới triều Tự Đức tiếp tục diễn Nôm thành "Thập điều
diễn ca" đưa xuống làng xã để phổ biến trong toàn dân.
Đối với Phật, Lão, triều Nguyễn không khuyến khích nhưng cũng không cấm đoán gay gắt. Triều đình tiến hành quản lý kiểm soát các hoạt động tôn giáo và có biện pháp nghiêm cấm dứt khoát các sinh hoạt có tính chất dị đoan, cuồng tín. Việc làm này, xuất phát từ mục đích vừa bảo vệ vị trí độc tôn của Nho giáo, vừa tạo nên một môi trường sinh hoạt tôn giáo lành mạnh. Đặc biệt, Phật giáo đã có được những thành tựu đáng kể về mặt kinh pháp mà thời kỳ trước đó không có.
Như vậy, nhà Nguyễn vận dụng khá nhuần nhuyễn trong cách ứng xử với truyền thống tam giáo. Trong đó, triều Nguyễn đã cương quyết loại trừ các hoạt động tôn giáo mang tính mê tín dị đoan, đồng thời trú trọng đúng mức tới việc phát huy những cái hay, cái đẹp của các sinh hoạt tôn giáo. Nhờ đó một số yếu tố tôn giáo truyền thống và các phong tục cổ truyền của dân tộc đã được gìn giữ và bảo tồn.
Thực hiện chính sách cứng rắn đối với Công giáo, các vua Nguyễn cũng xuất phát từ ý thức bảo tồn những yếu tố văn hoá truyền thống của dân tộc. Như chúng ta đã biết, Công giáo là một tôn giáo độc thần, nó phủ nhận mọi hình thái tín ngưỡng văn hoá bản địa, trong đó có tục thờ cúng tổ tiên và truyền thống tam giáo Nho, Phật, Đạo. Trong chính sách Công giáo, cùng với những biện pháp cứng rắn, triều Nguyễn cũng luôn quan tâm tới việc giáo dục giáo dân. Ngay trong những thời kỳ cấm đạo gay gắt nhất, các vua Nguyễn vẫn luôn kiên trì với biện pháp kêu gọi, giáo dục, giác ngộ giáo dân... Nếu không có những biện pháp này chắc chắn chúng ta sẽ không lường hết được sự phát triển của đạo này sẽ đi đến đâu. Và ảnh hưởng của nó đối với các tín ngưỡng tôn giáo truyền thống sẽ như thế nào. Trong hoàn cảnh các truyền thống văn hoá dân tộc bị đe doạ bởi sự xâm nhập của yếu tố văn hoá ngoại lai, có thể coi đây là hành động tự vệ cần thiết.